Bữa tối Giáng sinh ở các quốc gia trên khắp thế giới (Phần 1)
Giáng Sinh vốn là ngày kỷ niệm sự ra đời của Chúa Jesus, nhưng thuận theo sự giao lưu văn hóa trên thế giới, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, nó đã trở thành một ngày lễ đoàn tụ gia đình và chào đón năm mới. Đồng thời, các nơi trên thế giới cũng hình thành các tập tục Giáng Sinh khác nhau.
Tuy nhiên, cho dù bạn đi đến đâu, một bữa ăn tinh tế và đặc biệt luôn là một phần của Lễ Giáng Sinh. Từ món gà tây quay, món hầm, cá cho đến bánh pudding gạo, bánh trái cây…, các nơi trên thế giới đều thể hiện nét đặc trưng văn hóa của mình thông qua các món ăn.
Tìm hiểu về các món ngon Giáng Sinh ở các nơi trên thế giới cũng giống như một hành trình du ngoạn văn hóa vòng quanh thế giới vậy!
Ý: Nhịn ăn ban ngày và ăn cá vào ban đêm
Đối với nhiều người, bữa ăn Giáng Sinh khẳng định là không thể thiếu các món khai vị như gà tây nướng, giăm bông và thịt bò nướng. Tuy nhiên, đối với người Ý theo Thiên Chúa giáo truyền thống, để kỷ niệm ngày Chúa Jesus ra đời, đêm Giáng sinh (Christmas Eve) thực chất là vào ngày ăn chay, do đó không thể đưa thịt vào các món ăn Giáng Sinh (một số người thậm chí không uống sữa), chỉ có thể sử dụng hải sản và cá làm món chính. Theo truyền thống vào ngày Giáng Sinh, người Ý sẽ nhịn ăn vào ban ngày, đến sau bữa tối, cả gia đình sẽ cùng nhau tham dự Thánh lễ lúc nửa đêm.
Bữa tối Giáng Sinh truyền thống của Ý thường bao gồm 7, 9, 11 hoặc 13 món ăn, những con số này đều mang ý nghĩa tượng trưng trong Thiên Chúa giáo. Ngày nay, rất nhiều người Mỹ gốc Ý chuẩn bị “Thất ngư yến” (Feast of the Seven Fishes, lễ bảy món cá) vào đêm Giáng Sinh. Cách ăn này bắt nguồn từ miền nam nước Ý và trở nên rất phổ biến ở Hoa Kỳ sau khi những người nhập cư chuyển đến đây. Các món ăn thường thấy trong đó bao gồm cá tuyết muối khô (Baccalà), mỳ Ý với hến, lasagna hải sản, v.v.
Ba Lan, Litva và Ukraine: 12 món ăn tượng trưng cho 12 tông đồ
Tại một số quốc gia ở Đông Âu như Ba Lan, Litva và Ukraine, bữa tối Giáng Sinh sẽ gồm 12 món, tượng trưng cho 12 tông đồ của Chúa Jesus. Truyền thống Thiên Chúa giáo là không được ăn thịt đỏ hoặc thịt gia cầm vào ngày trước Giáng Sinh, vì vậy cá sẽ là món chính. Mỗi vùng đều có những món ăn khác nhau, chẳng hạn như borscht, bánh bao Ba Lan (Pierogi), cá chép chiên xù, cá trích muối chua, dưa cải hầm, nấm rừng và bánh rán mứt… đều là những món ăn phổ biến.
Rất nhiều món ăn lễ hội đều có ý nghĩa đặc biệt. Ví dụ, con cá là biểu tượng của người tín hữu Cơ Đốc Giáo và cũng tượng trưng cho sự tái sinh. Bắp cải có ý nghĩa trừ tà và chăm sóc sức khỏe. Nấm rừng có thể mang lại may mắn, trái cây thì có hàm ý là nhiều con cháu, v.v.
Ngoài ra, rất nhiều gia đình ở Ba Lan sẽ chuẩn bị thêm một bộ bát đĩa trên bàn ăn. Nếu có một du khách mệt mỏi đi ngang qua, một người Ba Lan với tinh thần bác ái của Thiên Chúa giáo sẽ mời họ vào nhà và cùng dùng bữa tối Giáng Sinh.
