Giáo dục con trẻ, chỉ ‘yêu’ thôi thì chưa đủ
Tự do là đến từ kỷ luật, hành vi lộn xộn có thể dễ dàng dẫn đến bất hạnh. Nhà triết học người Đức Jaspers từng nói: “Không có uy quyền thì không có tự do”. Dưỡng thành quy củ hàng ngày cho trẻ em là cốt lõi quan trọng của giáo dục. Ngoài tình yêu thương, việc giáo dục con trẻ cần có thêm dũng khí, bởi khi quản giáo con cái, có nhiều khi cha mẹ phải đối mặt với xung đột mà không dễ dàng nhượng bộ.
Một lần tôi đến lớp của Tiểu Hùng để dạy thay, ngày hôm đó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Trong giờ học, lớp trưởng ghi tên của những học sinh ngỗ ngược trên bảng, nhưng ở phía dưới không có một em nào trong số đó cảm thấy sợ hãi.
Tôi hỏi lớp trưởng: “Cô giáo sẽ phạt những em có hành vi chưa tốt như thế nào?”. Cô bé lí nhí trả lời: “Sau giờ học không được phép ra ngoài chơi ạ”.
Một cậu bé tình cờ nghe được như vậy bèn mừng rỡ reo lên: “A! Mình không ra ngoài chơi, mình có thể chơi bài trong lớp còn tuyệt hơn!”
Sau giờ học, cậu ấy và nhóm bạn của mình tụ tập ở phía cuối lớp học để chơi bài, và cậu rất vui.
Sau giờ học, bạn lớp trưởng cho cả lớp xếp hàng dài trên hành lang và hô to: “Thẳng hàng! Thẳng hàng!”. Thế nhưng không có ai chú ý đến cô bé, mỗi người chơi một trò, âm thanh thậm chí còn to hơn cả tiếng hô của lớp trưởng. Bởi vì chúng biết rằng nếu không tuân theo lời của lớp trưởng thì cũng sẽ không có hậu quả gì! Lũ trẻ ở lớp học này quả thực rất hiếu động, nhưng hiếu động cũng không hẳn là không có quy củ. Lớp học thiếu kỷ luật, rất có thể là do không có quy định rõ ràng về thưởng phạt, hoặc các em chưa tín phục, không tuân theo hoặc không quan tâm đến nội quy.
Trong “Hàn Phi tử – Nội trữ thuyết thượng” có viết: “Ái đa giả tắc pháp bất lập, uy quả giả tắc hạ xâm thượng” (Ý rằng: Người bị cái tình dẫn động nhiều thì phép tắc không trụ vững được, người không thể hiện được sự uy nghiêm thì ắt sẽ lộn xộn, dưới xâm phạm lên trên). Bởi vậy, quản giáo hẳn là nên có thưởng và có phạt, nếu như thưởng phạt không rõ ràng thì hiệu quả của việc quản giáo cũng sẽ không thấy kết quả.
Cuốn sách “Trẻ em có kỷ luật tốt hơn: Bài học giáo dục từ hiệu trưởng trường trung học Cung điện Hoàng gia Đức” (Nhà xuất bản Tiên Giác) đã đề cập rằng:
“Sự can đảm của giáo dục, đặc biệt là sự can đảm tuân thủ “kỷ luật”. Kỷ luật nghiễm nhiên là phần “kém đáng yêu” của giáo dục, nhưng lại là nền tảng của giáo dục.
Kỷ luật là hiện thân của hầu hết mọi thứ mà mọi người đều cảm thấy chán ghét: ép buộc, phục tùng, kiềm chế, kìm nén ham muốn và ý chí. Kỷ luật là đặt nguyên tắc hiệu suất hơn nguyên tắc thoải mái: Để đạt được mục tiêu, cần phải tiếp nhận các loại tiết chế, thậm chí nhất định phải như vậy.
Kỷ luật luôn bắt đầu bằng quyết định của người khác, và nên kết thúc bằng quyết định của bản thân, chuyển từ kỷ luật bên ngoài sang kỷ luật tự giác. Về mặt giáo dục, kỷ luật phải dựa trên tình yêu thương đối với trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên”.
