Bị tấn công, lực lượng Hoa Kỳ ở Syria đối mặt với khu vực ngày càng bất ổn
Khi tình trạng bất ổn tại Syria và sự sắp xếp lại địa chính trị ngày càng tồi tệ, thì áp lực đối với sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực này cũng lớn hơn.
Hôm 24/03, Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ bảo vệ các khí tài quân sự và nhân sự được khai triển ở Syria sau các cuộc tấn công liên tiếp vào các căn cứ của nước này.
Phát ngôn viên An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết trong các bình luận trên truyền hình, “Chúng tôi sẽ làm việc để bảo vệ người dân và các cơ sở của chúng ta tốt nhất có thể.”
Đề cập đến chiến trường Syria, ông cho biết thêm: “Đó là một môi trường nguy hiểm.”
Theo các quan chức Hoa Kỳ, trước đó vào cùng ngày, một căn cứ của Mỹ ở đông bắc Syria đã bị tấn công bằng hỏa tiễn.
Tính đến thời điểm viết tin này, vẫn chưa rõ ai đứng sau vụ tấn công trên, mà ông Kirby cho biết không gây ra bất kỳ thương vong nào.
Một ngày trước đó, một căn cứ của Hoa Kỳ gần thành phố Hasakah, đông bắc Syria đã bị một phi cơ không người lái tấn công, mà các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố là “có nguồn gốc từ Iran.”
Theo Ngũ Giác Đài, cuộc tấn công đó đã khiến một nhà thầu quân sự thiệt mạng và 6 quân nhân bị thương.
Bộ Quốc phòng cho biết trong một tuyên bố, Hoa Kỳ đã đáp trả bằng cách tấn công các vị trí ở miền đông Syria có liên quan đến Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Vương quốc Anh sau đó tuyên bố rằng các cuộc tấn công này đã tiêu diệt 11 chiến binh do Iran hậu thuẫn ở ba khu vực riêng biệt ở miền đông Syria.
Tuy nhiên, các nguồn tin được truyền thông Iran trích dẫn cho biết rằng không có người Iran nào thiệt mạng trong những cuộc tấn công trên.
The Epoch Times không thể xác minh cả hai khẳng định này.
Syria bị chiến tranh tàn phá vẫn là đối tượng thường xuyên của các cuộc tấn công từ ngoài lãnh thổ.
Hôm 22/03, Israel – được coi là một đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ trong khu vực này – đã thực hiện một cuộc không kích nhằm vào phi trường Aleppo phía tây bắc Syria.
Theo các quan chức Syria, cuộc tấn công của Israel đã gây ra “thiệt hại đáng kể về vật chất” và tạm thời đình chỉ hoạt động của phi trường trên.
Đây là cuộc tấn công thứ ba của Israel vào phi trường này trong vòng sáu tháng qua.
Israel thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Syria. Các quan chức Israel tuyên bố các cuộc tấn công này nhằm vào các khí tài quân sự của Iran được khai triển tại nước này.
Kể từ khi được thành lập vào năm 1948, Israel đã tham gia ba cuộc chiến tranh lớn với Syria. Hai nước này chưa bao giờ có có các quan hệ ngoại giao và nói một cách chính xác thì vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Syria lên án cuộc ‘chiếm đóng’ của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ tiếp tục duy trì một sự hiện diện quân sự ở Syria, bao gồm khoảng 900 binh sĩ, với mục đích đã nêu là ngăn chặn sự trỗi dậy của nhóm khủng bố ISIS (nhóm khủng bố Hồi giáo tự xưng IS).
Được cho là một nhánh của Al-Qaeda, ISIS đã khiến thế giới chú ý trong những năm sau năm 2014 khi lực lượng này tràn qua các khu vực rộng lớn của Syria và Iraq.
Đến năm 2019, nhóm khủng bố này đa phần đã bị tiêu diệt, khiến Tổng thống đương thời Donald Trump rút hầu hết quân đội Hoa Kỳ khỏi Syria.
Tuy nhiên, vài trăm binh sĩ vẫn duy trì ở lại nước này, tập trung chủ yếu ở phía đông bắc và tây bắc Syria.
Về phần mình, Damascus xem sự hiện diện quân sự liên tục của Hoa Kỳ là một “sự chiếm đóng” bất hợp pháp.
Đó là một quan điểm mà Iran và Nga đều tán thành, cả hai quốc gia này đều đã duy trì lực lượng quân sự ở Syria – mặc dù theo lời mời của Syria – kể từ năm 2015.
Tuy nhiên, đó cũng là một quan điểm mà thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ tán thành, trong hơn một thập niên, quốc gia này vẫn là một kẻ thù không đội trời chung của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Thổ Nhĩ Kỳ phản đối sự trợ giúp của Hoa Thịnh Đốn dành cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một liên minh gồm các nhóm người Syria đã hợp tác với nhau vào năm 2015 với mục đích bề ngoài là chống lại ISIS.
Thành phần chính của SDF là YPG, một nhóm chiến binh người Kurd mà Ankara nhìn nhận là một nhóm khủng bố.
YPG là một nhánh Syria của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các mục tiêu Thổ Nhĩ Kỳ — dân sự và quân sự — trong suốt lịch sử 45 năm của tổ chức này.
Được Hoa Kỳ hậu thuẫn, SDF hiện kiểm soát phần lớn vùng đông bắc Syria, nơi đã trở thành một vùng đất tự trị trên thực tế, nơi chính phủ Syria có rất ít quyền lực.
Ngày càng thất vọng trước sự giúp đỡ của Hoa Kỳ dành cho YPG, Ankara gần đây đã thực hiện các biện pháp — với sự khuyến khích của Nga — để hòa giải với Damascus.
Hồi tháng 12/2022, các bộ trưởng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tổ chức một cuộc gặp gỡ mang tính bước ngoặt tại Moscow.
Cuộc gặp này được nhiều người kỳ vọng sẽ mở đường cho việc bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ giữa hai nước trên sau một thập niên thù địch.
Việc rút quân tùy thuộc vào ‘sự thất bại hoàn toàn’ của ISIS
Hôm 04/03, Tướng quân đội Hoa Kỳ Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã đến thăm quân đội được điều động ở Syria để đánh giá các quy định về an ninh và các nỗ lực chống ISIS.
Trong chuyến thăm này, ông Milley cho biết việc Hoa Kỳ tiếp tục hiện diện ở Syria xứng đáng với những rủi ro liên quan.
Ông nói với các phóng viên: “Việc đánh bại IS lâu dài và tiếp tục trợ giúp các bằng hữu và đồng minh của chúng ta trong khu vực này… là những nhiệm vụ quan trọng có thể thực hiện được.”
Damascus gọi chuyến thăm của ông Milley là một “sự vi phạm trắng trợn” chủ quyền của Syria, trong khi Ankara triệu tập đại sứ Hoa Kỳ để bày tỏ sự không hài lòng với hành động này.
Bốn ngày sau, Nghị sĩ Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida) giới thiệu dự luật kêu gọi rút toàn bộ quân đội Hoa Kỳ khỏi Syria.
Dự luật này đã thất bại nặng nề, với 321 nhà lập pháp bỏ phiếu chống và 103 phiếu ủng hộ.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times