Sự phụ thuộc của Nga vào phi cơ không người lái của Trung Quốc đang thúc đẩy các biện pháp kiểm soát xuất cảng của ĐCSTQ
Trong một tiết lộ đáng ngạc nhiên, mới đây, Bộ trưởng Tài chính Nga đã thừa nhận rằng phần lớn phi cơ không người lái được Nga sử dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thông báo này đã làm dấy lên các cuộc thảo luận về sự phụ thuộc của Nga vào công nghệ ngoại quốc, đồng thời thu hút sự chú ý đến hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hồi tháng trước khi áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất cảng đối với phi cơ không người lái của nước này.
Hôm 16/10, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov của Nga đã diễn thuyết tại cuộc họp của Ủy ban Duma Quốc gia về Ngân sách và Thuế. Ông tiết lộ rằng “hầu như tất cả” phi cơ không người lái hiện đang được Nga sử dụng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tuyên bố này được đưa ra khi Nga công bố kế hoạch thành lập cơ sở sản xuất phi cơ không người lái của riêng mình, đánh dấu sự thay đổi đáng kể của Nga trong cách tiếp cận đối với công nghệ thiết yếu này trong nỗ lực chiến tranh của mình.
Bộ trưởng Nga tuyên bố trong một video clip: “Hiện nay, hầu như tất cả phi cơ không người lái đều đến từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chúng tôi rất biết ơn các đối tác [TQ] của mình. Nhưng chúng tôi cần phát triển cơ sở tài nguyên của riêng mình, và số tiền cần thiết cho việc này sẽ được phân bổ.”
Ông Siluanov nhấn mạnh, “Chúng tôi đang phân bổ thêm kinh phí cho phi cơ không người lái. Hơn 616 triệu USD đã được dành riêng cho dự án mới của quốc gia để phát triển cơ sở cho phi cơ không người lái của riêng chúng tôi. Mục tiêu là đến năm 2025, 41% số phi cơ không người lái của chúng tôi sẽ được dán nhãn ‘Made in Russia.’”
Tiết lộ này cũng làm dấy lên mối lo ngại về khả năng lưỡng dụng của phi cơ không người lái dân dụng cho mục đích quân sự, vì năm ngoái Nga đã tiết lộ rằng phi cơ không người lái dân dụng do Trung Quốc cung cấp có thể được điều chỉnh cho mục đích quân sự.
Theo các bài báo Hoa ngữ, vào ngày 12/08/2022, trương mục Weibo chính thức của Đại sứ quán Nga tại Trung Quốc đã đăng một bài báo bằng tiếng Hoa ca ngợi phi cơ không người lái của Trung Quốc.
Bài đăng này trích dẫn lời Tướng Yuri Baluyevsky, cựu Tổng tham mưu trưởng của Lực lượng Vũ trang Nga, trong đó ông ca ngợi phi cơ không người lái thương mại bốn cánh do Trung Quốc sản xuất vì đã cách mạng hóa việc sử dụng pháo thông thường và pháo phản lực.
Bài đăng cũng nhấn mạnh khả năng giải quyết “các vấn đề cũ trong việc trinh sát pháo binh, chỉ định mục tiêu, và điều chỉnh hỏa lực” của những phi cơ không người lái này. Bài đăng cũng ca ngợi độ chính xác và hiệu quả đạt được bằng cách sử dụng phi cơ không người lái để điều chỉnh hỏa lực của pháo binh, giảm đáng kể việc sử dụng đạn dược và pháo binh cần thiết. Phi cơ không người lái bốn cánh DJI’s Mavic, do công ty DJI Innovations của Trung Quốc sản xuất, được ca ngợi là “biểu tượng đích thực của chiến tranh thời hiện đại.”
Phản ứng trước lời tán dương bất ngờ này, DJI đã nhanh chóng tách mình ra khỏi bất kỳ mối liên quan với quân sự nào. Công ty có trụ sở tại Trung Quốc này đã làm rõ rằng “tất cả các sản phẩm của DJI đều được thiết kế cho mục đích dân dụng” và “không trợ giúp bất kỳ ứng dụng quân sự nào.”
Sau đó, Đại sứ quán Nga tại Trung Quốc đã xóa bài đăng ban đầu của mình.
Nhưng đã quá trễ. Vào ngày 05/10/2022, Ngũ Giác Đài đã công bố DJI Technology, nhà sản xuất phi cơ không người lái tiêu dùng lớn nhất thế giới, đã được thêm vào danh sách của Bộ Quốc phòng (DOD) trong đó liệt kê 60 “công ty quân sự Trung Quốc” đang hoạt động tại Hoa Kỳ, vì đã trợ giúp về quân sự cho Nga.
Lời khai kia của nước Nga đã vô tình hủy hoại những tuyên bố trước kia của ĐCSTQ, vì họ luôn phủ nhận việc cung cấp sự trợ giúp về quân sự cho Nga.
Vào tháng Tư năm nay, khi được hỏi về các bài báo của truyền thông phương Tây nói rằng “phi cơ không người lái do Trung Quốc sản xuất đã được xuất cảng sang chiến trường Ukraine và ĐCSTQ đang trợ giúp quân sự cho Nga,” Bộ Thương mại Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc này là “thông tin sai sự thật không có cơ sở.”
ĐCSTQ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất cảng phi cơ không người lái
Khi chiến tranh Nga-Ukraine tiếp diễn, việc khai triển phi cơ không người lái trong hoạt động trinh sát, giám sát và nhắm mục tiêu của cả hai lực lượng quân sự này đã tăng mạnh.
