Ông Putin đến Bắc Kinh để tăng cường mối quan hệ với ông Tập ‘bạn tôi’ giữa bối cảnh chiến tranh ở Ukraine và Israel
Các nhà phân tích cho rằng hai nhà lãnh đạo sẽ thể hiện một mặt trận thống nhất khi họ đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng cả trong và ngoài nước.
Hôm thứ Ba (17/10), Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin đã tới Bắc Kinh để gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trong một chuyến công du quốc tế quan trọng đầu tiên kể từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ và cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine.
Theo đoạn phim do các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cung cấp, Trung Quốc đã trải thảm đỏ và bố trí đội quân danh dự khi ông Putin đến Bắc Kinh vào sáng thứ Ba. Bộ trưởng thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) chào đón nhà lãnh đạo Nga tại phi trường.
Nhà lãnh đạo Nga sẽ tham dự một diễn đàn cao cấp đánh dấu kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng trị giá hàng tỷ USD do Trung Quốc lãnh đạo nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của chế độ này trên toàn cầu.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi hội nghị thượng đỉnh này là “sự kiện ngoại giao quan trọng nhất năm nay,” quy tụ các nguyên thủ quốc gia và đại diện từ hơn 140 quốc gia và 30 tổ chức toàn cầu. Hầu hết họ đến từ các nước đang phát triển như Argentina, Saudi Arabia, và Serbia.
Ông Putin, một trong những vị khách cao cấp nhất tại hội nghị thượng đỉnh, sẽ có bài diễn văn vào thứ Tư (18/10) để thể hiện sự ủng hộ đối với sáng kiến hàng đầu của ông Tập.
Theo một ước tính của Trung tâm Phát triển và Tài chính Xanh, một tổ chức tư vấn tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, kể từ khi ông Tập khởi động BRI cách đây một thập niên, Trung Quốc đã rót 1 ngàn tỷ USD vào các quốc gia nghèo. Tuy nhiên, do ký hợp đồng với Trung Quốc để xây dựng đường sắt, phi trường, và các dự án công cộng khác, nên Sri Lanka, Zambia, và các nước đang phát triển khác đang phải gánh những khoản nợ nặng nề mà họ không thể trả nổi.
Diễn đàn cũng diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp suy thoái.
Ông Diệp Diệu Nguyên (Yeh Yao-Yuan), một giảng viên về quan hệ quốc tế tại Đại học St Thomas ở Houston, nghi ngờ liệu chính quyền Trung Quốc có thể tiếp tục hoạt động cho vay quy mô lớn như vậy trong bối cảnh kinh tế khó khăn hay không, trong khi họ đang vướng vào cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.
Ông Diệp nói với The Epoch Times: “Đó sẽ là một thách thức lớn đối với Bắc Kinh.”
Ông Diệp cho rằng nhà lãnh đạo Nga không phải không biết những khó khăn của ông Tập.
“Nhưng ông Putin phải chứng tỏ rằng ông ấy đứng về phía Trung Quốc,” ông Diệp nói.
Ông Tập và ông Putin đã tuyên bố mối quan hệ đối tác “không giới hạn” trong chuyến đi lần trước của ông Putin tới Trung Quốc để tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh năm 2022. Hai nhà lãnh đạo này đã đưa ra một văn bản chung dài, trong đó Nga tán thành các tuyên bố lãnh thổ của chế độ này đối với vùng tự trị Đài Loan, còn Bắc Kinh ủng hộ Nga phản đối việc mở rộng NATO hơn nữa, một lý do chính đáng cho cuộc xâm lược.
Chưa đầy ba tuần sau chuyến công du đó, Nga đã phát động cuộc xâm lược Ukraine.
Chính quyền Trung Quốc đã từ chối xem hành động của Moscow là một cuộc xâm lược và đổ lỗi cho Hoa Thịnh Đốn đã xúi giục xung đột. Họ cũng yêu cầu các nước phương Tây tôn trọng “mối lo ngại an ninh chính đáng” của Nga. Hơn nữa, Bắc Kinh đã từ chối tham gia cùng khi Hoa Kỳ, châu Âu, và các nước khác áp đặt các lệnh trừng phạt Nga. Thay vào đó, chế độ này cho biết họ sẽ tiếp tục thương mại bình thường với Moscow, qua đó mang lại một huyết mạch sống còn cho nước láng giềng.
Ông Tập và ông Putin đã nhiều lần tái khẳng định mối bang giao chặt chẽ giữa hai nước trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Khi ông Tập tới Moscow hồi tháng Ba, ông nói với ông Putin rằng hai nước đang tạo ra một sự thay đổi “chưa từng xảy ra trong 100 năm qua.”
Nhưng ông Diệp cho rằng động lực này đã thay đổi.
“Thái độ của họ đối với nhau rất khác biệt,” ông nói. “Nga cần Trung Quốc. Nhưng điều Trung Quốc cần ở Nga không phải là kinh tế. Ở một mức độ nào đó, Trung Quốc muốn cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn.”
‘Bạn tôi’
Trước khi khởi hành, ông Putin đã thảo luận về tình bạn của ông với ông Tập trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước Trung Quốc.
“Chủ tịch Tập Cận Bình gọi tôi là bạn của ông ấy, và tôi cũng gọi ông ấy là bạn của tôi,” ông nói với đài truyền hình CCTV của Trung Quốc, theo bản ghi tiếng Anh do Điện Kremlin cung cấp. Ông cho biết ông đã có “rất nhiều” cuộc gặp với ông Tập mà ông mô tả là “tốt đẹp.”
Trợ lý Yury Ushakov của ông cho biết trước chuyến công du tới Bắc Kinh rằng ông Putin sẽ có cuộc gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Tư (18/10). Ông Ushakov nói thêm, các chủ đề được đưa trong buổi gặp gỡ như vậy thường rất nhạy cảm.
Nhưng những người quan sát bên ngoài tiên lượng rằng cuộc hội đàm của họ sẽ không có gì bất ngờ.
“Ông Putin muốn nhận được sự giúp đỡ từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong bối cảnh cuộc chiến với Ukraine,” nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất nói với The Epoch Times trước khi nhà lãnh đạo Nga đến Bắc Kinh. “Nếu không có sự giúp đỡ của ĐCSTQ, thì có thể sau này ông Putin sẽ thua.”
“Nhưng vấn đề là Đảng Cộng sản Trung Quốc đang gặp khó khăn,” ông Lý nói và lưu ý rằng thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây đang bị thu hẹp do Bắc Kinh có mối bang giao chặt chẽ với Moscow.
Trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ, ông Lý cho biết ĐCSTQ muốn ổn định mối bang giao với Liên minh Âu Châu, vốn xem lập trường của Trung Quốc về cuộc chiến Ukraine là yếu tố quan trọng trong quan hệ song phương.
Vì vậy, “ông Tập có thể không ủng hộ ông Putin quá nhiều, và cùng lắm thì hai bên sẽ đưa ra một số thông báo chính trị.”
Bản tin có sự đóng góp của Li Yuanming và Xu Jian
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times