Bia ở miếu đường Khổng Tử là thiên thu chí bảo về thư pháp Khải thư đời Đường
Bia ở miếu đường Khổng Tử là một trong những tấm bia nổi tiếng về thư pháp chữ Khải, là tác phẩm ở vào độ tuổi 69 đầy lão luyện của Ngu Thế Nam (Ngu Vĩnh Hưng), một trong tứ đại danh gia thời Sơ Đường. Niên hiệu Trinh Quán năm thứ hai, ngày bia khắc thành đã vang dội khắp thiên hạ, người xin thác bản (tức bản dập) chen chúc nhau, cũng vì thế cho nên bia dựng không lâu thì bị hỏng mất, “Lúc ấy xe ngựa tấp nập dưới chân bia, dấu ủng giẫm đạp không ngày nào ngơi nghỉ, cho nên chẳng mấy chốc mà hư hại” (Canh Tý tiêu hạ ký – Tôn Thừa Trạch).
Thác bản Bia ở miếu đường Khổng Tử thời Đường đến thời Tống đã khó có được, thậm chí có giá lên tới ngàn lượng hoàng kim, nhà thư pháp nổi tiếng thời Tống Hoàng Đình Kiên (Sơn Cốc) thuộc số ít những người từng nhìn thấy qua, ông ấy từng nói rằng: “Thư pháp nhà họ Ngu ở Khổng miếu được khắc vào niên hiệu Trinh Quán, ngàn lượng hoàng kim chắc gì đã mua được?”
Vinh Tư Đạo, người thời Tống từng lấy ba trăm vạn tiền mua thác bản đời Đường, vì tấm bia này mà thêm một lần hiếm hoi đi vào lời sử sách (“Canh Tý tiêu hạ kí”- Tôn Thừa Trạch, người đời Thanh). Bia này thể hiện nét phong lưu thời Tấn Đường trong thư pháp chữ Khải thời Đường, thực là “thiên thu chí bảo” (thứ quý giá nhất ngàn thu) trong các trân bảo. Ông Phương Cương, nhà Kim Thạch học, nhà thư pháp, sống giữa niên hiệu Gia Khánh và Càn Long đời Thanh trong sách Khổng Tử miếu đường bi khảo nói về sự đặc sắc của tấm bia này: “Lấy nét bút tròn làm chủ, giữ được bút ý của người thời Ngụy Tấn, chỉnh thể tự nhiên thoải mái, kiểu chữ lớn nhỏ xen vào nhau tinh tế, biến hóa khó lường, tiêu sái linh động. Được xem là mẫu mực của thư pháp chữ Khải.”
Nguyên nhân bối cảnh lập bia cùng nét đặc sắc
Bia ở miếu đường Khổng Tử Đã thể hiện diện mạo, phong cách mang tính thời đại của chữ Khải dưới thời Đường, đồng thời vì Đường Thái Tông tôn Khổng Tử làm Tiên Thánh và chú ý việc làm cho lịch sử Nho học hưng khởi. Theo Tân Đường thư ghi chép, trước Đường Thái Tông, Quốc học không chỉ tế tự Chu Công, mà còn phối thờ Tiên sư Khổng Tử. Niên hiệu Trinh Quán năm thứ hai, các quan dâng tấu, việc tế tự theo điển lệ ở Quốc học đương nhiên phải có Phu tử, Đường Thái Tông nghe theo, tôn Khổng Tử làm Tiên Thánh, đại hưng nho học. Đường Thái Tông lệnh cho Ngu Thế Nam soạn và ghi chép bài văn bia Bia ở miếu đường Khổng Tử; Tháng 10 năm Trinh Quán thứ bảy, bia đá khắc thành, dựng trong Khổng miếu mới ở Trường An, bia cao 280 centimet, rộng 110 centimet, với 35 hàng chữ Khải, mỗi hàng 64 chữ. Ngu Thế Nam đem bản gốc trình lên Thái Tông.
