TT Biden vinh danh những người lính Mỹ đã hy sinh trong bài diễn văn về Lễ Chiến sĩ Trận vong
Ông kêu gọi người Mỹ ‘ghi nhớ và tôn vinh sự hy sinh của hàng trăm ngàn quân nhân đã cống hiến cuộc đời mình cho đất nước này.’
Hôm 27/05, Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ lòng kính trọng đối với các quân nhân đã hy sinh trong bài diễn văn của ông về Lễ Chiến sĩ Trận vong tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở Arlington, Virginia. Ông nói rằng họ đã “chiến đấu vì một tương lai dựa trên tự do, dân chủ, cơ hội và bình đẳng.”
Mở đầu bài diễn văn của mình, ông nói: “Chúng ta tập trung tại địa điểm thiêng liêng này, vào thời điểm trọng đại này, để tưởng nhớ và tôn vinh sự hy sinh của hàng trăm ngàn quân nhân đã cống hiến cuộc đời mình cho đất nước này.”
“Mỗi người đều gắn bó với một cam kết chung chứ không gắn bó với một địa điểm, một cá nhân, một tổng thống. Họ gắn bó với một ý tưởng, không giống bất kỳ ý tưởng nào trong lịch sử nhân loại, đó là ý tưởng về Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.”
Lễ Chiến sĩ Trận vong được chính thức tuyên bố vào năm 1868 để tôn vinh những người lính Liên minh và Liên bang trong cuộc Nội Chiến. Sau Đệ nhất Thế chiến, ngày này được mở rộng để tưởng nhớ tất cả những người đã hy sinh khi thực hiện nghĩa vụ trong quân ngũ.
Hơn một triệu quân nhân đã ngã xuống khi phục vụ trong quân đội kể từ khi cuộc Nội Chiến bắt đầu vào năm 1861. Cuộc Nội Chiến khiến Hoa Kỳ chịu con số thương vong cao nhất so với bất kỳ cuộc chiến nào, với ít nhất 500,000 người thiệt mạng, theo ước tính của Cơ quan Thống kê Dân số Hoa Kỳ.
Trong bài diễn văn của mình, Tổng thống Biden cũng ngầm chỉ trích đối với đối thủ của mình, cựu Tổng thống Donald Trump, như ông đã làm trong những ngày gần đây.
“Nền dân chủ của chúng ta không chỉ là một hệ thống chính phủ. Đó chính là linh hồn của nước Mỹ. Đó là cách chúng ta có thể liên tục thích ứng trong nhiều thế kỷ,” tổng thống nói.
“Và cũng như những anh hùng đã hy sinh của chúng ta đã giữ trọn niềm tin tối thượng với đất nước và nền dân chủ của chúng ta, chúng ta cũng phải giữ vững niềm tin với họ,” ông nói thêm.
Tổng thống Biden cũng tưởng nhớ con trai mình, ông Beau, một cựu công tố viên liên bang đã qua đời vì bệnh ung thư hồi năm 2015.
“Tuần này đánh dấu chín năm kể từ khi tôi mất người con trai mình, Beau. … Cậu ấy không tử trận trên chiến trường. Cậu ấy là nạn nhân của bệnh ung thư do hệ quả từ việc phục vụ trong quân đội ở Iraq một năm bên cạnh một hố đốt rác thải quân sự,” ông nói.
Gần đây, Tổng thống Biden và chiến dịch tranh cử của ông đã tăng cường nỗ lực thu hút các cựu chiến binh vốn lâu nay vẫn ủng hộ Đảng Cộng Hòa.
Tổng thống nói tại buổi lễ, “Kể từ khi tôi nhậm chức, tôi đã ký hơn 30 dự luật lưỡng đảng để giúp đỡ quân nhân, cựu chiến binh và gia đình của họ, những người chăm sóc, và những người sống sót.”
Ông đã bắt đầu một loạt sự kiện vào tuần trước tập trung vào các cựu chiến binh và quân nhân. Hôm 21/05, ông đã có bài diễn văn ở New Hampshire, đánh dấu một cột mốc quan trọng cho Đạo luật PACT, một luật lưỡng đảng mà ông đã ký hai năm trước để mở rộng việc chăm sóc sức khỏe và phúc lợi cho các cựu chiến binh bị phơi nhiễm với các hố đốt rác thải quân sự và các chất độc hại khác.
Tổng thống thông báo rằng Bộ Cựu chiến binh đã phê chuẩn hơn một triệu yêu cầu bồi thường theo Đạo luật PACT.
Hôm 25/05, Tổng thống Biden cũng đã có một bài diễn văn khai mạc tại lễ tốt nghiệp của Học viện Quân sự Hoa Kỳ tại West Point, ngoại ô New York. Tổng thống đã đọc diễn văn trước 1,000 học viên tốt nghiệp từ học viện 222 năm tuổi này, những người đã gia nhập hàng ngũ Quân đội Hoa Kỳ với tư cách sĩ quan.
Ông đã khuyến khích các tân binh giữ vững những giá trị mà họ học được tại West Point và, quan trọng nhất là lời thề của họ.
Tổng thống Biden nói, “Ngay ngày đầu tiên ở West Point, các vị đã giơ tay phải và tuyên thệ – không phải với một đảng phái chính trị, không phải với một tổng thống, mà với Hiến Pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ – chống lại mọi kẻ thù, trong nước và ngoại quốc.”
Lễ Chiến sĩ Trận vong Quốc gia lần thứ 156 bắt đầu bằng nghi thức đặt vòng hoa truyền thống. Tháp tùng Tổng thống Biden có Phó Tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
“Vũ khí và công nghệ của chúng ta là điều mà thế giới ao ước. Nhưng cuối cùng, tài sản chiến lược lớn nhất của Hoa Kỳ sẽ luôn là con người của chúng ta,” ông Austin nói trong bài diễn văn tại buổi lễ.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The epoch Times