Càng lớn tuổi thì càng hạnh phúc?
Lão hóa không phải là sự thoái hóa không thể tránh khỏi mà chúng ta được dạy
Điều gì đến rồi cũng sẽ đến: Đó là khoảnh khắc khi bạn đột nhiên nhận ra rằng mình đã già. Đó có thể là vào ngày sinh nhật đánh dấu một mốc quan trọng, hoặc là một chấn thương; Đó cũng có thể là khi bạn bị từ chối trong tình yêu hoặc khi bỏ lỡ cơ hội thăng tiến trong công việc.
Đối với tôi, đó là khi tôi phát hiện mình là người chơi lớn tuổi nhất tại một giải đấu khúc côn cầu (hockey). Bạn cứ hình dùng rằng lúc đó tôi đã 48 tuổi và mới vừa đưa đội của mình vào bán kết bằng một bàn thắng nổi bật. Tôi cảm thấy như đang đi trên mây cho đến khi một sự kiện xảy ra.
Một vị quan chức đã nói với tôi rằng trong 240 người chơi tại giải đấu, tôi là người lớn tuổi nhất. Trong chớp mắt, tôi từ một cầu thủ ghi bàn trở thành một ông già. Mặc dù tôi đã chơi rất hay và rất vui vẻ, nhưng trong lòng tôi tràn ngập những câu hỏi. Tôi có trông khác lạ khi ở đây không? Có phải mọi người đang cười nhạo tôi? Tôi có nên tham gia một trò tiêu khiển phù hợp với lứa tuổi hơn, chẳng hạn như trò bingo không?
Sự chao đảo đã khiến tôi nghĩ về một tệ nạn mà tất cả chúng ta đều đang phải đối mặt, nhưng hiếm khi làm bất cứ điều gì: chủ nghĩa phân biệt tuổi tác – những định kiến và phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác. Chủ nghĩa phân biệt tuổi tác có thể tấn công cả người trẻ lẫn người già, nhưng tác động nặng hơn đến những người ở phần đời sau như chúng ta. Tại sao? Bởi vì chủ nghĩa phân biệt tuổi tác gắn liền với sự sùng bái tuổi trẻ, với niềm tin rằng tuổi trẻ luôn luôn tốt hơn.
Bằng chứng là tất cả những gì quanh chúng ta. Chúng ta sống trong một thế giới nơi các công ty tiếp thị các sản phẩm “chống lão hóa” như thể lão hóa là một căn bệnh, nơi mà Mark Zuckerberg có thể tuyên bố “người trẻ tuổi thông minh hơn” mà không bị trừng phạt. Một ngày nọ, tôi nhìn thấy một tấm thiệp sinh nhật có hình một người phụ nữ đang co ro sợ hãi trong một bộ phim kinh dị hạng B, bên dưới là dòng chữ, “Lạy chúa, bạn đã 30 tuổi!!”
Tuy nhiên, việc tôn thờ tuổi trẻ có thực sự hợp lý không? Có đúng là trẻ hơn luôn tốt hơn không? Tất cả có thực sự xuống dốc từ 35 tuổi không? Dĩ nhiên là không. Nếu bạn giống tôi, bạn sẽ biết có rất nhiều người thành đạt sau tuổi 40 – bởi vì không có gì là sai khi ở tuổi 40 cả. Bây giờ tôi đã 53 tuổi và trong nhiều phương diện, tôi cảm thấy mình đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất của cuộc đời mình.
Chúng ta hãy thành thực: Lão hóa cũng có nhược điểm của nó. Việc nghe thấy cỗ xe có cánh của thời gian đang vội vã đến gần có thể là điều khó chịu nhất trên đời. Cho dù ăn bao nhiêu cải xoăn hay dành bao nhiêu thời gian để tập Pilates, cơ thể bạn vẫn sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn theo thời gian. Mặc dù tôi vẫn chơi thể thao như ngày nào, nhưng tôi không còn sức mạnh, tốc độ, hay sức chịu đựng tốt như hồi còn trẻ nữa. Các khớp của tôi bị cứng và đau thường xuyên hơn. Tóc thì thưa dần, và nhiều lúc soi gương tôi thấy mình trông hơi giống với những bức tranh của Lucian Freud*.
