Chuyên gia: Chủ tịch Tập xem Nga là ‘đối tác quan trọng nhất’ để thách thức Hoa Kỳ
Bà Patricia Kim, một thành viên của Viện Brookings, cho biết, “[Bên trong nội bộ ĐCSTQ] có sự tin tưởng vững chắc rằng Hoa Kỳ phải có trách nhiệm thay đổi các chính sách của mình.”
Theo một chuyên gia, giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc tin rằng Nga là đối tác quan trọng nhất của họ và đang tìm cách cùng nhau phá hoại trật tự quốc tế.
Do đó, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đang tìm cách thắt chặt bang giao với Tổng thống Nga Vladimir Putin để làm suy yếu hơn nữa Hoa Kỳ và trật tự quốc tế mà nước này đang dẫn dắt, bà Patricia Kim, một thành viên tại Viện nghiên cứu Brookings, cho biết.
Trong cuộc thảo luận hôm 26/09 tại Viện Brookings, bà Kim nói, “[Trung Quốc] không bớt mặn mà trong bang giao của họ với Moscow, chứ đừng nói đến việc gây áp lực lên ông Putin để cố gắng kiềm chế cuộc xâm lược Ukraine của ông ta.”
“Rõ ràng là ông Tập nhìn nhận ông Putin là đối tác quan trọng nhất của mình trong việc làm xói mòn những gì ông ấy xem là một trật tự toàn cầu do phương Tây thống trị.”
Trung Quốc, Nga theo đuổi trật tự thế giới đa cực
Bà Kim cho biết sự cống hiến của ông Tập để thực hiện việc chấm dứt sự thống trị của Hoa Kỳ đã được thể hiện qua việc ông lựa chọn chuyến đi quốc tế trong năm qua.
Trong năm qua, ông Tập chỉ thực hiện hai chuyến đi ra khỏi Trung Quốc, một chuyến tới dự hội nghị thượng đỉnh quốc tế ở Nam Phi, và chuyến còn lại để mở rộng mối bang giao với ông Putin ở Moscow.
Khi ông Tập đến thăm Moscow hồi tháng Ba, ông đã mô tả ông Putin là một “người bạn thân thiết” và ca ngợi sự hợp tác của họ vì đã tạo ra “thay đổi chưa từng xảy ra trong 100 năm.”
Tuyên bố đó đi kèm với một cam kết cởi mở của hai nhà lãnh đạo để định hình lại trật tự quốc tế theo lợi ích của họ, trong đó ông Putin nói rằng Trung Quốc và Nga sẽ tạo ra một “trật tự thế giới đa cực” công bằng hơn để thay thế “các quy tắc” của trật tự quốc tế hiện thời.
Bà Kim nói rằng ĐCSTQ, không hề xa lánh Nga vì nỗ lực chinh phục Ukraine đang diễn ra của họ, mà còn tích cực nỗ lực để phát triển mối bang giao này dù thế nào đi nữa.
Tương tự như vậy, chính quyền này đã làm việc với Nga để tăng cường liên kết với các quốc gia đang phát triển, nơi họ hy vọng sẽ làm xói mòn niềm tin vào Hoa Kỳ và đưa ra các lựa chọn thay thế do Trung Quốc lãnh đạo cho các tổ chức quốc tế hiện có.
“Bắc Kinh ngày càng xa lánh với phương Tây … mối liên hệ ngày càng sâu sắc với Moscow, và những nỗ lực của họ nhằm xây dựng các đối tác ở phía nam bán cầu; những đường xu hướng này vẫn còn rất vững chắc, và theo nhiều cách, chúng đã sâu sắc hơn,” bà Kim nói.
Để đạt được mục tiêu đó, bà Kim cho biết ĐCSTQ không có dấu hiệu rút lại chủ nghĩa bành trướng của họ, và đôi khi là hành vi gây hấn trên toàn thế giới. Bà nói rằng giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đơn giản là không quan tâm đến việc hợp tác để giải quyết các thách thức xuyên quốc gia quan trọng hoặc thiết lập các hàng rào bảo vệ để định hướng mối bang giao của họ với Hoa Kỳ.
