Các nhà phê bình nói về thỏa thuận khí hậu của LHQ nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch: ‘Kế hoạch tập trung kiểu Xô Viết’
Liên Hiệp Quốc cho biết ‘kiểm kê toàn cầu’ của họ yêu cầu lượng phát thải giảm 43% vào năm 2030 nếu nhiệt độ hành tinh tăng ở mức dưới 1.5°C.
DUBAI — Các chính phủ trên khắp thế giới đã đồng ý chuyển đổi toàn cầu khỏi “nhiên liệu hóa thạch,” giới hạn nhiều hơn về sử dụng năng lượng, và một quỹ mới để bồi thường cho chính phủ của các quốc gia nghèo hơn về những thiệt hại được cho là do lượng phát thải khí CO2 từ các quốc gia giàu có hơn gây ra.
Kết quả nà đạt được sau hai tuần đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với nguồn dầu mỏ dồi dào.
Thỏa thuận này, được thông qua với sự đồng thuận của gần 200 chính phủ tham dự, đang được các viên chức Liên Hiệp Quốc coi là một bước ngoặt đối với thế giới.
Tuy nhiên, các nhà phê bình đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, cho rằng thỏa thuận và tiến trình rộng hơn đe dọa cả sự thịnh vượng và tự do trong khi chẳng giúp ích được gì cho môi trường.
Biên tập viên của Climate Depot Marc Morano, cựu phụ tá Thượng viện Hoa Kỳ, người đã làm việc lâu năm về chính sách khí hậu, cho biết các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội phải lên tiếng phản đối nghị trình này.
Ông nói với The Epoch Times: “Đây là kế hoạch tập trung kiểu Xô Viết cần phải được ngăn chặn.”
Ông nói rằng tất cả các thành viên Đảng Cộng Hòa, từ các nhà lãnh đạo trở xuống, “cần phải hành động để ngăn chặn nghị trình phản nhân loại này.”
Ông Morano, người đã tham dự COP28 và là nhân vật chính tại các sự kiện trong gần hai thập niên qua, đã chế nhạo quan điểm rằng nhân loại có thể ngừng sử dụng năng lượng hydrocarbon là một quan điểm “vô lý” và “tâm thần.” Ông dự đoán rằng thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc sẽ không giúp ích được gì cho khí hậu.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia đã nêu ra rằng các chính phủ Nga, Trung Quốc, và Ả Rập dường như không thể kiềm chế các nguồn năng lượng truyền thống.
Các viên chức Liên Hiệp Quốc cho rằng thỏa thuận này là một bước quan trọng hướng tới việc bảo vệ khí hậu, điều mà Hội đồng Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc cho là đang bị đe dọa bởi lượng phát thải carbon dioxide (CO2) và metan từ con người.
Thư ký Điều hành Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc Simon Stiell cho biết khi kết thúc sự kiện: “Mặc dù chúng ta chưa lật sang trang mới về kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch ở Dubai, nhưng kết quả này là sự khởi đầu cho sự kết thúc.”
“Giờ đây tất cả các chính phủ và doanh nghiệp cần phải biến những cam kết này thành kết quả kinh tế thực sự, không một chút chần chừ.”
Một trong những nội dung chính đúc kết từ sự kiện này là điều mà Liên Hiệp Quốc gọi là “kiểm kê toàn cầu,” được tổ chức quốc tế này mô tả là “kết quả trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh về khí hậu năm nay.”
Theo như lần kiểm kê này, giới “khoa học” yêu cầu giảm 43% lượng phát thải vào năm 2030 nếu mức tăng nhiệt độ hành tinh được giữ ở mức dưới 1.5°C.
Những dự đoán đó, dựa trên các mô hình máy điện toán, từ lâu đã bị các nhà khoa học và chuyên gia chỉ trích nặng nề là không đáng tin cậy, lại được dùng làm cơ sở cho toàn bộ tiến trình khí hậu này.
Các chính sách khác mà Liên Hiệp Quốc cho biết là cần thiết vào năm 2030, dựa trên dữ liệu kiểm kê, gồm việc tăng gấp ba lần “năng lượng tái tạo” như quang năng và phong năng, cùng với việc tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng.
