Công năng dao thị và tiên đoán của Khổng Tử
Sách cổ có nhiều ghi chép về năng lực phi thường của Khổng Tử, trong đó có công năng nhìn xa và tiên đoán trước tương lai sau này.
Khổng Tử là người sáng lập học thuyết Nho gia, tư tưởng Trung dung và Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín của ông đã ảnh hưởng đến các vương triều hơn hai nghìn năm sau. Sinh thời, Khổng Tử từng vài lần đến thỉnh giáo Lão Tử, được Lão Tử khải ngộ mà từng bước có lý giải thâm sâu hơn về Đạo. Sau khi trở về ông thường đả tọa tĩnh tư, đệ tử của ông là Nhan Uyên cũng chuyên tâm tĩnh tọa.
Bên cạnh đó, các sách cổ cũng có nhiều ghi chép về năng lực phi thường của Khổng Tử, ấy là công năng dao thị (nhìn xa) và dự tri (tiên đoán).
Trong những năm Vĩnh Bình triều đại nhà Hán, ở quận Cối Kê (nay là huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang) có một người tên là Chung Ly Ý, tự Tử A, làm tể tướng nước Lỗ. Sau khi nhậm chức, Chung Ly Ý tự mình chi một vạn ba ngàn xu tiền, giao cho con cháu nhà họ Khổng lúc bấy giờ là Khổng Tố để tu sửa cỗ xe mà Khổng Tử đã từng cưỡi. Chung Ly Ý cũng đích thân vào miếu Khổng Tử rồi cung kính lau bàn, ghế ngồi, bao kiếm và giày, đồng thời nhờ một người tên là Trương Bá dọn cỏ dưới giảng đường của Khổng Tử. Khi Trương Bá đang dọn cỏ thì vô tình tìm thấy bảy miếng ngọc bích bị chôn vùi trong đất. Trương Bá giấu riêng một miếng, rồi đem sáu miếng còn lại báo cáo cho Chung Ly Ý.
Chung Ly Ý nhờ chủ bạ bày những miếng ngọc bích này lên vài chiếc bàn trước giảng đường. Trên giảng đường, ngay phía trước giường của Khổng Tử có treo một cái hũ, Chung Ly Ý thấy lạ bèn gọi Khổng Tố lại và hỏi cái hũ này dùng để làm gì. Khổng Tố nói: “Đây là cái hũ của Khổng phu tử, bên trong đựng đan thư, cho đến nay vẫn chưa có ai dám mở ra”.
Chung Ly Ý nói: “Khổng phu tử là bậc Thánh nhân, ngài lưu lại cái hũ này là muốn để cho người tài đức hiền lương đời sau nhìn thấy”. Thế là ông mở cái hũ ra, thấy một cuốn sách lụa, bên trên viết: “Hậu thế tu sửa sách của ta là Đổng Trọng Thư. Bảo vệ xe, lau giày và mở tủ sách của ta là Chung Ly Ý, người quận Cối Kê. Ta có bảy miếng ngọc bích, Trương Bá giấu đi một miếng”. Chung Ly Ý lập tức gọi Trương Bá lại và hỏi: “Ngọc Bích có bảy miếng, tại sao ngươi lại giấu đi?”. Trương Bá hốt hoảng dập đầu nhận tội, không còn cách nào khác đành phải trả lại miếng ngọc đã cất giấu.
Khổng Tử đã biết trước sự việc ở đời sau, điều này cho thấy ông có công năng dự tri (tiên đoán). Trong những năm sinh thời, công năng này cũng đã từng nhiều lần triển hiện.
Sách “Liệt Tử – thuyết phù thiên” có ghi chép hai câu chuyện:
Chuyện kể rằng tại nước Tống có một bậc nhân ái trọng nghĩa, thường hay giúp đỡ người nghèo và làm nhiều việc thiện. Trong nhà ông có con trâu đen, một ngày nọ con trâu sinh ra một con bê trắng. Người này cảm thấy kỳ lạ nên đã đến hỏi Khổng Tử. Khổng Tử không nói nguyên nhân cho ông ta biết, mà chỉ đáp rằng: “Đây là điềm lành cát tường! Ông mau đem nó dâng lên cho các vị Thần linh đi”.
