Bánh dứa của tôi!
Tôi đã xem qua một video về ẩm thực nói về ý nghĩa tại sao người Trung Quốc thích hỏi “bạn đã ăn chưa?” khi gặp mặt một ai đó. Đó là bởi vì người Trung Quốc trước đây đã lớn lên trong sự nghèo đói. Vì vậy, điều trước tiên khi gặp mặt nhau, họ sẽ hỏi câu hỏi này. Và sự hiểu biết của tôi về ẩm thực là tình yêu — Tất cả đều là về tình yêu.
Số tiền tiêu vặt đầu tiên khi tôi còn nhỏ là bà ngoại cho. Có trời mới biết được tại sao lúc bấy giờ tôi lại nghĩ bà ngoại là người giàu có nhất trên thế giới? Tóm lại, vào ngày hôm đó khi bà thần bí lấy ra một tờ tiền được cất giữ phía trước ngực, tôi lập tức nhìn thấy chiếc bánh dứa được bán trên quầy hàng trước cửa hiệu sách, cách nhà tôi chỉ vài trạm dừng.
Bánh dứa là món điểm tâm dùng trong tiệc chúc mừng. Nó chỉ được mua trong dịp sinh nhật hoặc vào các ngày lễ. Một chiếc bánh chỉ to bằng lòng bàn tay, bên trên là lớp vỏ bơ vàng óng được nướng cháy sém, giòn rụm và thơm ngát. Những phần lồi lõm trên bánh trông giống như trái dứa. Đây là món điểm tâm yêu thích nhất của trẻ em chúng tôi. Mỗi lần khi không thể chờ mẹ châm trà, hay chờ đến khi trà được ủ, tôi lại vội ăn phần bánh của mình. Thời gian còn lại, tôi chỉ có thể uống tách trà nóng hổi và giương mắt lên nhìn mọi người thưởng thức bánh. Hiệu sách mà mẹ dẫn chúng tôi đi mua bánh dứa được gọi là nhà sách Tân Hoa. Quầy bán điểm tâm ở trước cửa hiệu sách đã trở thành một cung điện trong tâm trí tôi. Mỗi lần đến hiệu sách, tôi đều ngơ ngác nhìn ngắm những chiếc bánh bông lan và các loại bánh mì được trưng trên quầy hàng, không ngừng nuốt nước miếng ừng ực.
Khi tôi bảy tuổi rưỡi, nghề nghiệp đầu tiên mà tôi chọn trong tương lai chỉ có một, chính là mở một cửa hàng điểm tâm và bánh mì, để bán bánh dứa. Đương nhiên [mục đích] trước hết là để bản thân có thể ăn được nhiều bánh dứa. Tôi còn vẽ ra rất nhiều kiểu bánh dứa khác nhau, nào là hình tròn, hình trái tim và hình vuông. Tôi đã chuẩn bị vô cùng cẩn thận cho những lý tưởng nhất định phải được thực hiện.
Ngày hôm đó, khi bà ngoại đưa tôi tiền tiêu vặt, đã bí mật dặn dò tôi: Không được để cha mẹ biết. Con phải giấu số tiền này cho đến Tết Nguyên Đán thì mới có thể dùng nó đi mua hộp bút. Tôi đã gấp tờ tiền lại, gấp nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn được nữa, nhưng tôi lại lo lắng không biết giấu tiền ở đâu cho an tâm. Đôi tay nhỏ bé che giấu tờ tiền, lo sợ đến mức không ngừng đổ mồ hôi. Cuối cùng bởi vì sốt ruột nên tôi đã giấu tiền trong chiếc vớ ở dưới gối.
Tôi thực sự đã quên đi sự việc ấy. Không biết tại sao vào ngày hôm sau tôi lại có thể lặng lẽ làm ra những chuyện đó. Nhân lúc người lớn không chú ý, tôi một mình trèo dậy khỏi giường vào sáng sớm, khoác lên người chiếc áo bông nhỏ và bước xuống cầu thang. Sau khi bước ra khỏi cửa, tôi liền men theo con đường trong trí nhớ, một mạch đi về phía trước, quyết tâm chạy thẳng đến quầy bán bánh dứa.
Quảng Châu trong ký ức tuổi thơ của tôi là mỗi buổi sáng sớm vào mùa đông đều là sương mù trải dài từ sông Châu Giang, khí ẩm dày đặc, tầng tầng lớp lớp sương mù. Nhân lúc ánh mặt trời vẫn chưa xuyên qua lớp sương mù, từng bước chân nhỏ của tôi lao nhanh dưới những con đường có mái vòm, xuyên qua từng con hẻm chật hẹp. Tôi chạy thẳng về phía bánh dứa không một chút sợ hãi, tựa như không một ai có thể cản trở được con đường phía trước của tôi.
