Mỹ, Trung Quốc, và Nga bất đồng về các vụ phóng hỏa tiễn của Bắc Hàn tại cuộc họp của Liên Hiệp Quốc
Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc và Nga “ngừng bảo vệ” Bắc Hàn khỏi bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, viện dẫn các vụ phóng hỏa tiễn bất hợp pháp và hành động gây bất ổn của Bắc Hàn.
Tại một cuộc họp hôm 20/03 của Hội đồng Bảo an ở New York, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết “sự cản trở của Trung Quốc và Nga trong hội đồng đang khuyến khích CHDCND Triều Tiên phóng hỏa tiễn đạn đạo mà không bị trừng phạt,” đề cập đến tên chính thức của Bắc Hàn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Trước đó, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết một nghị quyết nhằm thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn vì các vụ phóng hỏa tiễn của nước này, vốn đã bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kể từ năm 2006.
Bà Thomas-Greenfield nói: “Trung Quốc và Nga sẽ nói với quý vị rằng họ đang không bảo vệ CHDCND Triều Tiên. Nhưng hành động của họ lại không như lời họ nói.”
“CHDCND Triều Tiên phải vi phạm các nghĩa vụ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bao nhiêu lần nữa thì Trung Quốc và Nga mới ngừng bảo vệ chế độ CHDCND Triều Tiên?” bà nói thêm.
Các phái viên Trung Quốc và Nga đổ lỗi cho Hoa Kỳ làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên thông qua “các cuộc tập trận quân sự chưa từng có” với các đồng minh trong khu vực. Nga cho biết những cuộc tập trận này “đang làm đảo lộn hoàn toàn mọi thứ.”
Đáp lại, bà Thomas-Greenfield làm rõ rằng bản chất của các cuộc tập trận chung của Hoa Kỳ là phòng thủ và nhằm mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực này. Bà nhắc lại rằng Hoa Thịnh Đốn “không có ý định thù địch” đối với Bắc Hàn.
Bà Thomas-Greenfield nói rằng việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn sẽ tưởng thưởng cho chế độ này “vì không hành động để tuân thủ các nghị quyết của hội đồng” và tước đi trợ giúp nhân đạo cho người dân Bắc Hàn.
Trung Quốc và Nga cũng nêu lên những lo ngại về hiệp ước an ninh ba bên giữa Úc, Hoa Kỳ, và Vương quốc Anh — cụ thể là hiệp ước AUKUS — vốn sẽ chứng kiến Úc mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên.
Ông Cảnh Sảng (Geng Shuang), phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, gọi hiệp ước AUKUS là “vấn đề nổi cộm mà ai cũng né tránh”, trong khi đại diện của Vương quốc Anh lập luận rằng AUKUS không vi phạm Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân.
“Chỉ đơn giản là không thể so sánh giữa AUKUS và mối đe dọa gây bất ổn mà CHDCND Triều Tiên gây ra cho khu vực,” Đại sứ Vương quốc Anh James Kariuki cho biết, theo thông cáo báo chí của Liên Hiệp Quốc.
Hoa Kỳ cũng đã công bố Báo cáo Quốc gia về Thực tiễn Nhân quyền năm 2022 hôm thứ Hai (20/03), trình bày chi tiết các vụ hành quyết tùy tiện, cưỡng bức mất tích, tra tấn cũng như đối xử hạ nhục và trừng phạt của Bắc Hàn (pdf).
Bắc Hàn lên án cuộc họp của Liên Hiệp Quốc
Hãng thông tấn trung ương Bắc Hàn (KCNA) đưa tin, Bắc Hàn đã thề sẽ chống lại “chiến dịch nhân quyền bất hợp pháp của Hoa Kỳ và những người ủng hộ họ bằng các biện pháp mạnh mẽ nhất.”
Bắc Hàn cáo buộc Hoa Kỳ lạm dụng Liên Hiệp Quốc để tống tiền các quốc gia có chủ quyền khác.
Cuộc họp của Liên Hiệp Quốc diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bắc Hàn phóng hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-17 lớn nhất nước này ra biển hôm 16/03 để đáp trả cuộc tập trận Lá chắn Tự do giữa Mỹ và Nam Hàn.
Hwasong-17 được biết đến là ICBM lớn nhất của Bắc Hàn, ước tính có tầm bắn hơn 13,000 km (8,078 dặm), khiến hỏa tiễn này có khả năng tấn công bất kỳ địa điểm nào trên lục địa Hoa Kỳ.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times