12 điều cha mẹ có thể làm để giúp con thành công
Chúng ta sẽ xem thử 12 cách tốt nhất có thể giúp cha mẹ tạo ra một môi trường khuyến khích cho trẻ tự lập để đạt được thành công trong cuộc sống sau này.
“Những bậc cha mẹ quá dễ dãi thì con cái dễ thất bại”. Đây là câu tục ngữ sâu sắc của người Trung Quốc về thiết lập và thực thi những ranh giới rõ ràng cho trẻ em để chúng thành công sau này.
Một số kỹ năng quan trọng trong cuộc sống, như điều hoà cảm xúc, học cách giao tiếp, và nhận thức xã hội … đều được hình thành từ khi trẻ sinh ra cho đến tuổi đi học.
Vậy thì, trong khoảng thời gian quý báu này, cha mẹ có thể làm gì để tận dụng cơ hội có một không hai?
Đặt ra ranh giới và theo sát con cái
Trẻ em vốn tò mò với thế giới xung quanh. Chúng vẫn đang trong quá trình tích lũy kiến thức và trải nghiệm để định hình cách nhìn nhận thế giới. Điều quan trọng là phụ huynh cần tạo ra không gian để trẻ tìm kiếm và khám phá nhưng kết quả của các hành động cần phải rõ ràng.
Một báo cáo năm 2004 của tạp chí Nhi khoa Sức khỏe Trẻ em cho biết, “Mục đích là để bảo vệ trẻ khỏi nguy hiểm, giúp trẻ học được cách tự chủ, và phát triển lương tâm lành mạnh và ý thức trách nhiệm và kiểm soát nội bộ.”
Những ranh giới này có thể bao gồm cách trẻ đối xử với người khác hay đối với động vật hoặc tài sản. Liên quan đến sự an toàn, chúng cần biết phải làm gì nếu gặp tình huống nguy hiểm khi đi trên đường, trên xe ô tô hoặc khi gặp người lạ. Trẻ sẽ kiểm tra những ranh giới này, vì vậy phụ huynh cần đảm bảo trẻ được tôn trọng.
Hình thành những thói quen lành mạnh
Một trong những cách tốt nhất cho cha mẹ để vừa tốt cho bản thân họ vừa cho con cái họ sự ổn định cần thiết là thiết lập các thói quen. Rất hiếm ai đến cửa hàng mua đồ mà không biết mình muốn mua gì đúng không?
Tương tự như cách chúng ta tạo một danh sách mua sắm, việc tạo một danh mục các việc trẻ cần làm mỗi ngày, như đánh răng, tắm rửa, giúp việc nhà, và dành thời gian ngoài trời, là một cách tuyệt vời để giúp mọi người biết được công việc cần làm tiếp theo.
Một nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Tâm lý học Phát triển Ứng dụng cho thấy tạo ra những thói quen sẽ giúp trẻ thành công sau này. Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Jennifer Weil Malatras đã giải thích rằng “cách quản lý các thói quen hằng ngày giúp củng cố kỹ năng quản lý thời gian và do đó làm giảm xuất hiện những khó khăn khi tập trung ở tuổi trưởng thành”.
Đi ngủ sớm
Giờ đi ngủ thường là một trong những trận địa lớn nhất giữa cha mẹ và con cái. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mà các bậc phụ huynh cần phải thực hiện quyền hạn của mình.
Học Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ đã có hướng dẫn rõ ràng về nhu cầu giấc ngủ của trẻ, có thể dao động từ 11 tới 14 tiếng (tính cả giờ ngủ trưa) cho trẻ sơ sinh, từ 10 tới 13 giờ cho trẻ mới biết đi. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cũng cho rằng điều quan trọng nữa là cần tắt hết màn hình trong 30 phút trước khi đi ngủ. Cũng không nên đặt ti vi, máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác trong phòng ngủ.
