Những câu chuyện về lạm dụng, sát nhân do nhà nước hậu thuẫn được phơi bày tại Hội nghị Tự do Tôn giáo
Vào thời điểm Bắc Kinh bỏ ra cả trăm triệu dollar để dàn dựng một khung cảnh đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022 rực rỡ sắc màu, thì bà Quý Vân Chi (Ji Yunzhi) đang nằm hấp hối trong một bệnh viện ở phía bắc Trung Quốc. Bà gần như không thể thở được, sau khi phải chịu những đợt tra tấn liên tiếp đe dọa buộc bà phải từ bỏ đức tin của mình.
Bà đã trải qua tháng cuối cùng của đời mình tại bệnh viện này với tay và chân đều bị còng vào giường bệnh, còn mũi của bà đã bị một ống dây cao su xuyên qua.
Người phụ nữ 65 tuổi này đã qua đời 48 ngày sau khi bị bắt và giam giữ vào dịp Tết Nguyên Đán năm nay, một trong những đợt hành hạ thể xác và tinh thần mà bà đã phải chịu đựng trong hơn hai thập niên qua.
Khi bà qua đời, trên mặt và vai của bà loang lổ những vết máu. Gia đình bà vô cùng đau buồn, họ đã yêu cầu chính quyền giải thích vì sao lại có đến gần 50 công an đứng canh giữ thi thể của bà Quý và giám sát căn nhà của họ. Công an buộc chồng của bà Quý phải cho họ hỏa táng thi thể bị đánh đập và bị hành hạ của vợ ông, thậm chí còn đe dọa sẽ đuổi việc cháu trai của ông khỏi một vị trí trong đội an ninh của chính quyền nếu ông không tuân theo.
Họ cũng cho ông xem những bức ảnh của con trai ông, anh Trương Tiểu Long, tham dự các sự kiện của Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ và cảnh báo ông rằng họ biết mọi thứ.
Anh Trương, hiện là một kiến trúc sư ở New York, đã chia sẻ câu chuyện về người mẹ quá cố của mình, cũng là một học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, vào ngày cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế hôm 01/02.
Trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh 2008, bà Quý cũng đã bị bắt và bị bỏ tù trong một trại lao động, có thời điểm bà bị giật điện trong hai giờ cho đến khi bà són tiểu. Khuôn mặt của bà cũng bị bỏng do tra tấn.
Mong ước được có Quyền Tự do Tín ngưỡng
Đức tin vào Pháp Luân Công của họ — một môn tu luyện tinh thần giảng dạy việc đồng hóa với các nguyên lý phổ quát chân, thiện, và nhẫn, cùng với bộ công pháp tĩnh tại, khoan thai — đã bị bức hại nặng nề dưới hệ tư tưởng cộng sản vô thần luận của đảng cầm quyền Trung Quốc, vốn đàn áp hầu hết các đức tin tôn giáo, trong hơn 23 năm qua.
Anh Trương nhớ về mẹ mình, người mà anh đã không gặp 19 năm trước khi bà tử vong dưới bàn tay của công an Trung Quốc. Bà là người có trái tim nhân hậu và ân cần. “Vợ của anh trai tôi nói rằng mẹ tôi đã cho cô ấy những thứ mà mẹ ruột của cô ấy không mang lại cho cô,” anh nói với The Epoch Times.
“Mẹ tôi có một ước nguyện mãnh liệt: được tận mắt chứng kiến cảnh chúng tôi có thể thực hành Pháp Luân Công một cách tự do ở Mỹ quốc,” anh nói tại sự kiện trên. Vài năm trước, bà Quý đã cố gắng đến Hoa Kỳ thăm anh nhưng bà không được cấp sổ thông hành chỉ vì đức tin của mình.
“Giờ thì mẹ tôi sẽ không bao giờ có cơ hội đó nữa,” anh nói.
Anh Trương nói với khán giả rằng gia đình anh là một trong hàng triệu gia đình phải chịu cảnh ly tán trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công mà đảng cộng sản Trung Quốc gây ra, đồng thời lưu ý rằng đã có hơn 4,900 trường hợp được ghi nhận là các học viên tử vong do bị tra tấn hoặc bị lạm dụng, cũng như một số lượng không thể kể đếm các nạn nhân của tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước hậu thuẫn, tất cả chỉ vì họ không từ bỏ đức tin và quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và quyền được thực hành đức tin của mình.
“Những gì chính quyền cộng sản Trung Quốc đã làm với Pháp Luân Công, trong đó có mẹ tôi, là một tội ác diệt chủng và phản nhân loại.”
Bà Beth Van Schaack, Đại sứ Lưu động của Hoa Kỳ về Tư pháp Hình sự Toàn cầu, đã nêu bật hành động đàn áp tín ngưỡng của Bắc Kinh trong bài diễn văn của bà một ngày trước đó.