Đường Thái Tông lấy tư tưởng đạo đức Nho học làm khuôn mẫu trị nước. Cựu Đường Thư ghi chép: Đường Thái Tông trưng tập nho sĩ khắp thiên hạ, lấy làm học quan, học sinh trong Quốc học nếu học thông một quyển đại kinh trở lên đều có thể được cho làm chức quan nhỏ, từ đó “sự thịnh đạt của Nho học, xưa nay chưa từng có được vậy”, nhân tài đông đúc, thăng đường dạy học có hơn tám ngàn người, ngẫm lại trong ngoài xưa nay, có thể có bao nhiêu “Đại học” dạng này! Lúc ấy rất nhiều người nước ngoài mộ danh mà đến, như tù trưởng các nước Cao Ly, Bách Tể, Tân La, Cao Xương, Thổ Phiên đều phái người vào học Quốc học Đại Đường.[1]
Tài năng xuất thếcủa Ngu Thế Nam
Ngu Thế Nam (558 Tây lịch — 638) là một trong 24 công thần của Lăng Yên các, niên hiệu Trinh Quán năm thứ bảy, Ngu Thế Nam thụ phong tước Vĩnh Hưng huyện tử, cho nên người đời sau kính trọng gọi ông là Ngu Vĩnh Hưng. Ngu Thế Nam truyền – Tân Đường thư ghi chép Đường Thái Tông ca ngợi Ngu Thế Nam có tài năng xuất thế, là một người kiêm đủ năm thứ tuyệt vời: “Một là đức hạnh, hai là trung trực, ba là học rộng biết nhiều, bốn là văn từ, năm là thư pháp bay bổng.” Tất cả đều triển hiện khiến Thái Tông coi trọng và tán thưởng Ngu Thế Nam.
Ngu Thế Nam ôn văn nho nhã, trầm tĩnh, ít ham muốn, bình hòa công chính, “diện mạo rất cẩn thận, bên ngoài chẳng dựa vào y phục, bên trong lại mạnh mẽ cương liệt, lúc nghị luận nhất mực ngay chính”. Ông ấy bên ngoài giống như yếu đuối, khí khái cao khiết kháng liệt, đức hạnh hiếu đễ của ông nổi tiếng xa gần. Lúc phụ thân qua đời, ông còn rất nhỏ, bởi vì đau thương quá độ mà tiều tụy không chịu nổi, sau khi mãn tang, vẫn cứ mặc áo thô, ăn uống giản đơn.
Năm đầu niên hiệu Đại Nghiệp nhà Tùy, ông nhận chức Bí thư lang với tinh thần mệt mỏi, dời đi bắt đầu cuộc sống của một xá nhân. Anh trai của ông là Ngu Thế Cơ lại được đương triều trọng dụng, Thế Nam dù cùng anh trai ở cùng một chỗ, nhưng chẳng hề lay động trước cuộc sống nhung lụa, mỹ vị, mà vẫn giữ sự mộc mạc, cần kiệm. Lúc Tùy diệt vong, Vũ Văn Hóa muốn lập tức giết chết đại thần quyền quý, Ngu Thế Cơ làm chức Nội sử Thị lang, khó thoát tai kiếp. Thế Nam ôm anh trai gào khóc, thỉnh cầu xin nhận hình phạt thay anh, đau thương đến độ không thành hình người.
Ngu Thế Nam cầu học hết sức chuyên chú, học thức lẫn văn từ đều là tài năng xuất thế. Ông cùng anh trai Thế Cơ “cùng thụ học với Ngô Cố Dã vương hơn mười năm”, toàn bộ tinh thần ý niệm của ông đều đặt vào việc học tập, “Nghĩ mãi không ngừng, đến lúc mệt mỏi rồi nhưng chẳng dám khinh suất”. Thế Nam giỏi viết văn cương, phảng phất như được truyền thừa từ Từ Lăng, nhà thơ nổi tiếng thời Nam triều, văn từ uyển khúc lộng lẫy.
Bởi vì Ngu Thế Nam rất bác học, xem sử phân bày sáng rõ, lại nghị luận trung chính, chân thành nên có lời can gián tốt, cho nên Đường Thái Tông thường thường tìm Ngu Thế Nam bàn chuyện xưa đến chuyện nay. Cựu Đường thư ghi chép, Thái Tông nói “Mỗi khi bàn đến chuyện Tiên đế vương trị chính được mất lúc xưa, dù chỉ là lời khuyên can vẫn có nhiều chỗ bổ ích”, “Trẫm dùng điều tốt này! Quần thần nếu đều như Thế Nam, thiên hạ có nỗi ưu lo gì mà không thể bàn được!” Có thể thấy được Đường Thái Tông đối Ngu Thế Nam là nể trọng và khẳng định.
