Người chăn cừu Ấn Độ đứng lên chống lại quân đội Trung Quốc
Trong một đoạn video được lan truyền rộng rãi, một vài người chăn cừu bảo vệ quyền chăn thả của họ trên các đồng cỏ ở biên giới của Ấn Độ, đã đứng lên chống lại hơn chục binh lính của Trung Quốc.
NEW DELHI—Hôm 02/01, những người chăn cừu Ấn Độ ở vùng Ladakh xuyên Himalaya đã đứng lên chống lại binh lính Trung Quốc khi binh lính của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) chặn đàn gia súc của những người chăn cừu được chăn thả trên vùng lãnh thổ mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Các quan chức địa phương cho biết vấn đề này cuối cùng đã dẫn đến một cam kết từ phía chính phủ Ấn Độ rằng họ sẽ cử một vài binh sĩ đồng hành cùng những người chăn cừu trong mùa chăn thả tiếp theo ở khu vực này.
Cuộc đối đầu giữa một vài người chăn cừu Ấn Độ và hơn một chục binh sĩ PLA không vũ trang đã xảy ra tại khu vực bầu cử Nyoma của Ladakh, và chỉ mới được công khai hồi tuần trước.
Đây là nỗ lực mới nhất của người dân địa phương nhằm khẳng định quyền chăn thả truyền thống của họ trong khu vực này, nơi đã phải sống hàng thập niên dưới chiến thuật “tằm ăn dâu” (tương đương với thuật ngữ “salami slicing” trong tiếng Anh) — một chiến thuật mà theo đó người Trung Quốc chia nhỏ các mục tiêu và xâm chiếm từng tấc đất nhỏ trong một thời gian dài theo kiểu gặm nhấm. Kể từ cuộc xung đột Galwan hồi tháng 06/2020, khu vực tranh chấp này đã và đang chứng kiến hoạt động xây dựng quân đội ngày càng gia tăng của hai nước.
Vụ việc xảy ra khi binh sĩ PLA cố gắng xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ ở phía đông Ladakh dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), một đường định giới giúp phân định vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát với lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát trong cuộc tranh chấp biên giới Trung Quốc–Ấn Độ.
Ông Ishey Spalzang, Ủy viên Hội đồng khu vực bầu cử Nyoma, nói với The Epoch Times: “Hàng năm … những người chăn cừu đến những vùng đất chăn thả truyền thống gần Đường Kiểm soát Thực tế này. Giả sử nếu họ đi vào đầu tháng Mười Hai, thì họ sẽ quay lại vào ngày 10/01 hoặc 15/01. Có những lúc đàn gia súc đi gần đường phân giới này, khi đó PLA bắt đầu thổi còi khiến đàn cừu sợ hãi chạy loạn lên. Đáp lại, lần này những người chăn cừu giận dữ đã ném đá vào lực lượng PLA.”
Vụ việc này liên quan đến những người chăn cừu từ cộng đồng Changpa, một dân tộc bán du mục chăn cừu và dê. Theo ông Spalzang, không có ai ở cả hai bên bị thương. Khối Nyoma là nơi sinh sống của vài nhóm người chăn thả thuộc cộng đồng Changpa.
Ông Spalzang nói với truyền thông Ấn Độ rằng những người chăn cừu đó đang chăn thả đàn gia súc của họ ở phía bên này LAC (tức phần lãnh thổ của Ấn Độ). Ông nói: “Phía chúng ta không hề vi phạm.”
Vụ việc hôm 02/01 được biết đến rộng rãi khi một đoạn video về vụ xô xát được lan truyền trên mạng xã hội Ấn Độ. Đoạn video cho thấy các binh sĩ PLA và những người chăn cừu Changpa đang tranh cãi ầm ĩ, trong khi các phương tiện quân sự của Trung Quốc hú còi làm nền. Khoảng năm phút video sau, những người chăn cừu bắt đầu nhặt đá để ném.
Ông Spalzang cho biết cuộc đối đầu này diễn ra cách khoảng 1 đến 2 dặm tính từ một đồn quân sự của PLA vốn xuất hiện khoảng hai thập niên trước. Ông nói rằng cộng đồng này đã từng chăn thả sâu hơn trong khu vực, nhưng từ năm 1984 đến nay đã hoàn toàn không thể vào khu vực này nữa.
“Kể từ khoảng hai thập niên trước, một đồn [quân sự] của Trung Quốc đã xuất hiện tại Tumtselay và kể từ đó những cuộc đối đầu như vậy đã và đang tái diễn,” ông Spalzang cho biết, nói thêm rằng một cuộc đối đầu trực diện lớn đã xảy ra giữa những người chăn cừu và PLA hồi năm 2019 ở khu vực Kakjung, trong khi năm trước đó vẫn yên bình.
Theo truyền thông địa phương, đại diện công chúng của các khu vực biên giới ở Ấn Độ đã nhiều lần nêu lên những lo ngại về việc vùng đất chăn thả truyền thống đang biến thành khu vực hoãn xung (buffer zone, chỉ khu vực bị kẹp giữa các nước lớn vì mục đích né tránh xung đột vũ trang trực tiếp với nhau) sau bất kỳ cuộc xung đột mới nào giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Xung đột biên giới Ấn Độ-Trung Quốc gần đây đã xuất hiện trên các bản tin sau khi Trung Quốc chỉ trích chính phủ Ấn Độ vì ý tưởng dùng hòa bình dọc biên giới giữa hai nước làm điều kiện để thiết lập bang giao song phương.
