Hồi sinh một di sản đã mất: Kinh Thánh và văn hóa Tây phương
Kinh Thánh là trụ cột của nền văn minh Tây phương, ấy vậy mà có tới 12% người Mỹ tin rằng Thánh Joan xứ Arc là vợ của ông Noah.
Trong bộ tiểu thuyết “Custer of the West” (Custer của Phương Tây) của tác giả H.W Crocker, nhân vật George Custer sống sót sau trận chiến Little Big Horn và lang thang khắp miền Tây dưới cái tên giả là Armstrong Armstrong. Trong phần III “Armstrong and the Mexican Mystery” (Armstrong và Bí Ẩn ở Mexico), Armstrong cùng vài người bạn đồng hành đến Mexico, tìm kiếm kho báu bị thất lạc và cuối cùng chiến đấu với hậu duệ của người Atlantis cổ đại dưới lòng đất, những người có triết lý tương đồng với những kẻ cực đoan thời nay đang tìm cách hủy diệt nền văn minh Tây phương.
Tác giả Crocker miêu tả nhân vật Armstrong là một người đàn ông tận tụy với sứ mệnh và xem trọng danh dự, nhưng cũng là người bốc đồng và quá tự tin về bản thân đến mức đôi khi trở nên lố bịch. Ví như, xuyên suốt những trò đùa, các cuộc phiêu lưu, và những màn hài hước trong cuốn tiểu thuyết này, Armstrong thường đọc sai các câu và truyện tích Kinh Thánh. Có lúc, ông nói: “Ngựa là người bạn tốt nhất của con người. Tôi không dám trích dẫn Kinh Thánh trước mặt Cha Goncalves, nhưng như Kinh Thánh viết rằng, con người sống một mình là không tốt, đó là lý do mà Chúa đã tạo ra loài ngựa — và loài chó.” Sau này, Armstrong còn lồng ghép câu châm ngôn của tác giả Samuel Johnson vào Kinh Thánh: “Như phán quan Samson từng nói với nàng Delilah, ‘Thưa bà, hãy tin vào điều này, khi một người biết rằng anh ta sẽ bị treo cổ trong hai tuần nữa, thì tâm trí của anh ta sẽ trở nên tập trung một cách cao độ.’” Lật nhanh thêm vài trang nữa, chúng ta sẽ thấy câu: “Tôi nhắc nhở bạn rằng, phán quan Samson đã bị mù mắt trái ở Gaza nhưng vẫn phá hủy một ngôi đền của người Philistine, kết hôn với nàng Delilah, và sinh ra người anh hùng Jason và nhóm các anh hùng Argonaut.”
Rõ ràng ông Crocker có dụng ý kết hợp cả sự kính úy lẫn báng bổ của Armstrong [vào tác phẩm này] nhằm mục đích giải trí. Tuy nhiên, sau khi bắt gặp vài câu nói ngớ ngẩn của ông về Kinh Thánh, thì tôi chợt nảy ra ý nghĩ, “Điều gì sẽ xảy ra nếu một số độc giả mù tịt về Kinh Thánh đến mức họ không nhận ra đây chỉ là những trò đùa?”
Các con số thống kê
Mỗi năm, có khoảng 100 triệu bản Kinh Thánh được in trên toàn thế giới. Có tầm hai mươi triệu bản được bán ra hằng năm ở Hoa Kỳ. Năm 2017 tại Mỹ quốc đây, cứ mười gia đình thì có khoảng chín gia đình sở hữu Kinh Thánh. Trong số đó, trung bình mỗi nhà có ba cuốn Kinh Thánh.
Dẫu vậy, khi tìm kiếm trực tuyến cụm từ “biblical illiteracy” (không hiểu biết về Kinh Thánh), thì sẽ có vô số các trang web xuất hiện, gần như toàn là các trang web Cơ Đốc Giáo, than thở về tình trạng thiếu hiểu biết Kinh Thánh ở những người Mỹ có đi nhà thờ. Trên những trang web này, các nhà bình luận, nhà thăm dò ý kiến, và các nhà thuyết giáo tiết lộ số tín hữu đọc và hiểu Kinh Thánh ít ỏi đến mức nào.
