Các vấn đề sai lầm tại các trường đại học và làm sao để khắc phục (Phần 1/4)
Trong loạt bài này, tôi giải thích lý do tại sao các trường cao đẳng và đại học của chúng ta đang phải đối mặt với một loại virus văn hóa độc hại. Tôi cũng đưa ra những cách để giải quyết vấn đề.
Những cuộc biểu tình rầm rộ ủng hộ chủ nghĩa khủng bố của Hamas tại các cơ sở của quốc gia đã buộc ngay cả những người thảnh thơi nhất cũng phải chứng kiến chất độc lây nhiễm vào các trường cao đẳng và đại học của Hoa Kỳ.
Trong loạt bài này, tôi giải thích lý do tại sao các trường cao đẳng và đại học của chúng ta đang phải đối mặt với một loại virus văn hóa độc hại. Tôi cũng đưa ra những cách để giải quyết các vấn đề đó.
Trình độ của tác giả
Độc giả có quyền biết trình độ của tôi khi bình luận về chủ đề này.
Tôi đã học và làm việc ở nhiều nơi khác nhau trong môi trường của các trường đại học. Tôi đã lấy được bằng cử nhân tại một trường cao đẳng tư thục. Tôi theo học chuyên ngành luật tại một trường đại học lớn, nửa tư nửa công, sau khi từ chối lời mời từ các trường danh tiếng hơn. (Tôi sẽ giải thích ý nghĩa thực tế của quyết định đó sau). Tôi cũng học văn học Hy Lạp-La Mã cổ đại tại một trường đại học lớn của tiểu bang.
Trong khi hành nghề luật, tôi là giáo sư trợ giảng (bán thời gian) tại một trường cao đẳng cộng đồng và sau đó ở cả một trường đại học lớn của tiểu bang và một trường đại học tư lớn.
Sau khi tham gia một khóa học căn bản về kỹ thuật giảng dạy, tôi có một thời gian ngắn làm quản lý chương trình cao đẳng cộng đồng và cuối cùng quay trở lại ngành giáo dục chuyên nghiệp. Tôi trở thành giáo sư tập sự và sau đó là giáo sư chính thức và vẫn giữ chức vụ đó trong 25 năm tiếp theo. Ban đầu tôi dạy ở một trường đại học tư thục nhỏ và sau đó là ở một trường đại học công lập quy mô vừa. Tôi cũng từng là giáo sư thỉnh giảng tại một trường đại học lớn của tiểu bang và là nhà nghiên cứu tại một trường lớn ở ngoại quốc.
Tôi có thể so sánh giới học thuật với các tổ chức khác theo cách mà hầu hết các giáo sư không thể làm được, bởi vì tôi cũng đã từng làm việc nhiều trong lĩnh vực kinh doanh tư nhân, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và hiện nay tôi đang điều hành một công ty cố vấn.
Các trường đại học chưa bao giờ có ‘tự do học thuật’
Câu chuyện cho rằng các trường đại học là nơi của những nghiên cứu trung thực cũng như sự khám phá và thể hiện không giới hạn các ý tưởng cạnh tranh — nói một cách thẳng thắn — là chuyện hoang đường. Câu chuyện hoang đường đó là phổ biến rộng rãi trong Chiến tranh Lạnh (1945–1990) để bảo vệ các học giả có thiện cảm với chính nghĩa cộng sản. Ý tưởng là những người ủng hộ chủ nghĩa toàn trị và những người chỉ trích các giá trị truyền thống khác phải được chấp nhận vì “tự do học thuật” là cốt lõi của đời sống đại học và cao đẳng.
Tôi có phần đồng tình với lý tưởng này, nhưng sự thật là các trường đại học thường là pháo đài của tính chính thống và là nguồn gốc của sự không khoan dung đối với bất kỳ ai không chia sẻ tính chính thống đang ngự trị.
Các trường đại học ở hình thức hiện tại đã phát triển ở châu Âu thời kỳ Trung cổ và đầu thời kỳ hiện đại. Chúng được thành lập và hoạt động dưới sự bảo trợ của các giáo phái tôn giáo với sự hợp tác của chính quyền địa phương. Sinh viên và giảng viên phải tuân thủ các chuẩn mực tôn giáo và chính trị đã được ấn định trước. Những người không tin Chúa bị loại trừ hoặc bị đuổi ra ngoài.
Một số người bị loại trừ hoặc bị đuổi ra ngoài cũng là những người giỏi nhất và thông minh nhất. Ông Galileo Galilei không được chào đón tại Đại học Pisa và phải chuyển đến Padua. Ông Isaac Newton phải xin được lệnh sa thải của hoàng gia để tránh bị ép vào Giáo hội Anh. Bà Marie Curie đã bị cấm được bổ nhiệm vào ngành giáo dục ở quê hương Ba Lan.
Năm ngoái (2022), tôi đã viết một bài nghiên cứu khiến tôi phải tìm hiểu về những nhà thông thái vĩ đại đã tạo nên lĩnh vực luật quốc tế hiện đại. Hầu hết họ đối đầu với các trường đại học của họ (hoặc các tổ chức chính trị khác) và phải chạy trốn đến những nơi phù hợp hơn.
Tinh thần chính thống (orthodoxy) đã bao trùm các trường đại học ngay cả ở nước Anh tương đối khoan dung. Cho đến khi Đại học London được thành lập vào năm 1836, quý vị không thể học tại một trường đại học trừ khi quý vị là người Anh — và là nam giới.
