‘Water Music’: Bản hòa tấu độc nhất vô nhị
Kiệt tác của nhà soạn nhạc Handel chứa đựng nhiều nền văn hóa và đã đưa âm nhạc cổ điển vào thời hiện đại.
Vào ngày 17/07/1717, thủ đô London đã chứng kiến một cảnh tượng chưa từng thấy. Đám đông khán giả tụ tập khi 50 nhạc công bắt đầu chơi bản hòa tấu “Water Music” (Nhạc Nước) lẫy lừng của nhà soạn nhạc Handel trên những chiếc thuyền không mui dọc Sông Thames cho Vua George I và bữa tiệc hoàng gia trên thuyền của ông. Bộ sưu tập đồ sộ gồm các tổ khúc khí nhạc được viết riêng cho dịp này đã khiến công chúng Anh kinh ngạc nhờ cách bố trí độc đáo và âm nhạc vui tươi, giúp khôi phục lại sự ủng hộ của dân chúng dưới thời trị vì của nhà vua, và tạo nên một di sản văn hóa vĩnh hằng cho âm nhạc cổ điển.
Một chương trình biểu diễn hoàng gia
Vua George I (1660–1727) không quá nổi tiếng vào thời kỳ đầu ông trị vì. Năm 1717, không lâu sau khi đăng quang, ông đã vấp phải sự phản đối chính trị từ dân chúng và thậm chí từ chính gia tộc mình, khi một phe đối lập được thành lập để hậu thuẫn con trai ông, Hoàng tử xứ Wales. Các cố vấn của nhà vua đề nghị rằng ông nên làm điều gì đó lớn lao để lấy lòng dân chúng. Và đó chính là lúc ý tưởng tổ chức một bữa tiệc trên thuyền xa hoa vào mùa hè trên sông Thames, cùng chương trình âm nhạc giải trí hùng tráng đã ra đời. Vua George I đã tổ chức một buổi biểu diễn hoàng gia khó quên cho thần dân của mình. Và còn ai sáng tác nhạc tốt hơn cho dịp này ngoài ông George Frideric Handel, nhà soạn nhạc của hoàng gia?
Nhà soạn nhạc Hande sinh ở Đức vào năm 1685 và chuyển đến Anh vào năm 1712, nơi sau này ông trở thành thần dân và sáng tác phần lớn các tác phẩm của mình cho đến khi qua đời vào năm 1759. Vua George I yêu thích âm nhạc của ông Handel, vậy nên việc nhà soạn nhạc theo phong cách Baroque này sáng tác nhạc cho sự trở lại mang tính biểu tượng của đức vua cũng là điều hợp lý.
Vào một tối mùa hè năm 1717, bản hòa tấu “Water Music” (Nhạc Nước) được công diễn lần đầu trên chiếc thuyền lớn trên sông Thames. Công chúng háo hức theo dõi từ những chiếc thuyền chật cứng và từ bờ sông Thames. Vua George I và các cận thần lắng nghe màn diễn tấu từ chiếc thuyền rồng của hoàng gia, khi họ đi thuyền dọc theo dòng sông từ Whitehall đến Chelsea. Người ta tin rằng, nhà vua yêu thích bản nhạc này đến mức ông đã yêu cầu các nhạc công biểu diễn lại toàn bộ tác phẩm thêm hai lần, khiến họ phải thức trắng từ lúc mặt trời lặn đến lúc mặt trời mọc vào sáng hôm sau.
Báo chí Anh xác thực rằng, tác phẩm “Water Music” (Nhạc Nước) đã thành công vang dội. Buổi biểu diễn hoàng gia này đã nhắc nhở London về quyền lực của Vua George.
Âm nhạc vui tươi và đầy hứng khởi
“Water Music” (Nhạc Nước) là một tác phẩm hùng tráng, hoàn toàn phù hợp để trình diễn lần đầu. Với một dàn nhạc cụ gồm sáo flute, sáo dọc, kèn oboe, kèn bassoon, kèn trumpet, kèn horn, đại vĩ cầm và vĩ cầm, kết hợp những giai điệu đáng nhớ với các loại hình khiêu vũ truyền thống thường thấy trong các thể loại tổ khúc mang phong cách Baroque.
“Water Music” được tạo thành từ ba tổ khúc dành cho dàn nhạc và 22 chương nhạc khí hoàn chỉnh, mỗi tổ khúc lại có các loại nhạc cụ khác nhau để tạo nên nét đặc trưng riêng.