Đức: Ngỗng quay nguyên con khiến người tha hương nhớ nhà
Món chính trong bữa tối Giáng Sinh truyền thống của người Đức là một con ngỗng quay béo ngậy màu vàng nâu và giòn. Rất nhiều người xa quê đều nói rằng cứ nghĩ đến mùi ngỗng quay là lại nhớ đến quê hương xa xôi.
Món ngỗng quay khá tốn thời gian để chuẩn bị. Muốn có một con ngỗng nguyên con nặng 6~7kg thì phải đặt trước với người bán thịt. Trước khi quay, ngỗng phải được rửa sạch, dùng súng phun đốt những sợi lông mịn, sau đó để khô trong một ngày. Tiếp đến xoa muối vào bụng ngỗng, nhồi táo, hành tây và các loại gia vị, phết muối biển, hạt tiêu và mật ong lên bề mặt da ngỗng rồi nướng ở nhiệt độ 135°C trong 5 giờ, cứ mỗi giờ lại lật và rưới đều nước súp lên cả con ngỗng. Cuối cùng quét một lớp mật ong và nướng ở nhiệt độ 220°C trong 1 giờ là xong. Dù món ăn có mùi vị khá thơm ngon nhưng vì quy trình phức tạp, rất nhiều gia đình vẫn chọn món salad xúc xích và khoai tây làm món chính trong dịp Giáng Sinh.
Ngoài ra, Giáng Sinh ở Đức còn có những món điểm tâm độc đáo, chẳng hạn như bánh mì Giáng sinh Stollen và bánh gừng Đức, có thể khiến mọi người cảm nhận được bầu không khí nồng ấm của lễ hội!
Pháp: Bánh khúc cây đặc biệt (Bûche de Noël)
Người Pháp rất yêu ẩm thực, họ thường sẽ không tằn tiện trong dịp lễ Giáng Sinh, bởi vậy sẽ sẵn sàng nếm thử những nguyên liệu đắt tiền mà bình thường không nỡ ăn. Theo truyền thống, bữa tối Giáng Sinh của người Pháp bắt đầu lúc 8 giờ và kéo dài đến nửa đêm, sau đó họ sẽ đi tham gia Thánh lễ. Tuy nhiên trong thời hiện đại, thời gian ăn uống và tụ tập của rất nhiều người thường sẽ vượt quá nửa đêm!
Về cơ bản, một bữa tối Giáng Sinh trọn vẹn ở Pháp bao gồm rượu khai vị, món khai vị lạnh, món khai vị nóng, món khai vị Norman (trou Normand), món chính, đĩa pho mát, món tráng miệng, cà phê, v.v. Những món ăn không phổ biến trong ngày thường như gan ngỗng, hàu, trứng cá muối, ốc hương cháy tỏi, gà tây nướng hay gà sao cũng sẽ được bày biện trên bàn.
Trong số đó, món ăn tráng miệng đặc biệt nhất là “bánh khúc cây” (tiếng Pháp gọi là Bûche de Noël, còn tiếng Anh là Yule log) cũng sẽ được thưởng thức vào đêm Giáng Sinh. Người ta nói rằng vào ngày Đông chí, người Đức sẽ đốt toàn bộ thân cây để tượng trưng cho việc thay cũ đổi mới. Thân cây này phải đủ dày, sau khi đốt thì từ từ đẩy vào lò sưởi đốt suốt đêm, mong cầu một năm mới bình an. Về sau, người Đức chuyển đổi đức tin sang Cơ Đốc giáo, và mang tập tục đốt thân cây vào Cơ đốc giáo.
Vào khoảng cuối thế kỷ 19, một đầu bếp bánh ngọt đã lấy thân cây làm nguồn cảm hứng và sáng tạo nên món bánh đặc biệt này để mọi người thưởng thức trong đêm Giáng Sinh hoặc tặng cho người thân và bạn bè. Ngày nay, bánh khúc cây là món điểm tâm đặc biệt trong dịp lễ Giáng Sinh ở Pháp và Bỉ. Người ta còn dùng kem để tạo hình như thật, khiến món ăn trở nên rất sống động!