BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Trục Pakistan–Trung Quốc đứng sau các cuộc tấn công khủng bố mới ở Ấn Độ
Trục này muốn buộc Ấn Độ phải di chuyển binh sĩ ra khỏi biên giới Ấn Độ–Trung Quốc và kéo họ vào cuộc chiến chống khủng bố.
Hôm 21/12, những kẻ khủng bố đã sát hại bốn binh sĩ Ấn Độ trong một cuộc phục kích ở vùng Poonch-Rajouri của Ấn Độ, biên giới phía tây bắc với Pakistan.
Địa hình khó khăn, rậm rạp của dãy Himalaya ở Jammu và Kashmir gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều khủng bố và các hoạt động chống Ấn Độ.
Đây là cuộc tấn công thứ sáu nhằm vào các lực lượng quân sự của Ấn Độ trong khu vực này trong năm nay. Hôm 25/12, tờ India Today đưa tin New Delhi dự định củng cố quân lực trên mặt trận này để tăng cường các hoạt động chống khủng bố. Một lữ đoàn quân sự mới đã được điều động đến [khu vực này] cách đây vài tháng, và một lữ đoàn khác dự kiến sẽ sớm được điều động đến.
Một chuyên gia chống khủng bố của Ấn Độ là tác giả cuốn sách mới về chủ nghĩa khủng bố trong khu vực nói với The Epoch Times rằng đằng sau sự gia tăng các cuộc tấn công là trục Trung Quốc–Pakistan đang mạnh lên này.
Ông Abhinav Pandya, tác giả cuốn sách “Tài trợ Khủng bố ở Kashmir,” cho biết, “Sau Galwan, Ấn Độ đã điều động một phần lực lượng chống nổi dậy hàng đầu, thiện chiến của mình, [lực lượng] Rashtriya Rifles. Việc điều động này đã đưa một lượng lớn lực lượng quân đội Ấn Độ đến biên giới phía đông [với Trung Quốc].”
Rashtriya Rifles (RR) là một lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố được khai triển ở biên giới phía bắc của Ấn Độ với Pakistan ở phía tây và Trung Quốc ở phía đông. Cuộc xung đột đẫm máu Galwan ở Ladakh (nằm trong khu vực Xuyên Himalaya) đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và một số lượng không được tiết lộ binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng hồi tháng 06/2020. Theo sau sự kiện này là việc tiếp tục tăng cường quân sự của cả hai bên.
Ông Pandya, Giám đốc điều hành tổ chức tư vấn các vấn đề an ninh Usanas Foundation có trụ sở tại Ấn Độ, cho biết: “Người Trung Quốc đã thực sự cảm thấy sức nóng sau vụ Galwan rồi. Họ đã thất bại trong tất cả các chiến thuật gây áp lực, chiến tranh tâm lý và chiến tranh tuyên truyền, thế nên bây giờ họ sử dụng bên ủy nhiệm của mình, Pakistan, để tăng cường khủng bố ở Poonch Rajouri, để các binh sĩ của lực lượng RR [từ biên giới Ladakh] được chuyển trở lại vùng Poonch-Rajouri.”
Kịch bản đang diễn ra là trong một khu vực có địa hình đồi núi, có các hang động tự nhiên làm nơi ẩn náu cho những kẻ khủng bố. Việc này giúp họ lập kế hoạch và tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ và gây ra nhiều thương vong hơn. Ông cho biết các hoạt động tăng cường và cách những kế hoạch này đang được tiến hành cho thấy những kẻ khủng bố này có “thông tin tình báo chính xác” về hoạt động di chuyển của lực lượng vũ trang Ấn Độ trong khu vực này.
Ông Pandya nói, “Ngoài ra, những cuộc tấn công này còn cho thấy một số người trong nhóm phiến quân này được huấn luyện rất kỹ lưỡng. Họ được huấn luyện nghiêm ngặt về tác chiến trong rừng, diễn tập cận chiến, và một số trong số người trong số họ có thể là cựu binh trong quân đội Pakistan, cũng không thể loại trừ điều này.”
“Hầu hết trong số họ là những kẻ khủng bố ngoại quốc. Người ta đã phát hiện những chiến binh mang theo vũ khí của Trung Quốc — súng lục, lựu đạn, và súng AK-47. Nhưng chúng ta chưa từng nói thẳng ra là Trung Quốc đang chi viện cho khủng bố ở Kashmir.”
Ông cho biết, từ lâu, chính sách của Trung Quốc là trợ giúp các bên ủy nhiệm chống lại Ấn Độ.
“Họ đã trợ giúp các nhóm khủng bố ủy nhiệm ở phía đông bắc. Pakistan đã bắt tay với thế lực đó kể từ những năm 1950, bởi vì họ biết rằng họ không thể đánh bại Ấn Độ trong một cuộc chiến thông thường,” ông Pandya nói.
‘Tầm nhìn dài hạn’ của Trung Quốc: Làm Ấn Độ phân tâm
Sau đại dịch, và thậm chí còn hơn thế nữa sau cuộc xung đột đẫm máu Galwan, Ấn Độ và giới lãnh đạo nước này, vốn đã ủng hộ mối bang giao song phương bền chặt với Trung Quốc, trở nên e ngại về người hàng xóm lớn nhất của nước họ. Mặc dù nước này đã trải qua một cuộc chiến lớn với Trung Quốc vào năm 1962, nhưng những ký ức về cuộc chiến đó đang dần phai nhạt.
Điều này mở ra một sự thay đổi theo kiểu trả đũa trong chính sách của Trung Quốc đối với Ấn Độ. Theo ông Pandya, Bắc Kinh hiện có “tầm nhìn dài hạn” liên quan đến việc khiến Ấn Độ bị phân tâm về mặt quân sự.
“Sau Galwan, các lực lượng an ninh, cộng đồng chiến lược, và giới tình báo của Ấn Độ đã bắt đầu xem Trung Quốc là một mối đe dọa chính. Kể từ đó, Ấn Độ đã và đang có sự chuẩn bị thích hợp về chiến tranh, chiến lược, và các hoạt động tình báo,” ông nói.
“Điều này khiến Trung Quốc khó chịu. Họ muốn chống lại tư duy và những sáng kiến mới này bằng cách khiến Ấn Độ luôn bận bịu, bị dồn dập, và chú tâm đến các hoạt động chống khủng bố.”
Ông Pandya cho biết điều này đã củng cố thêm sức mạnh cho trục Trung Quốc–Pakistan.
Ông nói, “Ấn Độ hiện đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến 2.5. Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng lưỡng dụng và lợi thế của [nước này] trong … chiến tranh bất đối xứng, nhờ mối quan hệ bền chặt của họ với Pakistan, [đang] khiến Ấn Độ lo lắng. Ấn Độ cần suy nghĩ về một chiếc lược lâu dài và hình dung ra tất cả các kịch bản có thể xảy ra về việc phá hoại, lật đổ, và chiến tranh.”
Khi nói đến “chiến tranh 2.5,” ông Pandya đang ám chỉ đến hai mặt trận do Trung Quốc và Pakistan đặt ra, còn “nửa mặt trận” kia là do các mối đe dọa an ninh quốc gia trong nước khác như chủ nghĩa cực đoan hóa và tuyên truyền chống Ấn Độ gây ra.
Cuộc bầu cử quốc hội sắp tới
Ấn Độ, nền dân chủ đông dân nhất thế giới, đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội quốc gia sẽ diễn ra vào giữa năm 2024.
Các vấn đề biên giới của Ấn Độ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hành vi của cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới, và việc ai sẽ là người cai trị tiếp theo của đất nước sẽ ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Ấn Độ, trong đó có bang giao Ấn Độ-Trung Quốc.
Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi, người cầm quyền khi xảy ra sự kiện Galwan, được biết đến là người có lập trường cứng rắn chống lại hành động gây hấn của Trung Quốc ở biên giới. Ông Pandya cho rằng chính quyền Trung Quốc có thể sẽ lợi dụng tình hình biên giới, bao gồm cả việc xâm nhập xuyên biên giới dọc theo đường biên giới được bố trí người của Pakistan, để gây ảnh hưởng đến cử tri Ấn Độ.
Ông Pandya nói, “Trung Quốc cũng muốn làm mất uy tín của chính phủ đương nhiệm của ông Modi trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc gia năm 2024. Bắc Kinh và Pakistan cũng muốn phá hoại thông tin nói rằng thung lũng [Kashmir] đang hướng tới hòa bình và thịnh vượng sau khi bãi bỏ [Điều] 370.”
Bốn năm trước, Ấn Độ đã chia tỉnh bang trước đây là Jammu và Kashmir thành hai vùng lãnh thổ do liên bang quản lý — một là Jammu-Kashmir, giáp Pakistan, và vùng còn lại là Ladakh, giáp Trung Quốc. Ấn Độ đã làm như vậy bằng cách bãi bỏ Điều 370 trong Hiến Pháp đã tồn tại hàng thập niên, vốn là kết quả của hiệp ước gia nhập năm 1947 giữa quốc gia Ấn Độ mới thành lập và đế chế Maharaja của khu vực khi đó là Jammu và Kashmir.
Khi chính phủ Ấn Độ tổ chức lại về mặt chính trị bang nhạy cảm về mặt chiến lược này, Pakistan đã phản đối việc bãi bỏ Điều 370. Ngược lại, Trung Quốc phản đối tình trạng liên bang mới của Ladakh là “không thể chấp nhận được,” vì nước này kiểm soát một số lãnh thổ nhất định trong khu vực mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền theo hiệp ước gia nhập năm 1947.
Hôm 11/12, Tối cao Pháp viện Ấn Độ đã giữ nguyên quyết định năm 2019 thu hồi tình trạng đặc biệt của Jammu và Kashmir.
Cuộc xung đột Galwan xảy ra đúng một năm sau khi Điều 370 bị bãi bỏ. Cuộc xung đột leo thang liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ do Ấn Độ tuyên bố chủ quyền.
Ông Pandya cho biết ngày càng có nhiều thông tin cho rằng Trung Quốc đã tân trang lại các phi trường và xây dựng nhiều phi trường mới ở khu vực Skardu thuộc Kashmir do Pakistan kiểm soát. Skardu nằm trong khu vực Gilgit-Baltistan rộng lớn hơn mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền theo hiệp ước gia nhập năm 1947 và qua đó Trung Quốc cũng đang xây dựng dự án quan trọng nhất BRI của mình, Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan.
Ông cho biết, “Họ đang đầu tư chủ yếu vào cơ sở hạ tầng biên giới như đường bộ và đường cấp 3 để tăng cường kết nối với biên giới. Họ đang xây dựng các bãi đáp trực thăng gần các căn cứ quân sự. Họ đang tạo ra một cơ sở hạ tầng lưỡng dụng khổng lồ. Ở PoK [khu vực Kashmir do Pakistan chiếm đóng], các sĩ quan Trung Quốc đã được nhìn thấy ở Lashkar và các khu doanh trại của khủng bố.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times