Một báo cáo hồi tháng Năm của Viện Các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia (RUSI), một tổ chức nghiên cứu quốc phòng có trụ sở tại London, đã tiết lộ rằng Ukraine đang gặp khó khăn với việc mất khoảng 10,000 phi cơ không người lái mỗi tháng, tương đương với hơn 300 phi cơ không người lái bị thất thoát mỗi ngày (pdf).
Cuộc xung đột này đánh dấu sự phụ thuộc vào công nghệ phi cơ không người lái chưa từng có tiền lệ trong biên niên sử về chiến tranh. Với việc Trung Quốc là nhà sản xuất phi cơ không người lái lớn nhất thế giới, vị thế thống trị của ĐCSTQ trong ngành công nghiệp này có khả năng gây ảnh hưởng đến diễn biến của cuộc xung đột.
Có hiệu lực từ ngày 01/09, Bộ Thương mại Trung Quốc đã áp dụng một “biện pháp kiểm soát xuất cảng tạm thời” trong hai năm đối với một số phi cơ không người lái cụ thể và các sản phẩm liên quan. Các mặt hàng được kiểm soát không chỉ bao gồm phi cơ không người lái mà còn cả động cơ dành riêng cho phi cơ không người lái, các tải trọng quan trọng, thiết bị liên lạc không dây, và hệ thống chống phi cơ không người lái dân dụng. Hơn nữa, tất cả các phi cơ không người lái dân dụng khác không nằm trong phạm vi hạn chế này đều bị cấm xuất cảng cho mục đích quân sự.
Khi công bố các biện pháp này hôm 31/07, Bộ Thương mại Trung Quốc đã khẳng định rằng phi cơ không người lái hiệu suất cao sở hữu một số thuộc tính quân sự nhất định, và các biện pháp kiểm soát xuất cảng này phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Phát ngôn viên của Bộ nhấn mạnh rõ ràng rằng những hành động này “không nhằm vào bất kỳ quốc gia hoặc khu vực cụ thể nào.”
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc tuyên bố “kiểm soát” phi cơ không người lái có thể đang ưu tiên cho một bên trong cuộc chiến đang diễn ra.
Đã có những bài báo chỉ ra rằng một số công ty phi cơ không người lái và phi công của Ukraine đã gặp khó khăn khi việc cung cấp linh kiện từ các công ty Trung Quốc bị gián đoạn, khiến Ukraine phải tìm kiếm các nguồn cung cấp khác.
Ông James Rogers, người đồng sáng lập và đồng điều phối của BISA (Hiệp hội Nghiên cứu Quốc tế Anh quốc) về Nghiên cứu Chiến tranh, đã chỉ ra rằng việc mua phi cơ không người lái thông qua các nhà cung cấp bên thứ ba đang đặt ra những thách thức đáng kể cho người Ukraine.
Ngược lại, những bình luận của Bộ trưởng Tài chính Nga, như đã đề cập trước đó, cho thấy Nga vẫn tương đối không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát xuất cảng của Trung Quốc.
Ngoài phi cơ không người lái, hồi tháng Tám, một báo cáo của Nhóm Công tác Quốc tế về Các Lệnh Trừng phạt của Nga đã tiết lộ rằng 67% linh kiện phi cơ không người lái của Nga cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Những tin đồn về việc quan chức quốc phòng cao cấp của Trung Quốc sắp bị bắt
Trong khi ĐCSTQ đưa ra những điều chỉnh chính sách này, thì người ta đã lan truyền những tin đồn chưa được xác nhận liên quan đến việc bắt giữ một số quan chức cao cấp trong ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Hôm 12/09, ông Triệu Lan Kiện, ký giả điều tra kỳ cựu của Trung Quốc, đã tiết lộ trên nền tảng X, trước đây gọi là Twitter, rằng ông Lưu Thạch Tuyền (Liu Shiquan), Chủ tịch Tập đoàn Norinco; ông Trần Quốc Anh (Chen Guoying), Tổng giám đốc Tập đoàn Thiết bị Quân sự Trung Quốc; ông Viên Khiết (Yuan Jie), Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc; và ông Đàm Thụy Tùng (Tan Ruisong), cựu Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Quốc gia Trung Quốc (AICC), đều đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) bắt giữ.
Cho đến nay, các nguồn tin chính thức của ĐCSTQ vẫn chưa phủ nhận cũng như xác nhận những suy đoán này.
Đáng lưu ý là cả bốn công ty nêu trên đều là doanh nghiệp quốc doanh lớn, riêng AICC có khoảng 25 công ty niêm yết trên thị trường. Các doanh nghiệp này đều tham gia sâu vào việc sản xuất phi cơ không người lái và các bộ phận liên quan, và AICC là nhà sản xuất phi cơ không người lái quân sự lớn nhất ở Trung Quốc.
Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc từ trước đến nay đều có lợi nhuận cao, với 143 doanh nghiệp trong số đó lọt vào danh sách Fortune Global 500 vào năm 2021, vượt qua tổng số doanh nghiệp của Hoa Kỳ được vào danh sách này.
Được biết, những doanh nghiệp này thu lợi từ các cuộc xung đột, bằng chứng là họ đã tham gia bán vũ khí cho cả hai bên trong Chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980.
Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đều nằm dưới sự kiểm soát hiệu quả của các thái tử đảng của ĐCSTQ, gồm cả các quan chức cao cấp có liên hệ với Tập đoàn China Poly, vốn nổi tiếng với hoạt động buôn bán vũ khí.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times