Thầy dạy thư pháp của Ngu Thế Nam là Sa môn Trí Vĩnh người cùng quận, Trí Vĩnh là người được Vương Hi Chi truyền thụ thư pháp, Ngu Thế Nam chăm học, nghiên cứu thâm sâu, “thể chữ đạt đến chỗ vi diệu, lúc ấy liền nổi danh,Cựu Đường thư viết: “Bậc thầy Thế Nam ấy, thể chữ đạt đến chỗ vi diệu, do đó danh thơm vang dội”. Chu Trường Văn người đời Tống Chu trong Tục thư đoạn nói: “Thế Nam theo (Trí Vĩnh) học thư pháp, học được trọn vẹn pháp này, nếu có điểm vượt qua thì Lệ, Hành đều thuộc loại vi diệu.” Ngày trước, thư pháp Vương Hi Chi có thể hiện “ăn vào gỗ sâu ba phân”, vậy bút lực Ngu Thế Nam như thế nào?Thư sử hội yếu chép một chuyện cũ, có thể giúp người đời sau tìm hiểu ngọn ngành.
Đường Thái Tông cực kỳ yêu thích thư pháp Vương Hi Chi, bèn theo Ngu Thế Nam học tập. Bất quá Thái Tông học viết bộ “Qua” nhưng không giống. Có một lần viết đến chữ “Tiển”, đột nhiên có ý nghĩ chỉ viết nửa bên trái, lại bảo Thế Nam bổ sung bộ “Qua”, sau đó đưa cho Ngụy Trưng xem. Ngụy Trưng xem liền nói: “Nay nhìn chữ Thánh thượng viết, thì bộ Qua trong chữ Tiển trông gần giống thật.” Sau khi Thái Tông nghe xong, thán phục mắt nhìn của Ngụy Trưng, từ đó về sau càng không ngừng cố gắng học thư pháp.
Vẻ đẹp của Bia ở miếu đường Khổng Tử
Ngu Thế Nam cùng một nhà thư pháp khác thời Sơ Đường là Âu Dương Tuân thường được đánh giá ngang bằng nhau. Chín thành cung lễ tuyền minh của Âu Dương Tuân được xưng tụng là tấm bia đệ nhất về chính thư, Khổng Tử miếu đường bi của Ngu Thế Nam cũng được tán tụng là mẫu mực thư pháp chữ Khải đời Đường. Phong cách thư pháp hai vị đại sư này khác biệt rõ ràng, vậy làm sao để thưởng thức nó? Lưu Hi chép Nghệ khái. Thư khái đã chỉ dẫn đại thể rằng: “Thời Đường, Âu Dương Tuân, Ngu Thế Nam hai nhà thư pháp đều chiếm một thể, Âu, Ngu đều được xưng tụng, cũng có chỗ thông suốt, thư pháp của hai nhà ấy dùng nét vuông tròn, cương nhu xen lẫn nhau, học giỏi Ngu gia thì hòa mà chẳng xuôi theo, giỏi học Âu gia thì uy mà không mãnh”.
Thang Lâm Sơ người thời Minh nói thêm về Ngu Thế Nam: “Các nhà thư pháp đời Đường, lúc ấy đều lấy Ngu Vĩnh Hưng làm đầu. Vĩnh Hưng (Khổng Tử) lối chữ chân thư ở Miếu đường, viên tròn đẹp đẽ toàn phần, đắc được chỗ tinh diệu của Hữu Quân” (Thư chỉ) Ngu Thế Nam học pháp với Trí Vĩnh, truyền thừa một mạch thư pháp của Vương Hi Chi (Hữu Quân), châu tròn ngọc sáng, tỏa chiếu phẩm chất quý của người quân tử. Phùng Ban người thời Minh cũng nói bia này “Hòa hoãn, khoan dung, đầy đủ, như thấy được bậc quân tử đại nhân, toàn bộ đều đạt được giống thể chữ của Hữu Quân” (Độn ngâm thư yếu).
