Vùng đất của tự do, quê hương của những anh hùng: Tri ân tất cả những cựu chiến binh của chúng ta
Ngày Cựu Chiến Binh được tổ chức hàng năm vào ngày 11/11, ngày đánh dấu Đệ nhất Thế chiến kết thúc vào năm 1918.
Cử hành vào Thứ Hai cuối cùng của tháng 5, Ngày Lễ Chiến sĩ Trận Vong (Memorial Day) vinh danh tất cả những nam nữ quân nhân đã hy sinh để phụng sự đất nước của mình.
Mặt khác, Ngày Cựu Chiến Binh là dịp để bày tỏ lòng biết ơn đến những ai — trong quá khứ và hiện tại, còn sống hay đã qua đời — từng phục vụ trong Quân đội Hoa Kỳ. Ngày lễ liên bang này được tổ chức thường niên vào ngày 11/11, ngày mà vào năm 1918 đã chứng kiến Đệ nhất Thế chiến kết thúc. Ban đầu ngày này được gọi là Ngày Đình chiến (Armistice Day). Sau hiệp định đình chiến mà Hoa Kỳ và các đồng minh ký kết với Đức, sự kiện đặc biệt này được đổi tên thành Ngày Cựu Chiến Binh vào năm 1954.
Mặc dù sự kiện đặc biệt hướng đến những người đàn ông và phụ nữ đang sống, dù là tại ngũ hoặc đã rời quân ngũ, nhưng trên thực tế, vào Ngày Cựu Chiến Binh, chúng ta gửi lời chào kính cẩn tới tất cả 41 triệu người Mỹ, những người mà suốt 248 năm qua đã chiến đấu trong các cuộc chiến, hoặc bảo vệ quốc gia của chúng ta trong thời bình. Hầu hết trong số họ là dân quân chứ không phải quân nhân chuyên nghiệp, vài người trong số họ không mang theo thứ vũ khí nào, và những người khác nổi tiếng với những thành tựu hoàn toàn không phải ở nơi thao trường hoặc chiến trường.
Dưới đây là một vài câu chuyện của họ.
Những thiên thần
Năm 1942, khi thủ đô Manila, tỉnh Bataan, và đảo Corregidor thất thủ trước quân Nhật Bản, 11 y tá Hải quân và 66 y tá Quân đội đã rơi vào tay đội quân xâm lược này. Sau khi bị đưa vào các trại giam giữ, họ đã giúp thành lập bệnh viện cho hàng ngàn tù binh và dành thời gian còn lại của cuộc chiến để chăm sóc người bệnh và bị thương. Họ trông nom cải thiện điều kiện vệ sinh trong các trại này, ít nhất là trong [quyền hạn] mà những kẻ bắt giữ cho phép. Mặc dù thiếu thốn quân nhu và thuốc men, nhưng họ đã cứu sống vô số người lẽ ra đã mất mạng. Tất cả 77 y tá đều sống sót sau biến cố này.
Dù nổi tiếng là “Những thiên thần của Bataan và Corregidor,” nhưng sau khi được phóng thích, những nỗ lực anh dũng của họ không được nhiều người biết đến, một phần vì cơn hỗn loạn thời chiến vẫn đang diễn ra. Ngày nay, Bảo tàng Quốc gia về Đệ nhị Thế chiến ở New Orleans dành ra kho lưu trữ cùng một cuộc triển lãm đặc biệt để tưởng nhớ họ.
Hoan hô Hollywood
Các nghệ sĩ giải trí có lịch sử lâu dài biểu diễn cho những người mặc quân phục. Một số người, chẳng hạn như nam diễn viên Bob Hope hay nữ ca sĩ Frances Langford — người được mệnh danh là “Chim sơn ca Gl,” nổi tiếng vì những cống hiến cho việc nâng cao nhuệ khí [binh lính] bằng cách tổ chức các buổi biểu diễn cho quân đội ở hải ngoại, đặc biệt là trong thời chiến.
