BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Chủ tịch USCIRF cho biết cộng đồng quốc tế đang tạo điều kiện cho Trung Quốc tăng cường vi phạm nhân quyền
Ông Nury Turkel nói lợi ích kinh doanh đã vượt trên nhân quyền
Một quan chức về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ cho biết, chiến lược tách rời vi phạm nhân quyền khỏi các cuộc đàm phán thương mại của phương Tây đã tạo điều kiện cho nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc tăng cường các chính sách đàn áp đối với tôn giáo và người có đức tin, đồng thời gọi đây là một “sai lầm chiến lược.”
Ông Nury Turkel, Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), cho biết báo cáo thường niên năm 2023 của ủy ban về tự do tôn giáo quốc tế (pdf) đã một lần nữa nêu bật Trung Quốc vì những vi phạm đối với quyền tự do tôn giáo và đàn áp tôn giáo.
Trong một cuộc phỏng vấn cho chương trình “American Thought Leaders” (Các Nhà Lãnh đạo Tư tưởng Hoa Kỳ) của EpochTV, ông Turkel cho biết từ năm 1999, USCIRF đã khuyến nghị Bộ Ngoại giao chỉ định Trung Quốc là “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC) do hồ sơ ngày càng tệ hại của nước này về quyền tự do tôn giáo.
Theo trang web của ủy ban, Bộ Ngoại giao chỉ định tình trạng CPC này cho các quốc gia “vi phạm có hệ thống, liên tục, và nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.” Bộ Ngoại giao có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc thực hiện hành động khác đối với một quốc gia được chỉ định.
Sai lầm chiến lược
Ông Turkel tin rằng một yếu tố thiết yếu góp phần vào sự leo thang các hoạt động đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc đó là tách rời vấn đề nhân quyền ra khỏi các cuộc đàm phán thương mại trong những năm 1990, tạo thuận lợi cho sự gia nhập của Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Đó là một sai lầm chiến lược theo nhiều cách,” vị chủ tịch này nói.
Ông Turkel khẳng định một số người trong chính phủ, bắt đầu từ thời tổng thống George H. W. Bush, đã có ý định tốt, tin rằng việc kết nạp Trung Quốc vào WTO sẽ giúp người dân Trung Quốc và Trung Quốc trở nên thịnh vượng về kinh tế, đồng thời cải thiện công nghệ và giáo dục ở nước này.
“Các nhà hoạch định chính sách đó nghĩ là Trung Quốc sẽ trở thành một trong số chúng ta, hoặc [một] thành viên của thế giới tự do — nhưng điều ngược lại đã xảy ra.”
Ông Turkel nói: “Thay vì chúng ta thay đổi họ, thì họ lại đang thay đổi chúng ta.”
Do đó, lợi ích kinh doanh và lợi ích toàn cầu của Mỹ có một vai trò quan trọng hơn nhiều so với quyền của con người, ông Turkel nói.
“Điều đó khiến việc ủng hộ tự do tôn giáo cho các nhóm tôn giáo bị đàn áp [và] bị áp bức, như cộng đồng học viên Pháp Luân Công hoặc Phật tử Tây Tạng, tín đồ Công Giáo Trung Quốc, và người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ngày càng trở nên khó khăn hơn.”
Ông Turkel nói, đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có hai điều rất quan trọng đó là: phát triển kinh tế và nhận thức của công chúng về chế độ này.
Ông cho biết thêm, việc loại bỏ nhân quyền khỏi các cuộc đàm phán thương mại đã loại bỏ đi một yếu tố quan trọng — đó là quyền của con người — ra khỏi bàn đàm phán. Do đó, chế độ này tiếp tục các hành vi lạm dụng và cuộc bức hại của mình mà không bị trừng phạt.
Ông Turkel cho hay: “Cộng đồng quốc tế chịu một số trách nhiệm trong việc giúp chính quyền Trung Quốc phát triển từ một chủ thể đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền thành một “chế độ diệt chủng.”
Cuộc chiến về đức tin
Ông Turkel cho biết, một lý do để ĐCSTQ tiến hành cuộc chiến nhắm vào những người có đức tin đó là “giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc xem những người có đức tin là một mối đe dọa tiềm ẩn cho những biến động chính trị.”
