Cựu TT Trump đã có thể và không thể làm gì theo Đạo luật Chống nổi dậy
Cựu Tổng thống Donald Trump từng nói rằng, nếu tái đắc cử, ông có thể sử dụng lực lượng dân quân hoặc lực lượng vũ trang để trấn áp bạo lực và cướp bóc. Ông ấy có thể làm được điều đó không?
Cựu Tổng thống (TT) Donald Trump từng nói rằng, nếu tái đắc cử, ông có thể sử dụng dân quân hoặc các lực lượng vũ trang để trấn áp bạo lực và cướp bóc. Cơ sở pháp lý của ông gồm năm mục của luật liên bang được gọi chung là “Đạo luật Chống nổi dậy” (Insurrection Act).
Cựu TT Trump dường như đã nhắc lại cuộc bạo loạn Black Lives Matter/Antifa năm 2020 — chủ yếu xảy ra ở các thành phố và tiểu bang do các quan chức “cấp tiến” kiểm soát, những người đã không thực hiện những hành động có hiệu quả để đối phó với những cuộc bạo loạn này.
Các hãng thông tấn cánh tả cho rằng nhận xét của cựu TT Trump là nguy hiểm và độc tài. Tuy nhiên, sự thật khá là phức tạp.
Đây là một ý kiến khách quan hơn về những gì một tổng thống có thể và không thể làm theo Đạo luật Chống nổi dậy.
Vai trò pháp lý của Đạo luật Chống nổi dậy
Hoa Kỳ chưa bao giờ có một lực lượng cảnh sát quốc gia cho cả nước. Theo Hiến Pháp của chúng ta, hầu hết việc thực thi pháp lý là trách nhiệm của tiểu bang chứ không phải của liên bang. Cảnh sát liên bang nhìn chung bị giới hạn ở những chức năng hẹp, chẳng hạn như hoạt động trên đất liên bang và bảo vệ các tòa nhà liên bang.
Đây có thể là một lý do khiến Hoa Kỳ chưa bao giờ có một nhà độc tài tuyệt đối. Ở châu Âu, các chính trị gia đầy tham vọng (như Adolph Hitler) đã sử dụng lực lượng cảnh sát quốc gia làm công cụ để áp đặt ý chí của họ. Quả thực, lịch sử của các lực lượng cảnh sát quốc gia là một lý do khiến việc mở rộng chức năng của FBI trở nên đáng báo động.
Đạo luật Chống nổi dậy là một ngoại lệ đối với nguyên tắc chung là chính phủ Hoa Kỳ không thực hiện việc trị an đối với địa phương. Ý nghĩa của điều đó được giải thích dưới đây.
Ba trong năm mục của đạo luật
Đạo luật Chống nổi dậy bao gồm các các Mục từ 251 đến 255 của Đề mục 10 trong Bộ luật Hoa Kỳ. Chúng ta có thể xem qua ba mục đó:
Mục 251 cho phép tổng thống sử dụng dân quân và các lực lượng vũ trang để trợ giúp một tiểu bang trấn áp một cuộc nổi dậy — nhưng chỉ khi tiểu bang đó yêu cầu trợ giúp. Mục 251 thực hiện một phần điều khoản bảo đảm của Hiến Pháp (Điều IV, Mục 4). Điều khoản bảo đảm này bắt buộc và trao quyền cho chính phủ Hoa Kỳ bảo vệ một tiểu bang trước bạo lực nội địa — nhưng, xin nhắc lại rằng, chỉ khi tiểu bang đó yêu cầu trợ giúp.
Cựu TT Trump có lẽ không thể sử dụng mục này để trấn áp bạo lực ở các tiểu bang thuộc Đảng Dân Chủ vì các quan chức ở những tiểu bang đó có vẻ sẽ không yêu cầu giúp đỡ. Chẳng hạn, trong cuộc bạo loạn năm 2020 ở Portland, Oregon, cựu TT Trump đã đề nghị cung cấp sự trợ giúp liên bang, nhưng thống đốc tiểu bang và thị trưởng thành phố đã yêu cầu ông đừng can thiệp vào.
Mục 254 quy định rằng trước khi tổng thống sử dụng dân quân hoặc các lực lượng vũ trang theo Đạo luật Chống nổi dậy, “ông ấy sẽ, bằng tuyên bố, ngay lập tức ra lệnh cho quân nổi dậy giải tán và rút lui về nơi ở của họ một cách ôn hòa trong một khoảng thời gian có giới hạn.” Điều này tạo cơ hội cho đám đông giải tán trước khi quân đội liên bang tiến vào.
Mục 255 làm rõ rằng Đạo luật Chống nổi dậy áp dụng cho đảo Guam và Quần đảo Virgin giống như những tiểu bang khác.
Mục 253
Nếu cựu TT Trump muốn thực thi trái với mong muốn của các quan chức tiểu bang thuộc Đảng Dân Chủ, ông sẽ phải sử dụng Mục 252 hoặc Mục 253. Chúng ta hãy xem xét hai mục này theo thứ tự ngược lại.
Mục 253 cho phép tổng thống sử dụng dân quân hoặc các Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ trong hai tình huống. Một tình huống phát sinh khi chính quyền tiểu bang ngăn chặn việc thực thi luật liên bang. Điều đó sẽ được đưa ra một lần nữa tại Mục 252 mà chúng ta sẽ xem xét sau.
Một tình huống khác thú vị hơn. Tình huống này cho phép tổng thống triệu tập quân đội khi bạo lực nội địa “cản trở việc thi hành luật pháp của Tiểu bang, và của Hoa Kỳ trong Tiểu bang đó, đến mức bất kỳ bộ phận hoặc giai tầng dân cư nào của tiểu bang đó bị tước quyền, đặc quyền, quyền miễn trừ, hoặc sự bảo vệ được ghi trong Hiến Pháp và được luật pháp bảo đảm, cũng như các cơ quan có thẩm quyền của Tiểu bang đó không thể, không thực hiện, hoặc từ chối bảo vệ quyền, đặc quyền, hoặc quyền miễn trừ đó hoặc đưa ra sự bảo vệ đó.”
Nói đơn giản là: Để tổng thống hành động theo mục này, phải có (1) bạo lực (2) ngăn cản người dân thực hiện các quyền theo Hiến Pháp và (3) chính quyền tiểu bang và địa phương không bảo vệ các quyền đó.
Phần này có thể áp dụng nếu các quan chức “thức tỉnh” trong các trường đại học của tiểu bang làm ngơ việc đám đông ngăn cản những sinh viên theo phái bảo tồn truyền thống thực hiện quyền tự do ngôn luận theo Hiến Pháp của họ. Phần này cũng có thể được áp dụng nếu chính quyền địa phương từ chối ngăn chặn đám đông lấy cảm hứng từ Hamas phá hủy các giáo đường Do Thái — theo đó cản trở quyền tự do tôn giáo.
Hầu hết các vụ bạo lực năm 2020 mà cựu TT Trump nghĩ đến không phải là loại vi phạm các quyền “được nêu trong Hiến Pháp.” Hiến Pháp yêu cầu các chính phủ tiểu bang phải tuân thủ “tiến trình pháp lý hợp pháp,” nhưng không liệt kê các quyền cụ thể chống lại những kẻ lưu manh cướp bóc hoặc đập vỡ cửa sổ của quý vị.
Mục 252
Mục 252 có nội dung như sau:
“Bất cứ khi nào Tổng thống cho rằng các hành vi cản trở, kết hợp, tụ tập, hoặc nổi loạn trái pháp luật chống lại quyền lực của Hoa Kỳ, khiến việc thực thi các luật của Hoa Kỳ ở bất kỳ tiểu bang nào bằng quá trình tố tụng tư pháp thông thường là không thể thực hiện được, thì ông ấy có thể yêu cầu lực lượng dân quân của bất kỳ Tiểu bang nào gia nhập quân đội Liên bang, và sử dụng các lực lượng vũ trang như vậy, khi ông ấy cho là cần thiết để thực thi các luật đó hoặc để trấn áp cuộc nổi dậy.”
Nhóm từ “các luật của Hoa Kỳ” có nghĩa là luật liên bang, không phải luật tiểu bang. Nói chung, các cuộc bạo loạn và cướp bóc thông thường là vi phạm luật tiểu bang chứ không phải luật liên bang. Và mặc dù luật hình sự liên bang đã mở rộng đáng kể trong vài thập niên vừa qua nhưng vẫn còn những câu hỏi nghiêm túc về Hiến Pháp về việc chính phủ liên bang có thể tiến xa đến đâu trong việc điều chỉnh các loại bạo lực gây tổn hại cho các thành phố do Đảng Dân Chủ điều hành.
Do đó, để áp dụng Mục 252, cựu TT Trump sẽ phải chỉ ra những vi phạm cụ thể đối với các đạo luật liên bang. Cuộc tấn công vào một tòa án Hoa Kỳ có thể được lấy làm ví dụ. Một trường hợp khác vi phạm luật liên bang có thể là nỗ lực của đám đông nhằm đe dọa các thẩm phán Tối cao Pháp viện, chẳng hạn như sự việc đã xảy ra hồi năm 2022.
Ngoài ra, Mục 252 chỉ áp dụng khi việc thực thi luật “bằng quá trình tố tụng tư pháp thông thường” trở nên “không thể thực hiện được.” Có lẽ, điều này nghĩa là các tòa án không mở cửa và hoạt động. Chỉ bất đồng về cách thực thi luật có lẽ là chưa đủ.
Một số người phản đối rằng tổng thống có quyền lực không bị kiểm soát để giải thích Mục 252 do cụm từ “Bất cứ khi nào Tổng thống cho rằng ….” Họ chỉ ra một vụ án từ rất lâu của Tối cao Pháp viện — vụ Martin kiện Mott (năm 1827). Vụ án đó tuyên bố rằng tổng thống là “thẩm phán duy nhất và độc nhất” về thời điểm sử dụng quyền lực của mình theo Đạo luật Chống nổi dậy.
Tuy nhiên vụ Martin kiện Mott đã không thể phân tích Mục 252 trong tình huống hiện nay. Mục này xem xét quyền của tổng thống trong việc triệu tập lực lượng dân quân trong trường hợp bị xâm lược chứ không phải bạo lực nội địa. Việc ứng phó với cuộc xâm lược không gây ra những rủi ro tương tự về chế độ độc tài giống như hoạt động trị an trong nước.
Còn có những lý do nữa mà các tòa án khó có thể cho phép tổng thống có quyền tự do quyết định không giới hạn:
- Các tòa án hầu như không bao giờ ra phán quyết rằng một quan chức liên bang có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, bất kể hậu quả ra sao. Mặc dù các quan chức có nhiều quyền quyết định nhưng quyền tự quyết đó hầu như luôn có các giới hạn.
- Vụ Martin kiện Mott dựa trên tiền đề rằng tổng thống sẽ luôn có “những phẩm chất cao cả… tinh thần vị công, và một lòng một dạ cống hiến cho các lợi ích công cộng.” Lịch sử từ năm 1827 đã bác bỏ triệt để tiền đề đó!
- Đạo luật Chống nổi dậy là một ngoại lệ đối với quy tắc chung là liên bang không thực hiện việc trị an trong nước. Các thẩm phán thường giải thích các quy tắc chung một cách rộng rãi và các ngoại lệ một cách hạn hẹp.
Tóm lại: Đạo luật Chống nổi dậy có thể là một giải pháp thay thế khả thi để ngăn chặn các quan chức “thức tỉnh” bắt tay với đám đông trong việc đàn áp các quyền hiến định cụ thể — chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo, quyền được bồi thẩm đoàn xét xử, cũng như quyền giữ và mang vũ khí.
Đạo luật này có lẽ không phải là một công cụ khả thi để ứng phó với các cuộc bạo loạn và cướp bóc thông thường. Đạo luật này cũng không phải là một công cụ như thế nếu xét đến lịch sử đáng hổ thẹn của lực lượng cảnh sát quốc gia.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times