Nhà soạn nhạc Rameau đã làm thay đổi cục diện của Opera Pháp mãi mãi
Nhà soạn nhạc Jean-Philippe Rameau đã thay đổi mạnh mẽ cục diện của nền âm nhạc cổ điển.
Beethoven, Handel, Mozart: Ba nhà soạn nhạc vĩ đại này đã làm thay đổi nền âm nhạc cổ điển vĩnh viễn. Nhưng có một nhà soạn nhạc khác ít được biết đến hơn, người đóng vai trò then chốt trong nền âm nhạc cổ điển Tây phương: Jean-Philippe Rameau (1683 – 1764). Ông Rameau là một nhà soạn nhạc tài năng, một nhà lý luận âm nhạc tiên phong, và nhà soạn nhạc Baroque năng nổ. Ông đã cách mạng hóa nền nghệ thuật opera Pháp và toàn bộ thể loại opera kể từ đó trở đi.
Người ta biết rất ít về thời thơ ấu của Rameau. Theo ghi chép, Jean-Philippe Rameau sinh ra ở thành phố Dijon, Pháp. Cha ông là một nhạc công chơi dương cầm trong nhà thờ, và được cho là người đã dạy ông Rameau chơi đàn harpsichord (tiền thân của đàn piano) trước cả khi cậu bé biết đọc hay biết viết. Âm nhạc dường như đã thấm sâu vào huyết mạch của Rameau; mặc dù chàng trai trẻ Rameau theo học tại trường Đại học Dòng Tên, nhưng ông thường xuyên làm gián đoạn các lớp học bằng tiếng hát bất thình lình của mình.
‘Isaac Newton của giới âm nhạc’
Mặc dù ban đầu cha mẹ của ông Rameau muốn con trai mình trở thành một luật sư, nhưng chàng trai trẻ lại có quyết định khác. Sau chuyến đi ngắn đến Ý vào năm 1701, Rameau trở về Pháp và trở thành nghệ sỹ chơi dương cầm trong nhà thờ; diễn tấu tại nhiều nhà thờ khác nhau ở Lyon, Clermont, Avignon, và Dijon. Trong vai trò này, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm liên quan đến tôn giáo, chủ yếu là các bản motet (các bản Thánh ca dành cho giọng độc xướng không có nhạc cụ đệm và dàn hợp xướng), và các bản cantata (các bản thanh nhạc phong phú và phức tạp gồm nhiều tiết mục dành cho cả độc xướng và đại hợp xướng có nhạc cụ đệm, và dàn nhạc giao hưởng).
Sau 20 năm làm việc trên khắp nước Pháp với vai trò là nghệ sỹ vĩ cầm và dương cầm chuyên nghiệp, ông Rameau đã định cư tại Paris, nơi ông quyết định sẽ trở thành một nhà soạn nhạc nghiêm túc. Tại đây, ông đã xuất bản các tác phẩm được ghi nhận sớm nhất, nổi bật là “Pièces de clavecin,” (1706), “Grand Motets” (1713–1714) và “Cantates Profanes” (1728). Tuy nhiên, chính những đóng góp của Rameau cho các lý thuyết âm nhạc mới là điều thực sự khiến ông nổi tiếng.
Vào năm 1722, nhà soạn nhạc Rameau, khi đó 39 tuổi, đã phát hành cuốn sách “Traité de l’harmonie” (“Khái Luận về Hòa Âm”), tác phẩm đầu tiên trong số nhiều công trình lý luận của ông. Thật thú vị khi Rameau là nhà soạn nhạc lớn duy nhất nổi tiếng với tư cách là nhà lý luận âm nhạc, trước cả khi ông được ca ngợi vì các sáng tác âm nhạc của mình. Luận thuật đầu tiên của ông là khởi đầu cho những tiến bộ trong các lý thuyết âm nhạc, và ông Rameau nhanh chóng được mệnh danh là “Isaac Newton của giới âm nhạc”. Nhà soạn nhạc Rameau xem âm nhạc là một môn khoa học và cố gắng tìm ra những nguyên tắc hòa âm phổ quát từ các nguồn tự nhiên. Bằng các bằng chứng toán học, ông đã chứng minh rằng mọi hòa âm đều dựa trên “nốt chủ âm,” hay nốt cơ bản của một hợp âm.
