Nhà phân tích địa chính trị: Vòng đàm phán biên giới Ấn-Trung mới là một ‘mánh lới câu giờ’ để Bắc Kinh trì hoãn thời gian
Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ sau đó đã gọi Trung Quốc là một ‘kẻ bắt nạt.’
NEW DELHI — Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành một vòng đàm phán quân sự mới trong tuần này. Vòng 21 của cuộc họp cấp Chỉ huy Quân đội Ấn Độ-Trung Quốc được tổ chức hôm 19/02 tại một địa điểm ở biên giới phía đông Ladakh. Mặc dù hai bên có cùng quan điểm, nhưng các cuộc đàm phán đã không mang lại bất cứ thành quả nào mới, và những thông cáo báo chí sau sự kiện này cũng lặp lại những lời hoa mỹ xưa cũ về việc tiếp tục giao tiếp quân sự và ngoại giao.
“Các cuộc thảo luận được xây dựng dựa trên những vòng trước, tìm kiếm sự rút quân hoàn toàn khỏi các khu vực còn lại dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Đông Ladakh như một cơ sở cần thiết để khôi phục hòa bình và bình yên ở các vùng biên giới Ấn Độ-Trung Quốc,” Bộ các Vấn đề Đối ngoại Ấn Độ cho biết trong một thông cáo báo chí hôm thứ Tư (21/02). Bản thông cáo nói thêm rằng cuộc họp, diễn ra tại điểm kiểm soát biên giới Moldo-Chushul do Trung Quốc kiểm soát, là thân thiện và chân thành, với việc hai bên cam kết hòa bình trong “thời gian tạm thời.”
Hôm thứ Tư, một tuyên bố do Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra cũng không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết cụ thể nào. Tuyên bố này nói rằng hai nước đã có những cuộc đàm phán mang tính xây dựng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề mà “mỗi bên lo ngại” về những gì tuyên bố này gọi là “các khu vực biên giới.”
Sự khác biệt duy nhất nổi lên giữa hai bản thông cáo là cách mà mỗi bên đề cập đến đường biên giới thực tế. Trong khi phía Ấn Độ gọi đường biên này là LAC, ngụ ý rằng họ không công nhận đó là biên giới bị chiếm, thì phía Trung Quốc chỉ đơn giản gọi đó là biên giới.
Bộ trưởng Ấn Độ bột phát giận dữ
Mặc dù thông cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã được viết bằng những ngôn từ mang tính chất ngoại giao, nhưng hôm thứ Tư trong Hội nghị thượng đỉnh quốc phòng Indus-X thứ hai với Đô đốc John C. Aquilino, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Giridhar Aramane đã sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ.
Ông Aramane đã gọi Trung Quốc cộng sản — quốc gia mà Ấn Độ chia sẻ hơn 2,165 dặm biên giới và vừa đạt được một khối lượng thương mại kỷ lục hồi năm ngoái — là một “kẻ bắt nạt.” Ông bày tỏ sự tin tưởng và hy vọng vào sự trợ giúp của Hoa Kỳ.
Ông nói, “Chúng tôi đang đối đầu trực diện với láng giềng [Trung Quốc] của mình trên hầu hết các mặt trận mà chúng tôi có với họ. Bất cứ nơi đâu có đèo núi, thì chúng tôi đều đóng quân ở đó để đối mặt với bất kỳ tình huống bất ngờ nào. Bất cứ nơi nào có đường, thì chúng tôi cũng phải sẵn sàng ở đó. Vì vậy, chúng tôi đang chống lại một kẻ bắt nạt một cách rất quyết tâm.”
Các chuyên gia: Trung Quốc chưa bao giờ nghiêm túc
Các chuyên gia Ấn Độ nói với The Epoch Times rằng mặc dù thương mại đang phát triển giữa hai quốc gia, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ nghiêm túc về các cuộc đàm phán quân sự, rất có thể chỉ tổ chức đàm phán để câu giờ và khiến Ấn Độ chờ đợi vô ích.
Ông Pathikrit Payne, một nhà phân tích địa chính trị tại New Delhi, nói với The Epoch Times rằng Trung Quốc muốn trì hoãn thời gian bằng cách giữ chân Ấn Độ trong tranh chấp biên giới.
Ông Payne nói, “Việc Trung Quốc khăng khăng muốn các chỉ huy quân sự gặp nhau có thể không gì khác hơn là một mánh lới câu giờ. Họ chưa bao giờ nghiêm túc về bất kỳ hành động rút quân thật sự nào để trả lại sự bình yên dọc theo LAC. Trung Quốc đã chơi quá đủ trò hai mặt khi nói một đằng làm một nẻo. Ấn Độ đã thể hiện đủ sự kiên nhẫn rồi.”
Chuyên gia ở New Delhi này lưu ý rằng cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là các quốc gia vũ trang hạt nhân với các kho vũ khí phi đạn đạn đạo liên lục địa. Ông nói rằng sẽ không có lợi cho bất cứ ai khi hai đại quốc đối đầu nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc sợ rằng nếu họ hoàn toàn ngưng chiến, thì một bước đi như vậy có thể khích lệ các quốc gia khác có tranh chấp biên giới hoặc hàng hải với họ.
Ông Bharat Wakhlu là một tác giả, nhà phân tích chiến lược, và cố vấn lãnh đạo đến từ Jammu và Kashmir. Ông Wakhlu nói với The Epoch Times rằng Trung Quốc từ chối đồng ý rút quân vì lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình muốn được nhìn nhận — cả ở trong nước lẫn ngoại quốc — là một vị lãnh đạo không thỏa hiệp về lợi ích của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Wakhlu dự đoán, “Chỉ là vấn đề thời gian trước khi ông Tập Cận Bình bị lật đổ. Quý vị sẽ có một lãnh đạo mới và triển vọng mới giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ xuất hiện.” Thời điểm đó sẽ cách “không quá xa,” ông cho biết.
Ông Wakhlu nhấn mạnh rằng thương mại giữa hai nước đã đạt mức kỷ lục 136 tỷ USD hồi năm ngoái, và chắc chắn sẽ còn tăng. Nếu hai nền kinh tế to lớn này chung sống hòa bình, và hòa bình toàn cầu được giữ gìn, thì cuối cùng tranh chấp biên giới sẽ được giải quyết, ông nói.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times