TT Assad của Syria đến thăm Trung Quốc để tìm cách thoát khỏi sự cô lập ngoại giao
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đến thành phố Hàng Châu phía đông của Trung Quốc, bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới quốc gia Châu Á này kể từ năm 2004 khi ông đang có những bước tiến xa hơn nhằm chấm dứt hơn một thập niên cô lập ngoại giao dưới các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông Assad đến trên một chiếc phi cơ của Air China trong điều kiện sương mù dày đặc. Nhà lãnh đạo Syria này hiếm khi xuất hiện bên ngoài đất nước kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người.
Ông dự kiến sẽ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Châu Á, cùng với hơn chục quan chức ngoại quốc, trước khi dẫn đầu một phái đoàn tới tham dự các cuộc họp ở một số thành phố của Trung Quốc, bao gồm cả một hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Một thành viên của phái đoàn Syria vốn sẽ tham dự các cuộc họp khác theo lịch trình tại Bắc Kinh vào ngày Chủ Nhật (24/09) và thứ Hai (25/09), cho biết ông Assad sẽ gặp ông Tập vào thứ Sáu (22/09), một ngày trước khi Tổng thống Syria tham dự lễ khai mạc Thế vận hội.
Lần gần đây nhất ông Assad đến thăm Trung Quốc là vào năm 2004 để gặp nhà lãnh đạo đương thời Hồ Cẩm Đào. Đó là chuyến công du đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Syria kể từ khi mối quan hệ ngoại giao được thiết lập vào năm 1956.
Trung Quốc, giống như các đồng minh chính của Syria là Nga và Iran, vẫn duy trì các mối quan hệ đó.
Chuyến công du kéo dài nhiều ngày của ông Assad tới Trung Quốc sẽ đánh dấu một trong những đợt vắng mặt dài nhất của ông ở Syria kể từ khi cuộc nội chiến ở nước ông nổ ra.
Ông Assad phải đối mặt với các lệnh trừng phạt do Úc, Canada, châu Âu, Thụy Sĩ, và Hoa Kỳ áp đặt, nhưng những nỗ lực áp dụng các biện pháp trừng phạt đa phương không nhận được sự ủng hộ đồng lòng tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nơi có Trung Quốc và Nga là thành viên.
Trung Quốc đã ít nhất 8 lần phủ quyết các kiến nghị của Liên Hiệp Quốc lên án chính quyền của ông Assad và nhằm để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập niên đã lôi kéo sự tham gia của các nước lân bang và cường quốc thế giới.
Không giống như Iran và Nga, Trung Quốc không trực tiếp trợ giúp cho những nỗ lực của chính quyền ông Assad nhằm giành lại quyền kiểm soát đất nước.
Các tài sản dầu mỏ
Syria có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc vì nước này nằm giữa Iraq, quốc gia cung cấp khoảng 1/10 lượng dầu mỏ của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, điểm cuối cùng của các hành lang kinh tế trải dài từ châu Á đến châu Âu, và Jordan, quốc gia thường làm trung gian hòa giải các tranh chấp trong khu vực.
Mặc dù Syria là một nước sản xuất dầu mỏ tương đối nhỏ, nhưng doanh thu của nước này lại đóng vai trò then chốt đối với chính quyền của ông Assad.
Trong những năm 2008 và 2009, các tập đoàn năng lượng quốc doanh lớn của Trung Quốc là Sinopec Corp., Sinochem, và CNPC đã đầu tư tổng cộng 3 tỷ USD vào Syria, do được thúc đẩy bởi lời kêu gọi mua lại các tài sản dầu khí toàn cầu từ phía Bắc Kinh.
Những khoản đầu tư trên bao gồm thương vụ mua lại Tanganyika Oil, một nhà sản xuất dầu nặng nhỏ, trị giá 2 tỷ USD của Sinopec và thương vụ mua lại Emerald Energy có trụ sở tại London, có tài sản chủ yếu ở Syria và Colombia, với giá gần 900 triệu USD của Sinochem.
Đối tác Gulfsands Petroleum của Sinochem cho biết, năm 2011, Sinochem đã ngừng các hoạt động tại Syria.
Các lãnh đạo của CNPC cho biết vào khoảng năm 2014, CNPC, công ty tham gia sản xuất dầu mỏ tại một số cơ sở nhỏ, cũng đã ngừng sản xuất, sau các lệnh trừng phạt của Liên minh Âu Châu và việc Hoa Kỳ khai triển quân tới Syria để chống lại nhóm khủng bố ISIS.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times