Đến Hoa Kỳ tìm kiếm tự do – Hành trình băng qua 10 quốc gia của một gia đình người Trung Quốc
Trải qua ba tháng trời ròng rã trên chặng đường tìm kiếm tự do, băng qua mười quốc gia, trong đó có tám quốc gia ở Nam Mỹ, cuối cùng thì gia đình của một chàng trai trẻ người Trung Quốc cũng đã đặt chân đến được mảnh đất Hoa Kỳ.
Đây là một chuyến đi đầy rẫy gian khổ và hiểm nguy. Họ nằm trong số những người di cư vượt qua được rừng mưa nhiệt đới Panama và những dòng sông chảy xiết của cánh rừng này.
Vì giấc mơ tự do luôn thôi thúc, nên anh Tiểu Tôn (Sun Jincai) đã dành cả mùa hè năm 2022 để sắp xếp cho chuyến đi này. Sau khi vượt qua những cửa ải chông gai, cuối cùng cả gia đình anh cũng đã đến được vùng đất mơ ước của họ.
Vùng đất mơ ước của một chàng trai trẻ
Từ năm 13 tuổi, anh Tôn đã khao khát có một cuộc sống tự do ở Hoa Kỳ.
Đó là năm 2001, cũng là lần đầu tiên anh Tôn nghe được một bài hát của ban nhạc rock Beyond ở Hồng Kông nói về một vùng đất tự do, nơi đó không có định kiến và là nơi mà tất cả mọi người — vô luận màu da, chủng tộc, và xuất thân có thế nào — cũng đều được đối xử bình đẳng.
Bài hát kia đã vô tình mang đến cho cậu bé này một ước mơ mà anh cả đời khao khát, đó là được sống ở một quốc gia như vậy. Trong tâm trí anh, chỉ có một nơi duy nhất trên thế giới có tự do và bình đẳng đó là: Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 01/01/2023, anh Tôn đã kể về ước mơ thời thơ ấu của mình, giãi bày về những gian khổ mà anh phải chịu đựng, cũng như tâm sự về việc anh đã phải đánh đổi cả mạng sống của mình để biến ước mơ thành hiện thực như thế nào.
Theo một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, việc nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc Tập Cận Bình quay trở lại với chế độ toàn trị thời Mao Trạch Đông và ba năm phong tỏa nghiêm ngặt vừa qua đã khiến anh Tôn quyết định đào thoát khỏi Trung Quốc.
Trên một dòng tweet hồi tháng 09/2022, anh viết, “Nếu như cơ hội mà ai cũng đều nhìn thấy cả thì đó không còn là cơ hội nữa, khủng hoảng mà ai cũng đều nhìn thấy thì chính là đã không thể thoát khỏi rồi.”
Để tránh cuộc khủng hoảng mà anh đã thấy, Tiểu Tôn tìm kiếm mọi điều có thể để đào thoát từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ, đồng thời sắp đặt một kế hoạch chi tiết và kỹ lưỡng cho cuộc chạy trốn của gia đình anh. Chặng kiểm soát đầu tiên của họ là đặc biệt quan trọng bởi vì chính quyền Trung Quốc không cho phép thường dân đi lại tự do.
Hôm 10/08/2022, anh và vợ mình lên đường cùng với ba con nhỏ để tìm kiếm sự tự do mà họ hằng mong ước.
Họ không biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước, chỉ biết rằng cả nhà họ đều quyết tâm theo đuổi tự do bằng bất cứ giá nào. Anh Tôn và vợ nghỉ việc, sau đó ra đi mà không nói lời tạm biệt với bất kỳ ai, kể cả cha mẹ hai bên, vì họ không muốn cha mẹ can dự vào kế hoạch của họ hay lo lắng cho họ.
Thoát nạn trong gang tấc tại cửa hải quan Chu Hải
Hồi tháng 08/2022, Trung Quốc vẫn bị phong tỏa nghiêm ngặt và không cho phép đi du lịch ngoại quốc.
Anh Tôn nói rằng họ bắt đầu chuyến đi này với tư cách là khách du lịch đến Macao, Trung Quốc, trước đây là thuộc địa của Bồ Đào Nha và hiện tại đang nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc.
Anh Tôn bị chặn lại ở cửa hải quan Chu Hải, một thành phố cạnh Macao.
Để đi qua được, người ta phải quét dấu vân tay của mình tại cửa hải quan. Theo anh Tôn, cửa sẽ tự động mở nếu quá trình quét xác thực rằng người đó có lý lịch trong sạch và có thể đi được.
Nhưng đến lượt anh Tôn, người đã từng đăng trên mạng những quan điểm ủng hộ Ukraine và bị cảnh sát địa phương giam giữ trong vài ngày, thì cánh cửa này đã không mở ra.