Gia đình chúng tôi sống ở tầng thứ ba. Nhìn từ trạm xăng đối diện, thì đó là một tòa nhà màu nâu vàng, mang kiến trúc với kết cấu làm bằng gỗ vào thời kỳ tô giới của Anh và Pháp. Có rất nhiều gia đình sống trong tòa nhà này, mỗi tầng có khoảng năm hoặc sáu hộ gia đình. Họ dùng chung một căn bếp lớn và một nhà vệ sinh. Phần trên cùng của tầng sáu có một sân thượng lớn hình tròn, nơi trẻ em chúng tôi thường chơi trốn tìm, nhảy múa và thả diều giấy. Anh trai tôi là một cao thủ hội họa. Anh ấy thích đứng trên sân thượng và vẽ con đường lớn ở phía dưới. Những chiếc xe điện trên con đường ấy hàng ngày đều chậm rãi khởi hành cùng với hai “bím tóc” trên đầu, dẫn thẳng ra sông Châu Giang phía xa. Tôi thích nhất là nhìn anh tôi vẽ tranh. Những mái vòm hai bên đường trải dài liên tục, cuối cùng dần biến biến mất ở phía xa hướng sông Châu Giang. Màu sắc của những mái vòm này không giống nhau nhưng lại rất nền nã và vui mắt. Ngoài ra còn có những cây bông gòn với những bông hoa ướt đẫm rơi đầy mặt đất.
Có lẽ tôi đã quen với con đường này sau khi xem anh tôi vẽ, và nó cũng đã trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho tôi đi. Cộng thêm việc tôi đã cùng mẹ đi qua nơi này vô số lần, tôi biết rằng đi đến cửa hàng của thợ sửa đồng hồ là đã đi được một nửa chặng đường, và khi đi đến nhà trẻ là đã đi thêm được hơn một nửa chặng đường nữa, nếu đi đến hiệu thuốc là sắp tới nơi rồi. Tiếp tục đi đến tiệm sửa giày, lại đi đến cửa hàng vải, rồi đi ngang qua cửa hàng tạp hóa (bên trong cũng có những chiếc túi xách được trẻ em yêu thích nhất, là những chiếc túi xách tay làm bằng vỏ giấy, bên trong có những loại hoa quả như mận cam được đóng gói bằng túi nhựa), và sau đó đến tiệm trà thảo dược. Chưa có cửa hàng nào trong số này mở cửa vào sáng sớm, nhưng tôi lại có thể tự động nhanh chóng tái hiện lại chúng vào thường ngày bên trong trí nhớ của mình. Sau đó tôi tiếp tục đi về phía trước, cho đến khi nhìn thấy những cột trụ xi măng màu đỏ xám, thì có nghĩa là đã đến nhà sách Tân Hoa.
Không có ai chú ý tới tôi, người qua kẻ lại bên bờ sông Châu Giang, ai nấy cũng đều vội vàng gấp rút. Sáng sớm là một thời khắc trọng đại, những người muốn thực hiện một sự nghiệp nào đó, đều là những người phải dậy từ rất sớm. Họ kẹp cặp tài liệu công văn vào người, và mang túi sách trên lưng. Vẻ mặt ai cũng đều rất phấn chấn và hứng khởi. Người bán bánh dứa cũng không nhận ra tôi đã một mình đi đến đây. Cô ấy nhận lấy tờ tiền đã được gấp nhỏ của tôi từ trong đám đông ồn ào, huyên náo. Cô ấy mở tờ tiền ra, bỏ vào trong hộp sắt, sau đó gói hai chiếc bánh dứa nóng hổi vào trong túi giấy, rồi đưa cho tôi. Cô ấy còn thối lại cho tôi rất nhiều tiền. Số tiền thừa ấy hầu như hai bàn tay của tôi chẳng thể nắm hết được, tôi liền nhét tất cả chúng vào trong chiếc áo khoác bông. Tôi ôm lấy túi giấy, hít một hơi thật sâu, rồi lại nhanh chóng quay về nhà trong hồi hộp. Vừa cầu nguyện người lớn sẽ không phát hiện ra sự biến mất của mình, vừa nhanh chóng ăn một chiếc bánh dứa trong túi giấy, giữ lại một chiếc bánh muốn đem về cho bà ngoại. Bởi vì căng thẳng quá mức, tôi đã quên mất việc phải thưởng thức mùi vị của nó. Bây giờ nghĩ lại đó thực sự là thời kỳ có rất nhiều người tốt, giúp một cô bé nhỏ xíu, có chút bụ bẫm như tôi bước trên đường như chú vịt với đôi mắt lim dim ngái ngủ, mà vẫn có thể bình an vô sự đi xa được như vậy, kể cả một cọng tóc cũng không bị chút hề hấn gì.