Các thói quen vào giờ ngủ trưa và giờ đi ngủ buổi tối cũng quan trọng giống như các thói quen ban ngày vậy. Những hình thức như đánh răng, mặc đồ ngủ, đọc hoặc kể chuyện trước khi đi ngủ, tắt hết ánh sáng, đều giúp trẻ thư giãn hơn và đi vào giấc ngủ.
Học cách thương người
Lòng trắc ẩn không phải là một thứ gì đó bất ngờ phát triển ở trẻ em. “Đặt bản thân vào hoàn cảnh của người khác” không phải là một bản năng tự nhiên. Tại sao phải chia sẻ thứ gì đó trong khi bạn có thể có được nó cho riêng mình? Đây là điều rất nhiều người trưởng thành cảm thấy khó khăn, vì vậy việc bắt đầu hình thành sự đồng cảm từ khi còn nhỏ là rất quan trọng.
Làm thế nào để dạy con bạn về lòng trắc ẩn? Hãy tập trung vào các mối quan hệ với anh chị em, họ hàng, bạn bè và trẻ em cùng lứa khác, sau đó từ từ mở rộng ra. Bạn có thể cho con bạn tham gia vào những hoạt động tình nguyện hoặc từ thiện để chúng có thể gặp gỡ những người kém may mắn hơn mình.
Dạy trẻ về phương diện này sẽ rất hữu ích cho quá trình phát triển của trẻ.
Những cái ôm ấm áp mỗi ngày
Một cái ôm mỗi ngày thực sự có thể giúp bạn khỏe mạnh. Một nghiên cứu năm 2013 chỉ ra rằng “những cử chỉ ấm áp của cha mẹ là một yếu tố bảo vệ, chống lại những tác động độc hại của stress tuổi thơ đến sức khỏe của trẻ”.
Điều đáng chú ý hơn nữa, việc nhận được cử chỉ yêu thương khi còn nhỏ sẽ tiếp tục bảo vệ mọi người sau khi họ đã trưởng thành.
Thể hiện sự trìu mến với trẻ có thể giúp trẻ hiểu rằng trẻ đang được yêu thương và giảm những lo lắng của trẻ. Vậy nên cái ôm hàng ngày không chỉ đơn giản là một cử chỉ thôi đâu.
Thời gian chơi đùa là cần thiết
Trẻ con thích sử dụng trí tưởng tượng của chúng và đây là một cách tuyệt vời để rèn luyện cho nhiều tình huống thực tế (bất kể đó là chơi trò nội trợ, làm bác sĩ hay dạy học). Vui vẻ tham gia với trẻ và thậm chí làm những trò trông ngớ ngẩn sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với chúng.
Chơi đùa cùng trẻ cũng hữu ích cho cả người lớn nữa, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ viết rằng, “Chơi đùa là khoảng thời gian cha mẹ có thể hoàn toàn tương tác với trẻ, khiến mối quan hệ tình cảm cha mẹ và con cái thêm sâu sắc, cha mẹ có cơ hội nhìn nhận thế giới qua lăng kính của con họ”.
Hoạt động ngoài trời
Với sự phổ biến của màn hình điện tử trong xã hội chúng ta, việc hít thở không khí trong lành và một cơ hội để chạy nhảy khắp nơi là điều quan trọng hơn bao giờ hết.
Ngoài việc ánh mặt trời cung cấp vitamin D cho cơ thể thì hoạt động ngoài trời cũng giúp sự vận động cần thiết của trẻ. Chủ tịch Hội đồng Thể thao, Thể dục và Dinh dưỡng khuyến nghị nên dành ra 60 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất của trẻ, có thể cho trẻ đi một chuyến đến công viên địa phương hoặc một nơi có không gian xanh chẳng hạn.
Tốt hơn nữa, cho trẻ tham gia vào các đội thể thao dành cho trẻ nhỏ. Song song với việc khiến trẻ vận động cơ thể, nó cũng có thể dạy trẻ cách làm việc nhóm và tuân theo các nguyên tắc.
