Người kể chuyện chân thực: Nhà soạn nhạc opera Giuseppe Verdi
Không chỉ mang tính giải trí đơn thuần, các vở opera của nhà soạn nhạc Giuseppe Verdi còn gợi lên chiều sâu trong cảm xúc con người.
Đức Phật từng dạy rằng “giữa một đống rác nhớp … chỗ ấy hoa sen sẽ nở” (on a heap of rubbish … the lily will grow). Quả thực, thứ rác mà loài người đã chất đống trên thế giới — bạo lực, bất công, và nghèo đói — lại là mảnh đất mà những người khác lần lượt tạo ra các tác phẩm nghệ thuật siêu phàm, đại diện cho một lý tưởng, một thực tại cao cả hơn chúng ta, những điều đã dẫn lối, và cổ vũ, mang lại cho chúng ta mục đích và ý nghĩa nhân sinh.
Ngày 09 hoặc 10/10/1813, tại ngôi làng nhỏ bé Le Roncole ở nước Ý, nhà soạn nhạc Giuseppe Fortunino Francesco Verdi ra đời, và trên mảnh đất cay đắng của nghèo đói và áp bức chính trị, những hạt giống thiên tài của ông đã bén rễ và nảy nở.
Âm nhạc tự thân nó đã có sức mạnh, và vì thế âm nhạc đã chiếm lấy [tâm trí] cậu bé giúp lễ 7 tuổi Giuseppe, khi cậu lần đầu tiên nghe tiếng đàn organ của nhà thờ chính tòa. Cậu xúc động đến nỗi đứng hình tại chỗ, khiến một linh mục bực bội đẩy cậu thô bạo làm cậu ngã nhào xuống bậc thang chỗ bệ thờ. Sự kiện này đã thúc đẩy ông Carlo Verdi cho con trai mình học nhạc — với chính người cất lên tiếng đàn organ gây ra cú té ngã đó.
Nhà soạn nhạc Verdi và opera
Chỉ 19 năm sau, vở nhạc kịch đầu tiên của ông được trình làng tại La Scala, nhà hát chính của Ý. Đây là một thành công đáng kể nhưng đi kèm là bi kịch. Khi viết tác phẩm đầu tay này, chàng trai trẻ Verdi phải chịu đựng sự qua đời của hai cô con gái nhỏ, và không lâu sau khi tác phẩm hoàn thành, vợ của ông, người bạn thân nhất và là nguồn cảm hứng từ thời thơ ấu của ông, cũng qua đời.
Vào thời điểm đó, ông đang có hợp đồng sản xuất một vở hài kịch; đây là tác phẩm duy nhất của ông gặp thất bại hoàn toàn. Ông sẽ không bao giờ tha thứ cho công chúng, những người biết về nỗi đau buồn của ông nhưng lại la ó và rít lên chế giễu trong buổi ra mắt. Ban đầu, nỗi sầu khổ khiến ông nguội lạnh. Năng lực sáng tác của nhà soạn nhạc bị tắc lại và ông quyết định không bao giờ viết một nốt nhạc nào nữa, nhưng dự định và quyết tâm có là gì khi Thiên Chúa, cuộc đời, hay số phận còn có những an bài khác?
Sau hai năm, những tố chất thiên phú đã ngủ quên của ông Verdi hồi sinh. Một mùa xuân rực rỡ, một mùa hè bội thu, và một thời kỳ hoàng kim của những tác phẩm vĩ đại theo sau.
Vở ‘Nabucco’
Vở opera thứ ba và thành công vang dội đầu tiên của ông có được là nhờ lòng tốt của ông bầu Bartolomeo Merelli của nhà hát La Scala, người đã nhận ra tiềm năng to lớn của nhà soạn nhạc này. Trong những ngày im lặng ảm đạm đó, ông Merelli thỉnh thoảng đề xướng những chủ đề khả dĩ cho một vở nhạc kịch mới. Một chủ đề hoàn hảo — đúng lúc, gây xúc động, và dễ kích động về mặt chính trị — đã xuất hiện.