Có phải bởi vì ông trời chiếu cố cho cô bé mạo hiểm như tôi. Có trời mới biết tại sao ngày hôm đó tất cả người lớn đều ra ngoài làm việc vào sáng sớm, nhưng không có ai phát hiện ra tôi đã một mình trèo ra khỏi giường. Một mình đi dưới những mái vòm bên ngoài đường, bất chấp gió lạnh và cơn buồn ngủ, lại cầm tờ tiền không biết giá trị là bao nhiêu, chỉ để ăn một chiếc bánh dứa mới ra lò. Đương nhiên ngoại trừ bà ngoại ra. Bà ngoại có lẽ là người đầu tiên phát hiện ra tất cả những rắc rối mà cháu mình gây ra. Đồng thời bà cũng chính là chiếc ô che chở vĩ đại cho tất cả những rắc rối mà cháu mình đã làm. Anh trai tôi có lần vô tình làm rơi vợt bóng bàn trên ban công tầng hai của trường mẫu giáo bên cạnh. Ngày hôm đó, trường mẫu giáo không mở cửa, anh tôi lại dẫn theo một anh khác, trèo trực tiếp từ cửa sổ nhà vệ sinh xuống, dọc theo đường ống nước dài bên ngoài tòa nhà của chúng tôi, nhặt cây vợt lên và nhét vào lưng quần, sau đó trèo lên trở lại. Thấy chúng tôi hét lớn, hôm ấy lại không có người lớn nào ở đó, nên cũng chỉ có ngoại trừ bà ngoại là biết sự tình ấy. Bà giả bộ đánh anh tôi vài cái, lại mắng đôi ba câu, sau đó ngồi xuống đất bắt đầu khóc. Anh trai tôi kể từ đó cũng ngoan hơn rất nhiều.
Hôm đó bà ngoại là người duy nhất bắt gặp tôi từ cửa hàng bánh dứa xa xôi trở về, bà đã sợ tới mức sắc mặt trắng bệch. Bà ngoại nhanh chóng bế tôi vào phòng của bà, tịch thu toàn bộ số tiền bên trong chiếc áo khoác bông. Bà gay gắt mắng tôi vài câu, lại còn đánh tôi mấy cái, sau đó ăn một miếng bánh dứa tôi mang về, phần còn lại của chiếc bánh thì bà đưa cho tôi ăn. Bà ra lệnh cho tôi nhanh chóng trèo trở lại giường và đắp chăn lên, giả vờ như chưa tỉnh ngủ. Ngày hôm ấy, điều khiến tôi vẫn còn nhớ cho đến tận hôm nay, chính là mình đã nằm trên chiếc giường nơi hơi nóng vẫn chưa tản đi hết. Tôi nhắm mắt lại, hồi tưởng về hương vị bánh dứa, chúng ngọt ngào hơn bao giờ hết.
Vào ngày sinh nhật mười sáu tuổi của tôi, tôi đã cùng bà chia sẻ bí mật giữa hai bà cháu mà không có ai được biết. Tôi vẫn còn nhớ bà ngoại đã thở dài về giấc mơ ăn bánh dứa của cháu gái, đúng thật là nói được làm được. Bà ngoại tặc lưỡi ngạc nhiên, vừa nói rằng tôi từ nhỏ đã dũng cảm như vậy, nói không chừng là được thần linh âm thầm bảo hộ. Bà từ trong bếp mang ra một đĩa điểm tâm làm từ bột gạo nếp và mỡ gà. Bà nhìn tôi ăn chiếc bánh ngon lành và nghe tôi tấm tắc khen “ngon quá, ngon quá”. Sau đó, bà lấy ra một tờ giấy trắng, chậm rãi, ngập ngừng đi về phía bên kia bàn. Bà ngồi đối diện tôi, nắn nót viết ra tên của bà.
Mười sáu tuổi, tôi lau dầu trên tay, tò mò cầm lấy tờ giấy, lần đầu tiên đọc tên bà ngoại: Vương Mãn Anh.
Đăng lại từ trang web “Tân Kỷ Nguyên”