Tối cao Pháp viện viết lại Hiến Pháp như thế nào?
Phần 7: Trại tập trung — và Hồi kết
Đây là phần cuối trong loạt bài về những điều “thảm hại” của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Đó là vào giai đoạn từ năm 1937 đến năm 1944, khi tòa án ngừng bảo vệ những giới hạn của Hiến Pháp đối với chính phủ liên bang. Hiến Pháp của chúng ta chưa bao giờ phục hồi hoàn toàn [kể từ lúc đó].
Phần đầu tiên,thứ hai,thứ ba,thứ tư ,thứ năm và thứ sáu liên quan đến cách các thẩm phán cố gắng dung hòa các yêu cầu của Thỏa thuận mới (New Deal) của Tổng thống Franklin D. Roosevelt với các quy tắc của Hiến Pháp. Tuy nhiên, vào năm 1937, ông Roosevelt bắt đầu thay thế các thẩm phán bằng những người đam mê New Deal, những người không có chứng chỉ về tư pháp trước đó. Những thẩm phán được đưa vào Tối cao Pháp viện liên tiếp loại bỏ các giới hạn về chi tiêu liên bang, quyền sở hữu tài sản liên bang và quy định kinh tế liên bang. Trong ít nhất một trường hợp, họ đã từ bỏ một trát habeas corpus [trát hầu tòa và xét xử lệnh, được hiểu là đưa tù nhân ra tòa để thẩm phán quyết định tù nhân đó đã bị cầm tù hợp pháp hay không] và quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn.
Phần cuối này đề cập đến vai trò của tòa án trong việc vi phạm quyền công dân nghiêm trọng nhất lịch sử Hoa Kỳ, ngoài chế độ nô lệ. Bài viết đưa thêm một số quan sát về cách thực thi kinh hoàng của tòa án từ năm 1937 đến năm 1944 tiếp tục ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay.
1942 đến 1944: Cuộc tấn công vào người dân Mỹ gốc Nhật Bản
Năm 1942, chính quyền quân sự áp đặt lệnh giới nghiêm đối với người dân ở các tiểu bang phía Tây. Giờ giới nghiêm là điều dễ hiểu trong thời chiến. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng duy nhất cho một nhóm dân tộc: những người dân có nguồn gốc Nhật Bản, bao gồm cả công dân Hoa Kỳ. Những người có nguồn gốc Đức và Ý không khi nào phải đối mặt với lệnh giới nghiêm, mặc dù các vụ phá hoại của người Đức được nói đến trong bài trước cho thấy Bờ Đông rất dễ bị tấn công. Bằng chứng rõ ràng là nguồn gốc chủng tộc góp phần vào sự phân biệt.
Hai lệnh quân sự bổ sung yêu cầu tất cả những người gốc Nhật Bản trong các tiểu bang ở phía Tây vừa phải ở trong nhà và vừa phải di tản khỏi các tiểu bang nói trên. Hai mệnh lệnh này rõ ràng là trái ngược nhau.
Còn có một sắc lệnh khác yêu cầu tất cả những người dân gốc Nhật Bản phải có mặt tại một “Trạm Kiểm soát Dân sự.” Các Trạm Kiểm soát Dân sự là nơi tập hợp [những người dân gốc Nhật Bản] để chuyển đến các trại tập trung. Ở đó, những người gốc Nhật Bản — một lần nữa, bao gồm cả công dân Hoa Kỳ — bị giam giữ vô thời hạn. Không có bất kỳ buộc tội nào để kháng cáo và không có quy trình sàng lọc nào để tách người trung thành khỏi những người không trung thành (ngược lại, người Anh sử dụng quy trình sàng lọc để kiểm tra lòng trung thành của cư dân Anh có gốc Đức và Áo. Hơn 97% trong số những người được sàng lọc đã được trả tự do).
Tất cả các mệnh lệnh này đã được ông Roosevelt chuẩn y và Quốc hội gián tiếp chấp thuận.
Anh Gordon Kiyoshi Hirabayashi là một công dân Hoa Kỳ trẻ tuổi được sinh ra tại Hoa kỳ với lòng trung thành không thể nghi ngờ. Anh ta đã vi phạm lệnh giới nghiêm, nhưng anh vẫn tiếp tục sống trong nhà của mình. Như vậy, anh ta đã tuân thủ lệnh cấm di chuyển, nhưng đã vi phạm lệnh (không nhất quán) yêu cầu phải di tản khỏi bang.
Anh Hirabayashi bị kết tội vi phạm lệnh giới nghiêm và lệnh di tản. Anh ta nhận án tù cho mỗi cáo buộc. Hình phạt áp dụng đồng thời, có nghĩa là chịu tội (tù) cùng một lúc. Anh ta đã kháng cáo hai bản án của mình, và vụ án cuối cùng đã lên tới Tối cao Pháp viện.
