Cơ quan quản lý tài chính Nam Hàn sẽ có hành động chống lại các tổ chức bán sản phẩm chứng khoán phái sinh Trung Quốc
Hôm thứ Hai (11/03), cơ quan quản lý tài chính Nam Hàn cho biết họ sẽ có hành động chống lại các ngân hàng và công ty môi giới tham gia vào việc bán các sản phẩm phái sinh liên quan đến chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông.
Cơ quan Giám sát Tài chính (FSS) cho biết cuộc điều tra của họ đã phát hiện ra “nhiều trường hợp có những hành vi bất hợp pháp và không công bằng” xoay quanh việc bán chứng khoán có liên kết với vốn chủ sở hữu (equity-linked securities, hay ELS) gắn liền với Chỉ số Doanh nghiệp Trung Quốc Hang Seng (Hang Seng China Enterprises Index).
Chỉ số Doanh nghiệp Trung Quốc Hang Seng là một chuẩn mực phản ánh hiệu quả hoạt động của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc được niêm yết tại Hồng Kông.
Theo FSS, những hành vi không công bằng này bao gồm việc “bán hàng không trọn vẹn,” trong đó người tiêu dùng không được cung cấp tất cả thông tin cần thiết về sản phẩm, chẳng hạn như điều khoản hợp đồng và rủi ro đầu tư.
Theo hãng thông tấn Yonhap, FSS cho biết: “Các bên bán đã tạo ra môi trường cho việc bán hàng không trọn vẹn bằng cách đặt ra các mục tiêu bán hàng quá mức trong thời kỳ rủi ro thua lỗ ngày càng tăng đối với người tiêu dùng, và thúc đẩy các nỗ lực bán hàng toàn diện dựa trên các chỉ số không đầy đủ về hiệu quả hoạt động, trong khi bỏ qua giới hạn bán hàng được thiết kế để bảo vệ người tiêu dùng.”
Các sản phẩm ELS được cấu trúc phỏng theo hiệu quả hoạt động của Chỉ số Doanh nghiệp Trung Quốc Hang Seng và hứa hẹn trả các mức chi trả định kỳ giống như trái tức của trái phiếu trừ phi chỉ số này giảm xuống dưới một mức nhất định. Sự sụt giảm mạnh của loại sản phẩm phái sinh này vào hồi đầu năm nay đã gây ra tổn thất lớn cho các nhà đầu tư bán lẻ.
FSS ước tính thiệt hại từ các sản phẩm tài chính có thể lên tới tổng cộng 5.8 ngàn tỷ won (4.4 tỷ USD) trong năm nay. Trước đó, cơ quan giám sát tài chính này cho biết họ đang điều tra 12 ngân hàng và công ty môi giới địa phương.
FSS cho biết họ sẽ trừng phạt những hành vi sai trái trong việc bán sản phẩm đầu tư theo luật, chẳng hạn như thông qua các biện pháp cấm vận và phạt tiền, đồng thời xem xét nỗ lực của các bên bán trong việc bồi thường thiệt hại cho khách hàng.
Cơ quan quản lý đề nghị các tổ chức tài chính bồi thường ít nhất 20% tổn thất mà người mua phải gánh chịu. Số tiền bồi thường sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm của họ.
Truyền thông địa phương dẫn lời cơ quan quản lý cho biết: “FSS dự định nhanh chóng bắt đầu quá trình hòa giải tranh chấp bằng cách tổ chức các cuộc họp ủy ban hòa giải tranh chấp trong các trường hợp đại diện.”
Họ nói thêm, “Tuy nhiên, mỗi tổ chức tài chính có thể bắt đầu tự nguyện bồi thường cho người tiêu dùng dựa trên tỷ lệ bồi thường được đề nghị.”
Đầu năm nay, FSS cho biết họ đã phát hiện ra các vấn đề, bao gồm việc ngân hàng gây áp lực buộc nhân viên phải bán các sản phẩm tài chính phức tạp, có rủi ro cao mà các nhà đầu tư bán lẻ khó có thể hiểu tường tận được.
Theo cơ quan quản lý, trong số 19.3 nghìn tỷ won (khoảng 14.48 tỷ USD) trái phiếu loại này được bán ở Nam Hàn, có hơn một phần tư được mua bởi những người từ 65 tuổi trở lên.
Hồi tháng Mười năm ngoái (2023), FSS cho biết hai ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Hồng Kông đã tham gia vào các giao dịch bán khống vô căn cứ* lần lượt là 40 tỷ won (khoảng 29 triệu USD) và 16 tỷ won (khoảng 11.8 triệu USD).
Việc bán khống cổ phiếu vô căn cứ — trong đó các nhà đầu tư bán khống cổ phiếu mà không bảo đảm thỏa thuận vay được cổ phiếu từ trước — bị cấm theo Đạo luật Thị trường vốn ở Nam Hàn.