Chủ tịch Ủy ban Trung Quốc tại Hoa Kỳ đề cử dũng sĩ cầu Tứ Thông cho giải Nobel Hòa bình
Người Hoa ở hải ngoại tổ chức các cuộc biểu tình yêu cầu thả anh Bành Lập Phát, người biểu tình trên cầu Tứ Thông, nhân kỷ niệm một năm xảy ra vụ việc này.
Hôm 13/10 đánh dấu kỷ niệm năm tròn một năm xảy ra cuộc biểu tình của một người đàn ông trên Cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh phản đối sự cai trị độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và lãnh đạo của đảng này, ông Tập Cận Bình. Chủ tịch Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ về Trung Quốc Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) đã đề cử anh Bành Lập Phát (Peng Lifa), được biết đến với biệt danh “Dũng sĩ Cầu Tứ Thông” hay “Người biểu tình trên cầu” (Bridgeman), cho giải Nobel Hòa bình.
Cùng lúc đó, cộng đồng Hoa kiều tại nhiều thành phố trên thế giới đã tổ chức biểu tình trước các lãnh sự quán Trung Quốc, hô vang các khẩu hiệu phản đối sự cai trị độc tài của ĐCSTQ và kêu gọi trả tự do cho anh Bành, người hiện vẫn chưa rõ tung tích.
Vào ngày 13/10/2022, trong thời gian ba năm chính quyền cộng sản thực hiện lệnh phong tỏa COVID-19 hà khắc, anh Bành đã giăng các biểu ngữ trên cầu Tứ Thông bắc qua Đường vành đai thứ Ba nhộn nhịp của Bắc Kinh.
Một trong những tấm biểu ngữ nói trên có nội dung: “Không xét nghiệm COVID, chúng tôi muốn ăn. Không phong tỏa; chúng tôi muốn tự do. Không dối trá; chúng tôi muốn phẩm giá. Không Cách mạng Văn hóa; chúng tôi muốn cải tổ. Không có giới lãnh đạo; chúng tôi muốn bầu cử. Chúng tôi không muốn làm nô lệ; chúng tôi muốn làm công dân.”
Anh nhanh chóng bị công an ĐCSTQ bắt đi.
Đoạn video về cuộc biểu tình tự phát của anh Bành đã lan truyền nhanh chóng và khơi mào cho các cuộc biểu tình trên khắp Trung Quốc, dẫn đến việc ĐCSTQ dỡ bỏ lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế hồi tháng 12/2022.
Ông Gallagher kể lại câu chuyện của anh Bành trong một tin nhắn video để chia sẻ với thế giới về sự can đảm của anh Bành.
Ông cũng chỉ trích Apple Inc. vì đã giúp ĐCSTQ cố gắng ngăn cản người dân Trung Quốc chia sẻ các video về câu chuyện của anh Bành và các cuộc biểu tình được anh truyền cảm hứng ở Trung Quốc. “Apple tung ra bản cập nhật hồi tháng 11 [2022],” ông nói, và nói thêm rằng “Bản cập nhật AirDrop của Apple đã giúp dập tắt các cuộc biểu tình,” ông nói.
Dân biểu Gallagher cho biết đây là một câu chuyện về “lòng can đảm và sự hèn nhát.”
“Hôm nay, tôi sẽ đề cử anh Bành Lập Phát cho giải Nobel,” ông nói ở phần cuối của video. “Thế giới cần nghe câu chuyện của anh ấy — một câu chuyện mà tôi e là Apple không muốn quý vị nghe được.”
“Không dối trá, chúng tôi muốn phẩm giá.”
Cuộc biểu tình ở cầu Tứ Thông đã gây chấn động thế giới. Trong năm qua, dù có rất tình nguyện viên đi tìm anh Bành ở khắp nơi, nhưng tung tích của anh Bành vẫn chưa được xác định sau khi anh bị công an ĐCSTQ bắt giữ.
Ông Lâm Sinh Lượng (Lin Shengliang), người sáng lập “Danh sách Ác nhân Trung Cộng,” nói với The Epoch Times rằng ông và các tình nguyện viên khác cuối cùng đã tìm được người thân và bằng hữu của anh Bành, nhưng không ai trong số họ biết anh Bành đang bị giam giữ ở đâu, và gia đình ông cũng không nhận được bất kỳ thông báo nào. Ngay cả người thân và bằng hữu của anh cũng bị chính quyền kiểm soát và bịt miệng.
Ông Lâm nói: “Cuộc biểu tình ở cầu Tứ Thông đã thức tỉnh toàn dân hành động. Lần đầu tiên, họ dám hét lớn trên đường phố là ‘đả đảo Đảng Cộng sản.’ Điều này đã truyền cảm hứng cho quá nhiều người.”
Ông Lâm nói thêm: “Chúng ta cần luôn ghi nhớ anh Bành Lập Phát (còn được gọi là Bành Tải Châu) vì những đóng góp của anh đối với việc theo đuổi tự do, dân chủ, và nhân quyền của người dân Trung Quốc. Nếu có cơ hội, tôi hy vọng anh ấy có thể được đề cử giải Nobel Hòa bình.”
Hôm 14/10, cựu luật sư Bắc Kinh Lương Thiếu Hoa (Liang Shaohua) nói với The Epoch Times rằng: “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với việc đề cử anh Bành Lập Phát làm ứng cử viên cho Giải Nobel Hòa bình. Cả thế giới đang chú ý đến anh Bành Lập Phát, không chỉ riêng gì cộng đồng người Hoa, mà là toàn bộ thế giới dân chủ.”
Ông nói thêm: “Dưới sự đàn áp gay gắt của ĐCSTQ, vào thời điểm mà xã hội Trung Quốc ở trong một trạng thái bị đe nẹt đến nỗi chẳng ai dám hé răng nửa lời, thì anh ấy lại dám nói ra tiếng lòng của người dân ở nơi công cộng.”
“Chính vì những hành động của anh đã dẫn đến Phong trào Giấy Trắng ngay sau đó, và cũng trực tiếp dẫn đến quyết định chấm dứt chính sách ‘Zero-COVID’ gây hại cho đất nước và người dân. Điều này có ý nghĩa rất lớn.”
Hoa kiều trên toàn thế giới tổ chức biểu tình ủng hộ anh Bành
Hôm 14/10, các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc đã tổ chức một cuộc biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles, yêu cầu ĐCSTQ thả anh Bành. “Anh Bành Lập Phát đang ở đâu?” họ hét lên. Những người nhập cư Trung Quốc cũng giăng biểu ngữ trước Bảo tàng Nghệ thuật Quận Los Angeles và trên cầu vượt ở LA để ủng hộ anh Bành.
Hôm 13/10, tại Quảng trường Thời đại ở Manhattan, New York, những người Trung Quốc ủng hộ dân chủ đã tổ chức một cuộc biểu tình yêu cầu ĐCSTQ trả tự do cho anh Bành.
Hôm 14/10, hàng chục Hoa kiều đã tổ chức biểu tình ủng hộ anh Bành ở New Zealand. Cũng có một số người Trung Quốc giăng biểu ngữ trước “Tượng đài [Vụ thảm sát Thiên An Môn] Ngày 04/06”, hô vang các khẩu hiệu đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc và lặp lại các khẩu hiệu của anh Bành trên cầu Tứ Thông, yêu cầu trả tự do cho anh Bành.
Bản tin có sự đóng góp của Lý Vận và Lý Nguyên Minh
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times