Nhiều nghệ sĩ khác cũng bước vào hàng ngũ quân đội. Trong Đệ nhị Thế chiến, nam diễn viên Clark Gable gia nhập Quân đoàn Không lực Lục quân Hoa Kỳ và tham gia chiến đấu với vai trò là xạ thủ súng máy nhằm vào oanh tạc cơ. Ca sĩ Elvis Presley được điều động vào Lục quân Hoa Kỳ khi ông đã là một ngôi sao lớn của dòng nhạc rock-and-roll và sẵn sàng phục vụ hết nhiệm kỳ của mình với tư cách là lính nhập ngũ. Người lính thuộc Lực lượng Không quân Johnny Cash đã mua cây đàn guitar đầu tiên của mình khi đóng quân ở Đức. Người lính quân dịch Clint Eastwood có lẽ sẽ không bao giờ đạt được danh hiệu ngôi sao trong vai trò diễn viên kiêm đạo diễn nếu không có giai đoạn phục vụ trong quân đội. Khi ông tình nguyện làm lính cứu hộ tại Fort Ord, California, ông được Hollywood chú ý, ông đã học một số bài học diễn xuất, và nhanh chóng nhận một vai trong loạt phim truyền hình “Rawhide.”
Nghệ sĩ truyền cảm hứng nhất trong số những người có bước đột phá từ thế giới giải trí sang quân đội là nam diễn viên Jimmy Stewart. Sau khi đạt giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất năm 1940 trong bộ phim “The Philadelphia Story” (Câu chuyện Philadelphia), ông Stewart gia nhập Quân đoàn Không lực Lục quân Hoa Kỳ ngay trước cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng của quân đội Nhật năm 1941. Tại đây, ông đã đi theo truyền thống lâu đời của gia đình là phục vụ trong quân đội, bắt đầu từ Cuộc Cách mạng Mỹ. Diễn viên Stewart nhập ngũ với tư cách là binh nhì, thăng cấp lên đại tá, thực hiện 20 phi vụ chiến đấu, và nhận được hai Huân chương Thập tự Bay (Distinguished Flying Cross) và Huân chương Croix de Guerre của Pháp quốc. Sau này, con trai riêng của vợ ông là Ronald cũng cống hiến cuộc đời mình để phục vụ quân đội tại [chiến trường] Việt Nam.
Giống như nhiều cựu binh khác từng phải đối diện với các trận chiến khốc liệt và sống sót sau các trận chiến đó, ông Stewart đã để mất nhiều người dưới quyền chỉ huy của mình, mang nặng cảm giác tội lỗi vì đã sống sót, và ông phải chịu đựng điều mà ngày nay chúng ta gọi là rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Khi cha mẹ ông nhìn thấy ông lần đầu tiên sau chiến tranh, họ “đã sửng sốt trước những gì mình nhìn thấy — dường như con trai họ đã già đi mấy chục tuổi.”
Diễn viên Stewart mang theo cơn thịnh nộ và nỗi đau của mình vào bộ phim tiếp theo, có tên là “It’s a Wonderful Life” (Một cuộc sống tuyệt vời). Bạn hãy xem phân cảnh mà ông trở nên giận dữ trước mặt gia đình mình, và bạn sẽ thấy điều đó.
Tuyển thủ bóng chày ‘The Splendid Splinter’
Giống như nam diễn viên Jimmy Stewart, và cũng như nhiều tuyển thủ bóng chày của các giải đấu lớn khác, ông Ted “The Splendid Splinter” Williams gác lại cây gậy và đôi găng tay của mình trong Đệ nhị Thế chiến và cuối cùng trở thành giảng viên cho các phi công của Thủy quân Lục chiến.
