Báo cáo: Chính quyền Bắc Kinh là ‘mối đe dọa lớn nhất duy nhất’ đối với sinh viên quốc tế Trung Quốc tại Hoa Kỳ
Nhóm nhân quyền cho biết, “Sự đàn áp xuyên quốc gia làm xói mòn tự do học thuật.”
Theo một báo cáo mới từ tổ chức bất vụ lợi Freedom House có trụ sở ở Hoa Kỳ, tại các trường đại học Mỹ, sinh viên quốc tế và học giả đang ngày càng bị các chính phủ độc tài ở cách xa hàng ngàn dặm nhắm mục tiêu.
Nhóm này viết: “Tại các trường đại học Hoa Kỳ, đàn áp xuyên quốc gia là một mối đe dọa hàng ngày.”
Bản báo cáo được công bố hôm 01/02 này cho thấy các chế độ độc tài, dù lớn hay nhỏ, đã mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài biên giới của họ và thực hiện các hành động “đàn áp xuyên quốc gia” tương tự để bịt miệng những người chỉ trích tại các trường đại học Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng chế độ cộng sản của Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất duy nhất” đối với sinh viên quốc tế tại Hoa Kỳ.
Báo cáo cho biết: “Việc [bản báo cáo] tập trung vào Trung Quốc không phải là không có lý do.” Đa số sinh viên ngoại quốc theo học tại các trường đại học Hoa Kỳ đều đến từ Trung Quốc. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Viện Giáo dục Quốc tế, vào năm 2022, các trường đại học Mỹ đã tuyển sinh hơn 1 triệu sinh viên ngoại quốc, trong đó có 290,000 sinh viên từ Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập một mạng lưới tinh vi thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) để giám sát công dân của mình tại các trường đại học trên khắp thế giới.
UFWD là một cơ quan của ĐCSTQ mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mô tả là “một mạng lưới rộng khắp toàn cầu, gồm những người trung thành với đảng, và mục đích của họ là gây ảnh hưởng đến giới tinh hoa và các nhà lãnh đạo cộng đồng vùng sở tại.”
Ngoài Trung Quốc, các nhà nghiên cứu cho biết chính phủ các nước như Ai Cập, Ấn Độ, Rwanda, và Saudi Arabia cũng gây áp lực lên sinh viên và giảng viên tại các trường đại học Hoa Kỳ để buộc họ phải giữ im lặng.
Các trường hợp đàn áp bao gồm gây sức ép lên gia đình của các sinh viên tham dự các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, phá rối các sự kiện đề cập đến nạn đàn áp nhân quyền của các nhà độc tài được tổ chức trong khuôn viên trường, và hăm dọa những học giả nào xuất bản các bài báo chỉ trích chính phủ ngoại quốc.
“Những chiến thuật này không chỉ xâm phạm quyền của những người bị nhắm mục tiêu mà còn gieo rắc nỗi sợ hãi và đẩy mạnh việc tự kiểm duyệt tại các tổ chức giáo dục đại học,” các nhà phân tích viết. “Đàn áp xuyên quốc gia làm xói mòn tự do học thuật.”
Freedom House đã ghi lại tổng cộng 854 “vụ việc trực tiếp trong đời thực” — chẳng hạn như ám sát, bắt cóc, tấn công, giam giữ, hoặc trục xuất — của tình trạng đàn áp xuyên quốc gia trên toàn thế giới từ năm 2014 đến năm 2022. Nhóm xem con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm lớn hơn nhiều.” Các hoạt động này là do 38 chính phủ ở 91 quốc gia thực hiện.
Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, các vụ việc liên quan đến hành hung thân thể là “tương đối hiếm gặp,” với 6 vụ được xác nhận. Các hình thức đàn áp xuyên quốc gia khác — chẳng hạn như sách nhiễu trực tuyến, giám sát kỹ thuật số, và đe dọa thân nhân vẫn sống ở quốc gia quê nhà — là “phổ biến.”
Chưa có phản ứng đầy đủ
Nhóm này nhận thấy một số trường đại học Hoa Kỳ đã cân nhắc để giúp đỡ sinh viên của họ.
Ví dụ, hồi năm 2021, một sinh viên Đại học Purdue bị chính quyền Trung Quốc hăm dọa vì viết một bức thư trực tuyến vinh danh những người biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 1989. Bức thư đã nhận được sự ủng hộ từ Hiệu trưởng Purdue đương thời Mitch Daniels. Ông đã lên án hành vi sách nhiễu và đe dọa sinh viên Trung Quốc là “không thể chấp nhận được và không được chào đón,” đồng thời cảnh báo rằng những người kiểm duyệt ngôn luận thay mặt cho các tổ chức ngoại quốc sẽ phải chịu “sự trừng phạt đáng kể.”
Tuy nhiên, Freedom House nhận thấy nhiều trường đại học Mỹ không làm được như vậy và đôi khi có những phản ứng phản tác dụng.