Bà Kim cho biết: “[Trong ĐCSTQ] có sự tin tưởng vững chắc rằng Hoa Kỳ phải có trách nhiệm thay đổi các chính sách của mình.”
Tuy nhiên, bà Kim nói thêm rằng một khối gắn kết do Trung Quốc lãnh đạo vẫn chưa thành hiện thực mặc dù thực tế là Trung Quốc “rất quyết tâm” khai thác “những mối bất bình” trong nhóm các quốc gia đang phát triển để làm suy yếu hơn nữa các lợi ích của Hoa Kỳ ở ngoại quốc.
Bà nói rằng một lý do giải thích cho điều này là hầu hết các quốc gia đều hiểu tham vọng bá quyền của Trung Quốc bất chấp luận điệu khoa trương của nước này.
Bà Kim nói: “Nhiều quốc gia ở thế giới đang phát triển không nhất thiết vội tin những tuyên bố của Trung Quốc về những tham vọng của họ [không mang tính bá quyền] như vẻ bề ngoài.”
Một liên minh đang phát triển
Ông Tập và ông Putin lần đầu tiên tuyên bố thỏa thuận hợp tác “không giới hạn” vào tháng 02/2022, chỉ vài tuần trước khi quân đội Nga xâm lược Ukraine. Kể từ đó, hai bên đã cam kết tăng cường hợp tác kinh tế và chiến lược, và ký một tuyên bố chung làm sâu sắc thêm “liên kết đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước.
Các thỏa thuận này tiếp tục củng cố liên minh trên thực tế của Bắc Kinh và Moscow, mà vốn đã và đang phát triển kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine. Trong thời gian đó, Trung Quốc cộng sản đã trở thành đối tác quan trọng nhất của Nga về thương mại và ngoại giao, giúp Moscow tiếp tục các hoạt động của mình trong bối cảnh phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế mang tính tàn khốc khác.
Hồi tháng Ba, ông Putin cho biết Nga sẽ sẵn sàng ủng hộ những công ty Trung Quốc nào đang tìm cách thay thế các doanh nghiệp phương Tây đã rời khỏi nước này vì chiến tranh, và hai nước nên khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chính đồng tiền của họ.
ĐCSTQ cũng bị quốc tế lên án vì những cáo buộc rằng họ đã bí mật cung cấp viện trợ quân sự cho Nga để sử dụng ở Ukraine.
Hoa Kỳ đã liên tục cảnh báo rằng ĐCSTQ có thể cung cấp vũ khí hoặc đạn dược cho quân đội Nga, và trong những tháng gần đây đã nhấn mạnh rằng chính quyền này vẫn chưa hủy bỏ một thỏa thuận như vậy.
Tòa Bạch Ốc cũng thừa nhận rằng các công ty tư nhân Trung Quốc đã trực tiếp viện trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine nhưng không nói rằng sự viện trợ như vậy tương đương với viện trợ sát thương.
Chẳng hạn, khi Tòa Bạch Ốc ban hành các lệnh trừng phạt đối với nhiều cơ quan quốc tế liên quan đến việc Nga gây chiến vào ngày 24/02, thì họ cũng nhắm vào các tổ chức của Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, giúp chế độ này tránh được các lệnh trừng phạt một cách hiệu quả.
Theo một báo cáo tin tức hồi tháng Hai của hãng truyền thông Đức Der Spiegel, Trung Quốc trước đây đã làm giả các tài liệu vận chuyển để ngụy trang thiết bị hàng không quân sự sẽ chuyển đến Nga là thiết bị dân dụng và sử dụng các bên trung gian ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để giao phi cơ không người lái lưỡng dụng cho Nga.
Cùng là báo cáo đó đã cáo buộc rằng ĐCSTQ hiện đang chuẩn bị vận chuyển phi cơ không người lái cảm tử tới Nga để sử dụng ở Ukraine.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times