Trên đại thể mà nói, một nét chữ trên bia cương nhu cùng tồn tại sẽ rất đẹp, thần thái chiếu sáng bên trên. Tôn Thừa Trạch, nhà sưu tập thời Minh Thanh nói Bia ở miếu đường Khổng Tử “Châu tròn ngọc sáng, thần thái tỏa chiếu, tin chắc rằng là thiên thu chí bảo”. Bia này đạt được thể chữ của Hữu Quân (Vương Hi Chi), kiểu chữ biến hóa tự tại, phong cách viết tự nhiên thoải mái, thể hiện được nghệ thuật cao độ và tinh thần tuyệt vời, thưởng thức thư pháp Ngu Thế Nam, không thể không xem xét sự giao hòa giữa hai thế giới nghệ thuật và tâm thần, đây cũng là bia “được xem là mẫu mực của thư pháp chữ Khải” thần thái vẽ rồng điểm mắt.
Bia ở miếu đường Khổng Tử phong cách viên tròn, đẹp đẽ toàn phần, hòa hoãn, khoan dung biểu hiện như thế nào? Một là ở cách dùng bút, hai là ở cách bố trí chữ. “Ngu Thế Nam là đệ nhất dùng bút, khi dựng đứng ngay chính, lúc viên tròn đẹp đẽ, kết cấu chữ vô cùng phóng khoáng” (Hàn Sơn tảo đàm Triệu Hoạn Quang người đời Minh).
Quan điểm của Lưu Hi viết trong Nghệ khái. Thư khái cũng giúp chúng ta tham khảo thêm phần bình phẩm, ông ấy nói thư pháp của nhà họ Ngu “Không ngoài sự mênh mang, sắc nhọn, chói sáng, mà nội hàm lại chắc chắn vững vàng”, “Có ý chữ triện như đũa ngọc”. Nói “Không ngoài sự mênh mang, sắc nhọn, chói sáng” chính là việc vận dụng ngòi bút giấu đi mũi nhọn không lộ ra ngoài, “Nội hàm gân cốt” là bút nắm được ngay chính, sắc nhọn nhất quán mà viết, biểu hiện ra chữ triện tựa gân ngọc, thanh cao, phong cách bên ngoài viên tròn, bên trong ngay thẳng (Chữ triện lại được gọi là chữ triện đũa ngọc, chữ triện gân ngọc). Điều này cùng lời bình thư pháp họ Ngu trong Tuyên Hòa sách phổ “Nội hàm có cương có nhu”, “Ẩn chứa khí độ của bậc quân tử”, đã bổ trợ thêm cho nhau.
Lại nói đến kết cấu chữ, Phùng Ban trong Độn ngâm thư yếu nói: “Ngu Thế Nam chỉnh tề không nghiêng lệch. Âu Dương Tuân tứ phía cân bằng, bát phương ngay ngắn. Đây là hai nhà thư pháp diệu dụng”. Kết cấu chữ của Bia ở miếu đường Khổng Tử, phân bố cực kỳ sáng rõ, rộng rãi, phóng khoáng, tự nhiên tiêu sái, bên trong chỉnh tề không nghiêng lệch, trạng thái an ổn. Kết cấu chữ bố trí nhìn tựa như rộng rãi hàm súc, nhưng thực sự là biến hóa có chủ đích của nét chữ, hình chữ hướng ra sau, trên dưới che chở, trái phải cao thấp, hô ứng cho nhau, chỗ rẽ uốn cong, nét bút to nhỏ tất thảy đều tỉ mỉ nhập vi, biểu hiện sự trôi chảy không trở ngại. Tổng hợp tất cả mà nói, kết cấu chữ của bia này được người khác phẩm bình là rất có phong thái, làm nổi bật vẻ đẹp rộng rãi, phóng khoáng, ẩn chứa sự trung hòa sáng rõ, thần thái tự nhiên thoải mái.