Lý luận này vấp phải nhiều chỉ trích nặng nề vào thời của Rameau vì ông có quan điểm mạnh mẽ về âm nhạc, miêu tả âm nhạc là “ngôn ngữ của trái tim”. Luận thuật của ông về hòa âm, cho rằng các hợp âm được xây dựng dựa trên nốt trầm, đã đi trước thời đại và cung cấp nhiều cơ sở lý thuyết cho các sáng tác truyền thống của âm nhạc Tây phương sau này. Các tác phẩm lý luận của nhà soạn nhạc Rameau đã trở thành nguồn tư liệu uy tín trong giới âm nhạc, và vẫn là nền tảng học thuyết âm nhạc được sử dụng tới ngày nay.
Di sản Opera
Các tác phẩm của nhà soạn nhạc Rameau đã làm thay đổi nền âm nhạc opera Pháp mãi mãi. Vào thời điểm đó, ông được xem là người kế thừa Jean-Baptiste Lully, nhà soạn nhạc yêu thích của Vua Louis XIV. Trong khi ông Lully nổi tiếng với phong cách Pháp lịch lãm và kín đáo, thì ông Rameau lại thiên về sự đam mê và cảm xúc mãnh liệt, và sau này ông Rameau đã trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất thời kỳ hậu Baroque.
Mặc dù ông Rameau tỏ ra tôn trọng các hình thức opera mà nhà soạn nhạc Lully đã để lại, nhưng ông cũng làm chúng phong phú thêm với khả năng sáng tạo vô biên, tính sôi nổi mãnh liệt, cùng âm nhạc hoa mỹ, nhịp điệu đa dạng, và màu sắc dàn nhạc tinh tế — thấm đẫm tinh thần vũ đạo. Ông đã cải biến di sản của nhà soạn nhạc Lully bằng các hòa âm và các giai điệu nguyên bản chưa từng được nghe thấy trước đây. Ông tuân theo truyền thống opera Pháp là lồng ghép một loại hình “giải trí” trong mỗi tiết mục, chẳng hạn như các bản giao hưởng hay các điệu nhảy, như điệu tambourine (có trống lục lạc tambourine đệm nhạc) và điệu menuet, xen kẽ giữa các khúc aria trên sân khấu. Nhà soạn nhạc Rameau đã tạo nên một hình thức biểu diễn mới lạ, vừa mang tính cổ tích lại vừa xa hoa, gói gọn trong một từ: phong cách baroque.
Ngoài việc là một nhà lý luận âm nhạc tiên phong, ông Rameau còn là một nhà soạn nhạc opera xuất chúng. Các vở opera của ông làm thay đổi đáng kể nền âm nhạc opera Pháp, và ảnh hưởng đến các nhà soạn nhạc lớn như Christophe Willibald Gluck và Richard Wagner.
Khi ông Rameau bước sang tuổi 50, sự nghiệp sáng tác vĩ đại của ông mới thực sự bắt đầu. Sau năm 1733, cuộc sống chuyên nghiệp của ông bước sang trang mới khi ông bắt đầu sáng tác các vở opera. Vở opera đầu tiên của ông là “Hippolyte et Aricie” (“Hippolytus và Aricia”), thu hút sự chú ý của Vua Louis XV, và sau đó ông trở thành nhà soạn nhạc chính thức của Nội các Hoàng gia. Vào năm 1745, ông viết một số vở opera để kỷ niệm các sự kiện hoàng gia trọng đại chẳng hạn như chiến thắng của quân Pháp trong Trận Fontenoy, và đám cưới của Hoàng thái tử Dauphin với Trữ phi Maria Teresa Rafaela của Tây Ban Nha. Vở opera sau có tên là “Platée,” đã trở thành một trong những vở opera nổi tiếng nhất của ông.
