Chiến lược của Nam Hàn: Đa dạng hóa nguồn cung ứng khoáng sản trọng yếu và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Để ứng phó với căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như những lo ngại về khuynh hướng tận dụng tài nguyên làm đòn bẩy chiến lược trong đàm phán của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Nam Hàn đang có những bước tiến đáng kể hướng tới giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc nhập cảng khoáng sản trọng yếu từ Trung Quốc. Quốc gia này đã đạt được những tiến bộ đáng chú ý trong việc bảo đảm các nguồn cung thay thế cho các nguyên tố lithium và đất hiếm, vốn là những khoáng sản rất quan trọng đối với các công nghệ hiện đại.
Gần đây, POSCO International, công ty chủ chốt trong liên doanh của Nam Hàn trong lĩnh vực vật liệu pin xe điện (EV) và thuộc sở hữu của POSCO Group, đã tuyên bố đạt được một thành tựu mang tính bước ngoặt. Công ty đã ký các thỏa thuận trị giá 1.16 ngàn tỷ won (khoảng 885 triệu USD) để cung cấp nam châm neodymium-sắt-boron (NdFeB) cần thiết cho động cơ điện và cho các nhà sản xuất xe hơi hàng đầu ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Cụ thể, các công ty con của công ty này ở Mỹ và Đức đã lần lượt ký kết một thỏa thuận trị giá 900 tỷ won (khoảng 680 triệu USD) với một nhà sản xuất xe hơi lớn ở Bắc Mỹ và một hợp đồng trị giá 260 tỷ won (khoảng 200 triệu USD) với một thương hiệu xe hơi Âu Châu nổi tiếng. Các thỏa thuận này kéo dài từ giữa những năm 2020 đến đầu những năm 2030, đánh dấu sự thay đổi đáng kể theo hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
POSCO International có chiến lược bỏ qua thị trường Trung Quốc, nơi thống lĩnh hoạt động sản xuất và chế biến toàn cầu, bằng cách tìm nguồn nguyên liệu đất hiếm cho nam châm NdFeB từ Hoa Kỳ, Úc, và Việt Nam. Hành động này không chỉ thách thức vị thế thống trị của Trung Quốc trong ngành đất hiếm mà còn nêu bật cam kết của Nam Hàn trong việc thiết lập mạng lưới cung ứng đa dạng và linh hoạt hơn. Loại nam châm này sẽ do Star Group, nhà sản xuất nam châm vĩnh cửu đất hiếm duy nhất của Nam Hàn sản xuất.
Các nguyên tố đất hiếm không thể thiếu trong sản xuất vi mạch bán dẫn, pin xe điện, và các công nghệ tân tiến khác. Bất chấp sự thống lĩnh của Trung Quốc, vốn đang sản xuất khoảng 60% đất hiếm trên thế giới và kiểm soát gần 90% công suất lọc dầu toàn cầu, các thỏa thuận gần đây của Nam Hàn báo hiệu một sự thay đổi tiềm tàng trong động lực của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nam châm NdFeB rất quan trọng đối với xe điện, tuabin gió, và nhiều thiết bị gia dụng khác, với hơn 80% xe điện sử dụng những nam châm này cho động cơ của chúng. Tầm quan trọng của những thỏa thuận này vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại; chúng thể hiện nỗ lực tách rời chiến lược khỏi ảnh hưởng áp đảo của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm.
Một thay đổi chiến lược
Thành công gần đây của POSCO International trong việc giành được các hợp đồng cung cấp nam châm NdFeB lớn là một phần trong sáng kiến rộng lớn hơn của các tập đoàn Nam Hàn nhằm giảm sự phụ thuộc vào khoáng sản trọng yếu của Trung Quốc. Nỗ lực này phản ánh nỗ lực phối hợp nhằm đa dạng hóa nguồn nguyên liệu thô thiết yếu, một bước quan trọng đối với các lĩnh vực công nghệ và công nghiệp của đất nước.
Lĩnh vực trọng tâm then chốt là chuỗi cung ứng lithium, một nền tảng cho ngành công nghiệp pin xe điện đang bùng nổ. POSCO đã đi đầu trong những nỗ lực này, đặc biệt là thông qua việc thành lập cơ sở sản xuất lithium hydroxit ở tỉnh Nam Jeolla.
