Điều gì giúp các cặp vợ chồng cùng nhau vượt qua đại dịch?
Nghiên cứu cho chúng ta thấy đại dịch đã ảnh hưởng đến các mối quan hệ lãng mạn của chúng ta và đồng thời chỉ cho ta cách để luôn gần gũi nhau hơn.
Các lệnh bắt buộc ở nhà và các biện pháp gián cách xã hội của đại dịch COVID-19 đã chia cắt chúng ta với bạn bè và gia đình chúng ta. Nhưng chúng còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ của chúng ta như thế nào?
Nghiên cứu mới chỉ bắt đầu kể về những câu chuyện mà các cặp vợ chồng đã sống với nhau như thế nào trong đại dịch và những câu chuyện đó vẫn đang tiếp diễn — 16 tháng đã trôi qua trong khi các ca số nhiễm vẫn còn đang gia tăng lên trên toàn thế giới.
Ví dụ, vào tháng 03/2020, nhiều địa phương Trung Quốc đã chứng kiến sự gia các vụ ly hôn.
Nhưng còn có một câu chuyện khác: Vào mùa xuân năm 2020, trên thực tế, số đơn đăng ký kết hôn cũng gia tăng ở Vũ Hán; Và 53% người Trung Quốc được khảo sát cho biết mối quan hệ lãng mạn của họ có cải thiện đáng kể từ khi đại dịch bùng phát.
Trong khi đó, các phát hiện khác nhau về việc liệu những người đã kết hôn hạnh phúc hơn hay tồi tệ hơn những người độc thân trong thời gian COVID.
Dành cả ngày, và dành mỗi ngày với người bạn đời của bạn có thể lý do khiến cho mối quan hệ gần gũi hơn hoặc xa cách hơn. Chúng tôi vẫn chưa biết tình huống nào phổ biến nhất.
Yachao Li và Jennifer A. Samp viết trong một bài báo năm 2021: “Các cuộc khủng hoảng kéo mọi người lại gần nhau hoặc khiến họ xa rời nhau. Tác động của đại dịch COVID-19 đối với các mối quan hệ vẫn chưa rõ ràng”.
Hơn nữa, cách tốt nhất để các cặp vợ chồng đối phó và giữ kết nối trong những tình trạng này vẫn chưa rõ ràng. Làm thế nào để chúng ta có thể hỗ trợ người bạn đời của mình trong nhiều tháng như vậy, ngay cả khi bản thân chúng ta cũng đang phải đối mặt với những căng thẳng hiện hữu? Làm thế nào mà chúng ta có thể vun đắp niềm vui và sự thân mật khi dường như cả hai có quá nhiều hoặc quá ít thời gian bên nhau?
Các nghiên cứu khi đại dịch mới bắt đầu ở Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc và một số nghiên cứu khác cho chúng ta manh mối về những gì đang diễn ra đằng sau những cánh cửa đóng kín trên toàn thế giới — và những gì chúng ta có thể làm để duy trì tình yêu và sự kết nối giữa một cuộc khủng hoảng.
Cuộc sống lứa đôi trong thời kỳ COVID
Đại dịch xảy đến khiến cho cuộc sống của tất cả mọi người đều bị đảo lộn — bao gồm cả nhịp độ của các mối quan hệ thân thiết nhất của chúng ta. Các cặp vợ chồng phải đối mặt với nhiệm vụ chăm sóc con cái đột ngột trong khi họ phải chuyển sang làm việc trực tuyến tại nhà, bị mất việc hoặc công việc trở nên bấp bênh hơn, tất cả đều phải hứng chịu các mức độ rủi ro khác nhau. Họ cần hỗ trợ nhau vượt qua căng thẳng và sợ hãi.
Trong ba tuần phong tỏa đầu tiên ở Tây Ban Nha, các nhà nghiên cứu đã khảo sát hơn 400 người trưởng thành về mối quan hệ của họ đã thay đổi như thế nào trong khoảng thời gian đó. Một nhóm do Cristina Günther-Bel dẫn đầu đã nghiên cứu hơn 13,000 từ mà những người tham gia đã viết để tìm kiếm các chủ đề liên quan. Họ phát hiện ra rằng 62% số người tham gia xác nhận đã có được một chút cải thiện trong mối quan hệ của họ kể từ có lệnh hạn chế ra đường.