Chắc chắn là những người theo [đạo] Trưởng lão (Presbyterians) có thể đến Scotland để học cao hơn, nhưng các trường học ở Scotland có hệ thống giáo dục chính thống của riêng họ. Ví dụ, tại trường Cao đẳng [nay là Đại học] St. Andrews, mọi sinh viên nhập học đều phải ký lời tuyên thệ thừa nhận Chủ nghĩa Trưởng lão và hứa sẽ tiếp tục theo [giáo lý] Trưởng lão.
Người Công giáo, người Do Thái, và phụ nữ hoàn toàn không có lựa chọn học đại học ở Anh.
Hơn nữa, vì các trường đại học ở Anh được chính phủ tài trợ nên họ có xu hướng ủng hộ mạnh mẽ các đặc quyền của nhà nước thay vì quyền tự do cá nhân. (Điều này nghe có vẻ quen quen.) Điều này giúp giải thích tại sao trong Nội chiến Anh, Vua Charles I đã chọn Oxford làm thủ đô của mình.
Các trường đại học thời kỳ đầu ở Mỹ cũng dựa trên những hệ thống chính thống cụ thể mà tất cả đều phải tuân theo.
Chính thống hiện đại
Ở một mức độ đáng kể, chỉ có bản chất của các hệ thống chính thống là thay đổi. Những sinh viên và giảng viên công khai bất đồng quan điểm với các nguyên lý đang thống trị — giả sử họ được nhận vào “cộng đồng đại học” — thì có thể gặp khó khăn. Trong một bài luận trước đây đăng trên The Epoch Time, tôi đã trình bày chi tiết một số cách mà các trường cao đẳng và đại học thực thi tính chính thống đối với giảng viên và quản trị viên của họ. Những người bất đồng chính kiến thường không được thuê, bị sa thải trước khi họ được bổ nhiệm hoặc, bị “cho ra rìa” sau khi được bổ nhiệm, họ sẽ bị trừng phạt theo những cách khác.
Một lần nữa, đây thường là những trường tốt nhất và sáng giá nhất: Hệ thống đại học nơi tôi dành phần lớn sự nghiệp của mình có thành tích đáng chú ý là loại bỏ các học giả bất đồng chính kiến, những người đã nổi tiếng ở nơi khác.
Những người bất đồng chính kiến sống sót buộc phải lãng phí thời gian quý báu để truyền bá những khái niệm như “sự đa dạng, công bằng và hòa nhập”. Họ chứng kiến những ý tưởng và nguyên tắc sáng lập đất nước của họ bị chế giễu. Họ thường bị xa lánh, bị cắt giảm tiền để ủng hộ các mục tiêu của cánh tả và bất lực nhìn những hệ tư tưởng mà họ ghê tởm nhận được sự ưu ái của thể chế.
Sự khoan dung như vậy không thể để đi quá xa. Khi còn là giáo sư luật, tôi đã đủ dũng cảm để ủng hộ những chính sách truyền thống về mặt tài chính, mặc dù phải trả giá đắt cho cá nhân và sự nghiệp. Nhưng tôi không đủ can đảm để thách thức quan điểm chính thống đang ngự trị về các vấn đề xã hội. Ví dụ, tôi chưa bao giờ chỉ ra rằng việc trao các đặc quyền hợp pháp cho “hôn nhân” đồng giới là một quyết định ngu ngốc.
Việc thực hiện quyền quyết định này đã giúp tôi sống sót. Sau khi nghỉ hưu, tôi thấy trường đại học của mình đã làm gì với một giáo sư khoa điện toán, người bày tỏ quan điểm truyền thống của người Mormon về hôn nhân và tình dục. Mặc dù chỉ vài thập niên trước đó, hầu hết các quan điểm của ông đều không có gì đáng chú ý, nhưng ông cảm thấy buộc phải từ chức.
Thành kiến chính trị và văn hóa cánh tả càng trở nên trầm trọng hơn bởi bàn tay nặng nề của chính phủ liên bang. Liên bang cung cấp các khoản tài trợ xa hoa cho các dự án nghiên cứu được cánh tả ưa chuộng: chủ nghĩa môi trường, biến đổi khí hậu, chủng tộc và “sự đa dạng”. Những người làm việc trong các dự án không được ưa chuộng thường phải tự thực hiện mà không được trợ giúp.
Đương nhiên, các nhà quản lý trường đại học ủng hộ những giảng viên giành được trợ cấp liên bang. Hiệu trưởng cuối cùng mà tôi làm việc cùng đã nói với tôi rằng nếu tôi muốn tiếp tục nghiên cứu về thời kỳ Lập Hiến, tốt nhất là nên gán cho họ một góc nhìn “môi trường”. Bằng cách đó, tôi có thể nhận được tiền tài trợ.
Tất nhiên là tôi đã nói không. Nhưng nhiều học giả chắc chắn đã bị tiền dụ dỗ. Tôi cho rằng họ sẽ miêu tả những Nhà Lập Quốc là những chuyên gia về môi trường hiện đại— khả năng cao hơn họ sẽ coi những người này là những kẻ phá hoại môi trường.
Bài tiếp theo: Mô hình đại học tạo ra kết quả tồi tệ như thế nào
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times