Chính quyền Hồng Kông phớt lờ ý kiến của Liên Hiệp Quốc
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 34 năm sự kiện Lục Tứ, một cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu hồi năm 1989 ở Trung Quốc dẫn đến cuộc đàn áp và tàn sát đẫm máu. Kể từ đó, buổi thắp nến tưởng niệm hàng năm vào ngày 04/06 đã trở thành một phần lịch sử của Hồng Kông cho đến năm 2020, khi luật an ninh quốc gia cấm các hoạt động đe dọa đến an ninh quốc gia như vậy. Tuy nhiên, với cuộc di cư đang diễn ra của người Hồng Kông, những ngọn nến của ngày 04/06 đã theo bước chân của họ thắp sáng khắp năm châu.
Năm nay, tôi đã nhận những lời mời ghi âm các bài diễn thuyết vào ngày 04/06 cho hai thành phố của Vương quốc Anh. Điều này có thể khiến tôi giống như một nhà hoạt động, mặc dù tôi không tham dự buổi cầu nguyện ngày 04/06 hằng năm khi tôi ở Hồng Kông.
Lịch sử luôn tồn tại nhiều nghịch lý. Chính quyền càng đàn áp thì có lẽ càng đem đến nhiều sự kiện tưởng niệm hơn, điều này áp dụng với Hồng Kông, nơi mà các hoạt động tưởng nhớ chính thức bị cấm. Chính quyền đã cử một đội quân cảnh sát đi tuần tra để bảo đảm không có ánh nến trong Công viên Victoria, nơi đã tổ chức buổi cầu nguyện từ năm 1990. Tuy nhiên, người Hồng Kông vẫn bày tỏ sự chia buồn của mình bằng nhiều cách khác nhau — mở ảnh ngọn nến trên màn hình điện thoại thông minh, cầm nến điện tử trên tay, đeo khẩu trang màu vàng, còn một số người khác thì để các tấm biểu ngữ trong túi xách như một dấu hiệu của biểu tình thầm lặng — tất cả những người này đều đang đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ.
Những gì đã xảy ra vào “ngày nhạy cảm” này không chỉ dừng lại ở đó. Một số nghệ sĩ biểu diễn đi tản bộ quanh Công viên Victoria đã bị lục soát và bắt đi mà không có lời giải thích. Một cột đèn đánh số FA8964 đã bị rào lại. Một tấm bích chương in hình ngọn nến bên ngoài cửa hàng cung cấp thực phẩm do một cựu ủy viên hội đồng ủng hộ dân chủ điều hành đã bị cảnh sát thu giữ với lý do “kích động tưởng nhớ ngày Lục Tứ.” Cùng là một chiếc xe đua có biển số US8964 đã đi vòng quanh Công viên này cả năm ngoái lẫn năm nay: nhưng lần trước, người tài xế xe này được khuyên rời đi, còn lần này chiếc xe đã bị kéo đi.
Theo cảnh sát, 23 người đã bị bắt hoặc bị đưa đi vì cáo buộc “phá hoại trật tự an ninh xã hội,” một cáo buộc hiếm khi được sử dụng trước đây. Trên Twitter chính thức của mình, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) cho biết họ được ‘cảnh báo’ trước các tin tức về các vụ giam giữ liên quan đến sự kiện Lục Tứ ở Hồng Kông, và kêu gọi chính quyền thành phố này ‘tuân thủ đầy đủ’ các nghĩa vụ theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự & Chính trị. Cục An ninh Hồng Kông phản đối mạnh mẽ và lên án ‘những nhận xét phiến diện gây nhầm lẫn, vu khống và bôi nhọ’ của OHCHR.
Việc tước đi quyền tưởng nhớ các nạn nhân trong sự kiện Lục Tứ là một dấu hiệu rõ rành rành cho thấy tình hình chính trị và xã hội của Hồng Kông đang xấu đi. Tiếp đến là quyền của các nhóm xã hội khác sẽ gặp nhiều thách thức hơn, điều mà nhà lập pháp ủng hộ phe kiến chế Hà Quân Nghiêu (Junius Ho Kwan-yiu) đã công khai lên án là vi phạm truyền thống của Trung Quốc.
Điều này làm tôi nhớ đến chuyến thăm gần đây đến Bảo tàng Lịch sử Nhân quyền ở Manchester, Vương quốc Anh. Bộ sưu tập của bảo tàng này bao gồm hai thế kỷ lịch sử nhân quyền ở Anh, chẳng hạn như Chủ nghĩa Hiến chương, các phong trào bầu cử cho nam giới và nữ giới, và phong trào lao động cộng sản.
Bây giờ bảo tàng có một triển lãm đặc biệt về lịch sử phát triển nhân quyền của người khuyết tật, mang tên “Không có gì về Chúng ta mà không có Chúng ta” (Nothing about Us without Us), một khẩu hiệu có ý nghĩa là không có chính sách nào được quyết định nếu không có sự tham gia của các thành viên bị ảnh hưởng bởi chính sách đó. Hai phần thông tin trong triển lãm này đã thu hút sự chú ý của tôi. Đầu tiên, hồ sơ nhân quyền của Vương quốc Anh đối với người khuyết tật đã bị Liên Hiệp Quốc lên án hồi năm 2017. Không giống như phản ứng gay gắt của Hồng Kông đối với OHCHR, chính phủ Vương quốc Anh “đã hoanh nghênh” báo cáo của Liên Hiệp Quốc như một cơ hội để tiến hành một “cuộc thảo luận mang tính xây dựng” để cải thiện nhân quyền của người khuyết tật.
Thứ hai, trong năm 2022, Đạo luật Ngôn ngữ Ký hiệu của Anh đã được thông qua, khiến ngôn ngữ này trở thành ngôn ngữ chính thức ngang hàng với tiếng Wales ở xứ Wales cũng như tiếng Gaelic và tiếng Scots ở Scotland.
Chính phủ phải ban hành luật thúc đẩy việc sử dụng ngôn ngữ này. Hành động này sẽ thúc đẩy tính hòa nhập và khả năng tiếp cận cho cộng đồng người khiếm thính, bảo đảm họ sẽ có quyền tiếp cận thông tin, việc làm, và các dịch vụ công cộng một cách bình đẳng.
Triển lãm này khiến tôi tin rằng chỉ có một nền dân chủ vững chắc mới bảo đảm cho sự cải thiện nhân quyền của các nhóm thiểu số trong xã hội.
Làm sao nhân quyền có thể được cải thiện trong một chế độ không quan tâm đến các mối lo ngại của Liên Hiệp Quốc, thậm chí chế độ đó còn thực hành triết lý “đấu với trời là niềm vui vô tận” của Mao Trạch Đông mỗi ngày đây? Nhắm mắt cũng biết câu trả lời là gì, phải vậy không?
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times