Cảnh sát đe dọa gia đình một sinh viên Trung Quốc vì ủng hộ cuộc biểu tình trên cầu ở Bắc Kinh
Một sinh viên học tại trường Cao đẳng Bellevue đã không che giấu danh tính của mình khi ủng hộ một cuộc biểu tình diễn ra hôm 13/10 ở Trung Quốc. Cảnh sát Trung Quốc ngay lập tức đã gõ cửa nhà anh ở Bắc Kinh. “Tôi sẽ không giữ im lặng,” anh nói.
Anh Hàn Ngọc Đào (Han Yutao, còn gọi là Thomas) sang Hoa Kỳ học đại học hồi tháng Chín. Trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 21/10, anh đã bày tỏ mong muốn vạch trần sự tà ác của chế độ cộng sản này.
Hôm 13/10, vài ngày trước khi đại hội toàn quốc của chế độ này bắt đầu, một người đàn ông đã treo biểu ngữ phản đối các chính sách của ông Tập Cận Bình và tạo khói để gây sự chú ý trên Cầu Tứ Thông được canh gác nghiêm ngặt ở Bắc Kinh.
Được truyền cảm hứng từ vụ việc trên, anh Thomas đã được truyền động lực để bày tỏ sự ủng hộ của mình tại khuôn viên trường đại học của anh ở Hoa Kỳ. Nhưng ngày hôm sau, anh trai của anh ấy đã gọi cho anh từ Bắc Kinh hôm 19/10, và trách móc anh, “Em đã làm gì ở Hoa Kỳ vậy?”
Cảnh sát đã ghé thăm gia đình anh, và lấy thông tin liên lạc của anh ở Hoa Kỳ từ mẹ anh.
Không còn sự im lặng
Anh Hàn ngưỡng mộ lòng dũng cảm của “người biểu tình trên cầu” (“Bridge Man”) ở Bắc Kinh và đã đăng bài trên Twitter để thể hiện sự ủng hộ của anh trên mạng.
Anh bộc bạch, “Nhưng tôi cảm thấy xấu hổ vì hành động của chính mình. Tại sao tôi không thể tiết lộ danh tính thật của mình để thể hiện sự ủng hộ của tôi?”
Anh giải thích, “Anh ấy thật dũng cảm. Tôi không nghĩ mình có đủ can đảm để làm giống anh ấy. Nhưng, tôi hiện đang ở Mỹ, vậy đáng ra tôi không nên sợ ĐCSTQ mới phải. Tôi không thể cứ im lặng như thế.”
“Nếu tà ác dám lộ mặt, tại sao công lý lại không thể?” anh nói.
Anh quyết định làm các tờ rơi ủng hộ và phân phát trong khuôn viên trường. Anh cũng đã làm một video trực tuyến cho thấy khuôn mặt của mình, trong đó anh nói rằng “Tôi phản đối ông Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).”
Ngay sau đó, anh đã nhận được một cuộc gọi từ anh trai cho biết cảnh sát đã tới gõ cửa nhà anh.
Cảnh sát không cho biết lý do tại sao họ ở đó. Anh trai của anh nói với anh rằng, “Đừng có trở thành một người phản quốc … mấy người đó được trả tiền, còn em thì không.”
Anh Thomas cho biết: “Mẹ tôi cũng nói rằng tôi đã đặt họ vào một tình huống nguy hiểm. Tôi không biết liệu họ có bị đe dọa hay không. Nhưng tôi không giận trước những lời mà họ nói. Tôi chỉ im lặng lắng nghe.”
Chế độ tà ác
Người thanh niên 23 tuổi này là người Bắc Kinh. Anh Hàn giải thích rằng anh đã nhận thức được bản chất tà ác của ĐCSTQ từ khi còn nhỏ.
Cả bà nội và bà trẻ của anh đều là nạn nhân trong cuộc bức hại của ĐCSTQ vì tín tâm của họ với Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện cổ xưa, bắt nguồn từ lịch sử và văn hóa Trung Hoa, chiểu theo các nguyên lý phổ quát là chân, thiện, và nhẫn.
