Người đào thoát sau Phong trào Giấy trắng: ĐCSTQ trả đũa, tài sản cá nhân bị đóng băng
“Tại sao Phong trào Giấy trắng lại khởi phát vào năm thứ ba Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành phong tỏa vì lý do dịch bệnh?” Sau khi anh Hoàng Quốc An (Huang Guoan), cựu chuyên gia kỹ thuật của Cục Điện lực Quảng Châu, trải qua việc bị nhốt trong nhà và chịu đói, anh đã tham gia phong trào này. Vài tháng sau đó, anh bị cảnh sát bắt giữ. Sau khi được thả, anh đào thoát ra ngoại quốc. Trên điện thoại di động, anh vẫn nhận được lệnh triệu tập từ đồn công an của ĐCSTQ, đồng thời tài sản của anh đã bị đóng băng.
Phong trào Giấy trắng được cho là phong trào sinh viên lớn nhất ở Trung Quốc kể từ sau sự kiện Lục Tứ ngày 04/06/1989. Cuối tháng 11/2022, Phong trào Giấy trắng đã khởi phát tại các trường đại học lớn trên khắp Trung Quốc để phản đối việc ĐCSTQ phong tỏa vì lý do dịch bệnh. Người dân trên đường phố Thượng Hải hô vang khẩu hiệu “Tập Cận Bình hạ đài, Đảng Cộng sản hạ đài.”
Trước làn sóng phản đối của người dân, bắt đầu từ tháng 12/2022, chính quyền ĐCSTQ bất ngờ nới lỏng chính sách zero COVID, vội vàng chuyển hướng.
Phong trào Giấy trắng khởi phát mạnh mẽ
Anh Hoàng Quốc An, một người từng tham gia Phong trào Giấy trắng ở thành phố Quảng Châu, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng việc phong tỏa ở Quảng Châu đặc biệt nghiêm trọng hồi năm ngoái (2022). Hai năm đầu, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt chỉ xuất hiện ở khu vực nội địa, phía bắc hay Quảng Tây, nhưng sang năm 2022, lệnh phong tỏa ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, v.v. đã bắt đầu xuất hiện.
Anh Hoàng cho biết, hồi cuối tháng Mười Một và đầu tháng Mười Hai năm ngoái (2022), làn sóng phản kháng khá mạnh mẽ, một số video đã lan truyền trên Internet. Do lệnh phong tỏa trên diện rộng, nên người dân đã không ngừng xuống đường giơ biểu ngữ, trực tiếp phá phong tỏa và các trạm xét nghiệm acid nucleic. Tình trạng này kéo dài ít nhất một tháng.
“Khi những người bạn của tôi ở quận Hải Châu phá phong tỏa, một số người ở phía trước đã bị cảnh sát dùng gậy đánh vào đầu và ngã xuống đất. Những người đứng sau cũng bị đẩy xuống đất và bị đánh chảy máu đầu. Cũng có rất nhiều người bị bắt giữ sau khi cảnh sát dùng dùi cui điện khiến họ choáng váng,” anh Hoàng cho biết.
“Hồi tháng 12 [năm 2022], sự việc này không chỉ xảy ra trong các trường đại học nữa. Tất cả công dân Quảng Châu đã mở cửa hàng, và người dân địa phương ở Quảng Châu bị nhốt trong nhà về cơ bản đều hưởng ứng. Họ đi ra ngoài và hét lên: Tập Cận Bình hạ đài, Đảng Cộng sản hạ đài.” Anh Hoàng nhấn mạnh giai đoạn đầu là phong trào sinh viên, giai đoạn sau đã chuyển thành phong trào của người dân.
Anh Hoàng Quốc An cho rằng Phong trào Giấy trắng có thể được phát triển và lan rộng vì đó là một tổ chức phi tập trung. Nhóm Whatsapp Quảng Châu của anh chỉ có 500 người, nhưng dù toàn bộ 500 người này bị bắt thì vẫn có hàng trăm ngàn người Quảng Châu phản kháng. Phong trào phản kháng này quả thực có hiệu quả. Rất nhiều khu phố đã dần dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Lý do trực tiếp khiến anh Hoàng tích cực tham gia Phong trào Giấy trắng, là vì anh từng trải qua cơn đói khi bị phong tỏa.
