Dân biểu Gallagher: TikTok là một phần trong chiến lược ‘chiến tranh nhận thức’ của ĐCSTQ nhắm vào Hoa Kỳ
Ông Gallagher cho hay, “theo quan điểm của ông Tập Cận Bình, cuộc chiến đã bắt đầu trên chiến trường quan trọng nhất: tâm trí của quý vị.”
Theo các chuyên gia và nhà lập pháp, TikTok là một công cụ quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc cộng sản nhằm thao túng người Mỹ và làm suy yếu khả năng ứng phó trước khủng hoảng của Hoa Kỳ.
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn cai trị Trung Quốc như một quốc gia độc đảng, có thể sẽ sử dụng TikTok trong nỗ lực tiến hành “chiến tranh nhận thức” nhắm vào Hoa Kỳ.
“ĐCSTQ gọi đó là ‘chiến tranh trong lĩnh vực nhận thức’, một phần trong chiến lược chiến tranh chính trị lớn hơn của họ,” ông Gallagher nói trong các bình luận đã chuẩn bị sẵn cho phiên điều trần hôm 30/11 của ủy ban đặc biệt của Hạ viện về ĐCSTQ.
Ông Gallagher, chủ tịch ủy ban, nói rằng Hoa Kỳ đang gặp khó khăn trong việc ứng phó với mối đe dọa này, vì quốc gia này không có chiến lược hay bộ máy lớn để đối đầu với tuyên truyền từ các thế lực độc tài.
“Chiến tranh nhận thức không phải là điều chúng ta có xu hướng nghĩ đến ở phương Tây. Chắc chắn là, chúng tôi có những ý tưởng như quyền lực mềm, nhưng chúng không phải là chiến lược quốc gia,” ông Gallagher nói.
“Trên ‘chiến trường không khói’ trong tâm trí người dân, chúng ta không có một quân đội thường trực nào cả.”
ĐCSTQ tìm kiếm ‘sự thống trị tâm trí’
Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2022 của Ngũ Giác Đài (pdf), trong đó chắt lọc những đánh giá có căn cứ nhất của Bộ Quốc Phòng về chiến lược và khả năng của Trung Quốc, nêu bật sự phát triển của phương pháp chiến tranh tâm lý mới của ĐCSTQ.
Báo cáo cho biết rằng ĐCSTQ và cánh quân sự của đảng này, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), đang phát triển và khai triển các phương pháp tiến hành chiến tranh nhận thức để giành lợi thế quân sự.
“Vì PLA mong muốn mở rộng phạm vi hoạt động gây ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới và giành quyền thống trị thông tin trên chiến trường này, nên họ đang nghiên cứu và phát triển bước tiến tiếp theo của chiến tranh tâm lý được gọi là [các] hoạt động miền nhận thức (CDO) vốn thúc đẩy thông điệp kích thích tiềm thức, deep fakes*, tuyên truyền công khai, và phân tích tâm lý công chúng,” báo cáo nêu rõ.
“Mục tiêu của CDO là đạt được điều mà PLA gọi là ‘sự thống trị tâm trí,’ được định nghĩa là việc sử dụng tuyên truyền như một vũ khí để tác động đến dư luận nhằm tạo ra sự thay đổi trong hệ thống xã hội của một quốc gia, có khả năng tạo ra một môi trường thuận lợi cho Trung Quốc và giảm sự phản kháng của thường dân và quân đội đối với các hành động của PLA.”
Báo cáo mô tả CDO là “một hình thức chiến tranh tâm lý mạnh mẽ hơn” nhằm “tác động đến nhận thức, ra quyết định, và hành vi của mục tiêu.”
Ông Gallagher cho rằng lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình coi CDO là vũ khí quan trọng trong kho vũ khí của chính quyền này, có thể được sử dụng để thao túng người dân Mỹ vào những thời điểm quan trọng, chẳng hạn như trong suốt kỳ tranh cử.
Ông Gallagher cho biết, “Theo quan điểm của ông Tập Cận Bình, cuộc chiến đã bắt đầu trên chiến trường quan trọng nhất: tâm trí của quý vị.”
Dữ liệu cho thấy TikTok nhận chỉ đạo từ ĐCSTQ
Ông Gallagher chỉ ra TikTok là công cụ mạnh mẽ nhất của chính quyền để tiến hành chiến tranh nhận thức.
Mặc dù công ty này phủ nhận việc nhận sự chỉ đạo từ công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc, nhưng các giám đốc điều hành trước đó đã thừa nhận việc họ kiểm duyệt và “làm nóng” nội dung theo yêu cầu của ĐCSTQ.
Vì thế, ông Gallagher đã chia sẻ một số trang cho thấy TikTok vẫn đang nhận lệnh từ chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Các trang này chứng minh rằng các bài đăng về “chủ đề đang lan truyền” trong chính trị và văn hóa đại chúng được thể hiện tương ứng trên TikTok và Instagram có liên quan với số lượng người dùng hàng tháng mà cả hai ứng dụng đều có.
Do đó, số bài đăng về Đảng Dân Chủ, cựu Tổng thống Donald Trump, ca sĩ Taylor Swift và bộ phim “Barbie” trên Instagram nhiều gấp đôi vì Instagram có số lượng người dùng hàng tháng nhiều gấp đôi so với TikTok.
Tuy nhiên, tỷ lệ đó thay đổi khi người ta nhìn vào các chủ đề bị ĐCSTQ chỉ trích hoặc kiểm duyệt khắt khe.
Chẳng hạn, số bài đăng về người Duy Ngô Nhĩ trên TikTok ít hơn khoảng chín lần so với trên Instagram. Và số bài viết về Tây Tạng ít hơn 30 lần.
Hơn nữa, số bài đăng trên TikTok về cuộc biểu tình và thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, một chủ đề bị chính quyền Bắc Kinh ở đại lục kiểm duyệt chặt chẽ, ít hơn 153 lần.
Ông Gallagher nói: “Trường hợp tốt nhất nhất là, TikTok là phần mềm gián điệp của ĐCSTQ — đó là lý do tại sao rất nhiều chính quyền tiểu bang và quốc gia đã cấm ứng dụng này trên điện thoại của viên chức chính phủ.”
“Trường hợp xấu nhất là, TikTok có lẽ là hoạt động gây ảnh hưởng xấu quy mô lớn nhất từng được thực hiện.”
TikTok có thể gây ra ‘sự hỗn loạn rất lớn’ trong cuộc bầu cử năm 2024
Hơn nữa, ông John Garnaut, một thành viên cao cấp tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, làm chứng rằng các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đã nêu rõ rằng TikTok là một công cụ để thúc đẩy các mục tiêu của chính quyền này.
Ông Garnaut lưu ý rằng tờ báo chính thức của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã mô tả TikTok là một phần quan trọng trong nỗ lực “cho phép các nền tảng video ngắn trở thành ‘cái loa phóng thanh’’ để kể những câu chuyện hay của Trung Quốc và truyền bá tiếng nói của người Trung Quốc một cách tốt đẹp.”
Một bài báo khác trong cùng tờ báo đó nói rằng các khái niệm về tự do, dân chủ, và nhân quyền được sáng tạo ra để “cạnh tranh với chúng tôi [ĐCSTQ] để giành lấy địa vị, tấm lòng, và quần chúng, và cuối cùng là lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng như hệ thống xã hội chủ nghĩa của quốc gia chúng ta.”
Do đó, ông Garnaut nói rằng TikTok là “một dự án kiểm soát hoàn toàn về mặt tư tưởng” của ĐCSTQ, có tiềm năng “to lớn” trong việc định hình một cách triệt để thông tin mà người Mỹ nhận được.
“Khả năng thao túng dư luận của nền tảng này vào những thời điểm quan trọng… Tôi nghĩ đó là vấn đề rất cần quan tâm,” ông Garnaut nói.
Hồi đầu tuần, ông Gallagher cho biết ĐCSTQ có thể khai thác ứng dụng này để gây ra “sự hỗn loạn hoàn toàn” trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Ông Garnaut đồng ý với quan điểm đó, ông nói rằng sự hiện diện của bất kỳ thông tin giả nào của ĐCSTQ đều có thể gây ra những tác động bất lợi bất kể người ta có tin vào điều đó hay không. Ông chỉ ra cuộc bầu cử năm 2016 là bằng chứng cho hiện tượng như vậy.
“Ông Mueller đã không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Nga [can thiệp vào] cuộc tranh cử của ông Trump hay ông Trump đã thông đồng với Nga,” ông Garnault nói. “Tuy nhiên, sự can thiệp của Nga đã nuôi dưỡng những nhận thức gây chia rẽ sâu sắc người Mỹ và làm tổn thương niềm tin của nhiều người rằng cuộc tranh cử đã diễn ra một cách tự do và công bằng.”
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times