Người ta thường hay nói về việc kết nối lại với nửa kia của họ bằng cách dành nhiều thời gian cho nhau hơn, sống chậm lại và trân trọng nhau hơn. Họ đề cập đến việc nên giao tiếp với nhau nhiều hơn, bày tỏ nhu cầu và cảm xúc của mình với đối phương, và giải quyết những mâu thuẫn mà họ từng có với nhau. Mọi người cùng chung nhau trên chiếc thuyền COVID-19 này, đại dịch đã thúc đẩy và tạo ra tinh thần làm việc theo nhóm để hoàn thành lịch trình, cân bằng nhu cầu của mọi người và hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.
Theo phân tích của họ, các cặp vợ chồng gặp khó khăn hơn trong mối quan hệ của họ khi họ có con cái và phải chăm sóc cho chúng, tuy vậy mọi thứ cũng dần được cải thiện hơn đối với các bậc cha mẹ trong thời kỳ hạn chế đi lại (lockdown) này. Và các cặp vợ chồng trẻ dường như hòa hợp với nhau hơn so với các cặp vợ chồng lớn tuổi. Có một nghiên cứu khác trên người Đức trong độ tuổi từ 14 đến 95 cũng đưa ra kết luận tương tự: Khi mối quan hệ của những người trẻ tuổi được cải thiện trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2020, mối quan hệ của những người lớn tuổi lại có xu hướng tệ hơn.
Tất nhiên, đại dịch cũng không hoàn toàn tốt cho chuyện tình cảm lãng mạn. Ngoài sự gần gũi và trân trọng nhau hơn, các cặp đôi Tây Ban Nha cũng chia sẻ về cảm giác cô đơn và xa cách nhau, căng thẳng và tranh cãi nhiều hơn. Các cặp vợ chồng trẻ ở Hoa Kỳ cho biết họ cảm thấy sợ hãi, tức giận và buồn bã hơn trong mối quan hệ của mình so với khoảng thời gian trước đại dịch. Mâu thuẫn nảy sinh hay có xu hướng ảnh hưởng đến sự kết nối thể xác và tình cảm của các cặp vợ chồng, vì vậy họ thường ít ôm, hôn và có các cử chỉ thân mật với nhau hơn.
Mối quan hệ thậm chí còn căng thẳng hơn đối với những người gắn bó với nhau theo kiểu bấp bênh, những người gặp khó khăn trong việc hình thành mối quan hệ bền vững và an toàn. Những người có bạn đời ở xa và hay lảng tránh cảm thấy ít được hỗ trợ, ít có khả năng giải quyết vấn đề và thiếu cảm giác ở bên nhau. Trong khi những người mà bạn đời cứ hay lo lắng và dính sát theo cũng cảm thấy ít được hỗ trợ và gần gũi nhau khi ở nhà, cũng như gặp nhiều rắc rối và hỗn loạn hơn (như giao tiếp kém và thiếu tình cảm).
Tùy thuộc vào cách mà các cặp đôi gắn bó với nhau, họ có thể cần có thêm không gian cá nhân trong khi bị giam hãm ở nhà bởi lệnh hạn chế ra đường, hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ và trấn an nhưng lại không nhận được, giáo sư Nickola tại Đại học Auckland cho biết.
Nói tóm lại, đại dịch đã khiến cho những mối quan hệ vốn đã khó khăn trở nên tệ hơn.
“[Những khía cạnh tích cực của đại dịch] được phân bố một cách không đồng đều cho những người có nguồn lực và sức mạnh để bước vào thời kỳ đại dịch và không phải đối mặt với các yếu tố gây căng thẳng lớn liên quan đến sức khỏe và việc làm phát sinh từ đại dịch”, Overall cho biết.
Trong khi đó, sự bất bình đẳng ảnh hưởng đến phụ nữ – những người bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi đại dịch do bị thất nghiệp và phải dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc con cái và làm việc nhà — dường như cũng ảnh hưởng đến các mối quan hệ của họ. Theo một nghiên cứu ở New Zealand mà Overall là đồng tác giả, những phụ nữ cảm thấy trong thời gian đại dịch, sự phân công lao động trong gia đình của họ là không được công bằng, họ gặp nhiều vấn đề hơn trong các mối quan hệ và cũng ít hài lòng hơn với bản thân mình.