Khi còn học đại học, anh đã bắt đầu học cách “vượt tường” (đột phá sự phong tỏa Internet) để tìm hiểu về một số tin tức và sự kiện chính trị. Anh đã xem “Cửu Bình Cộng sản Đảng” (9 bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc) trên YouTube, tìm hiểu về lịch sử của ĐCSTQ và theo dõi các bài giảng của ông Tân Hạo Niên (Xin Haonian, một học giả người Hoa hiện đang sống tại Hoa Kỳ). “Tôi cảm thấy đây là sự thật, nhưng cũng có chút nghi vấn. Tôi không cho rằng Đảng Cộng sản lại tà ác đến vậy. Chỉ sau khi bị phong tỏa vì dịch bệnh, bản thân gặp họa rồi, tôi mới nhận ra bản chất tà ác của nó,” anh Hoàng nói.
“Nó [ĐCSTQ] đã xuyên tạc lịch sử. Trẻ em không thể nhìn thấy đoạn lịch sử đó khi đi học, [cũng không biết] có bao nhiêu người đã thiệt mạng trong Cách mạng Văn hóa và Đại nhảy vọt. Hiện nay, sách giáo khoa tôn vinh ‘đại bạch’ (cách gọi khác của nhân viên kiểm dịch) là thiên thần. Ngay cả trẻ em cũng không biết về chuyện ba năm phong tỏa đáng sợ.”
Mã sức khỏe chuyển sang màu đỏ, khóa điện tử khóa cửa một tháng
Anh Hoàng Quốc An là thế hệ sau thập niên 90, sinh ra ở vùng Triều Sán, tỉnh Quảng Đông. Năm 2014, anh thi đỗ Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc, một trong những trường đại học trọng điểm trong Đề án 985. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2019, anh làm việc cho doanh nghiệp Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (China Southern Power Grid). Anh lần lượt đảm nhận các vị trí như kỹ sư phần mềm, kỹ sư quản lý dự án và chuyên gia kỹ thuật, với mức lương hậu hĩnh hàng năm là 300,000 nhân dân tệ (cộng với tiền thưởng cuối năm).
Tuy nhiên, anh cho biết sau ba năm dịch bệnh, tuy ngành điện không có đợt sa thải lớn nào nhưng lương đã bị cắt giảm nghiêm trọng, nhất là đối với một số cán bộ cấp sở và cấp cục, tiền thưởng đã giảm phân nửa.
“Ngành lưới điện là ngành độc quyền, không thể lỗ vốn, hơn nữa hoàn toàn độc lập với các nhà máy điện, bất kể giá thành của nhà máy điện như thế nào. Khi Úc thiếu than, điện ở đây bị hạn chế, một số nhà máy điện thậm chí còn tăng giá. Tuy nhiên, tài chính quốc gia sẽ rút tiền từ các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước là máy rút tiền của nó [ĐCSTQ]. Họ [các doanh nghiệp] phải cung cấp cho các ban ngành chính phủ và các doanh nghiệp trung ương của Đảng, hoàn toàn là tài sản của Đảng,” anh Hoàng cho biết.
Tháng 10/2022, mã sức khỏe của anh Hoàng Quốc An đột nhiên chuyển sang màu đỏ. Khi đó, tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh sẽ dẫn đến mã đỏ: nếu một người có mã đỏ trong phạm vi 800m, thì mã sức khỏe của những người xung quanh cũng sẽ chuyển sang màu đỏ.
Mã sức khỏe chuyển sang màu đỏ có nghĩa là quý vị không thể ra vào bất kỳ nơi công cộng nào, chỉ có thể đến bệnh viện hoặc tự cách ly tại nhà. Lúc đó, anh Hoàng đang thuê nhà ở thôn Thành Trung, đường Thạch Bài, quận Thiên Hà, thành phố Quảng Châu. Nhà của anh đã bị cư quan chức năng của phường khóa bằng khóa điện tử, từ bên trong không thể mở được, phải đợi đội ngũ nhân viên phòng chống dịch đến làm xét nghiệm acid nucleic. Cứ như vậy, anh đã bị nhốt trong nhà suốt một tháng.