Cảnh sát biên giới lập tức tiếp cận và dẫn anh vào một căn phòng nhỏ. Họ đã kiểm tra điện thoại và các tài khoản mạng xã hội của anh nhưng không tìm thấy gì.
Anh Tôn đã xóa toàn bộ kế hoạch đào thoát cũng như các bài đăng phản đối ĐCSTQ của mình. Sau khi thẩm vấn anh trong vòng nửa giờ, cảnh sát đã để anh và gia đình anh rời đi.
Anh Tôn đã từng làm việc tại Campuchia hồi năm 2019. Vào thời gian đó, anh có thể sử dụng Facebook khi đang ở bên ngoài Trung Quốc và cũng nhờ mạng xã hội này mà anh đã đọc được vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Giờ đây anh biết rằng những gì một người họ hàng lớn tuổi đã nói với anh về vụ thảm sát này là sự thật. Nhưng hồi còn ở Trung Quốc, anh đã không tin những gì mà người họ hàng đó nói. Vì sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của chính quyền cộng sản, nên anh không thể biết được bất cứ điều gì về chủ đề này.
Anh nói trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng: “Hệ thống chính trị của Trung Quốc từ trên xuống dưới đều đã mục nát, và công an Trung Quốc chỉ là [những tên xã hội đen] trong bộ đồng phục mà thôi.”
Vợ ngã bệnh ở Ecuador
Theo trù hoạch của anh Tôn, họ sẽ nhận được thị thực hợp lệ đến các quốc gia càng gần Hoa Kỳ càng tốt. Sau đó, họ sẽ đi theo các tuyến đường buôn lậu người trực tuyến từ Nam Mỹ đến Hoa Kỳ.
Theo như anh Tôn cho biết, cả gia đình anh bay từ Macao đến Thái Lan và ở lại Bangkok trong chín ngày. Sau đó, họ bay tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 19/08/2022. Chỉ ở Istanbul, họ mới có thể mua vé phi cơ tới thủ đô Quito của Ecuador. Kế hoạch sau đó là đi về phía bắc từ Quito.
Họ ở lại Istanbul trong nửa tháng cho đến khi anh Tôn mua được vé phi cơ hạng phổ thông đến Quito.
Quito là điểm dừng chân đầu tiên ở Nam Mỹ. Và từ đây gia đình anh có thể đi thẳng theo hướng Bắc để nhập cảnh bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.
Anh Tôn đã tạo một tài khoản Twitter hôm 09/09/2022, và lấy tên tài khoản là “Northbound All the Way” (Phương Bắc thẳng tiến).
Vợ của anh Tôn lâm bệnh ở Quito. Họ lập tức đến bệnh viện, nhưng bác sĩ ở đó đã không thu tiền khám bệnh, chỉ kê đơn để họ ra ngoài tự mua thuốc. Anh Tôn đã rất cảm kích trước hành động này.
Anh Tôn viết trong một tweet hôm 25/09/2022, “Tuy là quốc gia nhỏ bé này không giàu có, thế nhưng người dân ở đây sống một cuộc sống chất phác và giản dị. Họ được giáo dục miễn phí và [chăm sóc y tế] miễn phí. Chính phủ không hề gây phiền toái cho người dân.”
Đi bộ xuyên rừng nhiệt đới Panama
Mặc dù gia đình anh Tôn có thị thực hợp lệ để đến thăm Ecuador, nhưng kể từ đó, họ đã đi du lịch bất hợp pháp.
Họ đã đi qua Colombia, Panama, Nicaragua, Honduras, Guatemala, và Mexico trước khi trèo qua bức tường biên giới giữa Mexico và Hoa Kỳ và đặt chân lên mảnh đất Hoa Kỳ.
Phần nguy hiểm nhất của cuộc hành trình này là chuyến đi kéo dài năm ngày băng qua khu rừng nhiệt đới Panama, nơi đó đã trở thành tuyến đường buôn người chính cho những người di cư muốn bắt đầu cuộc sống mới ở Hoa Kỳ. Tất nhiên là cuộc sống tươi đẹp đó chỉ dành cho những người may mắn sống sót sau chuyến đi bộ xuyên rừng này.
Chuyến đi bộ dài ngày này đối với người lớn đã là một thử thách, chưa kể anh Tôn còn có ba đứa con nhỏ đi cùng ở độ tuổi 6, 9, và 11. Chặng đường dẫu gian nan, nhưng ba người con của anh cũng đã theo kịp người lớn và thoát khỏi khu rừng này.
Hôm 03/10/2022, anh Tôn cho biết anh nhìn thấy gần 600 người gần khu rừng rậm bên ngoài Acandi, một thị trấn ven biển ở Colombia. Cả đoàn này chỉ có mỗi nhà anh Tôn là người Trung Quốc.
