The Epoch Times vẫn đứng vững ở Hồng Kông
The Epoch Times vẫn đứng vững trong bối cảnh quyền tự do báo chí bị thu hẹp ở Hồng Kông, nơi từng được mệnh danh là “thiên đường sách cấm ở Trung Quốc.”
Trong khi môi trường truyền thông ở Hồng Kông đang đi xuống, thì những tờ báo của The Epoch Times vẫn có mặt tại 116 sạp báo khắp thành phố. Tuần san New Epoch Weekly cũng được bày bán ở một số quầy báo.
Lấy “Sự thật và Truyền thống” làm tôn chỉ, The Epoch Times vẫn không ngừng đưa tin tức chân thực từ khắp mọi nơi trên thế giới, bao gồm cả chiến dịch chống luật dẫn độ ở Hồng Kông, đại dịch COVID-19, và các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ.
Các mẫu báo quảng cáo của The Epoch Times được các tình nguyện viên phân phát miễn phí hàng tuần. Độc giả cũng có thể ghi danh để nhận bản tin điện tử của hãng truyền thông này.
Người Trung Quốc nhìn tờ báo của Epoch Times với ‘ánh mắt rạng rỡ’
Cô Trương, một nhân viên ở bộ phận phát hành của The Epoch Times, đã gia nhập bộ phận này sau khi đọc loạt bài xã luận “Chín Bài Bình Luận về Đảng Cộng sản” của ấn phẩm.
Được xuất bản hồi tháng 11/2004, loạt bài này phơi bày chi tiết bản chất tà ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và kích khởi làn sóng thoái xuất khỏi đảng này. Kể từ đó đến nay, số người thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của đảng này đã vượt quá 425 triệu người, và con số này vẫn tiếp tục tăng lên.
“[The Epoch Times] đóng một vai trò rất quan trọng. Toàn bộ người dân Trung Quốc đều nên biết về hãng truyền thông chân chính này,” cô Trương chia sẻ và nói thêm rằng ánh mắt của một số khách du lịch từ Trung Quốc rất rạng rỡ khi nhìn thấy tờ báo của The Epoch Times và họ cảm thấy tờ báo này thật mới lạ.
Sách cấm ở Hồng Kông bị ‘xóa sổ hoàn toàn’
Theo bà Thái Vịnh Mai (Choi Yung Mei), cựu biên tập viên của Tạp chí Khai Phóng (Open Magazine), tình trạng của các nhà xuất bản ở Hồng Kông có thể được ví với trạng thái “xóa sổ hoàn toàn,” khi mà tất cả các tạp chí chính trị đều đình bản và nhiều hiệu sách độc lập đóng cửa sau khi Luật An ninh Quốc gia được thông qua vào năm 2020.
Bà nói với The Epoch Times vào năm 2021: “Ngành xuất bản tự do có lẽ là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong toàn ngành truyền thông.”
Theo một mục sư Hồng Kông, người yêu cầu ẩn danh, Hồng Kông “không thể nào” xuất bản các sách cấm về chính trị như trước đây bởi vì các nhà xuất bản sẽ tự kiểm duyệt để tránh vi phạm Luật An ninh Quốc gia.
Những sách cấm này, theo định nghĩa của ĐCSTQ, đề cập đến những cuốn sách có nội dung liên quan đến Vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, cuộc đàn áp các dân tộc thiểu số và các nhóm tín ngưỡng như Pháp Luân Công, cũng như đời sống riêng tư, tài sản ở hải ngoại, và những cuộc tranh đấu quyền lực nội bộ của các quan chức ĐCSTQ.
Sự hiện diện của The Epoch Times trong gia đình quan chức ĐCSTQ
Hồi tháng 06/2023, ông Trương Quý Lâm (Zhang Guilin), cựu quan chức giám sát tài sản nhà nước, đã bị khai trừ khỏi ĐCSTQ vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.” Ông Trương đã được thông báo rằng ông phạm tội “đọc và sở hữu các sách và tạp chí có vấn đề chính trị nghiêm trọng,” đây là tội nghiêm trọng nhất trong số các tội danh mà ông bị cáo buộc.
Ông Dương Chúc (Yang Zhu, bí danh), con của một quan chức ở Bắc Kinh, cho biết nhiều quan chức ĐCSTQ hiện nay đọc sách và tạp chí được cho là có vấn đề chính trị nghiêm trọng.
“Chúng tôi có rất nhiều nhà xuất bản ở trong nước,” ông nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times vào ngày 28/06/2023. “Tôi biết một vài nhà xuất bản sách ngầm ở Bắc Kinh. Họ thậm chí có thể xem Tuần san Tân Kỷ Nguyên (New Epoch Weekly) và The Epoch Times tại đây. [Họ] có thể mở [bì thư] và nhận báo ngay tại đây. [Họ] đều có những tuyến phân phối đặc biệt để nhận báo.”
Theo ông Dương, nguyên nhân khiến ông Trương Quý Lâm bị cách chức là do [sở hữu] sách của ông Bảo Phác (Bao Pu) xuất bản ở Hồng Kông.
Ông nói: “Tôi nghe nói rằng ngay cả Tuần san Tân Kỷ Nguyên của The Epoch Times cũng được tìm thấy ở chỗ của ông Trương Quý Lâm.”