“Ở Quảng Châu mua đồ rất thuận tiện, nên tôi thường mua rất ít đồ, chỉ mua một ít thịt và rau, đủ dùng từ ba đến năm ngày. Lúc đó, tồn trữ nhiều nhất cũng chỉ nửa bao gạo. [Vì vậy], gạo cũng ăn không nổi một tháng. Mỗi ngày tôi chỉ có thể nấu cháo, không dám ăn cơm. Về sau thì cháo càng ngày càng loãng, đói đến mấy ngày. Cũng may là khóa điện tử đó đã mở, và tôi có thể ra ngoài.”
Trải nghiệm này khiến anh Hoàng Quốc An ý thức được sự thống khổ của cơn đói. “Trước đó tôi không hiểu tại sao người ta lại nhảy lầu. Nhưng khi quý vị sắp chết đói, quý vị sẽ muốn nhảy lầu. Quý vị không thể chịu đựng được, quý vị sẽ muốn tự sát.”
Anh Hoàng từng chứng kiến vụ nhảy lầu ở một khu phố phồn hoa gần Thái Cổ Hối, quận Thiên Hà, tỉnh Quảng Châu. “[Người nhảy lầu] tử vong ngay trước mặt tôi. Tôi nhìn thấy khi đi ngang qua. Khi đó công an chưa kịp cách ly người này, khuôn mặt người đó bị biến dạng, máu chảy khắp người, … Chưa đầy 20 phút, công an và người của nhà tang lễ đã thu dọn thi thể, sau đó kiểm tra điện thoại của từng người xung quanh và xóa tất cả nội dung.”
Nửa giờ sau, không còn ai biết có người vừa nhảy lầu tự tử nữa. Anh Hoàng đã hỏi những người đi xuống từ tòa nhà đó: “Các bạn có thấy anh ta nhảy từ tòa nhà nào xuống không? Các bạn có biết người này không?” Họ nói: “Có người nhảy lầu à? Tôi không biết.”
“Cho nên nói rằng hiệu suất làm việc của công an Trung Quốc (ĐCSTQ) rất cao, rất nhanh. Nhưng nếu quý vị nói không có gì để ăn, thì sẽ không có ai để ý đến quý vị. Họ không phải phục vụ vì người dân, mà xem người dân như súc vật.”
Anh Hoàng cho biết do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nên rất nhiều người ở các tòa nhà tại Quảng Châu đã nhảy lầu. “Nhốt ở nhà không có cơm ăn, bạo lực gia đình cũng rất nghiêm trọng. ‘Bần tiện phu thê bách sự ai’ [vợ chồng nghèo nên trăm chuyện buồn thương]. Quả thực là cãi vã đến người mất tật mang. Người dân Quảng Châu ngồi ở cửa, suốt ngày nhìn thấy người ta nhảy lầu. Những người thu tiền thuê nhà không phải đi làm, thì sẽ nhìn thấy nhiều hơn.”
“Đảng Cộng sản hạ đài”
Cuối tháng Mười Một và tháng Mười Hai năm ngoái, khi các trường đại học trên cả nước bắt đầu biểu tình phản đối lệnh phong tỏa, anh Hoàng Quốc An đã tham gia Phong trào Giấy trắng này. Anh tải xuống nhiều video và tài liệu từ các trang web của The Epoch Times và Gan Jing World, đặc biệt là “Cửu Bình Cộng sản Đảng.”
“Các video của Gan Jing World khá ngắn, xem nhanh hơn, cho nên dễ biên tập và truyền tải hơn,” anh Hoàng nói. Anh cảm thấy video trên các trang web này rất hay nên đã biến chúng thành tài liệu để lưu truyền, khuyến khích mọi người xuống đường, đột phá phong tỏa, vượt qua hàng rào và giơ những tờ giấy trắng.
“Vì kêu gọi trực tuyến nên mọi người mới có đủ can đảm để xuống đường và đối mặt với công an,” anh Hoàng cho biết. Anh nhận thấy khẩu hiệu của Phong trào Giấy trắng có khá nhiều, ví như “không cần phong tỏa mà cần tự do,” “không cần acid nucleic mà cần thực phẩm.” Tuy nhiên, khẩu hiệu “Đảng Cộng sản hạ đài” thì đều thống nhất.