Hoàn thành vào năm trước, nhà máy này tự hào có công suất sản xuất hàng năm là 21,500 tấn và đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc đạt được khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất lithium hydroxit — một loại nguyên liệu trước đây phụ thuộc hoàn toàn vào nhập cảng và chiếm một phần đáng kể chi phí nguyên liệu cực âm của pin xe điện.
Việc mua sắm chiến lược lithium thô từ Úc, do hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ xúc tiến, phù hợp với các yêu cầu của Đạo luật Giảm Lạm Phát của Hoa Kỳ, cho phép POSCO được hưởng lợi từ trợ cấp xe điện. Hơn nữa, kế hoạch mở rộng của POSCO bao gồm phát triển cơ sở sản xuất lithium carbonat tại các bãi muối của Argentina, tiếp tục đa dạng hóa cơ sở cung ứng và củng cố vị thế của POSCO trên thị trường toàn cầu.
Nhà sản xuất pin hàng đầu Nam Hàn LG Energy Solution cũng đã thực hiện các bước quan trọng để bảo đảm nguồn cung ứng lithium của họ, thông qua việc ký kết thỏa thuận cung cấp với WesCEF, một công ty khai thác lithium của Úc. Nhằm cung cấp 85,000 tấn lithium cô đặc, thỏa thuận này nhấn mạnh tính cấp bách trong việc các công ty Nam Hàn tìm cách bảo đảm cho các nguồn nguyên liệu quan trọng được ổn định và đa dạng.
Dữ liệu thương mại từ Hiệp hội Thương mại Nam Hàn nêu bật sự gia tăng đáng kể trong nhập cảng lithium hydroxit của Nam Hàn, tăng 69% vào năm 2023, đạt 6.19 tỷ USD. Đáng chú ý, tỷ trọng nhập cảng loại nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc này đã giảm xuống 79.6% từ mức 87.9% của năm trước, cho thấy nỗ lực thành công nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Đồng thời, nhập cảng từ Chile, nguồn cung lớn thứ hai, tăng lên, thể hiện chiến lược có chủ đích nhằm mở rộng cơ sở nguồn cung ứng.
Sự tăng trưởng của ngành xe điện ở Nam Hàn đã dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng lớn hơn vào nguồn cung lithium hydroxit từ Trung Quốc, một xu hướng đã lần đầu tiên đổi chiều vào năm 2023. Ngoài ra, việc đa dạng hóa nhập cảng nam châm NdFeB là điều hiển nhiên, với lượng nhập cảng từ Trung Quốc giảm nhẹ và lượng nhập cảng từ Philippines tăng, phản ánh một chiến lược rộng lớn hơn nhằm giảm thiểu các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng.
Điều hướng các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng
Bất chấp những nỗ lực phối hợp nhằm đa dạng hóa các nguồn khoáng sản trọng yếu, sự phụ thuộc của Nam Hàn vào than chì của Trung Quốc, thành phần quan trọng trong cực dương của pin xe điện, vẫn ở mức cao khi đạt khoảng 90% vào năm ngoái. Sự phụ thuộc này là đặc biệt đáng lo ngại trước thực tế về những thay đổi có tính chiến lược và quy định gần đây trong thương mại toàn cầu và quản lý tài nguyên.
Trong một bản cập nhật chính sách quan trọng, chính phủ Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp theo Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) mà sẽ gây tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng quốc tế. Bắt đầu từ năm 2025, các nhà sản xuất xe điện mua khoáng sản cốt lõi từ các tổ chức được xác định là “các Công ty Ngoại quốc đáng Lo ngại (FEOC)” — một khái niệm bao gồm cả các công ty Trung Quốc — sẽ không còn đủ điều kiện để được giảm trừ thuế.
Diễn biến này đi đôi với quyết định của Trung Quốc về việc thực hiện kiểm soát xuất cảng than chì tự nhiên kể từ tháng Mười Hai năm ngoái (2023), làm tăng thêm tính khẩn bách của việc Nam Hàn bảo đảm được các nguồn cung thay thế cho khoáng sản trọng yếu này.
