Bộ trưởng Ngoại giao: Phần Lan cảm thấy bất ổn trước việc Trung Quốc từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga
Phần Lan tin rằng Trung Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine nhờ ảnh hưởng của nước này đối với Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan, bà Elina Valtonen, cho rằng đất nước của bà đang không chắc chắn về [ý định của] Trung Quốc vì sự miễn cưỡng của nhà cầm quyền nước này trong việc lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, vốn đang tiếp diễn kể từ tháng 02/2022.
Bà cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc chiến ở Ukraine, căn cứ vào ảnh hưởng của nước này đối với Nga cũng như tư cách thành viên của nước này trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
“Tất nhiên, chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc cũng sẽ lên án cuộc xâm lược này,” bà Valtonen nói với Nikkei Asia hôm 01/10.
Bà cho biết Phần Lan hiện xem Trung Quốc là “một dấu chấm hỏi,” vì nước này từ chối lên án chiến tranh.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine. Trung Quốc và Nga đã công bố “liên kết đối tác không giới hạn” hồi năm ngoái, và Bắc Kinh đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Moscow trong bối cảnh Nga phải chịu các lệnh trừng phạt khốc liệt từ phương Tây.
Trước đó trong tháng Ba, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tới Nga để hội đàm với người đồng cấp Nga, ông Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về lời đề nghị của Bắc Kinh về lệnh ngừng bắn ở Ukraine, một kế hoạch hầu như bị phương Tây bác bỏ như một mưu đồ nhằm giúp Nga có thêm thời gian tập hợp lại lực lượng.
ĐCSTQ đã công bố kế hoạch hòa bình “12 điểm” vào dịp tròn một năm ngày Nga xâm lược như một phần trong nỗ lực thể hiện mình là cầu nối trung lập nhằm làm trung gian chấm dứt chiến tranh, mặc dù Bắc Kinh không lên án cuộc chiến này.
“Tôi không nghĩ là quý vị có lý do để cho rằng Trung Quốc là quốc gia không thiên vị dưới bất kỳ hình thức nào,” phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên hôm 21/03.
“Họ vẫn chưa lên án cuộc xâm lược này. Họ đã không ngừng mua dầu và năng lượng của Nga.”
Phần Lan tìm kiếm liên kết an ninh chặt chẽ hơn
Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei, bà Valtonen cho biết Phần Lan đang tìm kiếm sự hợp tác rộng rãi hơn với Liên minh Âu Châu và NATO, cũng như các quốc gia có cùng chí hướng — như Úc, Nam Hàn, Nhật Bản, và Canada — trong việc giải quyết những căng thẳng địa chính trị nảy sinh từ cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Bộ trưởng Phần Lan cho biết, “Tất cả sự hợp tác nếu liên quan đến an ninh và quốc phòng thì đều là điều cần phải được xem xét và cần phải được thắt chặt hơn nữa với các đối tác có cùng chí hướng trong khu vực.”
“Nếu chúng ta nhìn vào Trung Quốc, nếu chúng ta nhìn vào những diễn tiến trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì tôi nghĩ điều rất tự nhiên là không chỉ NATO mà cả từng quốc gia ở châu Âu, như Phần Lan, cũng bắt đầu nhìn theo hướng đó.”
Năm nay, Phần Lan chính thức trở thành thành viên mới nhất của NATO. Sau khi gia nhập liên minh quân sự, quốc gia Bắc Âu này đã bắt đầu xây dựng hàng rào dây thép ở khu vực biên giới với Nga vì lo ngại hành động trả đũa của Moscow.
Năm ngoái (2022), chính phủ Phần Lan đã quyết định xây dựng hàng rào này sau khi ghi danh gia nhập NATO, chủ yếu phòng trường hợp Nga chuyển dòng người di cư tràn sang biên giới.
Phần Lan đặt ra mục tiêu tránh lặp lại các sự kiện biên giới ở Ba Lan phía đông EU hồi mùa đông năm 2021. Năm đó, khối này đã cáo buộc nước láng giềng Belarus — một đồng minh trung thành của Nga — gây ra một cuộc khủng hoảng bằng cách đưa người di cư từ Trung Đông vào, cấp thị thực cho họ, và đẩy họ qua biên giới.
Theo Chuẩn tướng của lực lượng Bảo vệ Biên giới Phần Lan Jari Tolpanen, năm ngoái, Phần Lan đã phát hiện 30 vụ vượt biên trái phép ở đó, trong khi lực lượng biên phòng Nga đã ngăn chặn khoảng 800 người tìm cách vào Phần Lan.
Chuẩn tướng Tolpanen cho biết: “Tình hình ở biên giới Phần Lan-Nga đã ổn định và vẫn ổn định cho đến thời điểm hiện tại.”
Bản tin có sự đóng góp của Dorothy Li, Frank Fang, và Efthymis Oraiopoulos
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times