Vào năm 1999, ĐCSTQ đã khởi xướng một chiến dịch bức hại nhắm vào các học viên Pháp Luân Công cũng giống như việc họ bức hại tất cả các tôn giáo chân chính ở Trung Quốc, bao gồm Phật Giáo, Đạo Giáo, Cơ Đốc Giáo, v.v.
Vì bị bức hại, bà trẻ của anh, ở tuổi 70, đã qua đời ngay sau khi bà được thả ra sau hai năm tù giam trong một trại lao động.
Anh Thomas vẫn nhớ cảnh sát đã lục soát nhà của bà anh mà không có lệnh khám xét như thế nào.
Một số người thân thích của anh cũng bị cảnh sát địa phương theo dõi, “Họ không thể đến Bắc Kinh vì niềm tin vào Pháp Luân Công,” anh nói.
Cha mẹ anh đều từng là những người tham gia cuộc biểu tình của sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989. Họ sống sót vì họ đã ở nhà khi Bắc Kinh áp đặt thiết quân luật.
Một người họ hàng là cảnh sát đã kể cho anh nghe người dân Bắc Kinh đã bị sát hại như thế nào trong cuộc thảm sát tháng 06/1989.
Anh nói, “Nhưng họ không kể cho tôi bất cứ điều gì về sự kiện ấy cho đến khi tôi tự mình biết được sự thật. Tôi không hiểu tại sao họ lại giữ kín, không cho trẻ em biết về những vấn đề quan trọng này.”
Anh và cha mẹ đã từng đi du lịch 12 quốc gia, do đó anh biết xã hội tự do là thế nào và ý nghĩa của các giá trị phổ quát.
“Tôi đã muốn rời khỏi Trung Quốc từ khi còn học cấp hai,” anh nói.
Phong tỏa là động lực cho kế hoạch của anh
Chính sách zero COVID ở Trung Quốc đã đánh thức anh, giúp anh càng thêm vững chí và quyết tâm ra hải ngoại.
Trong vài tháng đầu tiên bị phong tỏa, anh ở trong nhà một cách có ý thức, anh cho biết. Nhưng dần dần anh nhận ra những biện pháp hạn chế này sẽ không kết thúc.
Việc quét mã QR để đi đến các địa điểm đã trở thành bắt buộc. Anh nói, “Một số người mặc đồng phục bảo vệ màu đen bắt đầu xuất hiện, họ hét vào mặt quý vị và liên tục ra lệnh, tôi nhận ra rằng tôi không thể chịu đựng được điều đó.”
Cuối cùng, khi khu phố nơi anh sống bị phong tỏa hoàn toàn, một bản đồ trực tuyến cho thấy khu vực này được đánh dấu đỏ (dấu hiệu nhận biết khu vực có nguy cơ cao), và hàng rào sắt được dựng xung quanh phạm vi khuôn viên. Anh nói: “Nó giống như một trại tập trung được xây dựng cho quý vị, và một trong những ngày này sẽ đến lượt tôi. Đó là một cảm giác rất kinh hoàng,” anh nói.
Anh nói rằng sau đó anh nhận ra, “Trung Quốc không phải là một nơi dành cho con người.”
Nỗi sợ hãi bao trùm lấy anh, và tất cả những gì anh có thể làm là cầu nguyện mỗi ngày. “Hành động đó đã giúp tôi rất nhiều, nếu không tôi có thể bị suy sụp tinh thần,” anh nói.
May mắn thay, hồ sơ đi du học của anh đã được duyệt và anh được nhận vào trường.
Là một tín đồ Cơ Đốc, anh muốn sống đúng với lương tâm của mình. Anh nói, “Tôi sẽ không giữ im lặng. Nhìn thấy tất cả những tội ác bất chính của ĐCSTQ, mà không nói câu gì … Tôi không thể tiếp tục mãi như thế.”
Anh dự định đưa ra nhiều khẩu hiệu hơn và phát tờ rơi trong thành phố.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times