Vào thời điểm đó, nước Ý đang tham gia vào một cuộc chiến ác liệt để giành độc lập từ Pháp và Áo, và mặc dù vở “Nabucco” kể câu chuyện trong Kinh Thánh về cuộc chinh phục Jerusalem của người Babylon, nhưng sự tương đồng với cuộc đấu tranh hiện tại là quá rõ ràng đối với công chúng nước Ý.
Truyền thuyết kể rằng, trong màn thứ ba của vở opera này, khi người Israel hát lên trong cảnh lưu đày “Hỡi đôi cánh vàng, hãy chở mong muốn của tôi bay xa. … Gửi lời chào đến dòng sông Jordan, và những tòa tháp đổ nát của Zion,” hiệu ứng tạo ra thật thần kỳ. Tiếng reo hò huyên náo khắp La Scala. Buổi biểu diễn không thể tiếp tục. Ông Verdi được khán giả cõng trên vai đi khắp các con phố gần đó và đưa về nhà hát. Đoạn điệp khúc lại được cất lên, tiếng tung hô lặp lại, sau đó là chuyến đi thứ hai quanh quảng trường nhà hát. Đoạn điệp khúc “Va, peniero” được mọi người Ý biết đến, đã trở thành quốc ca của “Risorgimento,” phong trào đấu tranh cho độc lập và thống nhất nước Ý.
Cho dù vở opera của ông Verdi thành công hay tương đối thất bại, và ông sáng tác rất nhiều, nhưng các tác phẩm của ông chưa bao giờ mang tính giải trí đơn thuần. “Tôi muốn [sáng tác] nghệ thuật dưới bất kỳ hình thức nào nó [có thể] biểu lộ, chứ không phải là giải trí,” ông viết cho nhà soạn nhạc người Pháp Camille du Locle.
Trong tác phẩm Phê Bình Óc Suy Xét (Critique of Judgment), triết gia người Đức Immanuel Kant đã viết: “Nếu mỹ thuật không thấm đẫm lý tưởng đạo đức thì đó chỉ có thể là trò giải trí phù phiếm.” Các yếu tố đạo đức về lòng trắc ẩn, sự tha thứ, nói lên sự thật, và vượt lên nỗi tuyệt vọng thực sự là động lực đằng sau mỗi tác phẩm của Verdi.
Vở ‘Rigoletto’
Âm nhạc, bằng sức mạnh kỳ diệu của nó, có thể chuyển hóa một ý tưởng thành cảm xúc. Khi nghe vở “Rigoletto,” người ta cảm nhận sâu sắc ý tưởng rằng mọi người, dù giàu hay nghèo, xinh đẹp hay giản dị, đều quý giá trong mắt Chúa. Lòng thương xót dành cho hai tâm hồn yếu đuối, chịu đựng đau khổ dưới hành vi tệ hại của kẻ có đặc quyền, đánh thức trong chúng ta, ít nhất trong giây lát, loại cảm xúc chắc chắn sẽ mang lại hòa bình cho thế giới hỗn loạn này nếu nó có thể giữ được lâu dài.
Vở “Rigoletto,” đỉnh cao ở giai đoạn giữa cuộc đời của ông Verdi, là một tác phẩm gần như hoàn hảo. Vở opera này khiến chúng ta có cảm tưởng rằng bất chấp mọi nỗ lực trí tuệ, vẫn có điều gì đó về tác phẩm này vượt xa toàn bộ tầm hiểu biết của chúng ta, đó vẫn mãi là một bí ẩn. Vẻ đẹp đặc trưng trong nghệ thuật của ông Verdi, giai điệu thăng hoa, sự ấm áp, tinh thần hào sảng, và sự chân thành trung kiên của tác phẩm có lẽ chứa đựng sức mạnh truyền cảm sánh ngang với nhà soạn nhạc Bach hay Beethoven vĩ đại, tuy chưa bao giờ vượt qua [họ] trong truyền thống âm nhạc của chúng ta.
Vở ‘Aida’
Vở “Aida,” được hoàn thành vào năm nhà soạn nhạc 58 tuổi, có lẽ không chỉ là kiệt tác vào giai đoạn cuộc đời về sau của ông mà còn là đỉnh cao của thể loại opera. Các nhân vật, không giống như hầu hết các anh hùng và nữ anh hùng trong quá khứ, trở nên rất sống động nhờ ca từ giản dị và vẻ đẹp siêu việt của âm nhạc. Câu chuyện có diễn biến hấp dẫn với từng sự kiện nối tiếp nhau dẫn đến một kết cục tất yếu, và dường như không thể bỏ đi hay thêm vào một nốt nhạc nào để làm tăng độ kịch tính của nó.