“Khẩu hiệu này không chỉ giới hạn ở Phong trào Giấy trắng, mà có thể nói đó là tâm nguyện của người dân trong suốt ba năm dịch bệnh. Nếu người lãnh đạo này không từ chức, hoặc ĐCSTQ không hạ đài, thì mọi người sẽ tuyệt vọng mất,” anh Hoàng nói. “Tất nhiên, cuối cùng họ đã đột ngột dỡ bỏ phong tỏa, cũng là đột nhiên mang lại cho người dân hy vọng sống sót. Nhưng dù phong tỏa đã được dỡ bỏ, rất nhiều người dân đã sinh hoạt bình thường trở lại, nhưng sau đó vẫn tồn tại hiện tượng [chính quyền] trả đũa.”
Đảng Cộng sản trả đũa, công an đến cửa bắt người
Anh Hoàng Quốc An cho rằng việc ĐCSTQ trả đũa sẽ tập trung vào tháng Một và tháng Hai năm nay [2023]. Những người thực sự dũng cảm lao lên phía trước để giơ cao tờ giấy trắng đã lần lượt biến mất. Họ hoàn toàn mất liên lạc, cảm giác như đã biến mất vậy.
“Sinh viên ở các trường như Học viện Công nghệ Nam Trung Quốc và Đại học Trung Sơn cũng khá dũng cảm. Tôi nghe những người dân địa phương ở Quảng Châu nói rằng con của họ sẽ không thể tốt nghiệp hoặc tìm được việc làm trong tương lai nếu bị bắt. Tôi cảm thấy rất buồn khi nghe điều đó,” anh Hoàng nói.
“Ngay cả một người như tôi, người không thực sự đứng trên đường giơ giấy trắng mà chỉ làm tuyên truyền, cũng bị họ tìm ra. Khi đến lượt mình, tôi mới nhận ra nếu quý vị trở thành con cừu câm lặng thì cuối cùng sẽ đến lượt quý vị bị làm thịt.”
Vì ngày ngày phải sống trong nỗi sợ hãi, nên anh Hoàng bắt đầu sắp xếp ra ngoại quốc hồi tháng 02/2023. Anh đã tìm đến rất nhiều người trung gian, nhưng họ đều nói rằng sẽ phải mất hơn 8 tháng để xin thị thực vào Hoa Kỳ, Canada, hoặc Úc. May mắn thay, một linh mục ở Hồng Kông đã hướng dẫn và giúp đỡ anh. Anh nộp được đơn xin thị thực ở New Zealand hồi đầu tháng Năm.
Ngày 20/05, công an bất ngờ đến trước cửa nhà anh, yêu cầu anh lấy quần áo và tất cả các sản phẩm điện tử rồi đi theo họ. Họ đưa anh đến Trại tạm giam quận Thiên Hà ở Quảng Châu và bắt đầu thẩm vấn. Anh Hoàng phát hiện các bài đăng trên Baidu Tieba, bình luận trên WeChat, và thậm chí cả trương mục của anh thì anh đều đã xóa rồi, nhưng trên máy điện toán của công an vẫn còn lưu lại. Công an còn yêu cầu anh đăng nhập vào các ứng dụng ở ngoại quốc như Telegram để xóa thông tin và xóa trương mục.
Anh Hoàng bị biệt giam trong một căn phòng nhỏ. Công an còng tay anh vào cửa sổ của trại tạm giam. Anh chỉ có thể ở trong tư thế nửa cúi nửa đứng. Con người có ba nhu cầu cấp thiết, nhưng anh chỉ có thể đi vệ sinh một lần một ngày. Họ làm vậy để hành hạ anh.
“Có khi tôi bị còng tay cả một ngày một đêm. Đến tối khi tôi muốn ngủ, họ treo một ngọn đèn sợi đốt lớn trước mặt tôi và chiếu vào mắt tôi. Họ còn xịt một loại hóa chất gây kích ứng vào mũi tôi, khiến khoang mũi, miệng, họng và phổi của tôi đau đớn dữ dội, mũi và miệng tôi luôn chảy nước, cảm giác như chết đuối, sống không bằng chết.”
Đối diện phòng giam của anh, có một “người bảo thủ” đã ngồi tù được năm tháng. Khi người này lên tiếng phản đối ĐCSTQ, công an đã đánh, đá và sốc điện cho đến khi anh ta sùi bọt mép.
