Nhân viên Lãnh sự quán Trung Quốc đào thoát thành công theo ‘sự chỉ dẫn của Chúa’
Ông Đổng La Bân (Dong Luobin), cựu nhân viên hậu cần Lãnh sự quán Trung Quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Auckland, New Zealand, đã đào thoát thành công một cách thần kỳ sau hai tháng đến Auckland. Trong bối cảnh Lãnh sự quán Trung Quốc được bố trí giám sát chặt chẽ như vậy, ông đã đào thoát bằng cách nào?
Vào tháng 05/2018, ông Đổng La Bân 34 tuổi, không lâu sau khi đào thoát thành công đã nhận lời phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times. Nhưng vì lý do an toàn, câu chuyện đào thoát đầy nguy hiểm, gian nan, ít người biết đến này mãi đến gần đây mới được công khai lần đầu tiên. Sau bài báo “Thoát khỏi sự giám sát, quá trình suy tính của nhân viên đào thoát khỏi Lãnh sự quán Trung Quốc tại New Zealand” của Epoch Times đăng ngày 17/03, ông Đổng La Bân đã tiết lộ thêm với phóng viên của Epoch Times về chi tiết cuộc đào thoát này.
Khi còn ở Trung Quốc, ông Đổng La Bân đã từng bị đàn áp trong thời gian dài vì đức tin vào Thiên Chúa Giáo, ông cũng rất bất mãn đối với chính quyền ĐCSTQ, vì thế ông đã sớm có ý muốn ra hải ngoại sinh sống. Sau khi được phái đến Lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland, môi trường giám sát ngột ngạt đã khiến cho ý tưởng đào thoát của ông càng thêm mạnh mẽ hơn.
Bị theo dõi toàn diện
Sự kiểm soát toàn diện của Lãnh sự quán Trung Quốc đối với nhân viên là ở mọi phương diện, từ vật chất đến tinh thần.
Điều thứ nhất, đó là không có tiền. Ông Đổng La Bân nói rằng, tiền lương của họ không được phát mà được ký sổ, phải đợi đến sau khi kết thúc thời gian làm việc trở về Trung Quốc mới được trả một lần. Thời hạn làm việc của một đợt cử sang ngoại quốc là hai năm, nhưng trên thực tế thời hạn phụng sự của rất nhiều người bị kéo dài đến ba hoặc năm năm. Thời gian làm nhiệm vụ càng lâu thì có nghĩa là số tiền bị ĐCSTQ giữ lại càng nhiều.
Ông Đổng cho biết: “Nhiều người trong Lãnh sự quán Trung Quốc bất mãn với ĐCSTQ, nhưng tại sao họ lại không đào thoát, đây (việc bị giữ tiền lương) là một nguyên nhân quan trọng.”
Ông Đổng La Bân nói, các hoạt động ăn, ở, và đi lại của nhân viên Lãnh sự quán Trung Quốc ở ngoại quốc đều không cần cá nhân chi trả, cho nên cơ hội tiêu tiền không nhiều. Nếu cần mua một số đồ dùng cá nhân cho sinh hoạt hàng ngày, thì có thể “mượn tiền” từ Lãnh sự quán, mỗi lần có thể mượn nhiều nhất là 600 USD. Vì lẽ đó, một khi nhân viên đào thoát, lập tức họ sẽ phải đối mặt với vấn đề sinh tồn.
Ông Đổng La Bân cho rằng, tiền vẫn chưa phải là vấn đề quan trọng nhất, không có thẻ căn cước mới là vấn đề. Ông đã bị tịch thu sổ thông hành khi vừa bước chân ra khỏi phi trường Auckland. “Không có sổ thông hành này thì chẳng làm được gì hết.”
Theo ông được biết, “Có một căn phòng bí mật trên lầu trong Lãnh sự quán Trung Quốc, sổ thông hành của toàn bộ nhân sự đều được cất giữ trong đó. Ngoài ra, bên trong căn phòng đó còn chứa nhiều loại bí mật khác. Ở đó luôn có người canh gác bảo vệ 24/24 giờ, nhân viên bình thường không được phép vào.”
Không có tự do cá nhân. Cái gọi là “kỷ luật ngoại giao” của Lãnh sự quán Trung Quốc yêu cầu: toàn bộ nhân viên không được phép đi ra ngoài một mình, ít nhất phải ba người trở lên mới có thể đi cùng nhau ra ngoài, khi ra ngoài còn phải giám sát lẫn nhau. Cũng không cho phép tiếp xúc với người bên ngoài, người vi phạm có thể bị điều về nước.