Là một phần trong đó, Liên Hiệp Quốc kêu gọi giảm dần năng lượng nhiệt than, và chuyển đổi “công bằng, có trật tự, và bình đẳng” khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Theo kế hoạch này, chính phủ các quốc gia giàu có hơn như Hoa Kỳ dự kiến sẽ đi đầu trong việc giảm bớt năng lượng truyền thống đồng thời cung cấp tài chính cho chính phủ các quốc gia nghèo hơn để thực hiện theo sau này.
Bên lề sự kiện, dữ liệu do “Bộ đếm Cam kết Hành động vì Khí hậu” cung cấp cho thấy hàng tỷ dollar được các chính phủ và các nhóm lợi ích khác cam kết trong suốt hội nghị.
Các quỹ này nhằm mục đích hướng tới năng lượng “xanh,” thích ứng với biến đổi khí hậu, “hòa nhập,” đền bù, phát triển, và các dự án khác.
Để giúp đạt đến các mục tiêu đã được các chính phủ cùng đồng thuận tại COP28 và các hội nghị thượng đỉnh trước đó, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã cam kết bổ sung hàng tỷ dollar cho các chương trình khác nhau của Liên Hiệp Quốc, gồm cả “Quỹ Khí hậu Xanh.”
Quỹ này nhằm giúp chính phủ các quốc gia nghèo hơn chuẩn bị cho những tác động tiềm tàng của tình trạng biến đổi khí hậu trong tương lai.
Các viên chức quản trị cũng cùng với các chính phủ phương Tây khác cam kết hàng trăm triệu dollar cho một quỹ “tổn thất và thiệt hại” mới, được coi là một quy định cung cấp “các khoản bồi thường khí hậu” cho các quốc gia nghèo hơn được cho là bị tổn hại do lượng phát thải CO2 trước đây. Quỹ này sẽ do Ngân hàng Thế giới nắm giữ.
Có lẽ còn quan trọng hơn nữa, chính phủ TT Biden cam kết thắt chặt hơn nữa các quy định đối với các nhà máy điện mà các chuyên gia cảnh báo có thể gây ra hậu quả tàn khốc cho nước Mỹ.
Ông Stephen Moore, nhà kinh tế trưởng tại FreedomWorks, cho biết cam kết của chính phủ là sẽ cắt giảm 60% nguồn điện của Hoa Kỳ.
“Ông Biden đang chơi một trò chơi nguy hiểm là đơn phương giải trừ vũ khí năng lượng,” ông Moore cho biết. “Dù có cố ý hay không, nghị trình xanh cấp tiến này sẽ làm tê liệt vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của chúng ta, khiến nền kinh tế của chúng ta mất đi hàng triệu việc làm, và khiến người Mỹ phải chịu sự lạnh lẽo hơn trong nhà của mình vào mùa đông và nóng nực hơn vào mùa hè.”
Các nhà phê bình khác đã chế nhạo những nỗ lực của chính phủ TT Biden, đặc biệt là trước những gì mà các chính phủ khác đang thực thi.
“Khi kết thúc COP28, những người trung thành với nghị trình về khí hậu có cảm giác phấn khích vì họ đã đạt được điều gì đó to lớn, đặc biệt là đạt được một tài liệu có tên là ‘Đồng thuận của UAE’ để ‘chuyển đổi’ khỏi nhiên liệu hóa thạch,” ông Craig Rucker, người tham dự hội nghị thượng đỉnh với tư cách là người đứng đầu Ủy ban nhóm môi trường có khuynh hướng bảo tồn truyền thống vì một Ngày mai Xây dựng (Constructive Tomorrow), nói với Epoch Times.
“Nhưng hãy đối mặt với sự thật, Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy nhiệt than mới với tốc độ hai nhà máy mỗi tuần, còn Ấn Độ thì dự kiến sẽ tăng cường mạng lưới than đá của mình lên 25% vào năm 2030.
“Chỉ có các quốc gia phương Tây ngập trong chủ nghĩa báo động về hiện tượng nóng lên toàn cầu mới thực hiện các biện pháp ngớ ngẩn mà tổ chức Xanh (Greens)yêu cầu để rút bớt cơ sở hạ tầng năng lượng của họ.
