Ấn Độ chặn tàu Trung Quốc tới Pakistan vì lo ngại chương trình về phi đạn
Một chiếc tàu đi đến Karachi đã bị cáo buộc là có chở máy móc để chế tạo các bộ phận liên quan đến quân sự. Pakistan gọi vụ việc này là một ‘vụ bắt bớ vô cớ.’
NEW DELHI—Hôm 02/03, các quan chức Ấn Độ đã xác nhận rằng Ấn Độ đã chặn một tàu đi từ Trung Quốc đến Pakistan vào ngày 23/01 vì nghi ngờ tàu này chở máy móc để sử dụng cho chương trình hạt nhân và đạn đạo của Pakistan. Các cơ quan an ninh Ấn Độ cáo buộc rằng con tàu đang chở vật liệu cấp quân sự bị cấm và dường như sẽ được sử dụng trong chương trình phát triển phi đạn của Pakistan.
Các báo cáo tin tức của Ấn Độ gọi hàng hóa này là “lô hàng lưỡng dụng” và cho biết tàu buôn có tên CMA CGM Attila này đã được ghi danh ở Malta và khởi hành từ Trung Quốc để đi đến cảng Karachi ở phía nam Pakistan. Các cơ quan tình báo Ấn Độ được cho là đã thông báo cho các quan chức thuế quan Ấn Độ, vốn đã phát hiện ra con tàu đang chở một lô hàng bao gồm máy điều khiển số bằng máy điện toán (CNC) do một công ty Ý sản xuất.
Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển quân sự hàng đầu của Ấn Độ, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) có trụ sở tại New Delhi, đã nghiên cứu lô hàng trên và đệ trình báo cáo chính thức hôm 04/03. Theo thông tin chi tiết mới nhất từ truyền thông Ấn Độ, báo cáo của DRDO đã khẳng định cho các báo cáo trước đó rằng con tàu [bị chặn] đã chở một máy CNC. The Epoch Times đã liên lạc với DRDO để xác nhận về việc công bố báo cáo đó nhưng không nhận được câu trả lời vào thời điểm xuất bản bản tin này.
Đại úy đã về hưu Kamlesh Kumar Agnihotri, một cựu chiến binh Hải quân Ấn Độ và là thành viên cấp cao của Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ, nói với The Epoch Times rằng một máy CNC có thể chế tạo ra số lượng bất kỳ bộ phận và linh kiện máy móc với độ chính xác cực cao và có giá trị cao trong sản xuất quân sự.
“Khả năng chế tạo chính xác của những chiếc máy như vậy khiến chúng trở nên rất hữu ích trong việc sản xuất các bộ phận vũ khí có độ chính xác cao,” ông Agnihotri cho biết: “Do đó, các máy CNC bị đưa vào danh sách cấm trong Thỏa thuận Wassenaar [Wassenaar Arrangement].”
Thỏa thuận Wassenaar là một cơ chế kiểm soát xuất cảng quốc tế có sự tham gia của 42 quốc gia, nhằm mục đích ngăn chặn sự phổ biến của thiết bị và công nghệ có tính chất lưỡng dụng. Theo chuyên gia Ấn Độ, thỏa thuận đa phương giúp Ấn Độ, với tư cách là một quốc gia thành viên, có thể lên tàu, kiểm tra, thu giữ hàng hóa, và thực hiện thêm hành động pháp lý đối với con tàu đáng ngờ này.
Bộ Ngoại giao Pakistan đã chỉ trích các cáo buộc của Ấn Độ là một “vụ bắt bớ vô cớ”. Phát ngôn viên của họ cho biết trong một tuyên bố hôm 02/03 rằng vụ việc này là một “trường hợp đơn giản” liên quan đến máy cắt thương mại do một “công ty thương mại” có trụ sở tại Karachi nhập cảng để cung cấp phụ tùng cho ngành công nghiệp xe hơi ở Pakistan.
“Pakistan lên án sự mạnh tay của Ấn Độ trong việc tịch thu hàng hóa thương mại. Sự gián đoạn thương mại tự do này cho thấy rõ những nguy hiểm vốn có trong vai trò kiểm soát một cách tùy tiện của các quốc gia có lý lịch đáng ngờ,” phát ngôn viên của Pakistan cho biết.
Tuy nhiên, một vận đơn nhập hàng do tờ Times of India thu được và công bố đã cho thấy người gửi hàng là “Shanghai JXE Global Logistics Co Ltd” [Công ty TNHH Vận chuyển Quốc tế Thượng Hải JXE] và người nhận hàng là “Pakistan Wings Pvt Ltd” [Công ty TNHH Pakistan Wings Pvt] ở Sialkot, một thành phố không nằm ở ven biển của Pakistan, cách Karachi hơn 816 dặm.
Giải thích về công tác tổ chức xung quanh vụ bắt giữ, ông Agnihotri nói với The Epoch Times rằng các tàu buôn cỡ trung bình thường chở từ 20,000 đến 60,000 tấn hàng hóa.
Ngoài ra, cảng Nhava Sheva—còn được gọi là Cảng vụ Jawaharlal Nehru (JNPA)—là một cảng sầm uất, với khoảng 30 tàu dỡ hàng vào bất kỳ thời điểm nào. Theo trang web JNPA, cảng này chiếm khoảng 50% tổng khối lượng hàng hóa container đi qua các cảng lớn của Ấn Độ. Chỉ riêng tháng trước, cảng này đã giải quyết 7.4 triệu tấn hàng hóa qua lại nơi đây. Do đó, cơ quan thuế quan Ấn Độ sẽ không chặn một lô hàng cụ thể trên một con tàu đã chất đầy hàng hóa mà không có thông báo trước.
“Các cơ quan của Ấn Độ có thể nhận được thông tin tình báo theo một số cơ chế hợp tác quốc tế, như ‘Sáng kiến an ninh phổ biến vũ khí hạt nhân,’ một nỗ lực toàn cầu do Hoa Kỳ đứng đầu nhằm ngăn chặn việc buôn bán vật liệu liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt,” ông Agnihotri nói, và ông nói thêm rằng trong những lô hàng lưỡng dụng bị cấm như vậy, các tài liệu như vận đơn xếp hàng thường bị làm giả.
“Bức tranh toàn cảnh sẽ chỉ trở nên rõ ràng sau khi hoàn tất các cuộc điều tra thích hợp và các cơ quan Ấn Độ công bố cho cộng đồng quốc tế những báo cáo về cuộc điều tra này.”
Vân Sa lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times