Không thể hiểu được thế giới bên ngoài. “Toàn bộ công việc, sinh hoạt của nhân viên Lãnh sự quán đều ở bên trong bức tường rào, không được phép đọc báo chí của địa phương, cũng không được phép xem các trang web ở địa phương đó. Thẻ điện thoại di động, thiết bị truy cập Internet được sử dụng đều do Lãnh sự quán Trung Quốc cung cấp. Chính ông Hứa Nhĩ Văn (Xu Erwen), Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland khi đó nói với chúng tôi rằng, mọi hoạt động của chúng tôi ở đây đều bị theo dõi.”
Ông Đổng La Bân cho biết, muốn tìm đến nơi tự do, trở ngại gặp phải lớn nhất chính là quyết tâm! Bị ĐCSTQ tẩy não và đe dọa tinh thần nhiều năm khiến ông cảm thấy chạy trốn chính là “phản bội và đào tẩu chính trị”, nếu thất bại thì ắt phải bỏ mạng. Cho dù ông có chạy thoát được ra phía ngoài bức tường vây này chăng nữa mà không quen biết ai, thì ai có thể giúp ông đây? Ông lại không thành thạo Anh ngữ, làm thế nào để sống trong xã hội xa lạ này? Làm thế nào để giải quyết vấn đề sinh tồn? Gia đình, người thân của ông ở Trung Quốc sẽ gặp phải những điều gì …? Những trở ngại này giống một ngọn núi đè nặng lên ông.
Đứng trước khao khát tự do vô hạn cũng như tầng tầng trở ngại của hiện thực, khiến ông Đổng phải chịu nhiều sự dày vò và mâu thuẫn. Ông nói: “Mọi người đều biết rõ rằng, ra khỏi cánh cổng này chính là thế giới tự do, nhưng chỉ là họ không ra được.”
Trời không tuyệt đường sống của con người
Thông qua một mối quan hệ không tiện tiết lộ, ông Đổng La Bân đã lặng lẽ mua được một chiếc thẻ di động bản địa (thẻ SIM), tấm thẻ nhỏ hơn cái móng tay này đã lần đầu tiên mở ra cánh cửa rộng lớn đến ngôi nhà tinh thần của ông.
“Ban đêm tôi sử dụng dữ liệu (Data) từ chiếc thẻ điện thoại di động này để xem các trang web, tin tức ở ngoại quốc, mà không dùng đến Wifi của họ [Lãnh sự quán Trung Quốc].”
“[Tôi đọc] Voice of America, Voice of Asia, Deutsche Welle, Epoch Times, BBC, Đài phát thanh Hoa ngữ của Vatican (Vatican Chinese Broadcasting) … Nhờ đó tôi mới biết được rằng, hóa ra trên thế giới này có rất nhiều tiếng nói chính nghĩa như vậy, giương cao ngọn cờ kêu gọi vì nhân quyền, vì tự do tín ngưỡng. Đây là sự khích lệ lớn nhất mà tôi nhận được kể từ sau khi đến New Zealand!”
Sau đó, ông Đổng La Bân đã phát hiện ra một chỗ sơ hở trong quản lý giám sát của Lãnh sự quán Trung Quốc. Địa chỉ của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Auckland là số 588 đường Great South, lúc đó Lãnh sự quán Trung Quốc vừa mới mua lại số 590 bên cạnh. Ông Đổng La Bân quan sát và nhận thấy, khu nhà mới này còn chưa kịp trùng tu sửa sang và không có cổng. Tòa nhà ký túc xá của ông cũng nằm ở số 590, là dùng dây xích khóa từ bên ngoài, nếu gắng sức đẩy ra có thể tạo khe hở, từ bên trong có thể vươn tay ra để mở khóa.
Dựa vào đặc điểm công việc của mình, ông Đổng La Bân còn biết được rằng, hệ thống camera an ninh của tòa nhà mới mua chưa kết nối Internet. Càng kỳ diệu hơn là, có một nhà thờ Thiên Chúa Giáo nằm đối diện đường cái cách phía sau Lãnh sự quán Trung Quốc không xa.
Ông Đổng La Bân quyết định thử trốn ra ngoài: “Trong đêm, tôi lặng lẽ đi ra ngoài, đi gõ cửa sổ của Linh mục.” Thử một lần quả nhiên thành công, sau đó ông lại quay trở về, và không có ai phát hiện ra. Lợi dụng kẽ hở giám sát này, ông cũng đã có được tự do về tinh thần trong một thời gian ngắn.
“Vị Linh mục kia là người gốc Ấn Độ, chỉ có thể nói Anh ngữ. Nhưng Anh ngữ của tôi không tốt lắm, chỉ có thể dùng điện thoại di động phiên dịch. Kỳ thực vẫn chủ yếu là giao lưu tinh thần nhiều hơn.”
Qua vài lần như thế, ông Đổng La Bân ngày càng can đảm hơn. Trong lúc ông đang hưởng thụ khoảng thời gian tự do ngắn ngủi này, đã xảy ra một sự việc không lường trước được.
Là họa hay phúc
Ông Đổng La Bân kể, hôm đó là Chủ Nhật, ngày 06/05/2018, ông lại lần nữa lén chạy đến nhà thờ. Do hôm đó là ngày nghỉ, nên ông lén đi vào ban ngày. Vì ông đã chuyển điện thoại di động sang chế độ im lặng, nên khi trở về xem thì thấy trên màn hình hiển thị bảy cuộc gọi nhỡ, người gọi điện chính là một người họ Hoàng, cấp trên trực tiếp của ông.
Ông Hoàng biết ông Đổng La Bân đã đi ra ngoài một mình, nhưng không biết ông Đổng đã đi đến nhà thờ, mà ông Đổng cũng không thú nhận. Mặc dù sắc mặt của ông Hoàng rất tức giận nhưng hôm đó ông ta cũng không nói gì.
Sáng sớm ngày hôm sau, một số nhân viên mới tới được yêu cầu đến Hiệp hội xe hơi New Zealand để đổi sang bằng lái xe của địa phương sở tại, sổ thông hành tạm thời được giao lại cho họ. Sau khi trở về, ông Hoàng đã gọi ông Đổng La Bân đến văn phòng, đưa ra một văn bản “Thông báo vi phạm kỷ luật”, ông Đổng La Bân chưa đọc qua liền ký vào văn bản.
Ông Hoàng tức giận nói: “Đây là vi phạm kỷ luật ở mức độ trung bình, không phải mức độ nghiêm trọng. Nếu là vi phạm mức độ nghiêm trọng, ông cũng không cần ký, trực tiếp về nước luôn.” Sau khi nói xong, ông Hoàng còn trách mắng ông Đổng thêm một hồi.
Khi ông Hoàng đang phê bình, bất ngờ có người đi vào báo có một “đoàn khách cao cấp” đến, yêu cầu ông Hoàng lập tức ra phi trường đón rước. Các đoàn khách cao cấp thường đều là những đoàn khách quan trọng, ông Hoàng không nói thêm gì liền đứng dậy đi ra, đồng thời cũng quên thu lại sổ thông hành của ông Đổng La Bân.
Lúc đó ông Đổng La Bân đang sững sờ nhìn vào sổ thông hành còn cầm trên tay, đột nhiên lóe lên ý nghĩ. “Sổ thông hành đang nằm trong tay mình. Nghĩ tới nghĩ lui thì cơ hội này quả là hiếm có khó tìm! Nếu như không có sổ thông hành, thì mình không thể làm được gì cả. Mình phải quyết định dứt khoát — Đi thôi!”
“Lúc đó đang là ban ngày, lại còn đúng chính ngọ, tâm trạng tôi hồi hộp lắm, đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn hồi hộp. Tôi lập tức quay về thu dọn đồ đạc, cho quần áo vào vali, kéo khóa lại rồi quan sát.”
“Bởi vì buổi trưa sẽ có đồng nghiệp trở về nghỉ ngơi. Tôi dùng Wechat hỏi người đó đang ở đâu? Anh ấy nói đang trên đường đến phi trường. Nguyên cả tầng lầu không có ai, cũng không có giám sát. Thu dọn xong xuôi hành lý, lúc đó là 12 giờ 30 phút trưa.”
“Chúng tôi ăn trưa lúc 11 giờ rưỡi, ông Hứa Nhĩ Văn ăn cơm lúc 12 giờ, lúc 12 giờ rưỡi chắc chắn đã ăn xong rồi. Vào lúc này những nhân viên khác hẳn là đã nghỉ ngơi. Ở số 590 không có cổng, băng qua bên kia đường chính là nhà thờ, địa hình này tôi đã đi qua ít nhất không dưới mười lần.”
“Từ trên lầu nhìn xuống, nếu đi về phía bên phải thì sẽ bị nhìn thấy, nhưng nếu đi về phía bên trái thì cứ đi thẳng theo dọc đường, người khác sẽ không nhìn thấy. Bản thân tôi đã từng đi qua.”
