Ủy ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ: ĐCSTQ tiếp tục bức hại các học viên Pháp Luân Công
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố một báo cáo mới và danh sách các nạn nhân bị đàn áp tín ngưỡng trên khắp thế giới.
Báo cáo nêu rõ chính quyền cộng sản Trung Quốc tiếp tục bức hại các học viên Pháp Luân Công bằng cách nhắm vào họ với những cáo buộc liên quan đến việc thực hành các tín ngưỡng mà Đảng Cộng sản vô thần coi là không thể chấp nhận được. USCIRF đã nêu tên bà Hứa Na (Xu Na), một học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc trong danh sách nạn nhân tín ngưỡng của họ.
Theo tiểu sử về danh sách nạn nhân của Bộ Ngoại giao và hồ sơ vụ án trên Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi cuộc đàn áp Pháp Luân Công, bà Hứa Na là một họa sĩ chuyên nghiệp cư trú tại Bắc Kinh. Bà bị cảnh sát Bắc Kinh bắt cóc và giam giữ vào ngày 19/07/2020. Tòa án Nhân dân Đông Thành, Bắc Kinh đã kết án bà 8 năm tù và phạt 20,000 nhân dân tệ (2,864 USD), khi trích dẫn một điều khoản trong bộ luật hình sự của Trung Quốc cộng sản cấm các nhóm tín ngưỡng mà chính quyền này xem là không thể chấp nhận được.
Hiện tại, bà đang bị giam giữ tại Nhà tù Quận Đông Thành ở Bắc Kinh. Các thành viên trong gia đình không được phép đến thăm hoặc liên lạc với bà.
Bà Hứa đã bị bỏ tù từ năm 2001 đến năm 2006 vì cung cấp chỗ ở cho các học viên Pháp Luân Công khác. Bà bị tra tấn, bị ép lao động khổ sai và bị ngược đãi trong tù. Bà và chồng bị công an của chính quyền giam giữ vào năm 2008. Bà bị cầm tù ba năm.
Chồng bà, ông Vu Trụ (Yu Zhou), một nhạc sĩ nổi tiếng ở Bắc Kinh và là một học viên Pháp Luân Công, đã bị tra tấn đến thiệt mạng trong khi bị giam giữ vào ngày 06/02/2008.
Pháp Luân Công, còn được biết đến với tên gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần của Trung Quốc gồm các bài tập chậm rãi, đơn giản cùng các bài giảng dựa trên nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Pháp môn này đã trở nên phổ biến trong những năm 1990, với 70 đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc vào cuối thập niên 90, theo ước tính tại thời điểm đó.
Cảm thấy bị đe dọa bởi sự phổ biến của pháp môn này, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và lãnh đạo đảng đương nhiệm lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân đã khởi xướng một chiến dịch đàn áp có hệ thống vào tháng 07/1999. Kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp. Tuy nhiên, môn tu luyện này được thực hành tự do ở nhiều quốc gia và đã nhận được sự khen ngợi từ các quan chức trên khắp thế giới.
Mở rộng danh sách để biện minh cho việc bức hại
Các tòa án của chính quyền áp dụng điều 300 của Bộ luật Hình sự trong luật pháp Trung Quốc, trừng phạt những người tham gia vào các tổ chức “dị giáo” bằng các hình phạt tù nặng. Chính quyền cũng công bố danh sách các nhóm như vậy vài năm một lần. Tuy nhiên, dù có tên trong danh sách này hay không, các nhóm tín ngưỡng cũng đã bị các tòa án Trung Quốc trừng phạt khi trích dẫn điều khoản đó. Cả điều khoản này và danh sách công bố kể trên đều đã được chính quyền sử dụng như một phương tiện để phỉ báng và đàn áp tôn giáo.
Trong hơn 20 năm, bất chấp cuộc đàn áp và những tuyên truyền thù hận, Pháp Luân Công không bị liệt kê thành nhóm dị giáo trong bất kỳ bộ luật và quy định nào của chính quyền, điều này khiến cuộc đàn áp trở nên bất hợp pháp.
Tuy nhiên, vào ngày 26/07/2022, chính quyền này đã lặng lẽ mở rộng danh sách, thêm Pháp Luân Công vào vị trí số một trong danh sách mới được công bố, nhằm biện minh cho cuộc đàn áp tín ngưỡng.
Các học giả và các trang web nhân quyền quốc tế đã kêu gọi sự chú ý đến việc chính quyền sử dụng danh sách này như một công cụ để đàn áp tín ngưỡng ở Trung Quốc.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times