Căng thẳng xuyên eo biển gia tăng, Trung Quốc đình chỉ ưu đãi thuế quan đối với 134 mặt hàng Đài Loan
Đài Loan phản đối mạnh mẽ việc Bắc Kinh cưỡng ép kinh tế vì các vấn đề chính trị.
Bộ Tài chính của Bắc Kinh cho biết Trung Quốc sẽ đình chỉ ưu đãi thuế quan đối với hơn 130 mặt hàng nhập cảng từ Đài Loan kể từ ngày 15/06, và Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan đang phản đối hành động này.
Thông báo kể trên được đưa ra vào ngày 31/05 sau khi các quan chức chấp pháp của Đài Loan cáo buộc hôm 30/05 rằng tám công ty Trung Quốc, bao gồm cả nhà cung cấp Luxshare Precision Industry của Apple, đang hoạt động bất hợp pháp tại Đài Loan và cố gắng chiêu mộ nhân tài công nghệ của Đài Loan.
Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố đợt tạm dừng ưu đãi thuế quan thứ hai đối với 134 mặt hàng từ Đài Loan theo Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế Xuyên Eo biển (ECFA) hôm 31/05, trong đó có dầu gốc bôi trơn.
Trung Quốc và Đài Loan đã ký ECFA vào năm 2010. Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố, Trung Quốc đã quyết định tạm dừng ưu đãi thuế quan vì Đài Loan đã không đền đáp theo thỏa thuận thương mại.
Ông Khâu Thùy Chính (Chiu Chui-cheng), người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan (MAC), nói với Lập pháp viện hôm 31/05 rằng Đài Loan “mạnh mẽ phản đối và bày tỏ sự không hài lòng” với quyết định của Bắc Kinh về việc đình chỉ thêm các ưu đãi thuế quan đối với 134 sản phẩm của Đài Loan theo ECFA.
ĐCSTQ đã mở cuộc điều tra rào cản thương mại đối với Đài Loan vào tháng 12/2023, tuyên bố rằng họ sẽ đình chỉ cắt giảm thuế theo ECFA đối với 12 sản phẩm của Đài Loan, bao gồm propylene, paraxylene, và các sản phẩm hóa dầu khác kể từ năm 2024.
Ông Khâu cho biết hành động của Bắc Kinh là “đơn phương”, không phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) và là một “thủ đoạn chính trị” nhằm “gây áp lực lên Đài Loan.”
Ông nói: “Việc này sẽ chỉ làm sai lệch hướng phát triển đôi bên cùng có lợi ban đầu của quan hệ kinh tế và thương mại xuyên eo biển … đồng thời khiến quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai bên ngày càng xa cách và tách rời.”
Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Quách Trí Huy (Kuo Chih-hui) cho biết bộ của ông sẽ liên lạc đầy đủ với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và giúp họ tìm kiếm thị trường mới.
Văn phòng Đàm phán Kinh tế và Thương mại của Viện Hành chính Đài Loan tuyên bố rằng cả hai bên eo biển Đài Loan đều là thành viên của WTO và các tranh chấp cũng như khác biệt thương mại giữa hai bờ eo biển phải được giải quyết theo các quy định của WTO. Cơ quan này cho biết ĐCSTQ nên ngay lập tức chấm dứt hành vi cưỡng ép kinh tế phi lý đối với Đài Loan và tuân thủ các quy định của WTO.
Sự cưỡng ép kinh tế của ĐCSTQ
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), người mới nhậm chức hôm 20/05, cho biết trong lễ nhậm chức rằng Trung Hoa Dân Quốc (tên gọi khác của Đài Loan) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “không lệ thuộc lẫn nhau”, bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hòn đảo dân chủ tự trị này.
MAC của Đài Loan trước đó đã giải thích chi tiết trong một tuyên bố rằng Trung Hoa Dân Quốc là “một quốc gia có chủ quyền và độc lập, được thành lập 38 năm trước khi CHND Trung Hoa thành lập và đã đứng vững trong 110 năm qua.” Họ cũng tuyên bố rằng quốc gia này “hiện thực thi quyền tài phán đối với Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn, và Mã Tổ và chưa bao giờ nằm dưới sự cai trị của CHND Trung Hoa.”
Đáp lại bài diễn văn nhậm chức của ông Lại, ĐCSTQ đã gán cho tân tổng thống là một “kẻ ly khai” và cáo buộc chính quyền của ông đã truyền bá “những ngôn từ ngụy biện nhằm thúc đẩy độc lập và chủ nghĩa ly khai ở Đài Loan.”
Nhà cầm quyền này cũng đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự kéo dài hai ngày quanh Đài Loan và vùng biển của nước này sau khi ông Lại nhậm chức.
Một phát ngôn viên của Văn phòng Sự vụ Đài Loan của ĐCSTQ cho biết việc đình chỉ cắt giảm thuế quan mới nhất của Bắc Kinh là phản ứng trước việc Đài Bắc từ chối tuân thủ “Đồng thuận năm 1992”, trong đó cả hai bên được cho là đều thừa nhận nguyên tắc “một Trung Quốc.”
Văn phòng tổng thống Đài Loan cho biết trong một tuyên bố rằng việc dừng cắt giảm thuế quan là một ví dụ về “sự cưỡng ép kinh tế điển hình của Trung Quốc,” và rằng cộng đồng quốc tế không hoan nghênh kiểu can thiệp chính trị này vào thương mại toàn cầu.
Tuyên bố viết: “Trung Quốc nên từ bỏ việc can thiệp chính trị vào thị trường và bóp méo hoạt động bình thường của nền kinh tế toàn cầu thông qua cưỡng ép kinh tế.”
MAC kêu gọi Bắc Kinh “giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại mang tính xây dựng, không liên quan đến các điều kiện tiên quyết về chính trị, đồng thời chấm dứt áp lực về kinh tế và thương mại.”