Vụ Hirabayashi kiện chính phủ Hoa Kỳ (pdf) được phán quyết vào ngày 21/06/1943. Chánh án Harlan Stone đã viết kết luận của tòa án với sự đồng thuận tuyệt đối. Đầu tiên ông ta giữ nguyên bản án vì [bị can] đã vi phạm lệnh giới nghiêm. Tiếp đó, mọi người chắc sẽ mong đợi ông ta suy xét đến việc kết tội vi phạm lệnh di tản.
Điều này quan trọng vì hai lý do. Thứ nhất, lệnh bắt buộc di tản khỏi tiểu bang có ý nghĩa xâm phạm riêng tư hơn nhiều so với lệnh giới nghiêm. Thứ hai, cách duy nhất để tuân thủ cả lệnh di tản và ở nguyên tại chỗ là báo cáo với Trạm Kiểm soát Dân sự và chấp nhận bị giam giữ.
Nhưng ông Stone chưa bao giờ đề cập trực tiếp đến việc kết tội vi phạm lệnh di tản. Cho rằng anh Hirabayashi dù thế nào cũng sẽ phải vào tù, ông ta đã để mặc cho người thanh niên chịu một bản án hình sự chưa được thẩm định — và có lẽ là không thể được bào chữa trong hồ sơ tội phạm của anh ta. Tòa phúc thẩm liên bang cuối cùng đã lật lại kết tội đó vào năm 1987.
Thẩm phán Rutledge
Vào tháng 10/1942, thẩm phán James Byrnes rời tòa án để phụ trách Văn phòng Ổn định Kinh tế của FDR (Franklin Delano Roosevelt). Người thay thế ông là ông Wiley Rutledge, nhậm chức vào tháng 02/1943.
Trong khi làm giáo sư luật, ông Rutledge đã từng là người ủng hộ mạnh mẽ cho New Deal và kế hoạch sắp xếp ghế thẩm phán tại Tối cao Pháp viện. Ông Roosevelt đã thưởng cho ông ta chức vụ thẩm phán tại tòa phúc thẩm liên bang. Ông Rutledge đã phục vụ ở đó bốn năm trước khi tổng thống cử ông ta đến Tối cao Pháp viện. Ông Rutledge là người duy nhất trong số nhiều lựa chọn tại Tối Cao Pháp Viện của ông Roosevelt có kinh nghiệm tư pháp đáng kể.
Từ vị trí lãnh đạo của ông Roosevelt thì ông Rutledge là một lựa chọn tốt. Đầu tiên, ông Rutledge đồng tình với quyết định của ông Stone trong vụ Hirabayashi. Thứ hai, và quan trọng hơn, ông ủng hộ tổng thống trong việc lạm dụng quyền lực đến mức thậm chí một số người được ông Roosevelt bổ nhiệm khác đã nổi loạn.
Năm 1944: Vụ án trại tập trung người Nhật Bản
Các học giả hiến pháp thuộc mọi lĩnh vực chính trị đều đồng ý rằng vụ Korematsu kiện Hoa Kỳ (pdf) là một trong những quyết định tồi tệ nhất của Tối cao Pháp viện từng được ban hành. Anh Fred Toyosaburo Korematsu, một công dân trẻ tuổi khác của Hoa Kỳ có lòng trung thành không nghi ngờ, đã bị kết tội không tuân theo lệnh di tản. Vào ngày 18/12/1944, các thẩm phán vẫn giữ nguyên bản án.
Ý kiến của tòa án được ông Hugo Black viết. Ý kiến đó, giống như rất nhiều tuyên bố của Tối cao Pháp viện trong thời đại này, đầy rẫy mưu mẹo, đôi co và hoàn toàn không trung thực.
Ban đầu, ông Black trình bày rằng có ý định cung cấp cho anh Korematsu mức bảo vệ cao nhất — cái mà ngày nay chúng ta gọi là “điều tra kỹ càng”. Ông Black viết, những hạn chế về chủng tộc là “ngay lập tức bị nghi ngờ” và “phải chịu… sự điều tra kỹ càng chặt chẽ nhất”. Nhưng sau đó ông Black đã bỏ mặc chàng trai trẻ vì “chúng tôi không thể nói rằng … Chính phủ không có cơ sở để tin rằng” việc di tản là mong muốn về mặt quân sự. Tất nhiên, một câu tiêu chuẩn kiểu như “chúng tôi không thể nói rằng… Chính phủ không có cơ sở để tin tưởng” chắc chắn đó không phải là “sự điều tra kỹ càng và chặt chẽ nhất”.
Ông Black giả vờ rằng lệnh mà anh Korematsu vi phạm chỉ là lệnh di tản. Tuy nhiên, anh Korematsu đã chứng minh rằng cách duy nhất được phép để tuân theo lệnh di tản là tới báo cáo với Trạm kiểm soát dân sự. Ở đó, anh ta sẽ bị giam giữ và chuyển đến một trại tập trung mà không có hy vọng được thả.
“Chúng tôi cho rằng không thỏa đáng khi gọi những chỗ đó là trại tập trung,” ông Black nhấn mạnh trong phần cuối của ý kiến.
Đó là một lời nói dối khác.
