Các đại công ty công nghệ phải đối mặt với các quy định mới có tác động sâu rộng của EU
Những đại công ty công nghệ lớn nhất thế giới giờ đây sẽ phải tuân thủ các quy định mới của Liên minh Âu Châu sắp có hiệu lực trong tuần này, vốn gây ra ảnh hưởng rộng rãi đến hoạt động toàn cầu của họ.
Bắt đầu từ ngày 26/08, Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của EU sẽ ảnh hưởng rộng rãi đến mọi thứ, từ kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội, quyền riêng tư của người dùng, tính minh bạch, và chống hàng giả được bán trên mạng.
Đạo luật này của EU cũng cố gắng ngăn chặn việc lan truyền nội dung có hại cho cá nhân hoặc thông tin sai lệch, cấm hoặc hạn chế một số hoạt động quảng cáo nhắm mục tiêu vào người dùng, đồng thời yêu cầu các công ty chia sẻ một số dữ liệu nội bộ với các cơ quan quản lý.
DSA là nỗ lực rộng rãi và tham vọng nhất được các nhà hoạch định chính sách thông qua nhằm điều chỉnh ngành công nghệ và nhằm buộc các công ty thực hiện những thay đổi lớn về phần mềm bằng không sẽ phải đối mặt với các khoản tiền phạt lớn.
Bất kỳ công ty nào bị phát hiện vi phạm đạo luật mới sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu, và những công ty nào vi phạm nhiều lần có thể bị cấm hoạt động hoàn toàn tại EU.
Mặc dù DSA đã được thông qua hồi năm ngoái nhưng các đại công ty công nghệ vẫn có thời gian đến tuần này để chuẩn bị cho việc tuân thủ luật, với hơn 45 triệu người dùng ở EU phải tuân theo các nghĩa vụ được quy định trong luật.
Các quy tắc mới cho nền tảng trực tuyến hiện sẽ áp dụng cho 19 công ty như Amazon, Apple, Google, Meta, Microsoft, Snapchat, X, TikTok, v.v. Một số nền tảng, như eBay, Airbnb, Netflix, và thậm chí cả PornHub, đã bị loại khỏi danh sách, nhưng có thể sẽ được thêm vào sau.
Pornhub đã nằm trong tầm ngắm của các cơ quan quản lý và cơ quan chấp pháp vì lưu trữ nội dung bất hợp pháp và bạo lực như cưỡng gian và lạm dụng tình dục trẻ em. Hiện tại, họ sẽ có thời hạn đến tháng 02/2024, thời điểm mà DSA sẽ được áp dụng cho tất cả các nền tảng trực tuyến cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cho người Âu Châu, bất kể quy mô thế nào.
Trong khi đó, hai trong số các nền tảng trong danh sách, Amazon.com và nhà bán lẻ thời trang Zalando của Đức, hiện đang thưa kiện về việc họ bị cho vào danh sách. Tuy nhiên, hai công ty cho biết vẫn sẵn sàng tuân thủ DSA.
Khối Âu Châu đã dẫn đầu toàn cầu về quy định công nghệ, và thậm chí nhiều luật khác đang được dự tính trong tương lai, chẳng hạn như Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số và Đạo luật AI.
Khối 27 quốc gia này cho biết họ lo ngại về việc bảo vệ quyền lợi căn bản của người Âu Châu đối với quyền riêng tư và tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, một số người ủng hộ quyền tự do dân sự lo ngại rằng thay vì bảo vệ quyền tự do ngôn luận, luật mới có thể được các nhà chức trách ở Brussels sử dụng để trấn áp những quan điểm không được ưa chuộng.
Việc DSA cấm quảng cáo nhắm vào một số nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em đã buộc các nền tảng như Snapchat và TikTok chặn các quảng cáo nhắm đến trẻ vị thành niên dựa trên các hoạt động trực tuyến của họ.
Google cũng sẽ cung cấp thêm thông tin về các quảng cáo được nhắm mục tiêu hiển thị cho người dân EU và cung cấp cho các nhà nghiên cứu liên kết với chính phủ nhiều quyền truy cập hơn vào dữ liệu về cách thức mà các sản phẩm của họ hoạt động.
Người dùng Âu Châu hiện có tùy chọn gắn cờ nội dung trực tuyến trái phép và các sản phẩm đáng ngờ mà các nền tảng này phải gỡ bỏ nhanh chóng và khách quan.
Ông Nick Clegg, chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, cho biết trong một bài đăng trên blog rằng DSA “sẽ có tác động đáng kể đến trải nghiệm của người Âu Châu khi họ mở điện thoại hoặc khởi động máy điện toán xách tay.”
Meta cho biết các công cụ hiện có trên Facebook và Instagram báo cáo nội dung tiêu cực hoặc xúc phạm sẽ dễ dàng truy cập hơn.
Google cho biết họ sẽ mang lại sự minh bạch hơn cho các quyết định kiểm duyệt nội dung và cung cấp cho người dùng những cách khác nhau để liên lạc với công ty do một quy tắc DSA mới buộc các nền tảng phải thông báo cho người dùng lý do bài đăng bị gỡ xuống.
Công ty mẹ ByteDance cho biết TikTok cũng đã cài đặt một tùy chọn người dùng để gắn cảnh báo nội dung video đối với những nội dung như ngôn từ thù hận và quấy rối, hoặc dối trá và lừa đảo. Những nội dung này sẽ được một nhóm chuyên gia xem xét.
Facebook, Instagram, TikTok, và Snapchat sẽ cung cấp cho người dùng khả năng tắt hệ thống tự động đề nghị video và bài đăng dựa trên hồ sơ của họ, vốn đã bị các nhà phê bình chỉ trích vì khuyến khích một số người dùng mạng xã hội thực hiện hành vi bạo lực.
Wikipedia cũng sẽ bắt đầu điều chỉnh một số chính sách và sửa đổi các điều khoản sử dụng để cung cấp thêm thông tin về “nội dung và người dùng có vấn đề.”
Theo tổ chức bất vụ lợi Wikimedia Foundation, đang điều hành bộ bách khoa toàn thư trực tuyến này, những thay đổi này sẽ không chỉ giới hạn ở EU mà “sẽ được khai triển trên toàn cầu.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters and the Associated Press
Thanh Nhã lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times