Ngoài điều này, trong lịch sử có rất nhiều người muốn học thư pháp Ngu Thế Nam, đều thấy được diệu khế trong “Đạo học thư pháp”. Các nhà bình phẩm thư pháp nói thư pháp họ Ngu tự nhiên vô vi, có cốt cách của bậc Tiên Đạo. Vậy nó triển hiện như thế nào?
Chúng ta có thể nhìn thấy được nét vẽ tinh luyện của bia này, khéo hợp thành chữ, không bức bách không đơ cứng, thần thái tự tại, uyển chuyển tự nhiên vô vi. Bút tủy luận bàn về thư pháp Ngu Thế Nam nói rằng “Học giả tâm ngộ với chí đạo, thì chữ viết nằm ở chỗ vô vi”, “đạo học thư pháp” chính là thực tiễn cụ thể của lý luận thư pháp Ngu gia.
Rất nhiều nhà bình luận thư pháp đều nói thư pháp của Ngu Thế Nam triển hiện khí “Tiên phong đạo cốt”, ví như Dương Thủ Kính người đời Thanh trong Thư học nhĩ ngôn nói: “Bia ở miếu đường của Ngu Vĩnh Hưng, thần cốt ngưng tụ”, Bao Thế Thần trong Nghệ chu song tiếp nói “Vĩnh Hưng như hạc trắng bay lượn trong mây, khiến người khác kính ngưỡng không thôi”. Cụ thể thể hiện như thế nào?
Đổng Kỳ Xương hình dung được một chút cụ thể: “Vĩnh Hưng tự xem mình có ngộ với đạo vũ, nơi phát bút xuất ra sắc nhọn như rút đao chém nước vậy, ước chừng nét phẩy dài như bộ sước bên cạnh đều là trước nhẹ sau nặng, thả bút tròn linh động, trông như mây giáng xuống quyển tiêu diêu thư thái”, điểm xuất ở thư pháp của ông là chỗ khế diệu của cảnh giới tự nhiên an hòa.Pháp thư yếu lược nói dưới bút của Ngu gia “như khoan thai trên tầng đài, phong trần diệu vợi”, có thể nói thế bút đạt đến chỗ hòa hoãn, bên trong dần có sự biến hóa, kết cấu chữ sáng rõ, rộng rãi, cực kì tiêu sái, thư thái, an dật chẳng giống chỗ phàm tục.
Tuyên Hòa sách phổ bình phẩm về thư pháp Ngu Thế Nam: “Lập ý sâu xa tựa như bước lên bông hoa lớn, quanh co, uốn lượn mà vào chốn u minh”, loại này tiên vận biến ảo cao thâm xa xăm, đến việc từ tâm sinh ý, tâm sinh thần, tâm bình khí hòa, cương nhu cùng tồn tại, linh động nhập hóa, đạt đến vô vi. Ngu Thế Nam trong Bút tủy luận giải thích viết chữ đặt nặng ở “diệu khế”, “Tâm chính khí hòa, thì khế ở trong diệu”, “Đạo viết chữ trước hết ở diệu, tất vốn liếng đặt ở thần ngộ, không thể cầu sức vậy”, những lời này chính là đã đạt đến cảnh giới tự nhiên vô vi.
Lời kết thúc:
Thư pháp Ngu Thế Nam tự nhiên tiêu sái, diệu khế tự nhiên. Kiểu chữ này đạt đến cảnh giới vô vi thần ngộ, không chỉ ở kỹ nghệ đầu bút, mà còn là sự thăng hoa tự nhiên của cảnh giới tinh thần nhân phẩm.Bia ở miếu đường Khổng Tử mang vẻ tiêu sái thời Ngụy Tấn, dung nhập sự bình chính thời Đường trong phép tắc viết, sáng tỏ, rộng rãi ẩn chứa sự an dật, thần thái tự nhiên thoải mái. Có câu nói đây là“thiên thu chí bảo”của tài năng xuất thế, thực đúng với bậc chí danh.