Làm thế nào để cùng nhau trở nên vững chãi
Khi căng thẳng gia tăng giữa bạn và người bạn đời của mình, bạn có thể sẽ muốn phớt lờ. Rốt cuộc thì, mọi thứ hiện tại đã đủ khó khăn rồi, bạn chắc sẽ chẳng muốn bắt đầu một trận chiến căng thẳng khác với nửa kia đâu. Theo một nghiên cứu vào tháng 04/2020, tránh né đối đầu chính là cách mà mọi người đã làm khi họ cảm thấy COVID đang can thiệp nhiều hơn vào cuộc sống hàng ngày của họ. Tin xấu là khi các vấn đề trở nên phức tạp hơn, thì những người này cũng càng trở nên không hài lòng với nhau hơn.
Li và Samp lập luận rằng đối phó với xung đột là rất quan trọng. Và một bài báo năm 2021 đề xuất một hoạt động có thể giúp ích: hãy cùng nhau nhìn lại. Trong nghiên cứu này, hơn 700 người hiện đang sinh sống ở Hoa Kỳ cùng với đối tác của họ đã thử các hoạt động viết lách khác nhau, trong đó cũng bao gồm việc viết về những xung đột với đối tác của họ từ quan điểm của một bên thứ ba trung lập, cố gắng vượt ra khỏi tầm nhìn của chính họ và xem xét vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau hơn.
Trong hai tuần sau đó, những người được thực hành với kỹ thuật này xuất hiện ít bất đồng hơn, ít mắng nhiếc, đe dọa và lăng mạ hơn trong mối quan hệ của họ so với những người chỉ đơn giản viết về cảm xúc của họ về xung đột hoặc thực hiện các hoạt động viết lách khác. Tất cả những điều này đã khiến cho họ cảm thấy hài lòng hơn trong mối quan hệ của mình hơn.
Có một kỹ thuật đơn giản khác mà bạn có thể thử: Đổ lỗi cho đại dịch.
Một nghiên cứu của Hoa Kỳ đã khảo sát những người sống với bạn đời của họ hai lần, một lần vào mùa xuân năm 2020 và một lần nữa vào dịp cuối năm. Khi người phụ nữ bị căng thẳng, những người đổ lỗi cho đại dịch (thay vì đổ lỗi cho chính họ hoặc người bạn đời của họ) hài lòng hơn với các mối quan hệ của họ và ít tham gia vào các hành vi gây hại cho mối quan hệ hơn, như chỉ trích, xúc phạm và thiếu kiên nhẫn hoặc rời bỏ mối quan hệ. Tuy nhiên, tác động này lại không ảnh hưởng đến nam giới, có thể vì phụ nữ đang trải qua thời kỳ căng thẳng tồi tệ nhất của đại dịch, Lisa A. Neff của Đại học Texas tại Austin và các đồng tác giả của cô suy đoán.
Bên cạnh việc tìm cách đối phó với căng thẳng và xung đột, các cặp vợ chồng cũng có thể cố gắng kết nối và giao tiếp một cách có chủ ý.
Vào năm 2020, các nhà nghiên cứu đã thiết kế một hoạt động kéo dài trong hai giờ về “Nhận thức, Dũng cảm và Tình yêu”. Các cặp vợ chồng Hoa Kỳ tham gia hoạt động này đã cảm thấy gần gũi với nhau hơn và nó kéo dài ít nhất một tuần sau đó, so với các cặp chỉ xem một bộ phim cùng nhau. Hoạt động bao gồm giao tiếp bằng mắt, xem hướng dẫn thiền, viết nhật ký về mối quan hệ và chia sẻ với nhau những gì họ đã viết, gửi nhau những lời cảm kích và chuyện trò hàng tuần với nhau sử dụng những câu hỏi như sau:
- Điều gì đã gây khó khăn cho bạn trong tuần này mà bạn muốn người bạn đời hiểu cho mình?
- Trong tuần qua, lúc nào bạn cảm thấy gần gũi / xa cách nhất với nửa kia nhất?
- Có điều gì bạn đang tránh nói hoặc tránh giao tiếp với nửa kia không?
- Bạn đánh giá cao điều gì về nửa kia của mình trong tuần qua?
- Làm thế nào bạn có thể chăm sóc bản thân tốt hơn?
- Làm thế nào nửa kia có thể trở thành đối tác tốt hơn với bạn?
- Có điều gì khác bạn muốn nói với nửa kia không?
