Cảnh sát điều xe bọc thép chống khủng bố để ngăn người Hồng Kông tưởng niệm sự kiện Lục Tứ
Lãnh sự quán Hoa Kỳ thắp sáng văn phòng bằng nến điện tử để tưởng nhớ sự kiện Thiên An Môn năm 1989
Ngày 04/06/2023, là ngày tưởng niệm 34 năm sau vụ Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn.
Kể từ khi thông qua Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, chính quyền ở Hồng Kông đã cho dừng tất cả các sự kiện tưởng niệm quy mô lớn.
Tuy nhiên, Cảnh sát Hồng Kông đã điều hàng ngàn sĩ quan và xe bọc thép quân sự đến Công viên Victoria ở Vịnh Đồng La.
Cảnh sát tuần tra trên đường phố Hồng Kông và bắt đi nhiều người Hồng Kông tham gia tưởng niệm sự kiện Lục Tứ (ngày 04/06) này.
Tại ít nhất 30 thành phố trên toàn thế giới, các nhóm hoặc tổ chức Hồng Kông đã tổ chức các buổi thắp nến cầu nguyện để tưởng niệm ngày này.
Tại Hồng Kông, kể từ hôm 02/06, cảnh sát Hồng Kông đã khai triển nhiều cảnh sát chống bạo động để ngăn chặn người dân xuống đường tưởng nhớ sự kiện Lục Tứ và tưởng niệm 34 năm xảy ra sự kiện này.
Hôm 04/06, Cảnh sát Hồng Kông đã khai triển hàng ngàn sĩ quan để bảo vệ nghiêm ngặt khu vực Vịnh Đồng La, từ Công viên Victoria, lối ra MTR (Cảng Thiết) của Vịnh Đồng La, đến khu mua sắm Sogo — nhiều xe chiến thuật của cảnh sát và xe bọc thép Sabortooth cấp quân sự cũng đậu trên các con đường.
Theo hãng thông tấn Car News China, Xe Bọc thép Sabertooth do một công ty Trung Quốc có tên là Tập đoàn Thiết bị Xe Quảng Châu Hoa Khải (Guangzhou Huakai Vehicle Equipment Corp.) chế tạo, là một loại xe phục vụ nhiệm vụ chống khủng bố và chống bạo loạn. Loại xe này có ba cổng súng ở hai bên và một súng máy trên đỉnh xe. Các tính năng khác bao gồm một súng phóng lựu khói và một hệ thống camera hồng ngoại.
Công viên Victoria, từng là nơi tổ chức các hoạt động thắp nến tưởng niệm thường niên vào ngày 04/06 trong 30 năm liên tục, đã được các nhóm thân cộng sản thuê để tổ chức một sự kiện chợ trời. Các dải băng bao vây các khu vực không có người.
Các cảnh sát canh gác và tuần tra bên trong và bên ngoài Công viên Victoria. Các phóng viên của The Epoch Times đã cố gắng vào bên trong Công viên Victoria và ngay lập tức được yêu cầu trình thẻ căn cước và ghi danh thông tin. Một số cảnh sát cho biết tất cả những người trong giới truyền thông nên ghi lại thông tin của mình.
Những người Hồng Kông mặc trang phục màu đen
Tại Vịnh Đồng Lan, cảnh sát đã chặn, khám xét người dân, và đưa một số người trong số đó lên xe cảnh sát. Cảnh sát còn cho phong tỏa và dựng lều bên ngoài khu mua sắm Sogo để làm một trạm kiểm soát nằm kiểm tra và xác thực danh tính của người dân. Một số người trong số họ mặc trang phục màu đen.
Vào khoảng 2 giờ chiều tại đường Paterson, cảnh sát chặn đã một người đàn ông mặc áo phông đen, đội mũ bóng chày màu trắng, và đeo một chiếc khẩu trang có dòng chữ Hong Kong Add Oil (Hồng Kông Cố lên). Sau khi kiểm tra kỹ, cảnh sát đã thả người này đi.
Quai đeo ba lô của người đàn ông này có chữ “Lương tâm” (Conscience).
Người đàn ông đeo khẩu trang này nói với các phóng viên rằng anh đến Công viên Victoria để vội mua một chút đồ ăn nhưng bị cảnh sát chặn lại để kiểm tra thẻ căn cước và anh đã hợp tác [với họ.]
Anh ấy nghĩ không có vấn đề gì với chiếc khẩu trang của mình. “Tôi hài lòng* về Hồng Kông thì có gì sai? Tôi sống ở Hồng Kông; đó là lý do vì sao có dòng chữ “Hồng Kông” trên khẩu trang của tôi. Nếu tôi sống ở Tân Giới (New Territories), thì đó sẽ là “Tân Giới.”