Tất nhiên, kịch tính và phô trương là một phần của thể loại này, và những yếu tố này có rất nhiều. Có các cuộc diễn hành, khiêu vũ, chơi kèn, và hợp xướng. Ngoài ra, buổi ra mắt còn có sự tham dự của “tầng lớp thượng lưu” hào nhoáng, các quan chức và nhân vật nổi tiếng đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng vị khách danh dự, không được chú ý nhất, chính là sự thật.
Câu chuyện có thật cách đây hàng ngàn năm kể lại mối tình định mệnh giữa một chàng trai và một cô gái khi đất nước của hai bên đang có chiến tranh. Việc họ là những nhân vật nổi bật, [cô gái là] con gái của một vị vua và [chàng trai là] người chỉ huy quân đội, không mấy quan trọng. Điều quan trọng là tình yêu của họ dành cho nhau, mạnh mẽ hơn các chính phủ và thẩm phán đã cướp đi mạng sống của họ nhưng không thể giết chết tình yêu giữa hai người.
Vở ‘Te Deum’
Hai tác phẩm cuối cùng của ông Verdi là các vở opera tôn giáo. Ông luôn là một người có đức tin và tất cả các tác phẩm của ông, ngay cả vở “Falstaff,” về căn bản đều mang tính tôn giáo. Vở “Te Deum” (“Chúa ơi, chúng con ca ngợi Chúa”) là một bài hát tạ ơn và cầu nguyện cho sự cứu rỗi. Tác phẩm phản ánh thế giới quan của nhà soạn nhạc: rằng cuộc sống là một phước lành và một điều kỳ diệu, cuộc sống thật đẹp đẽ mặc dù thường bất công và tàn nhẫn, và rằng “Đấng Phán Xét sẽ đến” (“Judex Venturus”) và công lý sẽ được thực thi.
Nhà soạn nhạc Giuseppe Verdi là một trong những nghệ sĩ vĩ đại và có tầm nhìn xa của chúng ta, nhưng đến cuối cùng, ông cũng là một phàm nhân, dựa trên cách ông tiếp nhận niềm vui và nỗi buồn. Niềm vui thì dễ dàng, nhưng nỗi buồn thì khó chịu đựng, một chén đắng mà tất cả chúng ta đều phải uống. Sự cầu viện của chúng ta, sự cầu viện của ông Verdi, con đường duy nhất mà bất kỳ ai trong chúng ta dù vĩ đại hay tầm thường đều sở hữu, là dâng lên lời cầu nguyện của mình, và mỗi người theo cách riêng của mình sẽ chuyển hóa những nỗi đau đó thành một điều khác — điều gì đó tốt lành, đẹp đẽ hơn.
Gợi ý thưởng thức
Chúng ta sẽ không bao giờ biết được nhà soạn nhạc Bach hay Beethoven đã biểu diễn như thế nào, nhưng chúng ta hoàn toàn biết rõ cách ông Verdi muốn âm nhạc của mình được chơi và hát lên. Nhạc trưởng vĩ đại Arturo Toscanini, người chơi cello trong dàn nhạc do ông Verdi chỉ huy, đã hướng dẫn ông cho buổi ra mắt vở “Te Deum” ở Ý.
Bạn hãy tìm các bản ghi âm trực tiếp, có sẵn dễ tìm, của nhạc trưởng Toscanini chỉ huy cả vở “Te Deum” và Màn 4 của vở “Rigoletto” với giọng nữ cao tài ba Zinka Milanov. Chúng ta cũng có thể thưởng thức giọng của bà Milanov cùng giọng nam cao Jussi Bjoerling trong các bản thu âm được một nhà phê bình gọi là phiên bản “Aida” quý tộc. Ngoài ra còn có màn trình diễn “Va, peniero” lay động lòng người do nhạc trưởng Lamberto Gardelli chỉ huy.
Minh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times