Một năm sau, không rõ vì nguyên nhân gì mà mắt của người này bị lòa. Khi ấy con trâu đen cũng lại sinh ra một con bê màu trắng, ông bèn dặn con trai đến hỏi Khổng Tử. Con trai ông nói: “Lần trước cha hỏi xong thì bị lòa mắt, lần này cha còn cần hỏi làm gì nữa?”. Người cha nói: “Lời nói của Thánh nhân có đạo lý rất cao thâm, lời của họ trước sau có thể trái ngược nhau nhưng đều rất đúng. Bây giờ con hãy đi hỏi ngài thêm một lần nữa đi!”.
Người con trai đi hỏi Khổng Tử, và lần này vẫn như trước, Khổng Tử nói: “Đây là điềm lành cát tường, hãy đem nó dâng lên cho các vị Thần linh!”. Người con trai quay lại kể cho cha nghe. Người cha nói: “Hãy làm theo lời Khổng Tử.” Một năm nữa trôi qua, vì một lý do nào đó mà đôi mắt của người con trai lại bị lòa.
Không lâu sau đó, nước Sở phái binh tiến đánh nước Tống, bao vây toàn bộ toà thành, đàn ông trai tráng trong nhà đều bị bắt đi đầu binh đánh giặc, đa số đều tử trận. Lúc này cha con ông lão kia vì hai mắt mù lòa mà được miễn tham gia, nên may mắn giữ được tính mạng. Đến khi trận bao vây tòa thành kết thúc, đôi mắt của hai cha con ông như gặp kỳ tích mà khôi phục trở lại. Sau sự việc này, hai cha con mới hiểu rõ hàm nghĩa trong lời Khổng Tử nói trước kia.
Vào một năm khác, có con chim bay đến đậu trong triều đình nước Tề, con chim chỉ có một chân nên phải sải cánh mà nhảy. Vua Tề Hầu cảm thấy rất kỳ lạ, bèn sai người đến hỏi Khổng Tử. Khổng Tử nói: “Loài chim này có tên là Thương Dương, là điềm báo có lũ lụt. Ngày xưa trẻ nhỏ thường khua chân múa tay, vừa nhảy vừa hát ‘Trời sắp mưa lớn, Thương Dương đang nhảy múa’. Điềm báo này là ứng với Tề quốc hôm nay”. Tề Hầu bèn hạ lệnh cho bách tính tu sửa kênh mương, sắp đặt đê điều, nhờ đó mà tránh được tổn thất trong trận mưa lớn sau đó.
Ngoài công năng dự tri ra, Khổng Tử còn có công năng dao thị. Một ngày nọ, Khổng Tử và Nhan Uyên cùng leo lên núi Thái Sơn thuộc lãnh thổ nước Lỗ. Khổng Tử tĩnh tâm nhìn ra xa về hướng đông nam, thấy ngoài cửa thành phía tây của thủ phủ nước Ngô có một con ngựa trắng. Khổng Tử chỉ cho Nhan Uyên thấy và hỏi: “Con có thấy cổng thành phía tây của thủ phủ nước Ngô không?”. Nhan Uyên đáp: “Con nhìn thấy rồi”. “Ngoài cửa có gì?”. “Dường như có một tấm lụa trắng treo ở đó”. Khổng Tử cải chính lại, nói: “Đó là con ngựa trắng”.
Núi Thái Sơn cách thủ phủ nước Ngô hơn một nghìn dặm, nếu như không có công năng dao thị mà người tu luyện nói đến, còn gọi là Thiên lý nhãn, thì dựa vào mắt thường khó có thể nhìn được xa như vậy. Không lâu sau khi hai thầy trò từ Thái Sơn trở về, Nhan Uyên dù tuổi còn rất trẻ nhưng đầu tóc lại trở nên bạc trắng, răng rụng, mới ba mươi hai tuổi đã qua đời. Cổ thư chép rằng Nhan Uyên “dùng mắt quá sức mà nhìn, tinh lực hao tổn” mà tổn thọ.
Vì sao Khổng Tử có được những công năng siêu thường như vậy? Có lẽ chính là nhờ sự tu Đạo của ông trong những năm cuối đời vậy.
Tài liệu tham khảo:
1. “Sưu thần ký”2. “Khổng tử gia ngữ”3. “Liệt tử”
Lưu Hiểu
Lý Tinh Thành biên tập
Cửu Ngọc biên dịch