Ông cho biết COP28 có nghĩa là các quốc gia đang tái cam kết với những cam kết trước đây mà “họ đã không thực hiện đúng thời hạn”.”
Ông Rucker nói: “Toàn bộ sự việc chỉ là một trò bông đùa.”
Khi được hỏi tại hội nghị thượng đỉnh về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mở rộng nhanh chóng việc sản xuất điện nhiệt than, ngay cả khi chính phủ Hoa Kỳ hạn chế hơn nữa các nguồn năng lượng truyền thống, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Lisa Murkowski (Cộng Hòa-Alaska), thành viên Đảng Cộng Hòa duy nhất tham dự với tư cách là thành viên phái đoàn Thượng viện nhận thức được vấn đề này và kêu gọi Bắc Kinh hợp tác.
Tuy nhiên, cuối cùng, bà Murkowski — một trong số ít các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa công khai ủng hộ các mục tiêu về khí hậu của Liên Hiệp Quốc — cho biết chính phủ Hoa Kỳ phải tiếp tục nỗ lực giảm lượng phát thải CO2 và “dẫn đầu” tiến trình này trên phạm vi quốc tế.
“Mọi người cần phải là người tham gia vào giải pháp rộng lớn hơn,” bà nói.
“Người Trung Quốc cần phải là một phần của cuộc thảo luận, này và tôi nghĩ người Trung Quốc cần được thách thức về những gì họ đang làm và cách họ thực hiện cũng như đưa ra các giải pháp chung.”
Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có tiếp tục theo đuổi các chính sách chống phát thải hay không nếu ĐCSTQ từ chối hạn chế lượng phát thải CO2 của mình, thượng nghị sĩ cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sử dụng các nguồn tài nguyên của chính mình đồng thời hạn chế phát thải.
Viễn cảnh cựu TT Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc hiện ra rõ ràng trong hội nghị, đặc biệt với nhiều cuộc thăm dò cho thấy ông đang dẫn đầu.
Tuy nhiên, các quan chức Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ nói rằng không gì có thể ngăn cản “sự chuyển đổi” hiện đang diễn ra.
“Sự chuyển đổi là không thể ngăn cản được,” những màn hình và tấm bích chương rộng lớn được tuyên bố nằm rải rác khắp trung tâm triển lãm nơi tổ chức COP28.
Khi được hỏi tại một cuộc họp báo về dữ liệu thăm dò gần đây cho thấy hầu hết người Mỹ đều bác bỏ thuyết biến đổi khí hậu do con người tạo ra, Thượng nghị sĩ Chris Coons (Dân Chủ-Delaware) đã lặp lại quan điểm đó.
Ông nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục tiến về phía trước,” đồng thời nêu ra “Đạo luật Giảm Lạm phát” được thông qua năm ngoái, được mô tả là đạo luật về khí hậu lớn nhất trong lịch sử.
Trong những tháng trước hội nghị thượng đỉnh, một loạt bài nghiên cứu được bình duyệt của một nhóm gồm hàng chục nhà khoa học trên khắp thế giới đã làm dấy lên những nghi ngờ mới về giả thuyết rằng lượng phát thải CO2 của con người là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.
Các bài nghiên cứu, được xuất bản trên ba tạp chí, đã chứng minh rằng tất cả sự ấm lên quan sát được trong những thập niên gần đây có thể được giải thích bằng những thay đổi trong hoạt động của mặt trời và những thay đổi trong dữ liệu nhiệt độ liên quan đến hiệu ứng đảo nhiệt đô thị khi các thành phố mở rộng xung quanh các trạm giám sát.
Khi được The Epoch Times hỏi, rất ít người tham dự COP28 cho biết họ biết về các bài nghiên cứu này.
Hơn 80,000 đại biểu, nhà báo, nhà hoạt động, lãnh đạo chính phủ, và nhân viên trợ giúp đã tham dự hội nghị thượng đỉnh này của Liên Hiệp Quốc, hội nghị thượng đỉnh lớn nhất trong lịch sử. Các nhà phân tích cho biết việc này cũng dẫn đến lượng phát thải ở mức kỷ lục.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times