Nhà văn kiêm nhà sử học Trung Quốc Chương Di Hòa: ‘Hãy lên tiếng khi quyền lợi bị xâm phạm’
Bắc Kinh tăng cường giám sát những người bất đồng chính kiến ở độ tuổi 80
Gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã tăng cường giám sát nhà sử học kiêm nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Chương Di Hòa, giống như những gì họ đã từng đối xử với ký giả kỳ cựu Cao Du (Gao Yu). Trả lời The Epoch Times, bà Chương Di Hòa cho biết bà đặc biệt muốn nhắc nhở rằng mọi người nhất định phải lên tiếng khi quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Bà Chương Di Hòa, 80 tuổi, mô tả lại một vụ việc mới đây khi bà rời khỏi nhà để mua một chai nước khoáng. Bà nói, “Sáu giờ sáng, hai sĩ quan mặc thường phục từ Cục An ninh Quốc gia đã theo dõi tôi.”
Bà lên án nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc vì đã vi phạm quyền cá nhân của bà với hành vi sách nhiễu không cần thiết. “Mọi người phải lên tiếng,” bà Chương nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
“Tôi cảm thấy quyền lợi cá nhân của mình bị xâm phạm,” bà nói.
Tức giận vì bị theo dõi, bà nói rằng mình không thể dung thứ cho những hành vi mà bà mô tả là một sự sỉ nhục. “Tôi đã ra tay đánh mấy viên công an mặc thường phục đó … Bởi vì tôi đã ở tù 10 năm, nên tôi biết cách bảo vệ quyền của mình,” bà nói. Bà cho biết nếu cần thiết, bà sẽ mang theo vũ khí để bảo vệ quyền lợi của mình.
Bà Chương nói rằng người dân Trung Quốc quá ngây thơ và thiện lương. “Không quan trọng quý vị già hay trẻ, hay trình độ học vấn của quý vị ra sao — quý vị phải lên tiếng khi quyền lợi cá nhân của mình bị xâm phạm,” bà nhấn mạnh.
Bà cho hay, “Hiện nay lên tiếng trên mạng Internet là việc rất dễ dàng, mọi người đều có thể nghe thấy.”
Bà Chương cho biết việc hoạt động giám sát đã gia tăng đến mức cực đoan trong năm nay. “Điều này thật bất thường,” bà nói.
“Hoạt động giám sát này không chỉ diễn ra vào những ngày được gọi là ngày nhạy cảm,” bà nói, ngụ ý rằng các đồng nghiệp và sinh viên của bà tại Học viện Mỹ thuật Trung Quốc cũng đã nhận được chỉ thị từ chính quyền cộng sản là phải giữ khoảng cách với bà.
“Tôi thậm chí không thể tụ hội ngoài kế hoạch với bằng hữu,” bà cho biết.
Thế nhưng, bà Chương sẽ không buông bỏ lập trường của mình. “Con người ai cũng cần giao lưu, cho dù đó là về tình cảm, tinh thần, hay tư tưởng. Đó là bản tính tự nhiên của con người, không liên quan gì đến chính trị. Giữa con người với nhau, thì việc trao đổi qua lại là rất trân quý,” bà nói.
Giám sát các nghệ sĩ
Bà Chương Di Hòa là một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc. Cha của bà, ông Chương Bá Quân (Zhang Bojun), là một chính trị gia cũng là một phần tử trí thức, với biệt danh là “Cánh hữu số 1 của Trung Quốc” trong phong trào chống cánh hữu năm 1957.
Năm 1970, bà Chương bị kết án 20 năm tù giam với tội danh phản cách mạng (sau khi bà bị xếp vào phe cánh hữu). Bà được trả tự do vào năm 1979, và sau đó được bổ nhiệm vào làm việc tại Học viện Mỹ thuật Trung Quốc.
Các cuốn sách của bà, chẳng hạn như “The Past Is Not As Foggy” (Chuyện đã qua chẳng thể nào tan như mây khói) và cuốn “Dĩ vãng một thời của người ca sĩ” nói về cuộc đời của nữ ca sĩ kinh kịch cuối cùng của Trung Quốc đã đưa ra những chi tiết sống động về sự tàn bạo do chế độ cộng sản Trung Quốc gây ra. Những tác phẩm này đều bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa vào danh sách cấm.
Bà Cao Du, ký giả kiêm nhà bất đồng chính kiến 79 tuổi, cũng đã bị cầm tù trong vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 vì một bài báo mà bà viết khi còn là phó tổng biên tập của “Tuần báo Kinh tế.” Bài báo này viết riêng cho các cuộc biểu tình của sinh viên.
ĐCSTQ đã ra lệnh đình chỉ tuần báo này vào tháng 04/1989, và tờ báo cũng ngừng phát hành vào ngày 11/06/1989.
Vào ngày 03/07, bà Cao đã đăng trên Twitter một thông điệp từ Bắc Kinh. “Hai người công an từ Cục An ninh Quốc gia đã đến đây từ sáng sớm,” bà nói. Công an nói với bà rằng họ sẽ ở đó cả ngày.
Bà viết, “Đại sứ quán Hoa Kỳ được canh gác chặt như nêm … phòng thủ Mỹ mà phòng thủ đến thế này. Điều đó có nghĩa là gì? Nước nào mạnh hơn, Hoa Kỳ hay Trung Quốc?”
Tuy nhiên, bà nói rằng mình không phải là người duy nhất bị đặt dưới sự tăng cường giám sát. Bà kể lại, “Một người bạn cũ gọi cho tôi lúc 10 giờ sáng và muốn mời tôi đi ăn trưa, nhưng nhà hàng đã hủy đặt chỗ của bà.”
Cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ lo ngại về việc tăng cường giám sát đối với cả bà Chương lẫn bà Cao.
Một cư dân mạng lấy biệt danh là “Big Brother 1984” viết: “Sở hữu hàng triệu Đảng vệ quân, hàng ngàn thiết vận xa, biết bao nhiêu là hỏa tiễn, vậy mà [ĐCSTQ] lại sợ một bà lão ngoài 80 tuổi ư? Sự tự tin của họ đi đâu mất rồi?”
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times