Tuy nhiên, khác với bất cứ tuyển thủ bóng chày nào, ông Williams được gọi trở lại Thủy quân lục chiến trong cuộc xung đột Triều Tiên, lần này ông phục vụ với tư cách là phi công lái chiến đấu cơ. Ông thực hiện 39 phi vụ chiến đấu. Trong khoảng thời gian đó, phi cơ của ông bị hư hỏng ba lần vì hỏa lực của kẻ địch. Một lần nọ, ông đã hạ cánh chiếc phi cơ của mình khi nó bốc cháy vì trúng đạn. Phi hành gia tương lai John Glenn, người phục vụ trong cùng phi đội với ông Williams, hồi tưởng: “Ông ấy chạy xuống phần boong dưới của phi cơ. Khi ông có thể nhảy ra ngoài và chạy khỏi đầu cánh, chiếc phi cơ [lúc đó] đã cất cánh trên đường băng khoảng 1,500 feet (~ 500m). Cũng như lòng ngưỡng mộ tôi dành cho sự nghiệp bóng chày của ông, với tôi, Ted sẽ luôn là một phi công lái chiến đấu cơ của Thủy quân lục chiến.”
Sau nhiệm vụ thứ hai này với Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ (USMC), ông Williams trở lại sân bóng chày và chơi thêm bảy mùa giải trọn vẹn. Năm 1966, ông được vinh danh tại Đại sảnh danh vọng của môn bóng chày.
Các vận động viên khác từng phục vụ trong quân đội: các võ sĩ quyền anh như Joe Lewis, các tuyển thủ bóng chày như Warren Spahn và Jackie Robinson, và ngôi sao bóng đá Roger Staubach. Cầu thủ bóng bầu dục từng được giải thưởng Rookie of the Year ở mùa giải Buffalo Bills 1968 Bob Kalsu đã tử trận trong một cuộc tấn công bằng súng cối ở Việt Nam. Sau ngày 11/09, hậu vệ Pat Tillman của câu lạc bộ Arizona Cardinals rời khỏi sân banh để gia nhập Lục quân. Năm 2004, anh qua đời tại vùng núi của Afghanistan vì trúng đạn của đồng đội.
Cái bắt tay với những linh hồn đã khuất
Một trong những phong tục vào Ngày Cựu Chiến Binh là gửi lời tri ân đến những người đàn ông và phụ nữ trong các cộng đồng của chúng ta, những người đã và đang phục vụ quốc gia với tư cách là thành viên trong lực lượng vũ trang. Năm nay, khi chúng ta trao cái bắt tay cùng lời tri ân, chúng ta nên nhớ rằng phía sau người cựu chiến binh đó là hàng triệu cuộc đời khác, hầu hết trong số họ đã yên nghỉ từ lâu. Nhờ có những chiến công và sự hy sinh của họ, chúng ta đã giành được chiến thắng và bảo vệ nền tự do. Đúng vậy, một vài trong số họ là người nổi tiếng, nhưng đại đa số là công dân bình thường, nông dân và chủ cửa hiệu, sinh viên và văn thư, công nhân nhà máy và nhân viên bàn giấy.
Họ là những người đàn ông đi chân trần đã chịu đựng mùa đông khắc nghiệt ở Thung lũng Forge. Họ là những quân nhân đã chiến đấu và đổ máu trong Trận chiến Antietam, Gettysburg, và Chickamauga. Họ là những thủy thủ điều khiển những con tàu ở Vịnh Mobile và đương đầu với tàu lặn của Đức trong Trận chiến Đại Tây Dương. Họ là những phi công đánh bại quân đội Nhật Bản trong Trận chiến Midway và nhờ đó xoay chuyển cục diện của Chiến tranh Thái Bình Dương. Họ là những binh lính của Thủy quân lục chiến đã đột kích những hòn đảo tử thần với những cái tên nghe lạ tai như đảo Guadalcanal, đảo Saipan, và đảo Okinawa.
Họ là những người lính bộ binh giúp đánh bại quân Đức quốc xã ở Pháp vào năm 1917, và là những binh sĩ Mỹ làm được điều đó một lần nữa vào năm 1944. Họ là những người lính thủy quân lục chiến vất vả băng qua những cánh đồng lúa và rừng rậm nhiệt đới ở Việt Nam, tuần tra trên những vùng đồng bằng, đồi núi, và sa mạc ở Iraq và Afghanistan.
Nhóm biên dịch Văn hóa - Đời sống Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times