Vì bản tổng phổ gốc đã thất lạc nên không có cách nào xác định được thứ tự sắp xếp các tổ khúc. Nhưng nhìn chung người ta nhất trí rằng, tổ khúc đầu ở cung Fa trưởng (F) gồm 10 chương, tổ khúc thứ hai ở cung Rê trưởng gồm 5 chương (trong đó có bản “Alla Hornpipe” nổi tiếng), và tổ khúc thứ ba ở cung Sol trưởng (G) gồm 7 chương. Hai tổ khúc đầu tiên, ở cung Fa và Rê, nhằm tạo ra thanh âm lớn và phục vụ cho công chúng thưởng thức, vì tổ khúc đầu tiên được viết chủ yếu cho kèn horn, và tổ khúc thứ hai tập trung vào kèn trumpet. Ngược lại, tổ khúc thứ ba sử dụng các nhạc cụ có âm thanh mềm mại hơn và được cho là bản nhạc dành cho bữa tối của nhà vua ở Chelsea. Các chương riêng lẻ bao gồm các khúc nhạc dạo đầu, khúc thăng hoa, khúc aria, và vũ khúc.
Một di sản quốc tế
Bên cạnh tác phẩm chúc mừng hoàng gia khác của ông là “Music for the Royal Fireworks” (Âm Nhạc cho Lễ Hội Pháo Hoa Hoàng Gia) (năm 1749), “Water Music” (Nhạc Nước) là một trong số ít tác phẩm hòa tấu mà ông Handel sáng tác.
Cả hai tác phẩm này đều là những tổ khúc, gồm các bản khí nhạc, ngắn gọn, có trật tự; được sáng tác để biểu diễn ngoài trời, kết hợp các điệu nhảy dân gian và quý tộc từ khắp châu Âu, với kèn bassoon, kèn horn, và kèn trumpet đệm âm thanh. Các tổ khúc được mô phỏng dựa theo các loại hình khiêu vũ phổ biến của Pháp, như: điệu minuet, điệu nhảy cổ xưa bourrées của Pháp, điệu nhảy thủy thủ hornpipe của Anh, trong khi các chương nhạc lại mang âm hưởng như nhạc hòa tấu của Ý.
Tổ khúc Số 1 của bản “Water Music” được chia thành 11 chương. Tổ khúc này bắt đầu bằng khúc nhạc dạo đầu hào hùng theo phong cách Pháp, xứng tầm hoàng gia, và tiếp nối với điệu nhảy bourrée sôi động, điệu minuet vương giả, và khép lại bằng khúc “Alla Hornpipe” hùng tráng.
Bằng cách kết hợp nhiều thể loại âm nhạc châu Âu, nhà soạn nhạc Handel đã tạo nên một kiệt tác vô song. Ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa phản ánh lối sống chuyên nghiệp của ông. Nhà soạn nhạc gốc Đức học tập ở Ý và sống ở London, trung tâm của thế giới, nơi ông sáng tác nên bản hòa tấu “Water Music” (Nhạc Nước) cho một vị vua người Anh gốc Đức. Và nhạc phẩm của ông được các nhạc công người Đức, Ý, Pháp, và Anh biểu diễn lần đầu tiên trên những chiếc thuyền không mui ở một thành phố tầm cỡ quốc tế.
Một nhóm nhạc công quốc tế chơi nhạc ngoài trời là một ý tưởng rất mới lạ vào thời điểm đó. Tác phẩm “Water Music” có chủ ý mang tính hiện đại và quốc tế trong cách sáng tác và mục đích [sử dụng], vì bản nhạc này truyền tải ý tưởng rằng Vua George I là một vị vua tân thời và trần tục, phù hợp để trị vì đất nước trong thời hiện đại. Sự đổi mới của ông Handel không dừng lại ở đó, vì trong “Water Music,” lần đầu tiên người ta thấy chiếc kèn horn Anh xuất hiện trong một dàn nhạc Anh.
Nhưng chỉ sau vài năm, “Water Music” đã chìm vào quên lãng, chủ yếu là vì không còn bản tổng phổ đầy đủ. Không có nhiều người biết đến tác phẩm này, ngoại trừ những ai tham dự buổi biểu diễn trực tiếp hoặc nghe trong phòng hòa nhạc. Mãi đến năm 1788, gần 30 năm sau khi nhà soạn nhạc Handel qua đời, bộ sưu tập hoàn chỉnh mới được in ra. Công chúng lại hân hoan khi một lần nữa được khám phá tác phẩm đầy hứng khởi này.
Bản hòa tấu “Water Music” là minh chứng cho khả năng sáng tác thiên tài của nhà soạn nhạc Handel. Vì ông chủ yếu sáng tác cho các vở opera và thanh xướng kịch nên chúng ta không có nhiều tác phẩm khí nhạc của ông. Nhờ các bản thu âm mới hơn, cùng các buổi diễn tấu mang tính lịch sử (một thông lệ phổ biến trong thập niên qua, sử dụng các nhạc cụ và kỹ thuật chơi nhạc thời xưa) mà chúng ta có thể trải nghiệm âm nhạc ngân vang như thế nào vào một ngày hè dọc Sông Thames.
Ngày nay, “Water music” vẫn được biểu diễn thường xuyên, vì bản hòa tấu này được xem là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của nhà soạn nhạc Handel.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times