Sự thiếu hiểu biết này càng được nhìn thấy rõ hơn khi chúng ta chuyển từ thánh đường sang văn hóa thế tục. Điển hình như, có 12% người Mỹ trưởng thành tin rằng Thánh Joan xứ Arc là vợ của ông Noah. Một số lượng lớn người đã trả lời thông qua một cuộc khảo sát rằng, mục sư Billy Graham là người đã thuyết giảng “Bài giảng trên Núi” (Sermon on the Mount). Khoảng 60% người Mỹ không thể liệt kê quá năm trong số mười điều răn.
Trong một bài báo có trích dẫn những số liệu này và nhiều số liệu thống kê khác, nhà thần học kiêm mục sư Albert Mohler đã viết như sau: “Không nên quá kỳ vọng rằng những người Mỹ thế tục có hiểu biết cặn kẽ về Kinh Thánh.”
Đối với những người trân trọng nền văn hóa Tây phương, quan sát ngẫu nhiên của Tiến sĩ Mohler đưa đến một sự bất đồng.
Một di sản bị bỏ quên
Từ thuở thiếu thời, tôi đã được nghe rằng thành Athens và thành Jerusalem là hai trụ cột của nền văn minh Tây phương. Athens là nơi khai sinh ra nền dân chủ và triết học Tây phương, còn Jerusalem là nơi sinh ra di sản Do Thái-Kito Giáo của chúng ta. Trong các lớp học lịch sử Mỹ quốc trong chương trình cử nhân của tôi, và từ những cuốn sách mà tôi từng đọc, tôi biết rằng có rất nhiều vị Tổ phụ Lập quốc của chúng ta — như ngài Thomas Jefferson, ngài James Madison, và ngài John Adams — là những người am tường cả các kinh điển lẫn Kinh Thánh, và rằng những ngọn nguồn này của nền văn minh đã ảnh hưởng tới tư tưởng, khả năng diễn thuyết, và tài viết lách của họ.
Theo sau họ là một lượng lớn những người Mỹ vốn đã rất quen thuộc với Kinh Cựu Ước. Bất kể niềm tin tôn giáo của họ là gì, những nhà lãnh đạo như ngài Abraham Lincoln, ngài Thomas “Stonewall” Jackson, ngài Theodore Roosevelt, và ngài Calvin Coolidge đều có thể nhận ra các nhân vật như nhà tiên tri Nathan và Jeremiah, nàng Rebecca và góa phụ Judith, Vua David, và các Tông đồ. Chưa kể đến hàng triệu người Mỹ khác, một lần nữa [chúng ta] không xét đến hàng loạt đức tin tôn giáo khác nhau của họ, đều biết đến những câu chuyện tương tự. Những câu thành ngữ như “Già như Methuselah” hay “quăng hột trai trước mặt heo” (to cast pearls before swine) từng rất phổ biến trên khắp xứ xở này.
Giờ đây, những sợi dây liên kết này gần như đã biến mất. Học thuyết về sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước, sự nhấn mạnh vào chủ nghĩa đa văn hóa, và cuộc chiến tuyên truyền lâu dài mà các ngành nghệ thuật và văn hóa của chúng ta tiến hành nhằm vào “những người sùng bái Kinh Thánh” (Bible-thumpers), đã phủ bóng mây đen lên Kinh Thánh vốn có vai trò như một tài liệu chính của nền văn minh, cũng như làm suy yếu tầm quan trọng của Kinh Thánh đối với luật pháp, lịch sử, nghệ thuật, và các chuẩn tắc đạo đức của chúng ta.
Nhà tiên tri Moses và danh họa Michelangelo
Hơn 30 năm trước, một người vô thần khoảng 80 tuổi nơi quê nhà của tôi đã khởi xướng một chiến dịch nhằm loại bỏ Mười Điều Răn ra khỏi tòa án. Ông ta phản đối vì Mười Điều Răn, tác phẩm được khắc trên hai phiến đá cẩm thạch và lắp cố định trên bức tường trong tòa án từ hơn sáu thập niên trước, gợi nhắc về một vị Thần. Ông ta đã qua đời trước khi quyết định cuối cùng của tòa án được ban bố.
Người đàn ông này gần như không tôn trọng pháp luật hay lịch sử. Mười Điều Răn, và sau đó là một số lời dạy trong Kinh Tân Ước, là nền tảng cơ bản để chúng ta hiểu về luật pháp và thậm chí là cả chính phủ. Nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như thông luật Anh, cũng tham gia vào tiến trình phát triển đó, tuy nhiên “Thou shalt not kill” (Chớ giết người) và “Thou shalt not steal” (Chớ lấy của người) vẫn là xương sống của hệ thống pháp luật của chúng ta. Những lời dạy trong Kinh Tân Ước như “Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình,” công lý cho người bị áp bức, và giúp đỡ người nghèo khó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách hành xử của chúng ta và của chính phủ.