*Tôi nghĩ rằng có một hiểu lầm trong Hoa ngữ. Chỗ này nên là “Có gì sai khi quan tâm đến Hồng Kông?” hoặc là “Hồng Kông Hạnh phúc”
Ông Tăng Kiến Thành (Tsang Kin-shing), hay còn gọi là “The Bull”, một thành viên của đảng Liên đoàn Dân chủ Xã hội, được nhìn thấy đang đi dạo với một phụ nữ mặc đồ đen với mái tóc hoa râm ở Vịnh Đồng La.
Trước đó, họ đã bị cảnh sát theo dõi. Khi hai người này bước vào Công viên Victoria, cảnh sát đã chặn họ lại để kiểm tra tư trang. Cảnh sát còn đánh dấu thông tin của họ trước khi để họ rời đi.
Vào khoảng 4 giờ chiều, cảnh sát đã chặn và khám xét cô Trương (Ms. Cheung) trong bộ trang phục toàn màu đen và đeo một chiếc khẩu trang.
Sau khi được cảnh sát để cho đi, cô Trương nói với các phóng viên rằng cảnh sát yêu cầu cô hợp tác, và cô để họ kiểm tra thẻ căn cước và ba lô của mình.
Mặc dù cảnh sát không nói lý do nhưng cô cũng không hỏi. Cô nói bóng gió rằng, “Ai cũng đều biết hôm nay là ngày gì.”
Về việc lựa chọn trang phục của mình, cô Trương nói, “Tôi mặc như thế này mỗi ngày. 365 ngày.”
Cảnh sát còn chặn một người phụ nữ khác. Bà đeo một chiếc khẩu trang màu vàng, mặc áo đen, và mang vớ màu vàng có in dòng chữ “Hong Kong Add Oil.” Trong khi bị khám xét, bà đã giơ một tấm thẻ có ghi chữ Lương tâm. Cảnh sát đã đưa người phụ nữ sau đó lên một chiếc xe cảnh sát.
Bà Vương Phụng Dao (Wong Fung-yiu), thường được biết đến với cái tên Bà Ngoại Vương (Grandma Wong), xuất hiện ở Vịnh Đồng La trong trang phục màu đen cùng với những bông hoa. Bà giơ tay ra hiệu “5” và “1” (Năm yêu cầu. Không thiếu cái nào). Cảnh sát ngay lập tức ra lệnh cho bà đến xe cảnh sát.
Khi chặn và khám xét, cảnh sát không tha cho những người dân Hồng Kông nào mặc đồ đen. Họ đã bắt giữ một người đàn ông đang cầm một cuốn tiểu thuyết sân khấu, “The 35th of May” (Ngày 35 tháng 5), sau khi khám xét.
Vào khoảng 6 giờ chiều, cảnh sát đã chặn một người đàn ông mặc đồ đen cầm một cây nến gần Công viên Victoria. Họ còn giăng các dải băng và phong tỏa khu vực đó và kiểm tra ba lô của người đàn ông này.
Trong khi khám xét, viên cảnh sát vô tình làm rơi máy ảnh của ông ấy. Ông bực tức và bắt đầu tranh cãi với viên cảnh sát và cuối cùng bị đưa lên một xe cảnh sát. Một cảnh sát nói với ông rằng họ sẽ đưa ông đến đồn cảnh sát.
Vào khoảng 6 giờ chiều, cảnh sát đã chặn Cựu Chủ tịch Hiệp hội Ký giả Hồng Kông, bà Mạch Yến Đình (Mak Yin-ting), và đưa bà ra bên ngoài Trung tâm mua sắm Vịnh Đồng La (Causeway Plaza), tuyên bố rằng họ phải khám xét bà.
Vào khoảng 7 giờ tối, bà Trần Bảo Anh (Chan Po-ying), chủ tịch Liên đoàn Dân chủ Xã hội, đến đường Great George với những bông hoa giấy màu vàng và nến điện tử. Tuy nhiên, bà đã bị cảnh sát chặn lại ngay sau đó. Rất đông cảnh sát bao vây bà Trần. Trước khi áp giải bà lên xe cảnh sát, một nam cảnh sát giật ba lô của bà, khiến bà trở nên lo lắng.
Bà Trần Bảo Anh là vợ của ông Lương Quốc Hùng (Leung Kwok-hung), có biệt danh là “Tóc Dài” (Long Hair). Ông Lương, một cựu thành viên Hội đồng Lập pháp và là một nhà hoạt động xã hội, hiện đang bị cầm tù sau khi bị kết án theo Luật An ninh Quốc gia.