Khu rừng này rất ẩm ướt. Mọi người phải lội bùn và đôi khi là lội qua sông hoặc có những vùng nước quá sâu, họ sẽ phải băng qua bằng dây thừng. Ngẩng đầu lên sẽ không thể nhìn được bầu trời, xung quanh họ chỉ toàn những cây đại thụ với tán lá xum xuê.
“Hãy nhìn xem, những người Nam Mỹ đang đi bộ cùng con của họ,” anh Tôn nói trong một đoạn video mà anh đã quay những người bạn đồng hành của mình. Anh đã đăng tải đoạn phim này lên tài khoản Twitter của mình và nói thêm rằng, “Không gì có thể ngăn cản khát vọng tự do của chúng ta.”
Anh đã ghi lại toàn bộ chuyến đi này trên điện thoại của mình và tải các đoạn video và hình ảnh lên tài khoản Twitter mới của mình.
Anh Tôn cũng nhắc đến trường hợp của một người phụ nữ chỉ có một chân. Cô cũng rất khó khăn với chiếc nạng của mình để vượt qua cánh rừng này cùng với họ.
Anh Tôn nói trong cuộc phỏng vấn, “Chúng tôi, tất cả mọi người trong khu rừng này đều giống nhau, chỉ là những người dân bình thường như cỏ dại ven đường. Nhưng ở Trung Quốc, thường dân đang bị bắt nạt; chúng tôi thậm chí không được đối xử như con người, chúng tôi chỉ là nô lệ và phu dịch.”
Anh Tôn nói: “Cho dù chính quyền cộng sản ở Trung Quốc có khinh miệt thế nào đi chăng nữa, thì những người dân thường dù là tầng lớp thấp bé nhất cũng có quyền được theo đuổi tự do và hạnh phúc.”
Vào ngày thứ ba của chuyến hành trình xuyên rừng, để băng qua dòng sông sâu, họ đã phải lấy dây thừng làm cầu treo, nhưng không may vợ anh đã bị rơi xuống nước. Vợ anh không biết bơi, nhưng cô đã may mắn được một số người di cư Nam Mỹ cùng đoàn với họ ra tay cứu giúp.
Anh Tôn và vợ rất biết ơn những người bạn đồng di cư của họ. Anh nói vợ anh có lẽ sẽ không sống nổi nếu không có sự trợ giúp của những người bạn này.
Theo CBS, trong năm vừa qua có ít nhất 853 người di cư đã tử vong khi băng qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico và hơn chục người di cư đã chết đuối khi cố gắng băng qua sông Rio Grande hồi tháng 09/2022.
Anh Tôn chưa từng cảm thấy hối hận với quyết định đào thoát khỏi Trung Quốc của mình.
Anh nói trong một dòng tweet hôm 01/11/2022, “Nơi mà mọi người đều muốn đến có thể không phải là thiên đường, nhưng nơi mà mọi người phải đánh đổi mạng sống để trốn chạy khỏi đó thì nhất định là địa ngục.”
Năm ngày sau, họ ra khỏi khu rừng này. Bàn chân và bắp chân của anh Tôn chằng chịt những vết thương và bầm tím.
Sau khi băng qua rừng rậm, họ đi qua Nicaragua, Honduras, Guatemala, và Mexico. Phần sau của hành trình này nhìn chung suôn sẻ và an toàn hơn. Lành thay, ba người con của anh đều khỏe mạnh trên suốt chặng đường.
Khi nhìn thấy lá cờ Hoa Kỳ trong trại tị nạn, các con bảo với anh rằng: “Quốc kỳ Mỹ trông thật đẹp; đẹp hơn nhiều so với quốc kỳ Trung Quốc.”
Cuối cùng họ đã đến được Mexicali, một thành phố của Mexico ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico.
Vào nửa đêm hôm 03/11/2022, gia đình của anh Tôn đã trèo qua bức tường biên giới. Một số kẻ buôn người đã bắc thang để họ trèo qua bức tường cao 20 foot (khoảng 6m) này.
Họ là những người đầu tiên trèo qua bức tường này, và hơn 20 người theo sau họ. Cảnh sát biên giới Hoa Kỳ đã không ngăn họ khi họ leo lên.
Khoảnh khắc họ xuống khỏi chiếc thang nằm ở phía bên này Hoa Kỳ, anh Tôn đã khóc, “Tôi đã làm được rồi!” Đó là sáng sớm hôm 04/11/2022, gần ba tháng sau khi anh và gia đình đào thoát khỏi Trung Quốc từ tháng Tám.
Bản tin có sự đóng góp của Thi Bình
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times