Báo cáo nêu lên một vụ việc năm 2022 tại Đại học George Washington. Các quản trị viên của trường đã gỡ một tấm bích chương phản đối Thế vận hội Bắc Kinh trong khuôn viên trường xuống để đáp lại những khiếu nại của một nhóm sinh viên Trung Quốc gọi hành động dán bích chương này là “kích động hận thù chủng tộc.” Sau đó, hiệu trưởng trường đại học này đã thừa nhận những tấm bích chương này là “các tuyên bố chính trị” chứ không phải phân biệt chủng tộc, đồng thời cho rằng việc vội vàng gỡ bỏ những tấm bích chương này là một quyết định sai lầm.
Chủ tịch Freedom House Michael Abramowitz cho biết trong một thông cáo báo chí: “Nhiều trường cao đẳng và đại học thiếu các quy định để bảo vệ họ [sinh viên] khỏi các mối đe dọa đang diễn ra từ các chế độ độc tài.”
“Các nhà quản trị trường cần hiểu rõ hơn về đàn áp xuyên quốc gia là như thế nào và phát triển các sách lược để bảo vệ các thành viên của cộng đồng trường đại học.”
Báo cáo này nhấn mạnh rằng vẫn còn thiếu một hệ thống để báo cáo các vụ đàn áp xuyên quốc gia, điều mà các nhà phân tích xem là “điểm yếu lớn nhất” cho đến nay trong phản ứng của các trường đại học Mỹ. Nhằm giải quyết vấn đề tầm ảnh hưởng mở rộng của chủ nghĩa toàn trị toàn cầu trong các trường đại học, báo cáo đưa ra các đề nghị khác, như lên án công khai những nỗ lực sách nhiễu và đe dọa sinh viên, cũng như nâng cao nhận thức của các nhân viên trong trường.
Freedom House nhấn mạnh sự cần thiết phải chú ý hơn nữa đến các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh tại các trường đại học Hoa Kỳ, đặc biệt là việc Hiệp hội Học giả và Sinh viên Trung Quốc (CSSA) đã được khai triển nhằm theo dõi và đe dọa sinh viên.
Nhóm này viết rằng trong khi nhiều báo cáo đã đề cập đến vai trò của hiệp hội này trong cuộc đàn áp xuyên biên giới của Bắc Kinh, thì các nhà quản trị tại các trường đại học Hoa Kỳ “đang chật vật để đối phó với sự can thiệp từ ngoại quốc” của CSSA.
CSSA nằm dưới sự kiểm soát của UFWD và có các chi nhánh ở hơn 100 trường đại học Hoa Kỳ.
Báo cáo cho biết: “Nhận tài trợ và chỉ thị từ các nhà ngoại giao Trung Quốc, CSSA không chỉ giám sát sinh viên quốc tế mà còn thúc giục những sinh viên này hành động chống lại những người và những sự kiện lên tiếng chỉ trích các chính sách đối nội của Trung Quốc.”
Các hành động
Báo cáo này đã được công bố trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với cộng đồng người Hoa ở Hoa Kỳ.
Hôm 25/01, anh Ngô Khiếu Lôi (Wu Xiaolei), một sinh viên khoa âm nhạc mang quốc tịch Trung Quốc, đã bị kết án theo các cáo buộc của Hoa Kỳ vì đã theo dõi và đe dọa một sinh viên dán tờ rơi ủng hộ dân chủ ở Trung Quốc.
Theo các tài liệu buộc tội, những tờ rơi này đã được dán gần khuôn viên trường Cao đẳng Âm nhạc Berklee–Boston vào ngày 22/10/2022, có các khẩu hiệu “Hãy đứng về phía người Trung Quốc,” “Chúng tôi muốn tự do,” và “Chúng tôi muốn dân chủ.”
Đáp lại, anh Ngô đã gửi tin nhắn đe dọa nhà hoạt động này. Anh cũng cho biết anh đã tố cáo hoạt động của cô sinh viên nói trên với các quan chức tại cơ quan công an Trung Quốc và họ sẽ tìm đến nhà cô ở quê nhà.
Theo đơn kiện, anh Ngô đã nói với nhà hoạt động trong một cuộc trò chuyện nhóm trên WeChat, một ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc rằng, “Cô mà còn dán nữa, tôi sẽ chặt [từ tục tĩu] tay cô.”
Sau bốn ngày xét xử, một bồi thẩm đoàn liên bang ở Boston đã kết luận anh Ngô phạm một tội theo dõi và một tội truyền tin nhắn đe dọa xuyên tiểu bang.
Trước đó, The Epoch Times đã đưa tin rằng một số người biểu tình đã bị hành hung ở San Francisco hồi tháng 11/2023, khi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình tới thành phố này để tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương thường niên. Những kẻ tấn công là những người ủng hộ ĐCSTQ và phản đối cuộc biểu tình. Một số người trong số họ đã được Lãnh sự quán Trung Quốc sắp xếp để chào đón ông Tập.