Hôm 25/01, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm đã gọi tranh chấp này là “vấn đề lâu đời” để đáp lại một tuyên bố của Ngoại trưởng Ấn Độ, người đã đổ lỗi cho Trung Quốc vi phạm các thỏa thuận song phương năm 2020 bằng cách khai triển số lượng quân lính lớn hơn dọc theo đường biên giới trên thực tế.
Lối sống hàng thế kỷ đang bị đe dọa
Hoạt động quân sự hóa ngày càng tăng ở khu vực biên giới tranh chấp gây ra mối đe dọa cho các cộng đồng nông nghiệp chăn thả trong khu vực. Họ có cuộc sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi và đã tích lũy kinh nghiệm chăn thả qua nhiều thế hệ, bao gồm cả kiến thức về địa hình đặc thù cũng như các đồng cỏ mọc theo mùa trong khu vực.
Trong một bài báo tháng 11/2023 trên tạp chí Pastoralism, có tựa đề “Chủ nghĩa nông nghiệp chăn thả miền núi: các tập quán truyền thống, thể chế và những áp lực ở vùng Ladakh xuyên Himalaya của Ấn Độ,” bộ ba nhà nghiên cứu đã viết rằng hoạt động di chuyển của vật nuôi trong khu vực này phụ thuộc vào sự sẵn có theo mùa của nguồn tài nguyên chăn thả.
Các cộng đồng ở vùng cao — nơi ngày nay đã trở thành chiến trường quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc — sở hữu “các chiến lược thích ứng” hiệu quả để sử dụng hiệu quả những đồng cỏ này. Trong nhiều thế kỷ, điều này đã bảo đảm “an ninh thức ăn gia súc trong các điều kiện sinh thái, kinh tế xã hội, và chính trị cụ thể.” Các tác giả cho biết “kể từ thời xa xưa,” chủ nghĩa nông nghiệp chăn thả đã trở thành trụ cột chính của những khu vực này.
Khu vực này sở hữu những đồng cỏ chăn thả theo mùa kéo dài trong những khoảng thời gian cụ thể. Các cộng đồng chăn thả phụ thuộc vào việc di cư kịp thời và chăn thả kịp thời. Chẳng hạn, theo các nhà nghiên cứu này, những đồng cỏ ở độ cao của Ladakh — vốn được người dân địa phương gọi là doksa/phu — và khí hậu khô lạnh của khu vực chỉ cho thời gian sinh trưởng ngắn ngủi từ tháng Ba đến tháng Tám.
Điều này thúc đẩy các cuộc di cư theo mùa đặc trưng để bảo đảm an ninh lương thực và thức ăn gia súc. Việc thiếu hoặc làm xáo trộn những cuộc di cư này ảnh hưởng đến nền kinh tế của người Changpa. Bài báo lưu ý rằng chủ nghĩa nông nghiệp chăn thả truyền thống đã bị đe dọa từ biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa, và những khát vọng thay đổi của thế hệ trẻ. Những thay đổi địa chính trị chỉ làm gia tăng thêm căng thẳng.
Ông Konchok Stanzin, ủy viên hội đồng khu vực bầu cử Chushul, một khu vực biên giới khác, nói với The Epoch Times rằng có hơn 300 gia đình ở khoảng 15 ngôi làng gần biên giới Ấn Độ–Trung Quốc trên thực tế. Sinh kế chính của họ là nông nghiệp chăn thả.
Ông Stanzin nói: “Sinh kế của người dân chúng tôi phụ thuộc vào gia súc.”
Khi được hỏi cộng đồng du mục đóng vai trò gì trong bối cảnh địa chính trị ngày nay, ông nói: “Những người du mục cũng bảo vệ biên giới của chúng ta.”
Những người du mục hiện diện ở một vài khu vực biên giới xa xôi nhất và khó tiếp cận nhất. Vì vậy, họ là nhân chứng và cũng là những người phát giác đầu tiên về bất kỳ hình thức xâm chiếm đất đai nào của người Trung Quốc. Ông Stanzin nói rằng họ có quyền bảo vệ nguồn tài nguyên truyền thống của mình.
Bảo đảm sự an toàn cho những người chăn cừu du mục
Cuộc chạm trán hôm 02/01 đã thu hút sự chú ý của nhà chức trách địa phương Ấn Độ và các quan chức thuộc Lực lượng Biên giới Ấn Độ-Tây Tạng (ITBP), những người đã gặp người dân địa phương hôm 13/01 và hứa sẽ bảo đảm an toàn cho họ. Lực lượng ITBP được khai triển dọc theo biên giới Ấn Độ với cao nguyên Tây Tạng.
Theo ông Spalzang, các quan chức quân đội Ấn Độ cho biết họ sẽ đồng hành cùng những người du mục trong quá trình chăn thả ở khu vực biên giới bắt đầu từ mùa chăn thả tiếp theo.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã phản hồi về đoạn video lan truyền này và nói rằng Ấn Độ và Trung Quốc biết về các khu vực chăn thả truyền thống.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times