Phụ lục:
Lúc thưởng thức Bia ở miếu đường Khổng Tử không thể không chú ý đến phiên bản. Nguyên bia đã hư hại mất đi ở đời Đường, vào thời Tống, thác bản thời Đường của bia này đã là ngàn vàng khó mua. Hậu thế có hai khối đá phiên bản, thường gọi là Tây miếu đường bi và Đông miếu đường bi. Tây miếu đường bi là bia khắc lại ở Tây An bởi Vương Ngạn Siêu thời Ngũ Đại, cho nên thác bản này gọi là Thiểm Tây bản, gọi tắt là Thiểm bản, hoặc Tây An bản. Mặt khác Đông miếu đường vào đời Nguyên, giữa niên hiệu Chí Chính ở Vũ Định, thành Sơn Đông đào được ở bờ sông lúc vỡ đê, tư liệu bia này do người nào vào khi nào phiên khắc có thiếu khuyết, bản dập được gọi là Định Vũ bản. Theo Ông Phương Cương, nhà Kim Thạch học đời Thanh khảo chứng trong Khổng Tử miếu đường bi khảo , bản Định Vũ lưu truyền đem so với bản gốc thì thấy sớm hơn Thiểm bản. Theo khảo chứng của Ông Phương Cương, Thiểm bản mất đi rất nhiều chỗ trong thư pháp của họ Ngu, có bốn chỗ mất lớn đó là nghiêng cạnh, cong tròn, nhọn đứng và điểm dừng lại.
Dương Thủ Kính, nhà Kim Thạch học đời Thanh trong cuốn Thư học nhĩ ngôn nói: “Cái mất đi ở Thiểm bản thời Ngũ Đại là nét nặng chậm lại, cái mất đi ở Vũ bản đời Nguyên là nét yếu đuối, duy chỉ có họ Lý ở Lâm Xuyên có được tàng bản của họ Lý ở Nguyên Khang, từng cùng Ông Đàm Khê giám khắc, chẳng mất quy củ viết chữ. Gần đây họ Lý lại lấy nguyên bản khắc đá, thật ích lợi và đẹp đẽ vậy!”
Lý Tông Hãn người đời Thanh giấu tàn bản đời Đường Bia ở miếu đường Khổng Tử, chính là tàng bản của Lý thị ở Nguyên Khang, là thác bản đời Đường duy nhất hiện có, hiện cất giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Idemitsu Nhật Bản. Trong đó, chữ trên bia đá đời Đường có hơn một ngàn bốn trăm chữ, vượt qua một nửa, số còn thừa không nhiều dùng Thiểm bản bổ chính là được.
Chú thích:
[1] Cựu Đường Thư – Nho học truyện ghi chép: “Niên hiệu Trinh Quán năm thứ hai, ngừng lấy Chu công làm Tiên Thánh, bắt đầu lập miếu đường Khổng Tử ở trường Quốc học, tuyên lấy ông làm Tiên Thánh, Nhan Tử làm Tiên Sư. Đại trưng tập nho sĩ trong thiên hạ, lấy làm Học quan. Số may mắn ở Quốc học, lệnh làm chức Tế Tửu, Bác sĩ giảng học. Xong, ban thưởng cho lấy lụa buộc. Học sinh nếu thông suốt một quyển đại kinh trở lên, sẽ được tạm giữ chức quan nhỏ. Lại như ở trường Quốc cho xây thêm một học xá có một ngàn hai trăm gian, nhà Thái học, tứ môn bác sĩ cũng tăng thêm sinh viên, sách này tính tổng hợp số bác sĩ, học sinh, nhận đủ các loại, cũng được 3.260 người. Quân doanh phi kỵ Huyền Vũ môn cũng cấp cho bác sĩ, nhận lấy để trải nghiệm; Kẻ thông kinh văn, nghe vậy đều cống cử. Thực là thời tứ phương đều là nho sĩ, ôm nhiều điển tịch, vân tập đến kinh sư. Chẳng mấy chốc, tù trưởng các nước Cao Ly cùng Bách Tể, Tân La, Cao Xương, Thổ Phiên, cũng phái tử đệ mời vào trong Quốc học. Kẻ mang tráp trống mà lên chiếu học, hơn tám ngàn người. Đông đúc náo nhiệt, là lúc thịnh của Nho học, xưa nay chưa từng có vậy.”
Do Đạp Tuyết Phi Hồng thực hiện
Vương Du Duyệt biên tập
Toan Đinh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại Epoch Times Hoa Ngữ
Xem thêm: