Cơ quan Văn hóa Liên Hiệp Quốc bị chỉ trích vì sự tàn bạo của ĐCSTQ
Cơ quan chuyên trách giáo dục và văn hóa của Liên Hiệp Quốc đang bị chỉ trích vì hệ thống quản lý di sản này bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) biến thành “đồng phạm” trong các hành vi tàn bạo đang diễn ra nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và nền văn hóa của dân tộc này.
Theo một báo cáo mới của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ (UHRP) có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, các hành động có hệ thống của ĐCSTQ chống lại văn hóa và di sản của người Duy Ngô Nhĩ nằm trong một chiến dịch “diệt chủng” rộng lớn hơn ở khu vực phía Tây Trung Quốc được gọi là Tân Cương.
Trong bối cảnh toàn bộ tình trạng đó, Tổ chức Giáo dục, Khoa học, và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) — được cộng đồng quốc tế giao phó giúp bảo vệ di sản văn hóa trên toàn thế giới — vẫn giữ im lặng và thậm chí còn bao che cho ĐCSTQ.
“Ở Trung Quốc, di sản được sử dụng như một công cụ quản trị linh hoạt để kiểm soát và quản lý lịch sử, đồng thời định hướng cho các ký ức, cảm nhận về địa phương, và bản sắc dân tộc theo những cách cụ thể,” báo cáo này kết luận. “Khi việc quản lý di sản được sử dụng song song với các phương thức quản trị cứng rắn hiện đang diễn ra ở khu vực người Duy Ngô Nhĩ — những phương thức mà các quốc gia và tổ chức quốc tế đã chỉ định là một hình thức diệt chủng — thì hệ thống di sản này của Liên Hiệp Quốc đang đồng lõa với những hành vi diệt chủng đó.”
UHRP và các đồng minh của họ trên khắp thế giới cho rằng Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng.
Ông Peter Irwin, giám đốc chương trình cao cấp của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, đặt câu hỏi rằng, “UNESCO ở đâu khi chính quyền Trung Quốc đúng là đang hủy hoại bản sắc và văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ?”
Ông Irwin, người đã trợ giúp và chỉ dẫn cho những tác giả của báo cáo này, nói với The Epoch Times rằng ông nghĩ rằng UNESCO đã từ chối lên tiếng là do khoản tài trợ mà tổ chức này nhận được từ Trung Quốc.
“Họ nên nói ra điều này một cách công khai,” ông nói thêm. “Họ hiểu cương vị của họ là gì. Đó là một hoàn cảnh đầy thách thức đối với họ. Tuy vậy, họ cũng nên lên tiếng.”
Trích dẫn các tuyên bố từ chính phủ Hoa Kỳ và các nguồn khác, ông Irwin cho rằng di sản văn hóa bị phá hoại ở Trung Quốc được ghi lại trong báo cáo đó thực sự đại diện cho sự hủy diệt của một dân tộc.
“Quả thực, đó là tội ác diệt chủng,” ông nói. “Nếu đây là bất kỳ chính phủ nào khác trên thế giới, thì UNESCO sẽ lên tiếng về chuyện này.”
UNESCO nói với The Epoch Times rằng các quốc gia thành viên sẽ quyết định hướng hành động mà tổ chức này thực hiện.
Cuộc diệt chủng về văn hóa?
Báo cáo mới này, được công bố hồi tháng trước (02/2023) với nhan đề “Sự Đồng lõa của Di sản: Di sản Văn hóa và Nạn diệt chủng ở Khu vực Duy Ngô Nhĩ,” trình bày chi tiết một chiến dịch phá hủy văn hóa có hệ thống của ĐCSTQ nhằm vào đa phần cộng đồng Hồi Giáo thiểu số này.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, tất cả mọi thứ mang lại cho cộng đồng này bản sắc văn hóa độc đáo của họ — gồm truyền thống, âm nhạc, vũ đạo, tôn giáo, ngôn ngữ, thơ ca, v.v. — đang bị ĐCSTQ nhắm mục tiêu trong lúc UNESCO án binh bất động trong im lặng.
Theo báo cáo này, các cuộc tấn công như thế này của ĐCSTQ nhằm vào di sản văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ bao gồm việc phá hủy các nhà thờ Hồi Giáo và các địa điểm tôn giáo khác, cũng như các hạn chế về việc sử dụng các ngôn ngữ địa phương. UHRP cho biết thêm rằng, hàng trăm thậm chí hàng ngàn nhà lãnh đạo trí thức và văn hóa đã bị cầm tù.
Báo cáo này lập luận rằng theo tiêu chuẩn riêng của UNESCO, những hành động này tương đương với việc “thanh lọc văn hóa theo chiến lược.” Theo các chuyên gia được đề cập đến trong báo cáo này, hành vi như vậy thường “không thể tách rời” hoặc thậm chí là một hành động tiền thân cho nạn diệt chủng.
Giáo sư Rachel Harris của Đại học London, đồng tác giả của báo cáo nói trên, lý giải: “Như Tòa án Hình sự Quốc tế đã thừa nhận, các hành vi tước đoạt và phá hủy di sản văn hóa thường là hành động tiền thân cho các hành vi diệt chủng.”
“Các cuộc tấn công vào di sản văn hóa, từ kiến trúc văn hóa thiêng liêng đến phong tục tập quán của cộng đồng, không thể tách rời khỏi các cuộc tấn công trực tiếp vào thân thể con người,” ông Harris cho biết thêm. “Những hành vi này là một hình thức chiến tranh văn hóa nhằm loại bỏ một dân tộc và bản sắc của họ.”
Các chính phủ và các tổ chức nhân quyền, gồm một số cơ quan và quan chức của Liên Hiệp Quốc, cũng đã ghi nhận các tội ác phổ biến của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ trong thập niên vừa qua.
Theo các chuyên gia và các chính phủ, những tội ác này gồm có giam giữ hàng loạt trong các trại cải tạo, tra tấn, cưỡng gian, lao động cưỡng bức, giám sát hàng loạt, triệt sản cưỡng bức, chia cắt các gia đình, v.v.
Các ước tính cho thấy hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác hiện đang bị giam giữ trong các trại tập trung trên khắp khu vực này.
Hồi năm 2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thậm chí còn kết luận rằng các hành động của ĐCSTQ trong khu vực này là “diệt chủng” và “các tội ác phản nhân loại.” Rất nhiều chính phủ phương Tây khác cũng đã đưa ra những lời lên án tương tự.
Tuy nhiên, ĐCSTQ tuyên bố hành động của họ là hợp lý và cần thiết để đối phó với chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, lên án những ai lên tiếng vì được cho là đã can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
UNESCO im lặng giữa cảnh tượng khủng khiếp
Bất chấp mọi thứ mà cộng đồng quốc tế đã biết, UNESCO vẫn tiếp tục công nhận rằng chính quyền Trung Quốc là “người bảo vệ” di sản cho người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan, và Kyrgyzstan trong khu vực này.
Cơ quan Liên Hiệp Quốc này liệt kê một số hạng mục chính của di sản văn hóa trong khu vực này, trong khi báo cáo này đặc biệt tập trung vào năm hạng mục.
Theo báo cáo này, ĐCSTQ tuyên bố di sản của người Duy Ngô Nhĩ là của họ và sử dụng di sản đó để thúc đẩy “sự hiểu biết lịch sử mới theo chủ nghĩa xét lại” theo một cách “trực tiếp góp phần vào dự án lớn hơn là xóa sổ văn hóa.”
Theo các học giả đã viện dẫn trong báo cáo này, nỗ lực của ĐCSTQ nhằm xóa bỏ và thay thế lịch sử của người Duy Ngô Nhĩ bằng một phiên bản được ĐCSTQ phê chuẩn đã dẫn đến các án tù và thậm chí các án tử hình đối với những người truyền bá các quan điểm “không đúng đắn” về lịch sử của khu vực này.
Báo cáo này lập luận rằng, mục tiêu của chế độ này là một phiên bản lịch sử tập trung vào một quốc gia Trung Quốc “đa nguyên-thống nhất,” và họ sẽ nỗ lực hết mình để phá hủy hoặc chiếm đoạt di sản văn hóa nhằm đạt được viễn cảnh đó. Vô số gia đình và cộng đồng đã bị buộc rời khỏi quê cha đất tổ của họ trong quá trình này.
Nhiều người Duy Ngô Nhĩ và các học giả bên ngoài gọi khu vực này là Đông Turkistan, mặc dù ĐCSTQ đang tìm cách thúc đẩy luận điệu rằng các dân tộc trong khu vực này đã luôn là một phần không thể tách rời của Trung Quốc.
“Báo cáo này là một phản ứng đối với việc UNESCO không hành động,” ông Irwin, vị quan chức UHRP đã dành nhiều nỗ lực cho tài liệu này, cho biết. “Chúng tôi đã mong muốn ghi lại những hành vi vi phạm và thậm chí cả những cuộc tấn công vào di sản trong danh mục của UNESCO.”
“Bản thân chính quyền này — nếu quý vị có một sự hiểu biết về ĐCSTQ — họ không ưa thích những sự khác biệt,” ông tiếp tục. “Họ muốn ai cũng trông giống nhau, nói cùng một ngôn ngữ. Họ nghĩ rằng việc đó làm giảm mâu thuẫn. Chính sách đó vốn đã tồn tại trong nhiều thập niên, nhưng thực sự trở nên hà khắc hơn rất nhiều kể từ 10 năm trước, khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.”
Ông Irwin tiếp tục nói trong một buổi phỏng vấn qua điện thoại, rằng khi cân nhắc về nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa của mình, UNESCO có một “trách nhiệm” phải hành động. Tuy nhiên, ông cho rằng tổ chức này “hoàn toàn không bảo đảm được rằng Trung Quốc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể vô giá này.”
Ông nói thêm: “Tổng thư ký [Liên Hiệp Quốc] đã không nói lời nào về những vấn đề Duy Ngô Nhĩ này.”
Ông Irwin nói, những gì đang xảy ra trên thực tế là một cuộc diệt chủng, đồng thời cho biết thêm rằng việc phá hủy các nhà thờ Hồi Giáo đang diễn ra và nhắm mục tiêu vào các nhà lãnh đạo tôn giáo và văn hóa chỉ là một yếu tố.
“Đây đều là một phần của bối cảnh lạm dụng và diệt chủng lớn hơn,” ông Irwin nói, lưu ý rằng không có chính phủ nào khác trên thế giới tránh được những hậu quả cho những gì như ĐCSTQ đang làm và không bị UNESCO và các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc lên án.
Khuyến nghị cho UNESCO và các tổ chức khác
Trong số các khuyến nghị khác, UHRP kêu gọi các quan chức cấp cao của Liên Hiệp Quốc thúc giục UNESCO đưa ra một phản ứng hiệu quả hơn đối với các hành vi lạm dụng.
Tổ chức này cũng khuyến khích các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc khởi xướng các hành động theo các thỏa thuận quốc tế về văn hóa mà ĐCSTQ đã ký kết.
Ông Irwin gợi ý rằng các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ nên tham gia nhiều hơn vào các cuộc tranh luận tại Liên Hiệp Quốc thay vì để ĐCSTQ thao khống.
Hiện tại, chính phủ Hoa Kỳ không phải là một thành viên của UNESCO. Theo bước chân của TT Ronald Reagan, TT Donald Trump đã ra lệnh rút Hoa Kỳ ra khỏi tổ chức này, với lý do bài Do Thái, chủ nghĩa cực đoan, và tham nhũng trong ban lãnh đạo và các quyết định của tổ chức này.
“Tôi không nghĩ rằng UNESCO có thể vãn hồi,” cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ chuyên trách các vấn đề về Tổ chức Quốc tế Kevin Moley nói với The Epoch Times, đồng thời lưu ý rằng việc hoạch định chính sách của cơ quan này “đa phần đã bị ĐCSTQ và các đồng minh của họ thao khống.”
Hồi cuối năm 2021, tờ báo này đã đưa tin rằng chính phủ TT Biden và một số đồng minh của họ trong Quốc hội hy vọng sẽ thuyết phục được chính phủ Hoa Kỳ tham gia trở lại.
Tuy nhiên, theo luật liên bang do TT George Bush và TT Bill Clinton ký, chính phủ Hoa Kỳ cũng bị cấm tài trợ cho cơ quan của Liên Hiệp Quốc về quyết định của họ thừa nhận “Nhà nước Palestine” là một thành viên.
Hồi năm 2020, The Epoch Times đưa tin rằng nhiều quan chức cao cấp và nhà phân tích đã bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng về điều mà họ mô tả là sự “thao khống” của ĐCSTQ đối với Liên Hiệp Quốc và các cơ quan của tổ chức này, trong đó ông Moley gọi đó là “mối đe dọa hiện hữu lớn nhất đối với nền cộng hòa của chúng ta kể từ khi thành lập.”
Nhưng ông Irwin và UHRP nói rằng chính phủ Hoa Kỳ vẫn có thể đóng một vai trò hữu ích đối với việc phá hủy văn hóa đang diễn ra ở Tân Cương.