Để giải quyết thách thức này, POSCO FutureM, công ty con của Tập đoàn Gang thép Pohang (POSCO) nổi tiếng và là nhà sản xuất vật liệu cực dương duy nhất của Nam Hàn, đã thực hiện một bước đi chủ động. POSCO FutureM đã hoàn tất thỏa thuận với công ty khai thác mỏ Syrah Resources của Úc để nhập cảng tới 60,000 tấn than chì tự nhiên hàng năm từ Mozambique. Thỏa thuận này đánh dấu một bước tiến then chốt hướng tới giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc vào một nguồn duy nhất, đặc biệt khi xét đến sự phụ thuộc hoàn toàn trước đây của Nam Hàn vào than chì của Trung Quốc.
Phản ứng của chính phủ Nam Hàn đối với những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng này là mang tính chiến lược và toàn diện. Hồi tháng Hai, Nam Hàn đã công bố “Chiến lược An ninh Khoáng sản Trọng yếu,” nhằm giảm đáng kể sự phụ thuộc của Nam Hàn vào Trung Quốc về 33 loại khoáng sản trọng yếu cần thiết cho sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao — xuống còn 50% vào năm 2030.
Chiến lược này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm nguồn cung ổn định 10 loại khoáng sản cốt lõi chiến lược, trong đó có lithium, nickel, cobalt, mangan, than chì, và đất hiếm. Mặc dù các khoáng sản này có nguồn gốc toàn cầu, nhưng các công đoạn chế biến và tinh chế chủ yếu do Trung Quốc kiểm soát, gây ra điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng mà Nam Hàn muốn giải quyết.
Dự kiến nhu cầu khoáng sản trọng yếu sẽ tăng vọt vào năm 2040
Một báo cáo toàn diện do Viện Kinh tế Năng lượng Nam Hàn (KEEI) công bố hồi tháng Ba đã đề ra một phân tích hướng tới tương lai về sự gia tăng nhu cầu dự kiến về khoáng sản cốt lõi ở Nam Hàn. Do sự mở rộng theo mong đợi của thị trường xe điện và lĩnh vực phong năng thúc đẩy, dự báo này nhấn mạnh thách thức then chốt về chuỗi cung ứng và hoạch định nguồn lực chiến lược của quốc gia.
Theo dự đoán của viện, nhu cầu về các khoáng sản trọng yếu cần thiết trong việc sản xuất vật liệu cực âm trong pin xe điện của Nam Hàn sẽ tăng đáng kể vào năm 2040. Cụ thể, nhu cầu về lithium dự kiến sẽ tăng gấp 15 lần, nickel gấp 12 lần, mangan gấp 19 lần, và cobalt gấp 4 lần so với số liệu năm 2021. Hơn nữa, các yêu cầu về khoáng chất được sử dụng trong động cơ truyền động xe điện được dự đoán sẽ tăng gấp 10 lần, cho thấy sự tăng trưởng đáng kể trong lĩnh vực xe điện.
Ngành phong năng cũng không kém về nhu cầu ngày càng tăng đối với các khoáng sản trọng yếu. Báo cáo dự đoán rằng vào năm 2040, nhu cầu về neodymium sẽ tăng gấp 2.6 lần, praseodymium tăng gấp 3.1 lần, và nhu cầu về dysprosium tăng đáng kinh ngạc gấp 21.6 lần so với số liệu năm 2022. Những khoáng chất này rất quan trọng cho việc sản xuất tuabin gió, cho thấy sự thúc đẩy đáng kể hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo trong cấu trúc năng lượng tương lai của Nam Hàn.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc nặng nề của Nam Hàn vào Trung Quốc đối với các khoáng sản cốt lõi này gây ra rủi ro đáng kể về nguồn cung, đặc biệt là khi Trung Quốc chiếm vị trí thống lĩnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các nguyên liệu này. Sự phụ thuộc này là đặc biệt bấp bênh đối với những khoáng sản là thiết yếu không chỉ cho tiến bộ công nghệ của Nam Hàn mà còn cho các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của nước này.
Để giải quyết thách thức trước mắt này, Viện Nghiên cứu Kinh tế Nam Hàn đã ủng hộ cách tiếp cận kép: đa dạng hóa nguồn nhập cảng và tăng cường nỗ lực tái chế tài nguyên. Viện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái chế tài nguyên như một biện pháp chiến lược để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô sơ cấp, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times