Khi đang chuẩn bị xuất phát, ông đột nhiên lưỡng lự. “Ngay khoảnh khắc khi tôi do dự, đột nhiên nghe được một giọng nói ‘Mau lên, mau lên’. Theo bản năng, tôi ngoảnh đầu nhìn lại, nhưng không thấy ai cả. Tôi lập tức hiểu ra — đây nhất định là sự chỉ dẫn của Chúa! Vì vậy tôi không chần chừ nữa.”
Khi ông Đổng La Bân rời khỏi ký túc xá, ông còn cố ý đặt một đôi giày ở bên ngoài cửa.
Ông kể lại, “Tôi đội mũ, cố gắng cúi thấp người xuống, mang theo hành lý gồm một cái vali lớn và một cái vali nhỏ có tay kéo, vừa kéo vừa chạy, tôi nhanh chóng băng qua đường. Tay phải tôi cầm cái vali lớn, tay trái cầm cái vali nhỏ. Có nhiều đồ không thu hết, ngay cả đồng phục mặc đi làm tôi cũng đều bỏ lại, cố gắng giảm bớt trọng lượng.”
“Đi bộ thật nhanh từ Lãnh sự quán đến nhà thờ cần 3 phút. Bình thường vào giữa trưa, ở khu thương mại đó (văn phòng bên ngoài Lãnh sự quán) có rất nhiều người sẽ đến hút thuốc, nói chuyện phiếm, nhưng giữa trưa hôm đó lại không có một ai, yên tĩnh đến mức tôi có thể nghe thấy nhịp tim của chính mình.”
Lại một chuyện bất ngờ khác
Ông Đổng La Bân chạy thẳng đến nhà thờ. Khi ông bước nhanh tới nhà thờ nơi mà ông đã từng đến nhiều lần trước đây, thì phát hiện cửa đã khóa chặt, vị Linh mục người Ấn Độ không có ở đó. Lúc ấy ông sững sờ đứng đó — chuyện này lại nằm ngoài dự liệu! Vị Linh mục người Ấn Độ này là người duy nhất mà ông Đổng quen biết ở bên ngoài Lãnh sự quán.
Ông Đổng La Bân đặt hành lý của mình trước cửa nhà thờ, nhìn xung quanh thì phát hiện bên cạnh nhà thờ có một trường học của giáo hội, một nữ giáo viên người ngoại quốc đang dạy các em nhỏ học. Ông Đổng lập tức chạy tới, dùng vốn Anh ngữ ít ỏi hỏi nữ giáo viên, liệu cô có thể giúp ông liên hệ với Linh mục không, vì ông cần giúp đỡ.
“Điều này giống như một con ruồi không đầu bay loạn. Tôi giống như đâm lao rồi phải chạy theo lao vậy, không thể quay đầu được nữa.”
Cuộc trao đổi ngắn ngủi diễn ra với sự giúp đỡ của phần mềm dịch thuật, nữ giáo viên đã tìm giúp vị Linh mục, nhưng vẫn không thể tìm thấy. Thấy vẻ mặt của ông Đổng rất căng thẳng, nữ giáo viên bảo ông ngồi trong văn phòng nghỉ ngơi một lúc.
Vì trong tài khoản điện thoại di động của ông Đổng La Bân không còn đủ tiền, nên không thể gọi đi được. Lại không liên lạc được với vị Linh mục. Thời gian trôi qua từng giây, thời gian càng kéo dài thì nguy hiểm mà ông Đổng phải đối mặt càng lớn. Làm sao bây giờ? Làm sao bây giờ?
Khoảng chừng ba, năm phút sau, ông Đổng La Bân nghe thấy tiếng còi hú vang lên — xe cảnh sát đến rồi. Hóa ra trong khi ông không biết được tình hình thế nào thì vị nữ giáo viên đã báo cảnh sát. Ông Đổng thầm nghĩ: Lần này xong rồi, họ muốn bắt ông trở về!
Hai cảnh sát đi vào, tay phải đặt ở vị trí súng, thân thể, đầu gối hơi khom xuống, tay trái ra hiệu cho ông không cần đứng dậy, còn nói với ông Đổng La Bân một tràng bằng Anh ngữ nhưng ông căn bản là chỉ nghe mà không hiểu.
Trong lúc cấp bách, ông Đổng La Bân đột nhiên nhanh trí nhớ đến sợi dây chuyền Thánh giá đeo trên cổ mình, ngay lập tức lấy nó ra cho họ xem. Nữ giáo viên dường như đột nhiên hiểu ra, lập tức tiến lên nói điều gì đó với cảnh sát, thái độ của cảnh sát lập tức trở nên ôn hòa.
