Dạy con trẻ về các nguyên tắc và thói quen
Vài tháng trước, khi tôi đang đi dạo cùng ba con nhỏ của mình ở Manhattan, bỗng một người đàn ông ăn mặc bảnh bao dừng lại và, trong cuộc trò chuyện ngắn, anh nhắn nhủ tôi hãy tận hưởng thời gian cùng các con mình. Con trai anh — một thiếu niên — dường như đã mất kiểm soát trước [cám dỗ] của mạng xã hội và trong cuộc sống. Cuộc gặp gỡ này làm hồi sinh quyết tâm của tôi trong việc tìm hiểu rõ hơn những việc tôi có thể làm trong vai trò làm cha mẹ nhằm tránh những kết cục như thế. Trước đây, tôi đã viết rằng văn hóa thời nay có rất nhiều điều lôi cuốn nhưng lại không tốt cho con trẻ của chúng ta, và là những bậc cha mẹ, chúng ta cần phải cảnh giác.
Tuy nhiên, chúng ta không thể bảo vệ con trẻ mãi được, vì vậy chúng ta cần trao truyền cho các con những phương tiện cần thiết để chống lại cám dỗ.
Theo quan sát của tôi, nhu cầu thiết yếu, cảm xúc, thói quen, hoặc các nguyên tắc là những điều dẫn dắt hành vi của con người. Khi còn là trẻ sơ sinh, chúng ta bộc lộ bản thân một cách tự nhiên do nhu cầu thiết yếu, để giảm cơn đói bụng, tránh cảm lạnh, và khó chịu. Sau đó, khi lớn lên, các yếu tố cảm xúc bắt đầu điều khiển hành vi [của trẻ]. Điều mà trẻ thích hoặc muốn đã trở thành một mối bận tâm. Và có lẽ các bậc cha mẹ quan sát được điều gì đã xảy đến khi các mong muốn bất tận của trẻ luôn được đáp ứng quá mức: Cuối cùng quý vị có một đứa con bạo ngược ích kỷ.
Nhà giáo dục người Anh Charlotte Mason đã nói: “Tánh ích kỷ là một tâm chuyên chế khó loại bỏ,” và tôi tin điều này là đúng vì chính tôi cũng đã phải cố gắng loại bỏ tính cách đó của mình. Vậy nên, từ đó tôi nhìn thấy điều mà cha mẹ cần làm là: giúp con trẻ phát triển những thói quen tốt và ý chí sống theo các nguyên tắc. Chúng ta cần giúp các con khắc ghi được những thói quen tốt, những nguyên tắc tốt để trẻ không đánh mất mối liên hệ với lương tâm đạo đức của mình, vốn là điều dẫn dắt toàn bộ bản tính, hành động, suy nghĩ và tình cảm của trẻ.
Theo kinh nghiệm của tôi, điều này có nghĩa là các bậc cha mẹ cần bảo đảm con trẻ của chúng ta làm điều đúng đắn ngay cả khi trẻ không hẳn đã muốn. Tôi biết cũng thật khó để làm điều này mọi lúc với trẻ nhỏ, nhưng không có thành tựu nào có thể đạt được một cách dễ dàng cả. Là cha mẹ, chúng ta không nên sợ mắc sai lầm khi dạy dỗ trẻ nhỏ. Tương tự như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải có niềm tin vào khả năng của bản thân với vai trò là các bậc cha mẹ để học hỏi và trưởng thành từ những sai lầm của chính mình.
Một ví dụ về điều này đến từ loạt tự truyện của nhà văn Laura Ingalls Wilder có nhan đề “A Pioneer Girl” (Cô Gái Khai Hoang). Cô bé Laura chỉ có một búp bê tên là Charlotte, một cô búp bê bằng vải vụn do mẹ bé làm. Một ngày nọ, một bé gái hàng xóm nhỏ tuổi hơn tên Anna cùng mẹ sang chơi nhà Laura và Laura có nhiệm vụ chơi cùng Anna để hai bà mẹ hàn huyên. Laura mang búp bê của mình ra cho Anna chơi, nhưng khi đến giờ ra về, Anna không muốn trả lại búp bê. Và dường như mẹ của Anna nghĩ rằng Laura đã tặng búp bê cho con gái mình, trong khi mẹ của Laura, cô Ma, cũng quả quyết rằng cô bé phải tặng Anna búp bê đó:
“Laura phải nghe lời cô Ma. Cô bé đứng ở cửa sổ và nhìn Anna đang nhảy xuống gò đất, một tay đu đưa búp bê Charlotte.
‘Thật xấu hổ, Laura à,’ cô Ma lại nói. ‘Một cô bé ngoan như con, lại hờn dỗi về một con búp bê bằng vải vụn. Hãy thôi đi. Con không cần con búp bê đó, hiếm khi con chơi với nó. Con không được ích kỷ như vậy.’
Laura lặng lẽ leo lên bậc thang và ngồi xuống cạnh chiếc hộp của mình bên cửa sổ. Cô bé không khóc, nhưng cảm thấy buồn trong lòng vì Charlotte không còn ở đó. Cha không ở đây và chiếc hộp đựng búp bê Charlotte trống không. Gió hú bên mái hiên. Mọi thứ đều hiu quạnh và lạnh lẽo.
‘Mẹ xin lỗi, Laura,’ cô Ma nói trong đêm hôm đó. ‘Mẹ sẽ không cho bạn búp bê của con nếu mẹ biết con quan tâm đến vậy. Nhưng chúng ta không được chỉ nghĩ đến bản thân mình. Hãy nghĩ xem con đã làm Anna vui sướng đến nhường nào.’”