Một phiên tòa liên bang đã lật lại kết án của Korematsu vào năm 1983. Tuy nhiên, Tối cao Pháp viện chưa bao giờ bác bỏ “lập luận” trong vụ án Korematsu. Lập luận đó tồn tại cho đến ngày nay với tư cách là ứng dụng đầu tiên của “sự điều tra kỹ càng chặt chẽ” đối với các luật ảnh hưởng đến một số quyền hiến định.
Đó cũng là trường hợp đầu tiên mà tòa án trốn tránh việc phải điều tra kỹ càng — điều tòa án thường xuyên làm để thử nghiệm các biện pháp đáng ngờ về mặt hiến pháp mà cánh tả chính trị rất ưa chuộng. Ví dụ, sự phân biệt đối xử về chủng tộc của chính phủ được cho là phải chịu sự giám sát chặt chẽ. Nhưng gần đây vào năm 2016, các thẩm phán đã ngụy tạo tiêu chuẩn đó để cho phép các trường đại học tiểu bang phân biệt đối xử với người da trắng và người Mỹ gốc Á (pdf).
Kết luận: ‘Thời kỳ thảm hại’ của Tối cao Pháp viện
Những năm từ 1937 đến 1944 đại diện cho thời kỳ yếu kém — thời điểm tệ hại nhất — trong lịch sử lâu dài của Tối cao Pháp viện. Tòa án đã từng đưa ra những quyết định tồi trước đây — một số trong số đó là nghiêm trọng. Nhưng chưa bao giờ tòa án lại coi thường trách nhiệm căn bản của mình để bảo vệ Hiến Pháp một cách có chủ ý và lâu dài như vậy.
Vào thời điểm vụ án Korematsu, có những dấu hiệu cho thấy thời kỳ yếu kém đang sắp qua đi. Quyết định không phải hoàn toàn đồng thuận [trong các thẩm phán]. Ông Frank Murphy và ông Robert Jackson, cả hai đều là những người được ông Roosevelt bổ nhiệm, đã bất đồng quan điểm. Ý kiến của ông Murphy là bằng chứng hùng hồn cho thấy các mệnh lệnh quân sự được thúc đẩy bởi thành kiến chủng tộc. Ông Owen Roberts cũng bất đồng quan điểm. Sau một sự nghiệp không mấy nổi bật, bản cáo trạng mạnh mẽ của ông ta về các hành động của chính phủ có thể là điểm sáng tốt nhất [trong sự nghiệp] của ông ta.
Cùng ngày với phán quyết vụ Korematsu, tòa án đã công bố kết quả vụ Ex Parte Endo (pdf) [là vụ việc liên quan đến một phụ nữ gốc Nhật Bản]. Các thẩm phán đã chấp thuận đơn yêu cầu của một công dân Hoa Kỳ trung thành được rời khỏi trại tập trung của cô ấy sau hai năm rưỡi bị giam giữ.
Vụ án tịch thu ngành thép năm 1952 (pdf) là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy thời đại của trường phái tư pháp xu nịnh đã kết thúc. Tòa án kiên quyết bác bỏ việc Tổng thống Harry Truman đơn phương quốc hữu hóa ngành thép của Hoa Kỳ. Ông Hugo Black và ông Robert Jackson dẫn đầu: ông Black viết ý kiến cho tòa án, trong khi ông Jackson viết một ý kiến đồng tình đáng nhớ và được trích dẫn nhiều. Tổng thống Jackson được chỉ rõ rằng ông ta là tổng tư lệnh của Quân đội và Hải quân. Ông ấy không phải là tổng tư lệnh của đất nước.
Tất cả những điều này đã được chào đón. Nhưng Hiến Pháp vốn đã bị thương nặng, và từ đó nó không bao giờ được phục hồi hoàn toàn. Tình huống hiện tại của chính phủ liên bang là bằng chứng cho điều đó.
Trong suốt thế kỷ thứ ba, Đế chế La Mã đã bị tấn công bởi sự hỗn loạn của triều đình, nội chiến, bệnh dịch và nhiều cuộc xâm lược. Nó gần như sụp đổ. Tuy nhiên, bắt đầu từ khoảng năm 270, các vị hoàng đế tài năng đã nỗ lực tìm cách khôi phục đế chế. Những cố gắng của họ đã giữ cho nhà nước La Mã nguyên vẹn trong một thế kỷ rưỡi nữa.
Tuy nhiên, sự phục hồi này chỉ là một phần. Đế chế tiếp nối ấy là một nơi đen tối hơn so với thời trước đây của nó: ít thịnh vượng hơn, ít mở rộng hơn, kém ổn định hơn và ít tự do hơn.
Điều đó cũng đúng với Hoa Kỳ. Hiến Pháp tạo nên sự vĩ đại của nước Mỹ đã bị tổn hại nghiêm trọng. Việc chúng ta có sửa chữa [Hiến Pháp] hoàn toàn hay không là do chúng ta quyết định. Chúng ta chẳng có vị hoàng đế nào để làm công việc đó cho chúng ta.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times