“Cho rằng chính phủ Hoa Kỳ đã mô tả những gì đang xảy ra là diệt chủng và tội ác phản nhân loại, các nhà hoạch định chính sách có nghĩa vụ phải theo dõi,” ông nói, đồng thời kêu gọi “lực lượng đặc nhiệm ngăn chặn hành vi tàn bạo” hoặc một số cơ quan tương tự tham gia.
Ông đề nghị các chính phủ khác cũng nên lên tiếng, và nói thêm: “Cần có nhiều sự vận động công khai rõ ràng hơn nữa.” Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác phức tạp.
Ông Irwin lập luận rằng một trong những mục tiêu của ĐCSTQ là “bình định” khu vực này để tạo thuận tiện cho sáng kiến thương mại “Vành đai và Con đường” kết nối Trung Quốc với phần còn lại của Âu Á và hơn thế nữa.
Chính kế hoạch Vành đai và Con đường đó, cùng với những cơ hội mà chính sách này mang lại cho các chính phủ khác trong khu vực và ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ, là một trong những lý do tại sao các chính phủ — gồm cả các chính phủ Hồi Giáo lân cận như Pakistan — rất miễn cưỡng lên tiếng.
“Họ đã nói rất rõ ràng rằng họ đã chọn đứng về phía Trung Quốc bất kể những gì đang xảy ra với cộng đồng Hồi Giáo ở Trung Quốc,” ông Irwin nói. “Thương mại và tiền bạc là những yếu tố quan trọng nhất.”
Ông nói thêm rằng, nhiều chính phủ trong số đó cũng có vấn đề nhân quyền của riêng họ.
Hành động của UNESCO
Ông Irwin cho biết sẽ còn nhiều việc phải làm trong vài tháng tới để các quốc gia tham gia Công ước Di sản Thế giới lên tiếng.
“UNESCO sẽ như một cơ quan bị hạn chế nếu họ không nhận được sự trợ giúp từ các chính phủ,” ông tiếp tục, đồng thời lưu ý rằng UNESCO không phải là tổ chức duy nhất thất bại bởi vì các quốc gia thành viên có “một nghĩa vụ” sử dụng các cơ quy định theo ý của họ để giải quyết vấn đề này.
Một phát ngôn viên của UNESCO đã tránh né trách nhiệm, bằng cách xem các quốc gia thành viên của cơ quan quốc tế này là những người ra quyết định.
“UNESCO mong muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hòa nhập và tôn trọng các cộng đồng trong việc quản lý các địa điểm và yếu tố được ghi nhận, như được quy định rõ ràng trong các văn bản của Công ước,” phát ngôn viên này nói, đồng thời cho biết Công ước Di sản Thế giới và Công ước Di sản Phi vật thể kiềm chế các vấn đề này trên phạm vi quốc tế.
“Thông lệ và thủ tục là khi UNESCO nhận được thông tin chính xác và đáng tin cậy về một yếu tố cụ thể được ghi nhận trong danh sách của UNESCO, thì thông tin này sẽ được chia sẻ với các Quốc gia Thành viên có liên quan, để cho Ủy ban thích hợp này chú ý đến cả thông tin được chia sẻ của xã hội dân sự và phúc đáp của Quốc gia Thành viên — nếu có,” phát ngôn viên này nói thêm, và cho rằng chính sách của UNESCO là không có những bình luận được quy cho một cá nhân cụ thể nào.
“Sau đó, các quốc gia thành viên của các ủy ban tương ứng sẽ đánh giá tình hình đó và có [hành động] phù hợp,” ông nói.
Đây không phải là lần đầu tiên ĐCSTQ bị chỉ trích vì những vấn đề này. Tháng Tám năm ngoái, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đương thời Michelle Bachelet đã công bố một báo cáo cho thấy những lạm dụng của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ có thể thành thành “những tội ác phản nhân loại.”
Mặc dù các chính phủ trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc không thông qua một đề nghị tranh luận về vấn đề này, nhưng nhiều tổ chức nhân quyền nổi tiếng đã kêu gọi các chính phủ phương Tây truy cứu trách nhiệm về những tội ác bị cáo buộc do ĐCSTQ gây ra.
Người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi Giáo đều nằm trong số nhiều nhóm người mà các chuyên gia và nhà giám sát nhân quyền cho rằng đang bị ĐCSTQ bức hại. Các nạn nhân khác bao gồm các học viên Pháp Luân Công, tín đồ Cơ Đốc Giáo, người Tây Tạng, v.v.
Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã không phúc đáp các yêu cầu bình luận từ The Epoch Times vào thời điểm đăng bản tin này.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo hồi tháng trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Uông Văn Bân đã bác bỏ các báo cáo về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.