Ông Bảo Phác, con trai của Bảo Đông (thư ký của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Triệu Tử Dương), là người sáng lập Nhà xuất bản Tân Thế kỷ của Hồng Kông. Nhà xuất bản này đã xuất bản nhiều cuốn sách về lịch sử Trung Quốc hiện đại cũng như về tình hình chính trị của ĐCSTQ, chẳng hạn như “Prisoner of the State: The Secret Journal of Premier Zhao Ziyang” (Tù nhân Nhà nước: Cuốn hồi ký Bí mật của Thủ tướng Triệu Tử Dương) và “The Secret Emotional life of Zhou Enlai” (Đời sống Tình cảm Bí mật của ông Chu Ân Lai).
Sách báo và tạp chí ở Hồng Kông thường là mục tiêu đầu tiên mà các thành viên cao cấp của ĐCSTQ nhắm đến khi muốn tiết lộ thông tin [ra công chúng]. Trong những năm qua, các nhà xuất bản Hồng Kông đã tìm được một thị trường sẵn sàng cho độc giả Hoa lục, nhiều người trong số họ đã bí mật mang sách từ Hồng Kông về. Tuy nhiên, sau sự kiện hiệu sách Vịnh Đồng La (Causeway Bay) năm 2015, các nhà xuất bản ở thuộc địa cũ của Anh này tỏ ra e ngại hơn khi in những cuốn sách “nhạy cảm.”
Ký giả lưu vong: Sự thật là điều kiện đầu tiên để đưa ra lựa chọn
Ông Triệu Lan Kiện (Zhao Lanjian), một ký giả kỳ cựu gốc Hoa hiện đang sống ở Hoa Kỳ, cho rằng việc tiếp cận thông tin và sự thật là điều kiện đầu tiên để bất kỳ người nào đưa ra lựa chọn.
Các quan chức của ĐCSTQ biết rất rõ điều này. Hồi tháng 06/2023, ông nói với The Epoch Times rằng từ một góc độ khác, những cuốn sách cấm ở đó thực sự đã trở thành sự thật, và thậm chí là một công cụ cứu mạng cho nhiều quan chức.
Ông Triệu kể lại năm 1992, ông nhìn thấy nhiều sách cấm trong nhà một người bạn cùng lớp có bố mẹ là quan chức ở thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm.
“Những cuốn sách cấm về chính trị ở Hồng Kông và Đài Loan rất phổ biến vào thời đó. Ba người con của gia đình kia sau này đều được gửi sang Đức du học. [Họ] không bao giờ quay về đại lục nữa. Đây là động lực đằng sau những cuốn sách bị cấm,” ông nói.
Bà Thịnh Tuyết (Sheng Xue), một nhà văn ở Canada, cho biết mặc dù ĐCSTQ ngày càng ngăn chặn thông tin một cách gắt gao hơn, nhưng “bản năng tự nhiên của con người là tìm kiếm kiến thức và sự thật.”
“Vì vậy, trong những năm qua, thị trường chính của nhiều cuốn sách về chính trị Trung Quốc xuất bản ở Hồng Kông và Đài Loan lại chính là những người đến từ Trung Quốc, trong đó có một số du khách. Đương nhiên là sau khi rời khỏi đất nước này, [họ] hy vọng có thể biết thêm sự thật về Trung Quốc,” bà nói với The Epoch Times hồi năm 2020.
Nhà xuất bản Epoch Times: Đưa tin sự thật dưới áp lực
Dưới sự đàn áp của chế độ cộng sản, The Epoch Times đã trải qua chặng đường 20 năm với rất nhiều những thử thách chông gai. Ngoài việc không thể tìm được xưởng in và văn phòng cho thuê, nhân viên của The Epoch Times còn bị theo dõi và tấn công, các khách hàng bị đe dọa và sách nhiễu, còn các cơ sở in ấn thì bị hư hại nặng nề.
Bà Quách Quân (Guo Jun), giám đốc chi nhánh Hồng Kông của The Epoch Times, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2019: “Chúng tôi đã đứng vững trong gần 20 năm mà không bỏ cuộc để truyền bá sự thật và mối quan tâm của quốc tế cho người dân Trung Quốc.”
“Mối nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản đối với thế giới, những điều tai hại mà ĐCSTQ đã gây ra cho đất nước Trung Quốc, sự tàn phá nền văn hóa Trung Hoa, đây đều là những vấn đề cốt yếu. The Epoch Times đã chỉ ra vấn đề cốt lõi này giữa tình thế hỗn loạn, giúp ích rất nhiều cho mỗi gia đình và cho sự phát triển của nhân loại. Những gì chúng tôi đang làm rất có ý nghĩa.”
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bà Quách cho biết, để đạt được các mục tiêu chính trị của mình, ĐCSTQ đã sử dụng các biện pháp kinh tế, chẳng hạn như gây áp lực lên các chính phủ, tập đoàn, và giới truyền thông trên khắp thế giới.
Bà nhận định: “Trong cuộc chiến chưa từng có giữa thiện và ác này, ĐCSTQ đang cố gắng hạ thấp các tiêu chuẩn đạo đức của Trung Quốc và thế giới. Tuy nhiên, khi đạo đức xã hội tuột dốc đến bờ vực băng hoại, thì đó cũng là lúc nhân loại diệt vong.”
Nhà xuất bản này đã trích dẫn bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” của nhà sáng lập Pháp Luân Công, Đại sư Lý Hồng Chí, công bố vào tháng 01/2023, trong đó Ngài Lý nói: “Hết thảy loạn tượng đều là Thần an bài vào cuối cùng, mục đích là khảo nghiệm chúng sinh có thể được cứu độ chăng.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times