Bây giờ tôi cũng cần dùng kính để đọc sách. Và đó quả là một nỗi khổ! Kính của tôi luôn bị nhòe, giống như nhìn qua bộ lọc Instagram lập dị. Hoặc có những lúc bất cẩn, tôi lại ngồi đè lên làm nó vỡ mất. Một điều đáng buồn hơn, chúng ta cũng dễ bị bệnh hơn khi chúng ta già đi – đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta hiểu rõ điều đó.
Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Sau khi tự giáng cấp mình từ một cầu thủ ghi bàn thành ông già lớn tuổi, tôi đã đi khắp thế giới để tìm ra điều tốt đẹp về quá trình lão hóa.
Tôi sắp tiết lộ đây! Có một thứ tốt đẹp – một câu chuyện hay hơn nhiều về lão hóa. Tại sao? Bởi vì những gì bạn khám phá được khi ngừng bị ám ảnh về những nhược điểm của lão hóa là, khi bạn ngày càng lớn tuổi, có nhiều điều thực sự không hề thay đổi – và một số điều thậm chí còn trở nên tốt hơn. Nói cách khác, nhiều định kiến về tuổi tác hoàn toàn là sai lầm.
Một điều bị hiểu sai là cuộc sống lúc về già thật nhàm chán. Hãy nhìn vào những tĩnh từ mà chúng ta thường gán cho người lớn tuổi: Buồn tẻ, cáu kỉnh, khó chịu, gắt gỏng – tất cả đều không đúng sự thật. Nhiều nghiên cứu cho thấy con đường hạnh phúc của con người có hình chữ U. Chúng ta hạnh phúc nhất trong thời thơ ấu, giảm xuống từ từ vào tuổi trung niên, và sau đó hướng lên trở lại. Trên thế giới, những người trưởng thành báo cáo đang ở mức cao nhất của hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống là những người đã trên 55 tuổi.
Thậm chí Pete Townshend cũng thú nhận rằng ở tuổi 60 ông cảm thấy vui vẻ hơn so với thời ông viết một trong những dòng mang tính phân biệt tuổi tác nhất trong kinh điển nhạc pop của mình: “Hy vọng tôi qua đời trước khi già.” Đương nhiên tuổi 20 của tôi thật tỏa sáng. Nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc hơn ở tuổi 50 của hiện tại. Một phần là vì tôi cảm thấy tự tin hơn với bản thân mình.
Khi già đi, chúng ta ít phải rón rén bước đi quanh ý kiến của người khác. Như bà Ann Landers, một nhà báo chuyên mục tâm tình ở Mỹ đã viết rằng: “Ở tuổi 20, chúng ta lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình. Ở tuổi 40, chúng ta không còn quan tâm những gì họ nghĩ về chúng ta. Ở tuổi 60, chúng ta phát hiện rằng họ thực sự không nghĩ về chúng ta nhiều như thế.” Tôi nhận ra ý nghĩa của – nói thế nào nhỉ? – sự nhẹ nhàng hay tự do đến với chúng ta khi chúng ta bước vào [ngưỡng cửa] nửa đời sau. Giờ đây, tôi thấy dễ dàng hơn nhiều khi bỏ qua những con người, những thứ đồ đạc, hay những thói quen không còn khiến tôi thấy hạnh phúc, và tập trung vào những gì thực sự quan trọng với mình.
Nam danh ca David Bowie đã từng nói “Lão hóa là một quá trình phi thường, nhờ đó bạn trở thành người mà bạn lẽ ra phải trở thành.” Tôi thích ý tưởng đó: rằng khi chúng ta lớn tuổi, chúng ta hoàn thiện bản thân hơn – chứ không phải trở nên kém cỏi. Chúng ta đi đến cốt lõi, bản chất, sự thật về con người của chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều là một tác phẩm đang dần hoàn thiện và khi càng lớn tuổi thì càng tiến gần hơn đến thành quả. Lão hóa giúp cho bộ não của chúng ta – của tôi, của bạn, của Bowie – có thể tiếp tục sáng tạo, học hỏi, và giải quyết vấn đề cho đến cuối cuộc đời. Bạn có biết câu nói “không thể dạy trò diễn mới cho một con chó già?” Chà, hóa ra điều đó thậm chí còn không đúng với loài chó.