Ông Turkel giải thích rằng lý do thứ hai là ĐCSTQ xem những người thực hành tôn giáo là một nhóm người “có những dấu hiệu không trung thành với đảng,” điều này khiến giới lãnh đạo ĐCSTQ tin rằng cuối cùng họ sẽ làm suy yếu quyền lực của Đảng Cộng sản, mặc dù điều đó không được nói ra một cách công khai.
Ông Turkel tiếp tục vẽ ra “những bức tranh màu hồng” về cách đối xử của đảng này với những người có đức tin.
“Họ có một hiến pháp thành văn rất hay. Họ có những quy định về vấn đề tôn giáo, nhưng đó chỉ là trên giấy.”
Ông Turkel nói rằng kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một ý tưởng về “sự bao vây của ngoại quốc,” điều mà ông xem là một mối đe dọa đối với đất nước.
Ông Turkel cho biết thêm, ông Tập xem các biện pháp trừng phạt mà chính phủ Hoa Kỳ áp đặt, bao gồm Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA), là một hình thức bao vây của ngoại quốc.
Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ được ban hành vào năm 2021. Đạo luật này cấm nhập cảng các mặt hàng được sản xuất bằng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ hoặc các nhóm bị bức hại khác ở Tân Cương vào Hoa Kỳ.
Ông Turkel cho biết chính quyền Trung Quốc định nghĩa sự bao vây của ngoại quốc là một hành động gây ảnh hưởng của ngoại quốc và xem các khái niệm sau đây là các hình thức gây ảnh hưởng của ngoại quốc: quyền tự do tôn giáo, quyền tự do hội họp, quyền tự do thờ phượng, và truyền giảng đức tin cho thế hệ tiếp theo, đồng thời nói thêm rằng những quyền tự do này cũng bị giới lãnh đạo Trung Quốc xem là “một mối đe dọa an ninh quốc gia.”
Ông Turkel giải thích, chiến lược an ninh quốc gia của Trung Quốc cộng sản đặc biệt kêu gọi thực hiện hành động phủ đầu, dù có hay không có lý do, và nếu cần thiết, họ sẽ sử dụng một biện pháp bạo lực.
Ông nói, ĐCSTQ đối xử với những người có đức tin như thể họ mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm, đồng thời cho biết thêm rằng quan điểm của ĐCSTQ là “căn bệnh này cần phải được chữa khỏi để ngăn không cho nó lây lan hoặc di căn trong dân chúng.”
Đây là lý do tại sao các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc thường bị gửi đến các bệnh viện tâm thần, còn hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng đang phải chịu cảnh nhồi sọ hay cái gọi là “cải tạo,” ông Turkel cho biết. “Cải tạo là một mật ngữ ám chỉ việc hoán cải lại con người. Và đây là cách họ đã và đang hoàn thành biện pháp đối xử phủ đầu đó.”
Cần thay đổi chiến lược
Ông Turkel cho biết, khi một quốc gia tôn trọng quyền thực hành tôn giáo hoặc việc hành xử chiểu theo tín ngưỡng tâm linh của người dân, thì đất nước đó sẽ tự nhiên được hưởng thái bình, xã hội an định.
Ông Turkel nói, khi một quốc gia đàn áp tự do tôn giáo, thì quốc gia đó cần chi tiền cho lực lượng an ninh và cảnh sát nội địa. Ông cho biết thêm rằng Trung Quốc chi nhiều tiền cho an ninh trong nước hơn là cho quốc phòng.
Theo ông, “Vây bắt những người thực hành tôn giáo hoặc gửi họ đến [một] bệnh viện tâm thần hoặc tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng không phải là cách để đối xử với người dân của chính quý vị.”
Ông Turkel khuyến nghị rằng Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, New Zealand, và Liên minh Âu Châu nên xem xét lại các chính sách về Trung Quốc của họ và đưa ra các chính sách chiến lược nhất quán để ngăn chặn những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này ở Trung Quốc.
Ông Turkel lưu ý, bắt đầu với chính phủ ông Trump, mọi người hiểu sự cần thiết phải thay đổi cách ứng phó với Trung Quốc cộng sản, nhưng đây chỉ đơn thuần là nhận ra các triệu chứng.
Ông nói: “Chưa có một giải pháp nào để giải quyết vấn đề này.”