Dưỡng thành quy củ hàng ngày là cốt lõi của giáo dục
Dạy trẻ em cần phải có dũng khí. Ngay cả khi quản giáo không mang đến niềm vui, chúng ta cũng phải đối mặt với xung đột và không dễ dàng nhượng bộ hay lùi bước. Tự do là đến từ kỷ luật, hành vi lộn xộn có thể dễ dàng dẫn đến bất hạnh. Nhà triết học người Đức Jaspers từng nói: “Không có uy quyền thì không có tự do”. Dưỡng thành quy củ hàng ngày cho trẻ em là cốt lõi quan trọng của giáo dục.
Để thiết lập một lớp học kỷ luật hẳn là có nhiều phương pháp. Ở Hoa Kỳ, tôi đã từng thấy các giáo viên của Tiểu Hùng làm như thế này:
Công cụ để giáo viên ghi thưởng phạt là một tấm bảng được chia thành các khối màu xanh, vàng và đỏ. Buổi sáng khi trẻ đến trường, giáo viên sẽ dán một miếng dán mặt cười vào sổ liên lạc. Nếu như học sinh nào 5 ngày trong một tuần đều được dán đủ, thì ngày thứ 6 có thể đến “hòm kho báu bí ẩn” (Treasure chest) của giáo viên để lấy một món quà nhỏ, thường là đồ chơi nhỏ dễ thương, chẳng hạn như kính thiên văn nhỏ, viên đá quý nhỏ, v.v.
Mỗi buổi sáng, những chiếc kẹp gỗ nhỏ có viết tên cả lớp sẽ được kẹp vào vùng màu xanh của chiếc bảng. Nếu học sinh nào ở lớp không ngoan, giáo viên sẽ cảnh cáo, tức là chuyển kẹp gỗ nhỏ có tên của học sinh đó từ vùng bảng màu xanh sang vùng cảnh báo màu vàng. Nếu vi phạm lần nữa, giáo viên sẽ chuyển kẹp tên sang vùng màu đỏ, và sau đó miếng dán trên sổ liên lạc sẽ bị gỡ xuống!
Giáo dục không những phải có khen thưởng và hình phạt, mà còn có cơ hội cảnh cáo. Khu vực màu vàng chính là cơ hội cảnh cáo này. Nhưng dù sao đi nữa, thật không công bằng khi đặt tất cả trách nhiệm giáo dục lên người giáo viên.
Từ hành vi nổi loạn và vô kỷ luật của nhiều trẻ em, có thể nhìn ra hoàn cảnh gia đình của chúng. Từng có một mục sư người Mỹ nói với tôi: “Tôi đã đưa trẻ đi học vào Chúa nhật nhiều năm rồi, chỉ cần cho tôi chút thời gian quan sát là có thể biết được đứa trẻ đó xuất thân từ gia đình nào. Gia đình trẻ em nào hạnh phúc, khỏe mạnh, có quản giáo hay không, có thể thấy rõ qua từng hành vi của chúng!”
Chúng ta đều không thích con mình bị coi là “không có gia giáo”, thế nhưng “gia giáo” quả thực đang mất dần trong xã hội hiện đại bận rộn như ngày nay. Giáo viên cố nhiên phải quản giáo con cái của chúng ta, nhưng chúng ta có thiết lập các gia quy, quy tắc kỷ luật và giá trị quan trong gia đình hay không?
Chỉ có “yêu” thôi thì không đủ để dẫn dắt con trẻ đi đúng con đường. Nếu bạn muốn giáo dục được con trẻ, thì cần phải chuẩn bị “hình phạt”. Hình phạt trên thân thể là điều không nên, nhưng cha mẹ nên tận dụng những “hình phạt hữu hiệu”, ví dụ như hết giờ (Time out), cắt tiền tiêu vặt hoặc giảm thời gian xem tivi,… để trẻ hình thành thói quen chấp hành kỷ luật ở nhà, để trẻ không trở thành những đứa trẻ “không có gia giáo”.
Giáo dục con trẻ quả thực là điều không hề dễ dàng, nhà trường và gia đình cần phải cùng nhau chia sẻ trách nhiệm quản giáo, để trẻ cảm nhận được tình yêu thương đúng cách.
(Trích từ: “Phương pháp nuôi dạy con tư duy sáng tạo của mẹ gấu nhỏ” do Nhà xuất bản Dã Nhân cung cấp).
Lê Vi biên tập
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Time Hoa ngữ