Vốn từ vựng, kiến thức chung và chuyên môn tiếp tục mở rộng khi chúng ta già đi. Và cho dù việc học những chuyên môn mới có thể tốn nhiều thời gian hơn, chúng ta vẫn có thể làm được. Quan điểm cho rằng sự sáng tạo chỉ thuộc về giới trẻ cũng là một điều vô lý của việc phân biệt tuổi tác. Con người có thể sáng tạo ở bất kỳ lứa tuổi nào. Và một số hình thức sáng tạo thực sự phụ thuộc vào hai điều mà chỉ có những người lớn tuổi mới có thể có: Đó là thời gian và kinh nghiệm. Và đó cũng chính là lý do vì sao lịch sử ghi nhận những người làm công việc sáng tạo lại gặt hái được nhiều thành công mỹ mãn vào chương sau của cuộc đời – từ Michelangelo đến Matisse, từ Beethoven đến Bach.
Vào năm 2017, Giải thưởng Turner của Vương quốc Anh dành cho các nghệ sĩ thị giác đã loại bỏ giới hạn độ tuổi 50. Tại sao? Bởi vì – theo lời của người chủ tọa – “artists can experience a breakthrough in their work at any age” (nghệ sĩ có thể đột phá khả năng của họ ở bất kỳ độ tuổi nào). “At any age” (bất kỳ độ tuổi): ba chữ đơn giản này có thể khơi dậy tinh thần của bất kỳ người nào đang lo lắng rằng mình đang ở phía bên kia dốc của cuộc đời.
Nhà văn Maya Angelou đã đúng khi nói rằng: “Sáng tạo là thứ bạn không bao giờ dùng hết được. Bạn càng dùng nhiều, thì sức sáng tạo càng nhiều.” Điều này cũng áp dụng tại nơi làm việc. Năng suất tăng lên theo độ tuổi với những công việc dựa trên sự nhạy bén xã hội, tuổi càng tăng thì năng suất càng tăng, bởi vì sự thông minh xã hội càng cải thiện khi chúng ta ngày càng lớn tuổi. Chúng ta nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh tốt hơn, suy xét được nhiều quan điểm, và phát hiện ra các mô hình để mở ra giải pháp cho các vấn đề hóc búa hơn.
Hãy nghĩ về công việc của riêng bạn. Không phải bây giờ bạn đã giỏi hơn so với 10 năm trước hay sao? Trường hợp của tôi thì đúng như vậy. Tôi cũng cảm thấy có tinh thần kinh doanh hơn, có nhiều khả năng chuyển rủi ro thành cơ hội hơn. Và cũng không phải chỉ có mình tôi mới như vậy. Trong khi những thí sinh trẻ tỏ ra kiêu ngạo và khoe khoang trên các chương trình truyền hình như “The Apprentice*”, hãy đoán xem ai là người thực sự mở đường khởi nghiệp: bố mẹ và ông bà của họ. Cho dù các phương tiện truyền thông xu nịnh đưa tin về các Zuckerberg của thế giới này, các nghiên cứu cho thấy bạn có nhiều khả năng tạo lập một công ty khởi nghiệp thành công ở tuổi trung niên trở lên.
Tương tự như vậy, cơ thể con người có thể hoạt động tốt trong thời gian rất lâu sau thời điểm tốt đẹp nhất. Chỉ cần nhìn vào đội ngũ đang phát triển gồm những người chạy marathon ở độ tuổi 70, leo núi ở độ tuổi 80, và đạp xe xuyên quốc gia ở độ tuổi 90. Tất nhiên, không phải ai cũng đều có thể làm vậy, hoặc muốn bắt chước những động viên đầy sức sống này, nhưng nhờ vào dinh dưỡng tốt hơn, tình trạng chăm sóc sức khỏe, công nghệ, và hiểu biết về quá trình lão hóa, giờ đây tất cả chúng ta có thể tiếp tục khao khát sự phát triển.