Tuyệt thực trong tù ngày 04/06
Sau nửa đêm ngày 04/06 một chút, một nhóm người quan tâm trên Facebook của cô Trâu Hạnh Đồng (Chow Hang-tung) đã đăng trên Facebook nói rằng bắt đầu từ ngày 04/06, cô Trâu Hạnh Đồng sẽ tuyệt thực trong 34 giờ trong tù. Cô Châu là luật sư và là Cựu Phó Chủ tịch của Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào Dân chủ Ái Quốc của Trung Quốc (HK Alliance) vốn đã không còn hoạt động.
Nhóm này còn chia sẻ một câu nói của cô Châu, “Nơi nào có ánh nến, thì đó là Công viên Victoria.”
Theo sau đó là các hashtag như “Tưởng niệm không có tội,” “Công lý 6434,” “Hãy Nói lên Sự thật,” “Không chịu lãng quên,” “Đi tìm công lý,” và “Tiếng gọi Lương tâm.”
Cô Châu bị biệt giam vì một lý do khác, cùng lúc này, cô bắt đầu tuyệt thực.
Tại thời điểm phát hành bản tin này, Cục Cải huấn vẫn chưa phúc đáp các câu hỏi của The Epoch Times.
Cầu nguyện trong nhà thờ ngày 04/06
Sáng hôm 04/06, giám mục Chu Thủ Nhân (Chow Sau-yan) của Giáo phận Công Giáo ở Hồng Kông đã đăng một lời cầu nguyện và bày tỏ rằng ngày 04/06 là một ngày vô cùng đáng suy nghĩ đối với người dân Hồng Kông. Giám mục cầu nguyện cho các nạn nhân được vĩnh hằng trong vòng tay Chúa. Vị giám mục này nói thêm: “Hãy để những trái tim sắt đá bày tỏ và dần buông bỏ nỗi sợ hãi và lo âu sâu sắc nhất của họ.”
Cha Thomas Law của Nhà thờ Đức Mẹ Núi Carmel cho biết khi bắt đầu một thánh lễ, ông nhớ lại ngày 04/06, 34 năm trước, như thể sự kiện này mới xảy ra ngày hôm qua, và những sự kiện vẫn còn sống động trong ký ức của ông. Vào thời điểm đó, nhà thờ rung những hồi chuông tưởng niệm.
Cha Law kêu gọi công chúng nhớ đến ngày thứ 155 này trong mỗi năm.
Lãnh sự quán Hoa Kỳ thắp nến
Hôm 03/06/2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố nhân dịp tưởng niệm 34 năm vụ Thảm sát Thiên An Môn. Bộ này tuyên bố nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và tự do ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.
“Ngày mai, chúng ta tưởng niệm 34 năm vụ thảm sát Thiên An Môn. Vào ngày 04/06/1989, Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đưa xe tăng vào Quảng trường Thiên An Môn để đàn áp một cách tàn bạo những người biểu tình ôn hòa ủng hộ dân chủ Trung Quốc cũng như những người ngoài cuộc. Dũng khí của các nạn nhân sẽ không bị lãng quên và tiếp tục truyền cảm hứng cho những người ủng hộ những nguyên tắc này trên khắp thế giới. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ nhân quyền và những sự tự do căn bản của người dân ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.”
Thế giới tưởng nhớ
Hoa Kỳ
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony John Blinken kể rằng vào ngày 04/06/1989, chính quyền Trung Quốc đã điều động những chiếc xe tăng tiến vào Quảng trường Thiên An Môn để đàn áp một cách tàn bạo những người biểu tình dân chủ và những người ngoài cuộc trong một cuộc tập hợp ôn hòa ở Trung Quốc.
Ông Blinken cho biết lòng dũng cảm của các nạn nhân sẽ không bao giờ bị lãng quên và sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho thế giới.
Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ nhân quyền và tự do căn bản ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.
Ngoài ra, trước ngày đặc biệt này, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông và Macao đã thay đổi ảnh bìa Facebook của mình với ánh nến thắp sáng và dòng chữ “Tưởng niệm 34 năm Quảng trường Thiên An Môn” và “Ngày 04/06/1989.”
Vào khoảng 8 giờ tối, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông và Macao đã đăng những bức ảnh những ngọn nến điện tử được đặt ở mọi cửa sổ bên trong lãnh sự quán.
Châu Âu
Văn phòng EU tại Hồng Kông và Macao sau đó cũng chia sẻ các hình ảnh trên mạng xã hội về những ngọn nến điện tử có hình số 6 và số 4 được đặt trước các cửa sổ của các văn phòng.
Canada
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times