Tất nhiên, có một cách khác để củng cố mối quan hệ của bạn là cố gắng hết mình để hỗ trợ cho đối phương. Trong thời COVID, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người cảm thấy được đối phương hỗ trợ nhiều hơn sẽ biết ơn và ít bị căng thẳng hơn, cảm thấy rõ ràng và tự tin hơn trong việc đạt được mục tiêu chung và mối quan hệ cũng thăng tiến hơn đối với họ.
Làm thế nào để trở thành một nửa kia tử tế thời kỳ đại dịch
Trong bối cảnh này, thì một đối phương biết thông cảm và hỗ trợ sẽ trông như thế nào?
Đối với một nghiên cứu năm 2020, chuyên gia về mối quan hệ Laura Vowels và nhóm của cô đã phỏng vấn 48 người và đã hỏi họ rằng, “Các bạn đã hỗ trợ nhau như thế nào trong thời kỳ đại dịch để hoàn thành được các nhiệm vụ và mục tiêu của mình? Cách mà các bạn hỗ trợ lẫn nhau đã thay đổi như thế nào từ khi đại dịch xảy ra?”
Theo câu trả lời của họ, các đối tác biết hỗ trợ luôn sẵn sàng trợ giúp nửa kia, có tinh thần linh hoạt và làm việc theo nhóm. Khi đại dịch xảy ra, họ tìm mọi cách để chia sẻ không gian văn phòng và phân chia công việc, để mọi người có thể làm những việc họ cần làm. Họ khuyến khích đối tác của mình nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài từ những người khác, như gia đình và bạn bè. Họ đã cung cấp nguồn cảm hứng, sự trấn an, thoải mái và thừa nhận (và họ đã cố gắng không cản trở nửa kia của mình).
“Tập trung hỗ trợ nghĩa là ‘chúng ta cùng tham gia và làm việc cùng nhau để giải quyết những vấn đề chung này’ đảm bảo rằng mọi người không cảm thấy bị gánh nặng bởi nhu cầu của người khác, còn khi bạn nhận được hỗ trợ cũng vậy, bạn sẽ không cảm thấy là mình không có khả năng” Overall chia sẻ.
Một số chiến lược khác mà các cặp vợ chồng đã thử qua trong đại dịch bao gồm:
- Dành thời gian cho nhau: Lập kế hoạch cho các buổi hẹn hò, và cố gắng giao tiếp với đối phương.
- Thiết lập giới hạn: Khắc phục thời gian ở một mình và đảm bảo mỗi người có không gian và sự riêng tư.
- Tập quan tâm: Tử tế và kiên nhẫn trong tương tác của họ với nhau và để ý đến sức khỏe tinh thần của người kia.
Tiến vào cuộc sống hậu đại dịch, hoặc ít nhất là thoát khỏi thời gian bị hạn chế đi lại, Vowels dự kiến sẽ thấy một vòng chuyển đổi và thương thảo khác giữa các cặp đôi. Các cặp đôi sẽ phải cân bằng lại các mức độ rủi ro khác nhau và tìm hiểu xem rằng các ưu tiên của họ đã thay đổi như thế nào trong đại dịch.
Vowels, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Lausanne và là nhà nghiên cứu chính cho Blueheart.io cho biết: “Nếu các cặp đôi thực sự có thể công khai nói về điều đó, thì nó tốt hơn nhiều so với việc họ chỉ giả định rằng mình đang bình thường trở lại, bởi vì đó có thể không phải là suy nghĩ của người kia.
Các nhà nghiên cứu cho biết, đối mặt với một cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19, các mối quan hệ của chúng ta nhất định sẽ phải thăng trầm và thay đổi. Đó là điều bình thường và hoàn toàn có thể dự đoán được. Có thể vào một ngày, chúng ta cảm thấy mình yêu mến và biết ơn nửa kia, nhưng ngay hôm sau lại cảm thấy không thể chịu đựng giọng nói của họ thêm được nữa.
Một số người quyết định chia tay trong lúc những người khác vui mừng quyết định đính hôn với nhau, thì vẫn có nhiều cặp đôi khác – thực trạng của họ có thể nằm đâu đó ở khoảng giữa: có thể là cảm giác thấy gần gũi trở lại, cũng có thể là cảm giác lo lắng và căng thẳng mới phát sinh.
Nếu chẳng may câu chuyện cách ly của bạn không phải là một câu chuyện lãng mạn và ấm cúng, thì bạn vẫn có thể ăn mừng vì các bạn đã cùng nhau vượt qua quãng thời gian này.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: