Cà chua biến đổi gen có màu tím sắp xuất hiện trên kệ hàng siêu thị trong năm nay
Một loại cà chua mới, được chỉnh sửa gen để tạo ra hàm lượng rất cao chất chống oxy hóa chống ung thư “anthocyanin,” sẽ được tung ra thị trường trong năm nay. Chất này sẽ làm cho cà chua có màu tím thẫm.
Anthocyanin – cũng được tìm thấy trong quả mọng – được cho là có khả năng bảo vệ chống lại bệnh tim mạch và các bệnh thoái hóa liên quan đến tuổi tác.
Với hy vọng tìm ra cách tăng tăng hàm lượng các hợp chất có lợi cho sức khỏe trong các loại trái cây và rau quả thường ăn, một nhóm nghiên cứu từ Trung tâm John Innes, Norwich (John Innes Centre, Norwich), đã tạo ra loại cà chua tím bằng cách kết hợp gen từ hoa mõm rồng (snapdragon), loại hoa có hàm lượng anthocyanin cao.
Cà chua là loại rau quả được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới.
Ông Nathan Pumplin, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Norfolk cho biết: “Trong khi có rất nhiều lựa chọn với các loại cà chua, nhưng người tiêu dùng vẫn rất không hài lòng với những gì họ thực sự có thể tìm thấy khi mua sắm.”
“Mọi người đều thích cà chua gia truyền tươi từ vườn nhà để làm món salad Caprese hoặc bacon, lettuce, tomato (BLT), và đó là những gì mọi người muốn nhưng họ lại không thể tìm thấy thứ đó ở cửa hàng tạp hóa. Và vì thế, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội tuyệt vời đáp ứng nhu cầu chưa được đáp ứng của người tiêu dùng thông qua các sản phẩm cà chua tốt hơn [ở thời điểm hiện tại].”
Cà chua biến đổi gen GMO được Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ chấp thuận
Ý tưởng xuất pháp từ Vương quốc Anh của Giáo sư Cathie Martin, người đã phát triển và thương mại hóa công nghệ này vào năm 2008 và sau đó thành lập Norfolk Plant Science vào năm 2022 để đưa nó đến gần hơn với việc ra mắt thị trường.
Một bước đột phá lớn đối với công ty này khi tháng 09/2022, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (U.S. Department of Agriculture) (USDA) đã chấp thuận cho công ty này trồng và xử lý cà chua tím giống như cà chua bình thường.
Sản phẩm này sẽ không được phân phối ở các khu vực cấm các sản phẩm biến đổi gen GMO
Ông Pumplin, đồng thời là giám đốc công nghệ của Norfolk, chia sẻ rằng ông muốn thay đổi nhận thức và các cuộc thảo luận tập trung hơn vào tiềm năng sức khỏe và lợi ích của sản phẩm GMO.
Ông nói: “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm không chỉ từ những người tiêu dùng tiên phong ở những vùng ven biển thích tự do mà còn từ các trung tâm nông nghiệp của chúng ta không nằm ở vùng ven biển.”
“Có những cuộc khảo sát chủ yếu được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) đã được thực hiện để hỏi công chúng, liệu họ có nghĩ rằng thực phẩm biến đổi gen và thực phẩm thông thường, cái nào tốt cho sức khoẻ hơn? Kết quả chia đều 50-50, và thực sự, đặc biệt là thế hệ trẻ nói rằng họ không quan tâm liệu đó có phải là công nghệ sinh học hay không.”
Cà chua không biến đổi gen có thể ra trái màu tím một cách tự nhiên
Tuy nhiên, cà chua tím GMO sẽ phải cạnh tranh với một nhà sản xuất theo phương pháp tự nhiên ở tiểu bang Oregon cũng đang nghiên cứu một phiên bản cà chua giàu chất chống oxy hóa cao và “không sản phẩm nào được sản xuất bằng cách sử dụng côgn nghệ biến đổi,”theo Giáo sư nông nghiệp Jim Myers từ Đại học tiểu Bang Oregon.
Ông nói rằng giống cà chua tím của ông được lai tạo theo cách truyền thống, trong khi cà chua tím GMO sẽ được tung ra thị trường Hoa Kỳ trong năm nay sẽ không được bán ở Âu châu, nơi các sản phẩm GMO bị cấm.
Ông Myers cũng chịu trách nhiệm lai tạo giống đậu xanh hiện đang được sử dụng trên 80% đất nông nghiệp ở Oregon.
Giáo sư Myers đã nhân giống cà chua tím trong 11 năm qua và gần đây đã thêm bốn giống cà chua tím khác có hương vị và năng suất tốt hơn vào danh sách 50 loại giống đã có sẵn trên thị trường.
Một sinh viên của Myers [đã khám phá ra giống cà chua này khi] trong quá trình nghiên cứu ảnh hưởng của cà chua đến sức khỏe con người. Bằng cách nghiên cứu một loài hoang dã ở California thì anh ta nhận thấy một loại quả có màu tím nhạt chưa từng có trước đây. Sau đó, họ bắt đầu nhân giống cà chua kết hợp các lợi ích sức khỏe của anthocyanin với cà chua trồng tại nhà.
Giáo sư Myers chia sẻ: “Chúng tôi đã lựa chọn trên cánh đồng và chọn những quả cà chua có biểu hiện [sức sống] mạnh mẽ nhất, có khả năng chống sâu bệnh (decay) và nấm verticillium cao hơn và sẽ tồn tại lâu hơn trên đồng ruộng so với những quả cà chua bình thường.”
Trong khi Norfolk dự kiến cà chua tím sẽ xuất hiện trên kệ siêu thị vào năm 2023, những người sáng lập cho biết họ cảm thấy biết ơn nhờ Sắc lệnh hành pháp gần đây của Tòa Bạch Ốc về kinh tế sinh học và sự nhấn mạnh ngày càng tăng vào các vấn đề trong các lĩnh vực như Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (UN’s Sustainable Development Goals).
Luật Hoa Kỳ thay đổi cho phép các sản phẩm GMO được gắn nhãn là đã được chế tạo bằng công nghệ sinh học (Bioengineered.)
Các sản phẩm tại Hoa Kỳ có chứa các gen biến đổi (GMO) giờ đây sẽ được dán nhãn là “được chế tạo bằng công nghệ sinh học (bioengineered)” theo các quy định công bố thực phẩm mới có hiệu lực từ ngày 01/01, thay vì được mô tả là có các thành phần “đã được biến đổi gen (genetically engineered)” hoặc GMO theo quy định cũ.
Các công ty có thời hạn đến ngày 01/01 để tuân thủ các quy tắc mới, vốn đã được hoàn thiện dưới thời chính quyền TT Trump. Chính phủ đang tuân theo luật được Quốc hội thông qua vào năm 2016 để tạo ra một tiêu chuẩn quốc gia về việc tiết lộ các loại thực phẩm đã hoặc có thể đã bị biến đổi gen.
Bộ trưởng Nông nghiệp khi đó là Sonny Perdue cho biết tiêu chuẩn toàn quốc “tránh một hệ thống chắp vá giữa các tiểu bang có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.”
Các yêu cầu ghi nhãn được cập nhật đã vấp phải sự chỉ trích cũng như thách thức pháp lý từ Trung tâm An toàn Thực phẩm (Center for Food Safety), cơ quan này cho rằng chúng gây nhầm lẫn.
Andrew Kimbrell, giám đốc điều hành của trung tâm, cho biết trong một tuyên bố: “Những quy định này không nhằm mục đích thông báo cho công chúng mà được thiết kế để cho phép các tập đoàn che giấu việc sử dụng các thành phần biến đổi gen đối với khách hàng của họ.” “Đó là một chiêu trò quản lý, mà chúng tôi đang tìm cách hủy bỏ tại tòa án liên bang.”
Hiệp hội Thương mại Hữu cơ (The Organic Trade Association), Viện Chính sách Nông nghiệp và Thương mại (the Institute for Agriculture and Trade Policy) và Dự án Không biến đổi gen (The Non-GMO Project) là một trong những bên khác thách thức những quy tắc này.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times