Tập trung vào những hoạt động kết nối tình cảm thay vì mua những món hàng
Trẻ nhỏ và trẻ dưới 13 tuổi là các đối tượng mà các nhà quảng cáo nhắm tới cho đủ món đồ – từ đồ chơi và bánh kẹo cho đến thiết bị điện tử – mua đủ mọi thứ không phải là điều một phụ huynh tốt nên làm. Thời gian chất lượng cùng với gia đình và bạn bè là đáng giá hơn bất kỳ thứ gì mà tiền có thể mua được.
Món đồ chơi bằng lông mà mọi người hiện nay mua cho giáng sinh có thể sẽ lỗi thời trong những năm tới, nhưng những trải nghiệm thú vị như thăm hỏi họ hàng ở xa, cắm trại ở rừng nhiệt đới, đi xem Christmas Carol hoặc The Nutcracker, hoặc đi hát từ thiện, sẽ để lại ấn tượng lâu dài hơn nhiều cho trẻ.
Đọc sách
Cuốn sách cổ đại Đạo Đức Kinh của Trung Quốc viết rằng: “Không cần đi ra ngoài, bạn có thể thấy được cả thế giới. Không cần nhìn ra cửa sổ, bạn cũng có thể thấy được con đường trên trời.”
Hướng dẫn trẻ đọc các loại sách và khuyến khích chúng tìm ra điều mình thích, bạn có thể mở ra một thế giới trước sự tò mò của trẻ.
Một nghiên cứu nhi khoa cho thấy đọc lớn thành tiếng cho trẻ khi chúng còn nhỏ sẽ giúp trẻ học tập tốt ở trường bằng cách giảm sự hiếu động thái quá và các hành vi gây rối. Dành thời gian mỗi ngày để đọc cùng nhau hoặc đọc một mình là một cách tuyệt vời để giúp trẻ cải thiện hơn.
Tắt TV (và máy tính bảng)
Các quý phụ huynh hay bận rộn thường dễ dàng quên đi tầm quan trọng của tương tác mặt đối mặt, các bác sĩ nhi khoa chỉ ra rằng nếu trẻ dành quá nhiều thời gian trước màn hình có thể gây hại nghiêm trọng cho trẻ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra lời khuyên, “Đối với trẻ 1 tuổi, thời gian sử dụng thiết bị màn hình cố định (như xem TV hoặc video, chơi game trên máy tính) không được khuyến nghị. Đối với trẻ 2 tuổi, thời gian sử dụng màn hình cố định không nên quá 1 tiếng, càng ít càng tốt.” Thay vì dành thời gian trước màn hình, thì nên cho trẻ đọc sách, chơi đùa, tập thể dục hoặc làm việc nhà.
Làm việc nhà để chuẩn bị vào đời
Nói tới việc nhà, đây chính là một cách rèn luyện trách nhiệm cho con cái. Bất kể là rửa chén, chuẩn bị thức ăn hay bữa ăn, chăm sóc cho thú nuôi, hay đơn giản chỉ chuẩn bị giường và dọn dẹp phòng ốc, những công việc nhẹ nhàng này đều có thể giúp trẻ học được nhiều hơn về giá trị công việc và dạy chúng kỹ năng cuộc sống.
Âm nhạc khiến cho cuộc sống tốt đẹp hơn
Nghe và chơi nhạc không chỉ là mang lại niềm vui mà còn rất tốt cho não bộ của trẻ và cho cả bạn, theo một nghiên cứu của trường đại học Stanford được đăng trên tạp chí Neuron. “Quá trình nghe nhạc có thể là cách để não bộ mài giũa khả năng dự đoán thông tin và duy trì sự tập trung,” đồng tác giả Jonathan Berger viết. Chia sẻ âm nhạc yêu thích của bạn với trẻ cũng là một cách tuyệt vời để thắt chặt mối quan hệ của bạn và con mình.
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại [email protected] và nhận nguồn cảm hứng hàng ngày bằng cách đăng ký nhận bản tin Epoch Inspired tại TheEpochTimes.com/newsletter.
Kiên Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times