Từ thời kỳ thuộc địa cho đến những năm đầu thế kỷ thứ 20, người Mỹ cũng viện dẫn các câu chuyện, cách ngôn, và bài học từ Kinh Thánh để thúc đẩy các biến đổi xã hội. Ví như, những người nô lệ có hiểu biết về Kinh Thánh đã tôn Moses là người hùng của họ và hát các bài ca về tự do được sáng tác dựa trên Kinh Thánh, như “Go Down, Moses” và “Swing Low, Sweet Chariot,” cùng với đó tạo ra cả một thể loại âm nhạc gọi là: “âm nhạc tâm linh” (spirituals). Các nhà hùng biện và nhạc sĩ thời Nội Chiến thường đưa những viện dẫn Kinh Thánh vào các buổi biểu diễn của họ. Những câu nói phổ biến vào thời đó như — “người mù dẫn đường cho người mù,” “sói đội lốt cừu,” “chiến đấu vì chính nghĩa,” và nhiều hơn nữa — đều bắt nguồn từ Kinh Thánh và đến nay vẫn còn được sử dụng.
Trong lĩnh vực nghệ thuật, chúng ta cũng nhận được các ân huệ tương tự. Bức tranh “David” của danh họa Michelangelo, “The Last Supper” (Bữa ăn tối cuối cùng)” của danh họa da Vinci, trường ca “The Divine Comedy” (Thần khúc) của Dante, trước tác “The Pilgrim’s Progress” (Tiến Trình của Người Hành Hương) của Bunyan, bản hợp xướng “Messiah” của Handel, bài thơ “Journey of the Magi (Hành Trình của Nhà Thông Thái) của T.S. Eliot — đây mới chỉ là một trong ít các tác phẩm có liên quan đến Kinh Thánh. Bản thân điều này cũng đủ để đưa Kinh Thánh xếp vào hàng một trong những kiệt tác nghệ thuật vĩ đại của thế giới. Nhiều nhà thơ và nhà soạn nhạc đã lấy cảm hứng từ các bài Thánh Vịnh, và hàng trăm nhà văn khác từ Shakespeare cho đến nữ văn sĩ người Mỹ Marilynne Robinson đã cảm nhận được sức ảnh hưởng của những câu cách ngôn, phép ẩn dụ, và lối so sánh trong Kinh Thánh, từ đó đã đưa những điều này vào các tác phẩm văn chương của mình.
Kinh Thánh là Văn học và Lịch sử
Khi tôi dạy các khóa học Lịch sử Âu Châu Nâng cao cho những học sinh học tại gia, chúng tôi sẽ đọc “The Communist Manifesto” (Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản). Tôi chọn tài liệu này không phải vì muốn tán dương chủ nghĩa cộng sản, thay vào đó là để cung cấp cho giới trẻ các ngôn từ và triết lý mà đã càn quét khắp toàn cầu trong thế kỷ 20, sát hại hơn 100 triệu người và cầm tù toàn bộ dân chúng ở nhiều quốc gia. Trong các lớp học lịch sử thế giới, chúng tôi đã xem xét về Ấn Độ Giáo, Phật Giáo, và Hồi Giáo, nhận thức được tầm quan trọng của các tôn giáo này trong lịch sử và nghệ thuật, đồng thời tìm hiểu sức ảnh hưởng của những tôn giáo đó đối với các tín đồ.
Chúng ta có thể nâng cao kiến thức của mình về Kinh Thánh, nhờ đó nâng tầm hiểu biết về cội nguồn Do Thái – Kito Giáo của mình bằng cách tiếp cận tương tự. Cho dù chúng ta là người có đức tin hay không, chúng ta đều có thể đọc Kinh Thánh vì lịch sử, vì những câu chuyện, và sự thông thái chứa đựng trong đó. Chúng ta đều có thể chìm đắm trong sách Cách Ngôn và các bài Thánh Vịnh, chúng ta có thể học các bài học về khả năng lãnh đạo mà Vua David và Tông đồ Paul đã dạy, và chúng ta có thể hiểu biết sâu sắc hơn về quá khứ thông qua các sự kiện lịch sử được tìm thấy xuyên suốt Kinh Thánh.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times