Lúc này ông Đổng La Bân đã không còn cách nào nữa, ông thú nhận với cảnh sát: “Tôi là từ Lãnh sự quán Trung Quốc đào thoát ra, nếu các vị đưa tôi trở lại Lãnh sự quán Trung Quốc, tôi chắc chắn sẽ mất mạng. Các vị có thể đưa tôi đến bất cứ nơi nào cũng được, chỉ cần đừng đưa tôi trở lại [Lãnh sự quán Trung Quốc].”
Hai viên cảnh sát nói với ông: “Ông yên tâm, chúng tôi đến là để bảo vệ ông.”
Cảm nhận được Thần tích
Sau đó hai cảnh sát đưa ông Đổng La Bân về đồn cảnh sát. Tuy nhiên, sau khi đến đồn cảnh sát, ông Đổng vẫn còn chưa biết nên làm thế nào. Lúc này ông nhớ tới một nhà hoạt động dân chủ người Úc mà ông đã từng liên lạc qua mạng Internet nhưng chưa từng gặp mặt.
Thế là ông Đổng La Bân thử liên lạc, không ngờ đối phương lập tức nghe máy, đồng thời hỗ trợ liên lạc với một người New Zealand quen biết. Người New Zealand này ngay lập tức liên lạc tiếp với một người nữa, cứ như vậy kết nối từ người này đến người khác.
Về sau ông Đổng La Bân mới biết được rằng, người cuối cùng đưa ông ra từ sở cảnh sát đến văn phòng luật sư, đã là người thứ sáu được liên lạc. Lúc này đây, ông Đổng không chỉ cảm nhận được sức mạnh to lớn của chính nghĩa, mà còn cảm nhận được Thần tích trong đó — chuỗi mắt xích chặt chẽ như vậy, nếu có một mắt xích trong đó bị rơi mất, thì ông cũng không thể nào đào thoát thuận lợi như vậy được.
Nhớ lại lần đào thoát đột ngột không có kế hoạch này, ông Đổng La Bân cho biết: “Rất vội vàng, cũng rất quả quyết, hoặc có thể nói là đánh liều. Tôi chủ yếu suy nghĩ rằng, cơ hội lấy được sổ thông hành này là quá hiếm hoi. Lần này nếu không lấy được, e rằng một hai năm nữa cũng không nhìn thấy được sổ thông hành của mình.”
Ông nói tiếp: “Nếu có kế hoạch, chắc chắn là sẽ đào thoát vào ban đêm, thậm chí có thể là sau nửa đêm. Lần này là hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch, chính bản thân tôi cũng không ngờ tới. Cho nên tôi cảm thấy một mình tôi là hoàn toàn không thể làm được. Là ở trong nơi sâu thẳm có Chúa đang đưa đường chỉ lối cho tôi, ban cho tôi sức mạnh này.”
Lời kết
Sáu tháng sau khi đào thoát thành công, ông Đổng La Bân đã được chính phủ New Zealand bảo vệ theo quy chế tị nạn chính trị.
Khi vừa mới đào thoát ra ngoài, ông chỉ có 600 USD “mượn” từ Lãnh sự quán Trung Quốc. Tuy nhiên sau khi đi làm thuê, ông đã giải quyết được vấn đề sinh tồn, đồng thời mấy năm sau đó, ông còn gửi trả lại “khoản nợ” này.
Người thân của ông Đổng La Bân ở Trung Quốc đã nhiều lần bị các cấp ngành của ĐCSTQ quấy rối, sách nhiễu. Vợ của ông sau khi biết được tin chồng mình đã đào thoát, cô vẫn lặng lẽ một mình nuôi dạy con. Trải qua mấy năm gian khổ, cả gia đình ông Đổng La Bân cuối cùng đã được đoàn tụ.
Sau khi sự việc xảy ra, từ các đồng nghiệp cũ trong Lãnh sự quán Trung Quốc, ông Đổng La Bân mới biết được rằng, đôi giày ông đặt ở cửa ký túc xá năm đó đã giúp ông kéo dài thời gian thêm 24 giờ. Đồng nghiệp cũ nói với ông rằng, mọi người đều nghĩ rằng sau khi ông bị phê bình thì ngồi ở trong phòng bực bội mà không về, mãi đến trưa ngày hôm sau mới phát hiện không thấy ông đâu nữa.
Do Dịch Phàm thực hiện
Liên Thư Hoa biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