Sáng hôm sau, cha bé Anna đến và dành cả ngày để bổ củi cho gia đình Laura vì cha Laura đi làm xa. Cô Ma nhắc Laura rằng họ thật may mắn khi có một người láng giềng tốt bụng như thế:
“‘Con thấy chú Nelson tốt với chúng ta như thế nào rồi đó,’ cô Ma nói. ‘Gia đình nhà Nelson thực sự là những người hàng xóm tốt bụng. Giờ con vẫn không vui vì đã tặng Anna con búp bê của con ư?’
‘Dạ không, thưa mẹ,’ Laura nói. Nhưng trái tim cô bé lúc nào cũng nhớ thương cha và Charlotte.”
Rốt cuộc, Laura tìm thấy búp bê Charlotte bị bỏ rơi trong một vũng nước và cô Ma đã sửa lại búp bê cho cô bé.
Mặc dù mẹ Laura nhận định chưa đúng việc bé Anna yêu thích búp bê Charlotte như thế nào và búp bê Charlotte có ý nghĩa ra sao với Laura, nhưng tôi nghĩ người mẹ này cũng đã đúng ở một vài điều. Một là cô ấy đã cố gắng dạy một nguyên tắc quan trọng về tánh rộng lượng. Hai là, cô đã xin lỗi khi nhận ra mình hiểu chưa đúng về cảm xúc của Laura. Ba là, mặc dù thấu hiểu tình cảm của Laura, nhưng cô vẫn không thay đổi suy nghĩ về tầm quan trọng của tánh rộng lượng. Bốn là, cô không cố gắng kiểm soát quá mức những cảm xúc sâu sắc của Laura, cũng như không xoa dịu điều đó bằng cách cho bé một bạn búp bê khác hoặc làm giảm nhẹ cảm xúc của bé bằng cách nói với Laura rằng bé chưa đúng khi có các cảm xúc như vậy. Cuối cùng, cô đã sửa lại búp bê Charlotte sau khi Laura tìm thấy nó.
Theo các tiêu chuẩn hiện đại, việc buộc một đứa trẻ cho đi bạn búp bê duy nhất của mình là điều khá khó khăn, nhưng tôi nghĩ mẹ Laura hiểu rằng một người mà học được về tánh rộng lượng thì sẽ có được niềm vui sâu sắc khi trao tặng đi, và nhìn chung, một con búp bê là một mức giá hời để đổi lấy phần thưởng lớn như vậy. Tôi không nói rằng bất cứ bậc cha mẹ nào cũng đều nên bắt đầu bằng việc cho đi đồ chơi của con mình để dạy các con không nên ích kỷ; có thể cô Ma đã yêu cầu điều đó ở Laura vì bản thân cô đã hy sinh rất nhiều những lợi ích vật chất.
Điều này dẫn dắt tôi đến một quyết định quan trọng nhất: Để dạy con trẻ của chúng ta sống theo các nguyên tắc, thì chúng ta cũng phải nỗ lực sống theo các nguyên tắc được đề ra và trung thực với bản thân — và với cả con của chúng ta nếu cần — khi chúng ta mắc sai lầm. Cô Ma đã mạo hiểm, đã mắc sai lầm, rồi thừa nhận điều đó, và cô đã nỗ lực để sửa đổi. Quý vị có thể đòi hỏi điều gì hơn nữa từ một bậc cha mẹ nào?
Có hai điều cho tôi sức mạnh để vượt qua những thời khắc khó khăn. Thứ nhất, tôi biết rằng nếu mình có thể vững vàng khi gặp khó khăn, thì tôi sẽ có đủ khả năng để giúp các con tôi làm điều tương tự. Và thứ hai, mọi trẻ em sinh ra đều có bản tính thuần thiện trong mình; các bé muốn trở thành người tốt và làm điều đúng đắn, và các bé đang trông cậy vào tôi để dẫn dắt và dạy dỗ cách làm điều đúng đắn. Nếu trong một lúc yếu lòng mà tôi để các con buông lơi, làm những hành vi thiếu sự ước thúc, thì lần sau tôi sẽ phải mất nhiều công sức hơn để sửa lại hành vi đó.
Nhà văn Charlotte Mason đã chỉ ra rằng việc giữ quan điểm trung dung về một đứa trẻ cũng như khích lệ những khát khao bẩm sinh tốt đẹp của con trẻ. Một ví dụ, trẻ mong muốn yêu thương và được yêu thương, học hỏi, phụng sự người khác, và tinh thần trao đi. Bà cho rằng việc tập trung vào những đức tính này “sẽ giúp các bậc cha mẹ khôi phục lại sự cân bằng cho các phẩm chất của trẻ và giúp trẻ không trở thành nô lệ cho sự ích kỷ.” Một bậc cha mẹ có niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con trẻ sẽ chiến thắng những hậu quả xấu, và “đứa trẻ ích kỷ không cần phải, và cũng không nhất định, trở thành một người lớn ích kỷ.”
Tất nhiên, có nhiều thói quen và nguyên tắc quan trọng để dạy con trẻ. Tôi rất muốn lắng nghe góp ý của các bậc cha mẹ có con đã lớn: Quý vị đã dạy con những nguyên tắc và thói quen nào giúp ích cho con của quý vị trong cuộc sống?
Nếu quý vị có câu hỏi về chủ đề gia đình hoặc về mối quan hệ dành cho chuyên mục tư vấn của chúng tôi, Dear June?, hãy gửi câu hỏi của quý vị đến [email protected] hoặc Người nhận: Dear June, The Epoch Times, 5 Penn Plaza, August Fl. New York, NY, 10001
Linh Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times