Các phương pháp bức hại
Trong số các nhóm bị chính quyền Trung Quốc nhắm mục tiêu cụ thể, ông Turkel đã liệt kê những người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, những người vẫn đang là nạn nhân của nạn diệt chủng. Vị chủ tịch này cho biết khoảng ba triệu người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm cả các nhà lãnh đạo tôn giáo, đã bị giam giữ trong các trại tập trung, nơi họ bị nhồi sọ chính trị “ngày này qua ngày khác” và bị buộc phải từ bỏ Thiên Chúa của họ.
Ông Turkel cho biết một nhóm tôn giáo bị đàn áp khác, Phật tử Tây Tạng, cũng bị buộc phải trải qua các lớp tẩy não. Ban Thiền Lạt Ma của họ, nhà lãnh đạo tinh thần cao thứ hai, hiện vẫn đang mất tích sau khi bị chính quyền Trung Quốc bắt cóc khi còn nhỏ hồi năm 1995.
Vị chủ tịch này còn cho biết rằng các học viên Pháp Luân Công là một mục tiêu cụ thể của cuộc bức hại chưa bao giờ ngơi nghỉ.
Báo cáo năm 2023 của USCIRF trích dẫn rằng trong năm 2022, trong cộng đồng học viên Pháp Luân Công, đã có 172 trường hợp tử vong do bị bức hại, 7,331 trường hợp bị sách nhiễu và bắt giữ, và 633 người bị kết án tù.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức bắt nguồn từ các tín ngưỡng Trung Hoa trong việc cải thiện cả thân lẫn tâm. Pháp môn này được nhà sáng lập, Ngài Lý Hồng Chí, giới thiệu ra công chúng vào năm 1992 và hiện được thực hành ở hơn 100 quốc gia.
Pháp Luân Công đã bị bức hại nghiêm trọng kể từ năm 1999 khi chế độ cộng sản Trung Quốc phát động một chiến dịch đẫm máu nhằm xóa sổ môn tu luyện này.
Ông Turkel nói cuộc tấn công có mục tiêu của chính quyền Trung Quốc vào cộng đồng Công Giáo cũng có tầm quan trọng tương đương.
“Giáo hội Công Giáo trên toàn thế giới, bao gồm cả Tòa thánh Vatican, đã không bày tỏ thiện chí trong việc giúp cải thiện môi trường cho tín đồ Công Giáo ở Trung Quốc.”
Theo ông Turkel, các giám mục ở Trung Quốc không phải là giám mục Công Giáo, và họ không được Vatican chấp thuận hoặc xác nhận mặc dù đã có một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican.
Thỏa thuận Trung Quốc-Vatican, ban đầu đạt được hồi năm 2018 và được gia hạn hai lần hồi năm 2020 và 2022, vẫn còn là một điều bí ẩn và gây tranh cãi.
“Chúng tôi chỉ biết một điều khoản, đó là Trung Quốc đồng ý với việc Vatican tham gia vào việc bổ nhiệm giám mục,” ông Turkel nói. “Thay vào đó, họ đang buộc các giám mục Trung Quốc phải ký cam kết trung thành với Hội Công Giáo Ái Quốc.”
Hội Công Giáo Ái Quốc ở Trung Quốc là một Giáo hội Công Giáo do chế độ kiểm soát, tách biệt với Vatican.
Bị trừng phạt vì bảo vệ tự do
Ông Turkel cho biết ông đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc trừng phạt vì phục vụ người dân Mỹ với tư cách là chủ tịch USCIRF. Vì những lệnh trừng phạt này mà ông Turkel bị cấm đến Trung Quốc, vì vậy ông không thể đến thăm người mẹ đang sống ở Trung Quốc cũng như đến viếng người cha quá cố của mình.
Ông Turkel giải thích rằng chính quyền Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông và ba ủy viên khác của USCIRF để trả đũa việc chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt các quan chức Trung Quốc theo Đạo luật Magnitsky (pdf), một đạo luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với người ngoại quốc vì vi phạm nhân quyền.
Hơn nữa, trong một nỗ lực để bịt miệng ông, chính quyền Trung Quốc đã không cho phép mẹ của ông Turkel rời Trung Quốc để đoàn tụ với gia đình người Mỹ của bà, chủ tịch nói. Bất chấp khó khăn đó, bố mẹ ông chưa bao giờ tỏ ra lo lắng hay hối hận vì công việc vận động nhân quyền của con trai mình.
Ông Turkel tuyên bố chế độ này không thể bịt miệng ông.
Bản tin có sự đóng góp của Eva Fu và Terri Wu
Nhã Đan và Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times