Bên cạnh vở “Platée”, các vở opera khác của nhà soạn nhạc Rameau gồm có: “Les Indes Galantes” (1735), “Castor et Pollux” (1737), “Dardanus” (1739), “Les Fêtes d’Hébé” (1739), “Zoroastre” (1749), và “Les Paladins” (1757). Ông tiếp tục sáng tác các vở bi kịch trữ tình, các vở vũ kịch, và các tác phẩm mục vụ, thường là vài tác phẩm mỗi năm. Người ta ước tính rằng nhà soạn nhạc Rameau đã sáng tác ít nhất 25 vở opera dài và một số tác phẩm ngắn trong 30 năm cuối đời. Vở opera cuối cùng của ông là “Les Boréades” (1763), ra mắt một năm trước khi ông qua đời.
Các vở opera của Rameau không chỉ làm thay đổi nền nghệ thuật Pháp, mà còn thay đổi cả tiến trình lịch sử opera. Một số đóng góp quan trọng của ông bao gồm các khúc dạo đầu miêu tả, thiết kế màn kịch như một chỉnh thể đầy kịch tính, tập trung vào sự căng thẳng kịch tính, phát triển lối hát nói, các khúc aria phô diễn kỹ thuật, và chú ý hơn đến dàn nhạc. Nhà soạn nhạc Gluck đã dựa trên chính những yếu tố này để cải biến opera theo hướng canh tân hơn. Tuy nhiên, nghệ thuật sáng tạo của nhà soạn nhạc Rameau cũng gây ra những tranh cãi lớn vào thời của ông.
Đi trước thời đại
Các học thuyết âm nhạc và cách tiếp cận opera mới mẻ của nhà soạn nhạc Rameau được công nhận và sử dụng rộng rãi thời nay, nhưng vào thời của ông chúng từng gây ra tranh cãi. Khi vở “Hippolyte et Aricie” ra mắt lần đầu tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Paris, nó đã gây ra xáo động lớn, nhận về cả sự tán thưởng lẫn chỉ trích.
Vở opera đầu tiên của Rameau dựa trên vở bi kịch bất hủ “Phèdre” của nhà soạn kịch Racine, đã phá vỡ các quy tắc mà nhà soạn nhạc Lully đặt ra dưới thời trị vì của Vua Mặt trời (Vua Louis XIV). Phần lớn các nhà phê bình cho rằng phong cách này quá mạnh mẽ, quá năng động, và quá hoa mỹ, trái ngược hẳn với phong cách Pháp thời bấy giờ. Một cuộc tranh luận đã nổ ra xung quanh tác phẩm của Rameau, giữa những người ủng hộ ông, gọi là “Rameauneurs”, và những người phản đối ông, gọi là “Lullyistes”, những người nhìn nhận vở opera của Rameau là một sự tấn công vào truyền thống âm nhạc Pháp.
Nhà soạn nhạc Rameau cũng có liên quan đến “Querelle des Bouffons” (Cuộc tranh luận của các diễn viên hài kịch), một sự cạnh tranh nổi tiếng giữa thể loại opera bi kịch của Pháp (tragédie en musique) và thể loại opera hài kịch của Ý (buffa). Tranh luận này nổ ra giữa những người ưa chuộng phong cách Ý mới mẻ, và những người coi đó là mối đe dọa đối với opera truyền thống của Pháp. Sau khi qua đời, nhà soạn nhạc Rameau cũng vướng vào một cuộc tranh cãi khác giữa những người ủng hộ Rameau (trường phái ramistes) và những người ủng hộ Gluck (trường phái gluckistes).
Nhưng cuối cùng, nhà soạn nhạc Rameau vẫn trở thành biểu tượng của truyền thống opera Pháp. Opera vẫn mang tính trang trọng dưới bàn tay của Rameau, nhưng nhà soạn nhạc này còn mang đến sức mạnh, sự sống động, và sôi nổi mới mẻ cho opera Pháp.
Đến cuối thế kỷ 18, âm nhạc của Rameau không còn được ưa chuộng nữa, và chỉ phổ biến trở lại vào thế kỷ 20. Ngày nay, các chuyên gia âm nhạc đều công nhận sức ảnh hưởng và tầm quan trọng của ông trong lịch sử âm nhạc cổ điển.
Giai Kỳ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times