Nhưng chúng ta [cũng] đừng đi đến cực đoan. Mục đích của chúng ta không phải là đánh đổi sự sùng bái tuổi trẻ rồi chuyển sang sùng bái tuổi già. Đồng ý là trẻ hơn không phải luôn luôn tốt hơn. Nhưng già đi cũng không ngoại lệ. Sự thật là mọi lứa tuổi đều có ưu và nhược điểm riêng. Và mọi độ tuổi đều có thể sống tốt. Nhưng chỉ khi chúng ta biết nắm bắt cơ hội. Hãy trân trọng hiện tại thay vì hoài niệm về quá khứ và thu mình trước tương lai.
Một cách để có thể làm được điều đó là kéo các thế hệ ra khỏi vỏ bọc của họ và trộn lại với nhau. Việc dành thời gian với những người ở các độ tuổi khác nhau giúp chúng ta hạnh phúc hơn – và ít phân biệt tuổi tác hơn. Xét cho cùng, không có gì xóa bỏ được những định kiến hơn việc tìm hiểu những người đang bị định kiến. Sự kết hợp giữa các thế hệ cũng đem lại lợi ích tại nơi làm việc – nơi những kinh nghiệm, sự kiên nhẫn, và quan điểm chung về những nhân viên lớn tuổi có thể ăn khớp với năng lượng và cách nhìn thời nay của những người trẻ. Giờ đây, việc phối hợp nhiều thế hệ trở nên dễ dàng hơn khi chúng ta có nhiều điểm chung hơn.
Khi tôi còn nhỏ, cha của tôi dường như sống ở một thiên hà xa xôi: Chúng tôi ăn mặc khác nhau, nghe thể loại nhạc khác nhau, và xem chương trình TV riêng rẽ. Mặc dù con trai tôi và tôi cách biệt 30 tuổi, chúng tôi lại gần gũi hơn nhiều về mặt văn hóa. Chúng tôi chơi thể thao cùng nhau, nghe cùng ban nhạc trên Spotify, và chia sẻ các đề nghị trên Netflix. Chúng tôi dùng tiếng lóng giống nhau và cả hai sẽ cảm thấy mất mát nếu không có iPhones. Ngay cả tủ quần áo của chúng tôi cũng lẫn lộn với nhau để dùng chung quần áo, mũ, và giày dép. Điều này có nghĩa là [sự cách biệt] tuổi thời gian đang dần mất năng lực phân biệt và giới hạn các thế hệ chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta không thể tận dụng tối đa sự tự do mới này cho đến khi ý tưởng về sự già đi không còn gợi lại nỗi sợ hãi, xấu hổ, tội lỗi, ghê tởm, và phủ nhận – cho đến khi chúng ta xem chủ nghĩa phân biệt tuổi tác là “sự trả giá”. Rất may, cuộc phản công đã bắt đầu. Sự phản đối của công chúng đã buộc Postmates, một dịch vụ giao thức ăn, phải loại bỏ một quảng cáo phân biệt tuổi tác một cách trắng trợn ở New York. Nội dung viết rằng: “Khi bạn muốn dành nguyên cái bánh cho bản thân vì bạn bước sang tuổi 30, đại khái cũng như 50 tuổi, cũng tương đương như cuộc đời chấm dứt.” Vào tháng 03/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động chiến dịch toàn cầu đầu tiên chống lại chủ nghĩa phân biệt tuổi tác.
Quan điểm của tôi về sự lão hóa đã thay đổi 180 độ. Giống như nhiều người khác, tôi vẫn lo lắng về những gì thời gian sẽ ảnh hưởng tới mình: sức khỏe, tài chính, ngoại hình và người thân. Tôi cũng không muốn cuộc đời tôi phải kết thúc. Nhưng giờ đây, tôi không còn cảm thấy sợ hãi khi bản thân và những người xung quanh già đi. Tôi không còn thấy xấu hổ nữa. Đến độ tuổi này tôi đã không còn sức để nghi ngờ về quyền làm những gì mình muốn. Bây giờ, xin được mượn vài dòng suy nghĩ của thi sĩ T.S Eliot: Tôi sẵn sàng ăn một quả đào [vì không sợ răng rụng nữa]. Tôi sẽ rẽ ngôi tóc phía sau. Tôi sẽ xắn ống quần – nếu thấy thích.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times