Những ngày cuối cùng, sau khi không còn thông tin gì để tra khảo, anh Hoàng Quốc An bị đưa vào khu vực công cộng của trại tạm giam. “Hơn ba mươi người ở trong một căn phòng lớn, hai đến ba trăm người ngồi trong một khu vực của nhà ăn. Có thể thấy lúc đó ở Quảng Châu có bao nhiêu người nổi dậy. Trại tạm giam chật kín người,” anh Hoàng cho biết.
15 ngày sau, anh Hoàng được thả. Giấy thả ra nói rằng tội của anh là “tụ tập và tuyên truyền Pháp Luân Công.” Anh cho biết mình bị bắt vì truyền đạt “Cửu Bình Cộng sản Đảng” khi tham gia kháng nghị chống phong tỏa trong Phong trào Giấy trắng. Công an đã kết án anh dựa trên tài liệu mà anh tuyên truyền.
Đào thoát khỏi ĐCSTQ, thẻ ngân hàng bị đóng băng
Anh Hoàng Quốc An nhanh chóng bị công ty sa thải. Khi đó, anh chưa dám xuất ngoại ngay. Một tháng sau, anh đáp chuyến bay tới New Zealand vào ngày 25/07, đào thoát khỏi nanh vuốt của ĐCSTQ.
Ngày 31/07, chủ nhà của anh Hoàng đã gửi cho anh một đoạn video theo dõi, nói rằng cảnh sát đã tìm tới anh.
Đến đầu tháng Tám, anh phát hiện tiền của mình trên Alipay và WeChat không thể chuyển được nữa. Cùng lúc đó, nhân viên của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc gọi điện tới, nói với anh rằng anh bị nghi ngờ lừa đảo viễn thông và lừa đảo xuyên biên giới, số tiền trong thẻ ngân hàng của anh (380,000 nhân dân tệ) đã bị đóng băng, yêu cầu anh đến ngân hàng để giải băng.
“Cảm giác giống như một cái bẫy. Đây là lần đầu tiên tôi xuất ngoại, thậm chí tôi còn không có thẻ ngân hàng ngoại quốc. Họ nói tôi phạm tội lừa đảo viễn thông, vậy số tiền tôi lừa đảo đã đi đâu? Tôi khẳng định không quay về. Họ liền bắt đầu đe dọa tôi.” Ngày 14/08, số điện thoại di động nội địa của anh Hoàng nhận được một tin nhắn đa phương tiện, đó là lệnh triệu tập của Sở công an quận Thiên Hà. Trong đó nói rằng họ đã biết về tình hình của anh ở New Zealand, yêu cầu anh xóa những “bình luận phản động” và “ngay lập tức trở về Trung Quốc tự thú,” đồng thời cho biết “vụ án đã liên lụy đến các thành viên trong gia đình.”
Anh Hoàng Quốc An hạ quyết tâm, dù có chết đói cũng không quay về Trung Quốc. Trong những ngày gần đây, anh đã đặt bảng kháng nghị trước Ngân hàng Công thương Trung Quốc ở trung tâm thành phố Auckland để phản đối việc ĐCSTQ tịch thu tài sản của anh.
“Ở phương Tây, không thể xâm phạm tài sản cá nhân là điều cốt lõi của pháp luật. Trung Quốc không có luật này. Tất cả đất đai và tài sản cá nhân đều thuộc về Đảng Cộng sản và có thể bị tịch thu bất cứ lúc nào,” anh Hoàng nói. “Tôi chỉ muốn thế giới biết rằng cái gọi là GDP cao của Trung Quốc là như thế nào. Hoa Kỳ cũng nhận thấy các công ty Trung Quốc đã gây áp lực cho họ. Số tiền này là đến từ người dân Trung Quốc, bức bách họ trở thành ăn mày!”
Ngày 14/10 là ngày kỷ niệm một năm của sự kiện Dũng sĩ cầu Tứ Thông. Anh Hoàng Quốc An tham gia sự kiện kỷ niệm của Diễn đàn Dân chủ New Zealand trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland để ủng hộ dũng sĩ cầu Tứ Thông Bành Tái Chu. Anh đã có bài diễn văn bằng Hoa ngữ và Anh ngữ. Anh kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm đến các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, đồng thời kêu gọi người dân Trung Quốc trên khắp thế giới đứng lên chống lại hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đối với người dân Trung Quốc.