Bên cạnh việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương phía tây Trung Quốc, mà Hoa Kỳ và một số quốc gia khác đã xem là một cuộc diệt chủng, “trên khắp Trung Quốc rộng lớn hơn, cuộc đàn áp tôn giáo cũng nhắm vào các Phật tử Tây Tạng, các học viên Pháp Luân Công, các tín hữu Cơ Đốc, và rất nhiều người khác chỉ là đang tìm cách thực hành tín ngưỡng của họ trong ôn hòa,” bà nói.
Tự do tôn giáo, nhân quyền là mối quan tâm của lưỡng đảng
Mối lo ngại về nhân quyền của Trung Quốc là một vấn đề nhận được sự quan tâm của các nhà lập pháp từ cánh tả lẫn cánh hữu tại Capitol Hill.
Tại một phiên thảo luận hôm thứ Ba (31/01), Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao, Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) – người từng là một đồng chủ tịch danh dự của quốc hội tại hội nghị thượng đỉnh này, đã lên án “cuộc tấn công toàn diện vào tín ngưỡng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ “tiếp tục đưa quyền tự do tôn giáo lên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Mỹ quốc.”
“Bảo vệ quyền tự do tôn giáo không chỉ là đang làm điều đúng đắn, mà còn là một vấn đề an ninh quốc gia,” ông nói trong một bài diễn văn, đồng thời cho biết thêm rằng ông sẽ cố gắng làm sáng tỏ những hành vi lạm dụng trên khắp thế giới, buộc những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm và giúp đỡ cộng đồng Hoa kiều ở Mỹ quốc, những người có thân nhân và bằng hữu bị bức hại vì đức tin của họ ở ngoại quốc.
Khi được hỏi rằng có những lo ngại về việc chính quyền Trung Quốc xuất cảng ảnh hưởng đàn áp của mình ra ngoại quốc, ông McCaul cũng đề cập đến hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức và bộ máy giám sát công nghệ cao phổ biến ở Trung Quốc, mà hàng chục quốc gia đã áp dụng.
“Họ có Sinh trắc học để theo dõi tất cả người dân của họ ở Trung Quốc. Quý vị biết đấy, cấy ghép nội tạng — nơi mà họ cưỡng bức người dân và chích thuốc an thần cho họ rồi lấy nội tạng của họ ra, điều đó thật kinh khủng,” ông nói.
Nhắc lại quan điểm của mình, Dân biểu Jim McGovern (Dân Chủ-Massachussetts) nhấn mạnh Hoa Kỳ cần “đưa ra vấn đề nhân quyền này ở mọi cấp độ,” kể cả “khi chúng ta đang thực hiện các dự luật thương mại” và “đầu tư vào các khu vực khác của thế giới.”
Ở một “đất nước đàn áp người dân của họ vì bất cứ lý do gì,” ông nói, “Về lâu dài sẽ có bạo lực và bất ổn. Vậy nên, nhắm mắt làm ngơ trước sự áp bức khủng khiếp này cũng sẽ không giúp gì cho lợi ích của chúng ta.”
‘Đơn độc giữa thế giới này’
Một người tìm kiếm sự giúp đỡ tại hội nghị thượng đỉnh nói trên là em Trần Pháp Duyên (Grace Chen), một sinh viên âm nhạc 17 tuổi ở New York.
Em Trần chơi đàn nhị hồ, một loại nhạc cụ có dây của Trung Quốc. Cả cha và mẹ của em đều bị bắt ở Trung Quốc cộng sản vì đức tin của họ vào mùa thu năm 2020. Hơn hai năm rồi mà em vẫn không thể liên lạc được với họ.
Em cho biết tại hội nghị thượng đỉnh, “Cháu đã lưu lại mỗi từng bài báo về việc cha mẹ cháu bị bắt vào phần bookmark trong máy điện toán xách tay của mình. Cháu cảm thấy như bây giờ, cháu [nguyên văn] hoàn toàn đơn độc giữa thế giới này.”
Các thầy cô giáo và bạn học đã viết rất nhiều thư gửi cho cha mẹ bị giam giữ của em. Em nói rằng, ngay cả khi những bức thư đó có thể không đến tay họ, thì chí ít, em muốn công an ở Trung Quốc biết rằng vẫn có người quan tâm đến trường hợp của cha mẹ em. Tuy nhiên, nếu những lời tâm sự của em có thể đến được với họ, thì em muốn gửi lời xin lỗi đến cha mẹ mình vì đã không đủ lưu tâm đến sự an toàn của họ.
“Có phải họ đã tìm thấy vị trí của mẹ bởi vì con gọi điện nhiều cho mẹ không? Con xin lỗi vì đã không cẩn thận hơn. Nếu con gọi cho mẹ ít hơn, có phải giờ đây mẹ vẫn bình an ở nhà không?” em nói với mẹ trong trí tưởng tượng của mình.
Em Trần kể lại, trước khi em chào đời, công an đã đánh cha em đến nỗi rụng hết răng vì ông tu luyện Pháp Luân Công.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times